Nghệ thuật KINTSUGI

NGHỆ THUẬT KINTSUGI
Lê Tấn Tài

Kintsugi (hay Kintsukuroi), tiếng Nhật có nghĩa “dùng vàng để hàn gắn”, là một nghệ thuật thủ công xuất hiện từ thế kỷ 15, chuyên phục hồi đồ gốm bằng cách sử dụng vàng. Kintsugi không chỉ là một loại hình nghệ thuật cổ xưa biến gốm vỡ thành những kiệt tác mới mẻ mà còn chứa đựng ý nghĩa triết lý sâu sắc về vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong cuộc sống.
Câu chuyện về Kintsugi bắt nguồn việc tướng quân Nhật Bản Ashikaga Yoshimasa làm vỡ một chiếc bát trà Trung Hoa quý giá. Ông gửi chiếc bát về Trung Hoa để hàn gắn lại, nhưng khi nhận lại, ông không hài lòng với kết quả và quyết định giao cho các thợ thủ công Nhật tìm phương cách mới. Nghệ nhân Kintsugi sửa chữa xuất sắc khiến ông rất vừa lòng.
Từ đó, Kintsugi phát triển thành một dạng nghệ thuật duy trì qua hơn 5 thế kỷ. Những vật phẩm trước đây có thể bị bỏ đi giờ đây được tái tạo một cách đặc biệt, mang lại vẻ đẹp mới lạ qua tài năng của các nghệ nhân. Dưới ý nghĩa “gắn kết bằng vàng”, các sản phẩm gốm sứ bị hỏng được tái tạo với loại keo từ sơn mài và các kim loại quý như vàng, bạc, hoặc bạch kim. Kintsugi minh chứng khả năng biến đổi, nơi các mảnh vỡ được ghép lại một cách nghệ thuật, tạo nên một vẻ đẹp sang trọng với những đường viền vàng.
Dù hình dạng gốc của sản phẩm không còn, Kintsugi với phép mầu của mình không chỉ bảo tồn mà còn tôn vinh và phát triển mạnh mẽ vẻ đẹp của nó, biến điểm hỏng thành điểm nhấn đặc biệt. Nghệ thuật này ngoài việc sửa chữa đồ vật, còn là sự hàn gắn cho tâm hồn và cơ thể, tạo ra một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Dựa trên tư tưởng “Wabi Sabi” chấp nhận sự không hoàn hảo, mong manh và thay đổi không ngừng của mọi vật, nghệ nhân tìm thấy vẻ đẹp và sự chân thực từ những vết nứt và cách họ hàn gắn những vết này. Họ tin rằng, mỗi đồ vật trở nên đặc biệt hơn nhờ những vết nứt riêng biệt của nó.
Qua một góc nhìn khác, việc kết nối những mảnh vỡ cuộc sống còn là hành trình tái tạo bản thân. Đây là biểu hiện của triết lý Zen, trân trọng sự giản dị, cũ kỹ và tìm kiếm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo. Câu ngạn ngữ Nhật “Cuộc đời ta như chiếc chén đã vỡ” thể hiện quan điểm này, nhấn mạnh rằng mỗi thất bại, tổn thương, và vấp ngã không hẳn là những vết sẹo gắn liền chúng ta suốt đời, nếu chúng ta biết cách chữa lành, những vết sẹo ấy lại là điều làm chúng ta mạnh mẽ và hoàn thiện hơn.
Kintsugi đem lại cho chúng ta bài học quan trọng trong cuộc sống: không cần phải ẩn giấu những tổn thương hay vết nứt vỡ, vì những điều nầy hiện hữu trong chính chúng ta. Kintsugi ca ngợi giá trị của những sai lầm và sự không hoàn hảo, khích lệ chúng ta đón nhận chúng một cách trân trọng. Mỗi “vết nứt” trong cuộc đời hay trên món đồ gốm đều ẩn tàng một câu chuyện độc đáo, cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa và đẹp đẽ hơn nếu những mảnh ghép được nối lại với nhau một cách tinh xảo.
Trong hai thập kỷ làm cố vấn, nhà tâm lý học người Tây Ban Nha, Tomas Navarro, đã chứng kiến nhiều người cảm thấy đời như nát tan bởi các chấn thương tinh thần và tâm lý. Ông tin rằng, Kintsugi là một phương pháp chữa lành vết thương tâm hồn và cách để mọi người tái tạo cuộc đời và trở nên kiên cường hơn. Điều này truyền cảm hứng cho ông viết “Kintsugi – Chấp nhận sự không hoàn hảo và tìm kiếm hạnh phúc theo phong cách Nhật Bản”, khích lệ mọi người áp dụng tinh thần Kintsugi vào đời sống hàng ngày. Kintsugi vượt qua ranh giới nghệ thuật, trở thành một triết lý kết hợp Đông Tây, chứng minh thực tế rằng từ những mảnh đổ vỡ có thể tạo nên vẻ đẹp đáng ngạc nhiên, và con người cũng có khả năng trải qua một quá trình biến đổi tương tự để trở nên tốt đẹp và cao quý hơn.
Trong tác phẩm “Kintsugi Wellness: The Japanese Art of Nourishing Mind, Body, and Spirit” (Kintsugi Sức khỏe và Hạnh phúc: Nghệ Thuật Nhật Bản Nuôi Dưỡng Tâm, Thân và Tinh Thần), tác giả Candice Kumai, người Mỹ gốc Nhật kiêm đầu bếp, đã mô tả làm thế nào để áp dụng phương pháp này vào cuộc sống hàng ngày, trong đó cô chia sẻ cách áp dụng triết lý và thực hành truyền thống Nhật Bản vào cuộc sống hàng ngày để đạt được sự cân bằng, hạnh phúc và sức khỏe. “Kintsugi Wellness” hướng dẫn về lối sống lành mạnh, nhắc nhở việc chấp nhận và tìm kiếm vẻ đẹp trong những trải nghiệm khó khăn của cuộc sống. Tác phẩm bao gồm nhiều khía cạnh:
– Chăm Sóc Bản Thân và Sức Khỏe Tinh Thần: Dành thời gian chăm sóc bản thân và tôn trọng nhu cầu của cơ thể, bắt đầu bằng việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng. Việc chăm sóc bản thân không chỉ ở mặt thể chất mà còn ở mặt tinh thần. Chúng ta thường giấu đi những tổn thương tinh thần để không lộ diện sự yếu đuối hoặc kém cỏi. Nhưng, Kintsugi dạy chúng ta rằng ngay cả những vết nứt cũng có thể trở nên đẹp đẽ khi được sửa chữa. Hãy học cách yêu thương những vết sẹo của mình và biết ơn những trải nghiệm đã mang lại bài học cho cuộc sống.
– Lối Sống và Thói Quen Hàng Ngày: Các thói quen và lối sống hàng ngày giúp duy trì sức khỏe và sự cân bằng, bao gồm việc tối giản hóa cuộc sống, tập trung vào hiện tại, và tạo dựng thói quen hàng ngày như thiền định và tập thể dục nhẹ nhàng.
– Nhìn Nhận Khó Khăn Như Cơ Hội: Cuộc sống luôn mang đến những bất ngờ và thách thức. Dù mất việc, tan vỡ trong mối quan hệ, bệnh tật hay mất mát, hãy xem đó như những cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn. Kintsugi tượng trưng cho việc tìm kiếm và phục hồi sự cân bằng, khiến cho mọi mảnh vỡ đều khớp với nhau một cách tinh xảo.
– Tự Chấp Nhận và Tái Tạo: Thay vì mải mê tìm kiếm sự hoàn hảo, hãy học cách chấp nhận và tìm kiếm vẻ đẹp trong những điều không thể thay đổi. Dừng lại việc so sánh bản thân với người khác, học cách buông bỏ, tha thứ cho bản thân và người khác, trân trọng sự giản dị và khiêm tốn bằng cách không mua sắm quá mức cần thiết.
– Cộng Đồng và Mối Quan Hệ:Tập trung vào tầm quan trọng của cộng đồng và mối quan hệ đối với sức khỏe tinh thần và hạnh phúc, khuyến khích việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ ý nghĩa.
Người Nhật, với trái tim luôn hướng về cái đẹp, bị cuốn hút bởi những vẻ đẹp của những điều dường như nhỏ bé nhất, ngay cả khi biết rằng chúng không thể tồn tại mãi mãi trong dòng chảy của thời gian. Đất nước mặt trời mọc, đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt, đã nuôi dưỡng một sức mạnh và ý chí kiên cường, phát triển một quan điểm thẩm mỹ riêng biệt, tìm thấy vẻ đẹp trong sự nứt nẻ, vỡ vụn.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trọn vẹn như viên pha lê mà chúng ta hằng mơ ước. Tuy nhiên, nếu biết cách đứng dậy sau mỗi cú sốc, xây dựng cho mình một ý chí mạnh mẽ, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tuyệt vời, nhờ cái nhìn khoan dung và trân trọng với vẻ đẹp không hoàn hảo. Trong nhịp sống hối hả của thời đại, khi chúng ta dành thời gian để nhìn lại và cảm nhận thiên nhiên, chúng ta bắt gặp sự tương đồng đặc biệt giữa vẻ đẹp tự nhiên và mỹ thuật Kintsugi. Rời xa nhưng bực bội của những tòa nhà chọc trời và áp lực công việc, hãy như nghệ nhân Kintsugi chấp nhận vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, để mở ra cánh cửa của sự hoàn thiện và tái tạo.
*********
Xin giới thiệu một vài nhân vật nổi tiếng từng sống trong cảnh nghèo khó, bệnh tật, thân phận côi cút và thậm chí bị lạm dụng tình dục nhưng họ không bị quật ngã. Paulo Coelho, nhà văn Brasil từng nói: “Có những con người, vào trong những thời điểm nào đó ở vào lúc không còn gì để mất. Họ có thể quyết tâm vươn lên, sẵn sàng mạo hiểm để thành công.” Danh sách những người đã vượt qua nghịch cảnh minh chứng cho sức mạnh của sự kiên nhẫn và quyết tâm trong việc đối đầu với khó khăn để đạt thành công.
– Charlie Chaplin, sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ tại London năm 1889, đã trải qua tuổi thơ nghèo khó và đầy thử thách sau cái chết của cha và vấn đề sức khỏe tâm thần của mẹ. Chaplin đã phải làm việc rất sớm và sống trong các cơ sở nuôi dưỡng để tự nuôi sống mình. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, anh đã nhanh chóng thể hiện tài năng diễn xuất và trở thành một trong những ngôi sao lớn nhất của kỷ nguyên phim câm. Chaplin không chỉ thành công như một diễn viên mà còn là một đạo diễn, nhà sản xuất và nhạc sĩ tài năng, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử điện ảnh với các tác phẩm đáng nhớ như “The Kid”, “City Lights”, “Modern Times”, “The Great Dictator”.
– Dhirubhai Ambani sinh ra trong một gia đình nghèo tại thuộc địa Aden (miền Nam Yemen) năm 1932. Lúc này, Dhirubhai Ambani làm việc tại một cây xăng ở Yemen và bắt đầu kinh doanh với mặt hàng gia vị và dệt may. Năm 1958, cả gia đình quay về sinh sống tại Ấn Độ. Lúc đầu, gia đình ông cư ngụ trong một căn hộ 2 phòng ngủ ở khu Anil Ambani, Mumbai. Vào năm 1966, với tầm nhìn xa, ông đã thành lập Reliance Industries, một công ty ban đầu hoạt động trong lĩnh vực vải dệt và polyester. Ambani nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm dầu khí, dầu nhờn, viễn thông, và năng lượng. Ông thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Ấn Độ qua việc xây dựng và thực hiện các dự án quan trọng, đồng thời tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân Ấn Độ. Với tư duy sáng tạo và khả năng lãnh đạo xuất sắc, Dhirubhai Ambani đã biến Reliance Industries thành một trong những tập đoàn hàng đầu ở Ấn Độ và thế giới. Ông được coi là một biểu tượng trong cộng đồng doanh nhân trước khi qua đời vào năm 2002. Cái tên của Mukesh Ambani cũng góp mặt trong danh sách những người giàu có và quyền lực nhất thế giới.
– Leonardo Del Vecchio, sinh năm 1935 tại Italy, cha ông qua đời chỉ 5 tháng trước khi ông sinh ra. Mẹ ông phải đối mặt với cuộc sống đơn độc và khó khăn, buộc phải gửi ông vào trại trẻ mồ côi. Ông lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn và bắt đầu làm việc trong một xưởng sản xuất gọng kính. Tuy nhiên, sự kiên trì và nỗ lực của ông đã được thể hiện khi ông mở cửa hiệu riêng bán gọng kính khi mới 23 tuổi, sản xuất các sản phẩm này bằng chính tay mình. Đến năm 32 tuổi, ông đã thành công trong việc bán các sản phẩm kính hoàn chỉnh dưới thương hiệu Luxottica. Ngày nay, Luxottica là một trong những nhà sản xuất kính mắt hàng đầu trên thế giới, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Ray-Ban, Oakley, và nhiều nhãn hiệu khác. Leonardo Del Vecchio hiện đang được coi là một trong những người giàu có nhất tại Italy, là một ví dụ điển hình về sự thành công từ hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực không ngừng.
– Richard Branson sinh năm 1950 ở London (Anh quốc), mắc chứng bệnh khó đọc, không thể học tốt ở trường, nhưng lại tỏ ra khá quan tâm đến những điều mà lớp học không dạy. Ông bắt đầu kinh doanh ở tuổi 15. Thật không may, vụ việc bị phát hiện, ông bị đuổi khỏi trường một năm sau đó. Điều này đã khiến ông khá sốc, thậm chí, còn có ý định tự tử và đã viết một lá thư tuyệt mệnh. Sau sự việc này ông được quay lại trường học, song cuối cùng ông bỏ học ở tuổi 16. Chàng trai trẻ Branson quyết định lập ra tạp chí Kinh doanh 2.0 với quyết tâm là tạp chí đầu tư do sinh viên làm ra và dành cho sinh viên. Tuy nhiên, kết quả không như kỳ vọng và ông chuyển sang mở hãng đĩa thu âm bán đĩa nhạc qua đường bưu điện dưới tên “Virgin”, với giá rẻ hơn so với các cửa hàng truyền thống. Ý tưởng này đã nhanh chóng phát triển thành một chuỗi cửa hàng âm nhạc, đánh dấu sự khởi đầu của đế chế Virgin. Trong những năm tiếp theo, Branson mở rộng hoạt động kinh doanh của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm hàng không (với Virgin Atlantic), viễn thông (Virgin Mobile), và thậm chí du lịch vũ trụ (với Virgin Galactic). Ông nổi tiếng với phong cách kinh doanh phi truyền thống và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Branson được phong tước “Sir” vào năm 2000 vì những đóng góp của mình cho ngành kinh doanh và từ thiện. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là minh chứng cho tinh thần doanh nhân không ngừng nghỉ, sự sáng tạo không giới hạn, và cam kết với việc cải thiện thế giới.
– Howard Schultz sinh năm 1953, lúc nhỏ sống ở khu dân cư nghèo Brooklyn, New York, cha mẹ ông đều là những người có thu nhập thấp. Cả nhà phải sinh sống trong khu nhà ở xã hội đã xuống cấp và điều này khiến ông nhận thức được rõ ràng về việc gọi là sự chênh lệch giàu nghèo trên thế giới. Năm Schultz lên bảy tuổi, sóng gió lại một lần nữa ập đến với gia đình ông khi người cha của ông gặp tai nạn mất cả chân trong lúc lái xe tải. Cũng chính vì tai nạn này, thu nhập của gia đình đã ít còn trở nên ít ỏi hơn. Điều này cũng khiến cho Howard phải tìm mọi cách để có cơ hội đi học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Northern Michigan vào năm 1975, Schultz bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực bán lẻ, làm việc cho nhiều công ty khác nhau như Xerox Corporation và Hammarplast. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông bắt đầu nổi tiếng khi ông gia nhập Starbucks vào năm 1982. Schultz đã góp phần quan trọng trong việc phát triển Starbucks từ một cửa hàng cà phê nhỏ ở Seattle thành một đế chế cà phê toàn cầu. Ông chịu trách nhiệm cho việc mở rộng quy mô và phong cách của Starbucks trên toàn cầu, biến nó thành một biểu tượng văn hóa và thương hiệu quốc tế.
– Chris Gardner sinh năm 1954 tại Milwaukee, Wisconsin (Mỹ) là một doanh nhân Mỹ và là một diễn giả nổi tiếng. Câu chuyện cuộc đời của ông được nhiều người biết đến qua cuốn hồi ký “The Pursuit of Happyness”, sau này được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự tham gia của Will Smith, người đóng vai Gardner. Câu chuyện đời ông truyền cảm hứng cho nhiều người về khả năng vượt qua những thách thức lớn trong cuộc sống để đạt được thành công. Trong những năm đầu đời, Gardner phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông lớn lên mà không có cha, sống trong cảnh nghèo đói, bị bạo hành, bị bỏ rơi, bạo lực gia đình và vấn đề tù tội trong gia đình, kể cả thời kỳ ông lang thang với con trai nhỏ của mình từ nhà tắm công cộng đến các trạm tàu điện ngầm. Dù gặp phải nhiều thách thức, ông không bao giờ từ bỏ ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuộc đời của Gardner bước sang một trang mới khi ông quyết định theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính, dù không có bằng đại học hay kinh nghiệm trong ngành. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng cách tham gia một chương trình đào tạo môi giới chứng khoán và giành được một vị trí thực tập không lương tại một công ty môi giới, nơi ông rất thành công. Năm 1987 thành lập Gardner Rich & Co, một công ty môi giới chứng khoán riêng của mình.
– Oprah Winfrey sinh năm 1954, lớn lên trong nghèo đói và phải đối mặt với nhiều thách thức từ khi còn nhỏ, bao gồm bị lạm dụng tình dục và bị bỏ rơi. Dù vậy, cô đã không ngừng nỗ lực và dùng những trải nghiệm cá nhân để truyền cảm hứng và thay đổi cuộc sống của người khác. Cô trở thành một trong những nhân vật truyền hình nổi tiếng nhất và là một doanh nhân, nhà sản xuất, và nhà từ thiện thành công của Hoa Kỳ. Cô là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành tỷ phú tự thân và được coi là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới. Sự nghiệp truyền hình của Oprah bắt đầu khi cô làm việc tại một đài truyền hình địa phương ở Nashville, sau đó chuyển đến Baltimore, nơi cô dẫn chương trình talk show “People Are Talking”. Cô nổi tiếng toàn quốc khi chuyển đến Chicago vào năm 1984 để dẫn dắt chương trình “AM Chicago”, sau đó được đổi tên thành “The Oprah Winfrey Show” vào năm 1986. Chương trình này nhanh chóng trở thành talk show được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ, với những cuộc phỏng vấn sâu sắc, đề cập đến nhiều vấn đề xã hội và cá nhân. Oprah cũng thành công trong việc mở rộng đế chế truyền thông của mình, bao gồm việc thành lập Harpo Productions, một công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình, và sau này là kênh Oprah Winfrey Network (OWN). Bên cạnh đó, cô cũng nổi tiếng với việc thành lập Oprah’s Book Club, một chương trình khuyến đọc đã thúc đẩy doanh số bán sách và truyền cảm hứng cho hàng triệu người đọc.
– Steve Jobs sinh năm 1955, cha ruột của ông là Abdulfattah “John” trong một gia đình người Arab theo đạo Hồi ở Homs, mẹ ông theo đạo Thiên Chúa gốc Thụy Sĩ và Đức. Do gia đình bên ngoại phản đối, nên ngay sau khi Steve Jobs sinh ra, mẹ ruột ông đã giao ông cho một cặp vợ chồng không mấy giàu có ở California nhận làm con nuôi. Khi đến tuổi đi học, ông thường xuyên bị nhà trường trả về vì hay quậy phá trong lớp. Tới năm lớp 7, ông cũng bị bạn bè bắt nạt khi đến trường. Trong quãng thời gian đại học, ông bắt đầu học tại Reed College nhưng sau đó buộc phải bỏ học do khó khăn về tài chính, dù vậy ông vẫn tiếp tục tham gia các lớp học dưới hình thức dự thính. Vào năm 1976, Công Ty Apple ra đời trong garage xe của gia đình. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, có lần bị sa thải khỏi công ty do chính mình thành lập, cuối cùng Steve Jobs được tất cả thừa nhận khi biến Apple thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. trở thành người tiên phong với những sản phẩm công nghệ đột phá như iPod, iPhone, iPad.
– Lương Việt Quốc sinh năm 1964 ở Sài Gòn, trong một gia đình có 9 anh chị em, cùng sống dưới mái chòi rách chỉ rộng vỏn vẹn 10m2 tại xóm Gò Mả, khu vực nghèo nằm dọc theo kênh Rạch Lào đầy rẫy tệ nạn xì ke, trộm cắp. Trong những ngày thơ ấu, anh phải vật lộn với cuộc sống bên dòng rạch, kiếm sống qua việc thu gom rác phế liệu đến 1-2 giờ sáng. Nhờ vào lòng quyết tâm và sự chăm chỉ, anh có cơ hội đặt chân đến Mỹ để theo học tại thành phố Ithaca. Tại đây, anh đã đạt được những thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, giành được nhiều học bổng và sau cùng lấy bằng tiến sĩ tại Viện Đại học California – Berkeley. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc ở Thung lũng Silicon và nhận thấy tiềm năng của công nghệ drone, anh quyết định thành lập Công ty Real-time Robotics (RtR) vào năm 2014, và mở rộng hoạt động sang Việt Nam sau ba năm. Lương Việt Quốc được biết đến với sự đóng góp của mình trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới vào lĩnh vực robot hóa, giúp tăng cường hiệu suất và linh hoạt trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng. Anh cũng là một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, đã công bố nhiều bài báo khoa học và có nhiều sáng kiến đột phá. Với sự lãnh đạo của anh, Công ty Real-time Robotics đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và được công nhận là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực robot hóa và tự động hóa.
– J.K. Rowling sinh tại Yate (Anh quốc) năm 1965, đã trải qua những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống cá nhân của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Exeter, cô làm việc cho Amnesty International trước khi chuyển đến Bồ Đào Nha để dạy tiếng Anh. Cuộc hôn nhân đầu tiên của cô tan vỡ, và phải một mình nuôi con, sống dựa vào trợ cấp xã hội. Trong giai đoạn này, cô đã phải vật lộn với tình trạng nghèo đói và trầm cảm. Cô là một tác giả người Anh nổi tiếng toàn cầu với series sách Harry Potter. “Harry Potter and the Sorcerer’s Stone” được xuất bản vào năm 1997 sau nhiều lần bị từ chối bởi các nhà xuất bản khác nhau. Sự thành công của cuốn sách đầu tiên đã mở đường cho bảy cuốn tiếp theo, mỗi cuốn đều đạt được thành công lớn. Câu chuyện về cậu bé phù thủy đã bán được hàng trăm triệu bản trên khắp thế giới và được dịch ra hơn 80 ngôn ngữ, làm nên một trong những series sách bán chạy nhất mọi thời đại.
Có thể là hình ảnh về đồng thau
 
 
 
 

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply