Bến gió lặng

BẾN GIÓ LẶNG
Truyện Ngắn
Lê Tấn Tài

Ở một vùng biển không tên, nơi gió thổi quanh năm và cát mặn bám vào vách lá như lời thì thầm của sóng, người ta vẫn nhớ đến một lão ngư tên Sáu Gió. Không ai còn nhớ rõ lão từ đâu trôi dạt tới, chỉ biết từ ngày lão dựng chòi bên bến cá, sóng như lặng hơn mỗi buổi chiều, và đám trẻ con thì không còn sợ biển nữa.
Người ta kể lão từng một mình giữ tàu trong đêm bão, từng đốt cả chiếc tàu để giữ lại một phần lương tâm, và từng nói rằng: “Biển nuôi mình, nhưng cũng dạy mình. Đừng bao giờ lừa biển.”
Có lẽ, ai đã từng sống với biển đều hiểu: những người như lão – giống như cơn gió – đến nhẹ tênh, đi không dấu, nhưng để lại âm vang rất lâu trong lòng người ở lại.
*******
Lão Sáu Gió sống dưới chân cầu đá Gành Hào, trong căn chòi dựng bằng những tấm ván nhặt nhạnh từ xác ghe mục nát. Người ta gọi lão là “Sáu Gió” bởi ba lần lão thoát chết giữa tâm bão, một lần bị cướp biển trói vào cột buồm, hai lần tàu hỏng máy trôi dạt suốt đêm giữa biển khơi. Ấy vậy mà sáng nào lão cũng dậy từ lúc sương chưa tan, lững thững quanh bến tàu, bàn tay chai sạn vuốt nhẹ vào mạn tàu như chào hỏi bạn tri kỷ.
Khi chân trời ửng đỏ ráng chiều, những con tàu cá mệt mỏi lần lượt trở về bến, mang theo mùi mặn của muối và vị đắng của cuộc đời. Trên khuôn mặt rám nắng của những ngư phủ dày dạn sóng gió, từng vết hằn in sâu như bản chép của cả đời mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió.
Biển chẳng phải lúc nào cũng hào phóng. Mấy mùa nay, cá ngày một thưa thớt. Mực như lẩn trốn dưới đáy sâu, tôm hùm chết hàng loạt vì nước biển ấm lên, còn cá chim, cá đuối — giờ chỉ còn là cái tên xa lạ trong sách vở. Có hôm, Sáu Gió ra khơi ba ngày ba đêm, trở về tay trắng, lưới chỉ vướng vài con cá nục ươn cùng mớ rong biển tả tơi.
Khi biển cạn cá, lão đành phải neo tàu xa hơn, liều mình tiến vào vùng nước dữ. Nhưng càng ra khơi, hiểm nguy càng chồng chất. Biển không còn là người mẹ hiền. Có lần, giữa lúc kéo lưới, gió chướng bất ngờ nổi lên, sóng cuộn ầm ầm, cột nước xoáy như rồng trời giận dữ. Con tàu chòng chành như chiếc lá rơi, buồm rách tả tơi, máy chết cứng giữa biển. Lão nằm thoi thóp ba ngày trời, hứng nước mưa trong tà áo để nuốt từng ngụm, úp mặt xuống sàn tàu cầu xin thần Nam Hải mở lòng thương.
Bữa nọ, vừa ra khỏi cửa biển Gành Hào được vài hải lý, trục lái gãy, máy tắt ngúm. Con tàu mất phương hướng, bị sóng đánh dạt khỏi luồng. Biển lúc ấy không nổi sóng lớn, nhưng lạnh thấu xương như hơi thở của tử thần. Trong khoang tàu im lặng chết chóc, chỉ văng vẳng tiếng kẽo kẹt khô khốc của trục bánh lái khô dầu, cùng những ánh mắt dán chặt vào chiếc radio cũ kỹ – hy vọng mong manh vào tín hiệu cứu nạn từ một con tàu nào đó. May thay, một tàu bạn tình cờ đi ngang qua, kéo họ trở về trong màn mưa xối xả.
Không chỉ thiên nhiên khắc nghiệt. Gần cửa biển, lũ cướp sông thường lảng vảng — chẳng những cướp cá mà còn đập phá cả ngư cụ. Rồi tới bọn “ngư tặc” từ phương xa: tàu lớn, máy khỏe, vét sạch đáy biển bằng những phương tiện tận diệt không chừa một con tôm con cá. Sáu Gió ngồi bó gối trước mẻ lưới rách tươm, đôi tay gân guốc lặng lẽ xỏ từng mũi kim. “Còn tàu, còn lưới, còn biển là còn sống” — lão nói với bạn chài, cũng như tự nhủ với chính mình, giọng khàn đặc vị muối biển.
Những tên cướp biển thời nay đâu có bịt mặt hay mặc áo sọc như trong phim. Chúng chạy xuồng máy cao tốc hoặc tàu gỗ cải tiến, trong tay là mã tấu rỉ sét, thậm chí súng tự chế thô sơ. Mục tiêu của chúng là những chiếc tàu nhỏ, máy yếu, đơn độc giữa biển khơi — những con mồi dễ bị tổn thương nhất.
Chúng thường áp sát bất ngờ trong đêm tối hoặc khi sương mù dày đặc, khống chế cả tàu chỉ trong chớp mắt. Chúng lấy hết: cá, dầu, máy móc, thậm chí cả lưới vó — để mặc ngư dân trơ trọi giữa biển, không còn phương tiện trở về. Tệ hơn, có khi chúng còn hành hung, thậm chí bắt người làm con tin để đòi tiền chuộc với gia đình.
Đã có lần, bạn tàu của lão Sáu bị đánh vỡ quai hàm chỉ vì giấu được một con cá mú đỏ — thứ hàng hiếm, đáng giá cả tuần đánh bắt. Một lần khác, lúc Sáu Gió và thằng bạn chài nhỏ tuổi ngủ gục bên bánh lái, những bóng đen xuất hiện như từ lòng biển trồi lên. Ánh trăng lạnh lẽo vạch rõ từng đường gân trên cánh tay những kẻ lăm lăm mã tấu. Lão không nhớ mình đã phản ứng ra sao, chỉ nhớ ánh mắt của thằng nhỏ — mở tròn, đờ đẫn như con thú bị dồn vào chân tường, lúc nó ngã sóng soài trên sàn tàu. Lão quỳ sụp xuống, dang đôi tay gầy guộc như tấm khiên sống che chắn trước lưỡi dao sắc lạnh. Chúng đi nhanh như cơn lốc. Lưới bị cắt nham nhở, khoang cá sạch trơn, máy xăng cũng bị tháo mất. Không ai đổ máu, nhưng có những vết thương không thấy hình — thứ vết cứa ăn sâu vào tận tim gan. Khi lão kéo được tàu về gần bờ, thằng nhỏ hỏi, giọng nhỏ như sợ gió cuốn mất:
— Mình còn ra khơi nữa không, chú?
Lão im lặng, mắt dán vào đường chân trời mờ ảo — một vệt sẹo dài chưa bao giờ chịu lành.
Một sáng, trời âm u. Lão Sáu quyết định cho thằng Kình theo ra khơi lần đầu. Lão nói:
— Cho nó biết cái nghề của dòng họ.
Thằng Kình — cháu nội lão — năm nay lên mười. Cha nó mất tích năm ngoái trong một chuyến đánh lưới bạc má xa bờ. Tàu mất tín hiệu giữa biển. Có người bảo bị cướp, kẻ khác nói bão đánh tan xác. Lão Sáu không tin. Lão cứ lặp đi lặp lại:
— Biển lấy ai thì cũng có ngày trả lại. Biết đâu bữa nào nó trôi về, bám vô khúc ván mục, như tao hồi đó.
Tàu cũ mèm, máy đề phải đạp đến chục lần mới chịu nổ. Kình ngồi nép bên cabin, mắt mở to nhìn biển mờ trong sương xám. Nó chẳng nói gì, chỉ ôm chặt cái túi lưới — bên trong có vài ổ bánh mì khô và chai nước lọc.
Ra khỏi cửa biển, sóng bắt đầu nổi lớn. Lão Sáu thả lưới gần một doi đá. Một lúc sau, lưới nặng trĩu. Kéo lên chỉ toàn rong rêu và một con cá hố dài ngoằng. Lão thở dài:
— Biển giờ như người già… đau mà không buồn nói nữa.
Bất chợt, mây cuộn lên. Gió quần dữ dội như roi quất xuống mặt nước. Ghe chao đảo. Máy hụt hơi rồi tắt ngúm. Lão Sáu nhảy xuống khoang, đạp máy, châm dầu, vỗ vào thành máy như dỗ một đứa trẻ. Không nổ. Biển bắt đầu nuốt mọi âm thanh.
Thằng Kình run lên, mắt tròn xoe. Lão ôm chặt nó, thì thầm:
— Không sao đâu con. Tàu này quen gió rồi.
Gió gào lên từng hồi, mưa quất ràn rạt. Trong khoảnh khắc ấy, lão thấy rõ từng khuôn mặt thân thương đã khuất — đứa con trai, người vợ, cả bà mẹ già — hiện về qua làn mưa trắng xóa.
Nhưng rồi… một ánh đèn vàng chớp nháy trong màn mưa — tàu kiểm ngư! Tàu lão được kéo về bến khi trời đã sụp tối.
Đêm đó, khi thằng Kình ngủ thiếp trong vòng tay gầy guộc của nội, lão Sáu ngồi hút thuốc bên mạn tàu. Đốm lửa đỏ lập lòe trong gió như trái tim cứng đầu chưa chịu lụi tàn.
Sáng hôm sau, người ta thấy lão tẩn mẩn vá từng mắt lưới. Còn thằng nhỏ, lặng lẽ ngồi nhìn — bài học đầu tiên về sự tàn khốc của biển cả.
Biển tháng Ba không ồn ào. Nó lặng lẽ, giấu kín những lưỡi dao sắc dưới lớp mặt nước phẳng lìm như tấm gương. Lão Sáu Gió hiểu rõ điều đó — bởi lão từng chứng kiến không ít đêm tương tự: trời vắng sao, biển im sóng, vậy mà máu vẫn loang giữa làn nước đen ngòm.
Một đêm nọ, lão nhận được lời rủ rê “đi chuyến hàng” từ một gã quen mặt ở bến cảng. Hắn từng đi chung tàu với con trai lão, sau bỏ nghề biển, chuyển sang “vận chuyển hàng thuê”. Trong bụng ai cũng biết, thứ hàng ấy chẳng phải cá, mực, mà là thuốc phiện, hàng lậu, có khi cả mạng người.
Lão Sáu Gió lắc đầu từ chối. Nhưng vừa quay lưng bước đi, gã kia đã đưa tay chộp lấy thằng Kình đang nô đùa gần đó:
— Thằng nhỏ kháu khỉnh quá… Chỗ này vắng hoe, không ai coi chừng. Hay để nó lên tàu ngủ với tụi tao một đêm?
Lão quay phắt lại, ánh mắt lóe lên như tia chớp giữa trời giông. Lần đầu tiên người ta thấy Sáu Gió nổi giận thật sự. Bàn tay gân guốc của lão đập mạnh vào cánh tay gã, giọng nói bật ra qua kẽ răng siết chặt:
— Tụi bây mà đụng tới nó, tao chết cũng kéo theo vài đứa.
Ba đêm liền, tàu của lão Sáu bỗng biến mất khỏi bến. Người trong xóm xì xào:
— Ổng đi chuyến hàng rồi!
Người thì lắc đầu chua chát, kẻ bĩu môi:
— Biển cạn thì tôm cá cũng phải lội xuống bùn thôi…
Rạng sáng ngày thứ tư, một chiếc tàu cháy dở trôi dạt vào cửa biển. Trên boong là ba cái xác cháy nám — trong đó có một gã từng hay lảng vảng quanh chợ cá — cùng đống hàng lậu bị lửa liếm nham nhở. Lão Sáu thì mất tích.
Mãi đến chiều, có người thấy lão về. Máu khô bám đầy người, tay quấn tạm bằng mảnh vải xé từ áo ướt sũng nước biển, lưng còng xuống thấy rõ. Lão không nói một lời, chỉ lặng lẽ ôm chặt thằng Kình, nước mắt chảy dọc theo vết cháy sém trên má.
Phải đến một tuần sau, lão mới chịu mở miệng, nói với ông từ chùa Gò. Người ta kể lại: bọn buôn ép lão đi chuyến hàng vì lão rành luồng lạch. Lão giả vờ thuận theo, chở chúng ra khơi. Đến lúc chúng ngủ say, lão châm lửa đốt khoang, ôm theo cái la bàn và túi cá khô, rồi nhảy xuống biển.
— Lửa đó không chỉ đốt chiếc tàu … mà còn đốt sạch cái phần hèn mạt còn sót lại trong người tao.
Ông từ ngập ngừng hỏi:
— Lỡ chết giữa biển thì sao?
Lão ho sặc sụa, rồi cười khẽ:
— Chết… đâu có đáng sợ bằng sống mà để thằng nhỏ thấy mình là thằng hèn.
Nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối lão Sáu Gió ra khơi. Con tàu cũ giờ nằm chỏng chơ giữa sân, phủ đầy bụi muối và rong khô. Không ai dỡ bỏ, cũng chẳng ai dám vứt đi — như thể nó còn đang chờ một chuyến biển nữa, dù chỉ là trong ký ức.
Lão không còn xuống sóng, nhưng suốt ngày ngồi kể chuyện biển: nào là cá mập ở vùng nước sâu, chuyện tàu ma trôi lềnh bềnh không người lái. Mỗi lần kể xong, lão lại dặn:
— Nhớ kỹ, biển nuôi mình, nhưng cũng dạy mình. Đừng bao giờ lừa biển.
Có đứa nhỏ tò mò hỏi:
— Vậy biển có bao giờ tha người không, ông Sáu?
Lão khẽ cười, mắt nheo lại dưới nắng:
— Tha hay không là do mình có chịu quay đầu… trước khi quá muộn.
Tụi nhỏ vây quanh, chăm chú nghe lão kể về những con sóng lật ghe, về đàn cá bạc lấp lánh như trăng non, về bọn cướp biển đến rồi đi như bóng đêm trôi qua rặng dừa. Chúng chẳng thấy sợ, bởi giọng lão ấm như bếp lửa, và đôi mắt lão sáng rực như ngọn đèn dầu giữa cơn giông bão.
Một buổi chiều nước lớn, lão ra bến sông một mình. Ngước mắt nhìn trời, tay vuốt ve bụng con tàu nhỏ, cũ kỹ, miệng lầm rầm những lời không ai nghe rõ. Một cơn gió thoảng qua — nhẹ như cái vỗ vai từ một người bạn cũ.
Và thế là… chẳng ai biết hành trình cuối cùng của lão Sáu Gió bắt đầu tự bao giờ, hay lặng lẽ kết thúc nơi đâu. Chỉ biết rằng, mỗi lần có đứa trẻ ngồi trên mép tàu ấy để nghe kể chuyện, biển như sống lại — hiền hòa, dữ dội và bất tử.
Thằng Kình lớn lên theo năm tháng, nối nghiệp cha ông. Nó học nghề chài lưới, rồi thành thạo cả việc sửa máy ghe tàu, rành rẽ điện đàm như dân chuyên. Năm nó mười tám tuổi, một đoàn thiện nguyện từ Sài Gòn xuống vùng biển khảo sát, chuẩn bị mở lớp dạy cứu hộ – cứu nạn. Họ sững người khi thấy một lão ngư gần bảy mươi tuổi đang say sưa giảng cho lũ nhỏ cách “nghe tiếng sóng” để đoán hướng dòng chảy.
Một người trong đoàn tò mò hỏi:
— Cụ từng học ở đâu vậy?
Lão Sáu cười hềnh hệch, để lộ mấy chiếc răng vàng khè:
— Tôi học ở đáy biển, mấy lần suýt làm mồi cho cá.
Cả đoàn bật cười. Nhưng rồi họ vẫn trân trọng mời lão làm cố vấn danh dự cho chương trình, và đề nghị tài trợ một mái nhà mới thay cho căn chòi cũ kỹ, dột nát.
Lão xua tay, lắc đầu:
— Già này quen nghe ván kêu cót két rồi. Đêm nào gió không rít qua khe vách lá, nằm trằn trọc mãi không yên…
Cuối năm đó, một tàu cá mất tích trong cơn áp thấp nhiệt đới, cách bờ hơn năm mươi hải lý. Sóng lớn gió dữ, không tàu nào dám ra. Thằng Kình đứng ra kêu gọi lập đội cứu hộ. Người đầu tiên giơ tay chính là lão Sáu Gió.
Chuyến đi ấy đã cứu sống năm ngư dân. Khi đoàn tàu trở về, bầu trời đã quang, ánh trăng vằng vặc treo lơ lửng trên ngọn buồm. Dân làng cầm đuốc đứng dọc bến, mắt ai nấy đỏ hoe. Lão Sáu lặng lẽ đứng nép sau đám đông. Chỉ có thằng Kình bước tới, dúi vào tay lão một con ốc biển cũ kỹ:
— Nội cầm lấy. Con vớt được nó dưới xác chiếc tàu năm xưa…
Lão run run cầm lấy, môi mấp máy điều gì không ai nghe rõ. Dưới ánh đuốc, một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhăn nheo, rơi xuống bàn tay chai sần hằn bao vết tích thời gian.
Lão Sáu ra đi trong giấc ngủ yên bình, một sớm tháng ba. Ngoài khơi xa, gió thổi nhè nhẹ như tiếng thở dài của một kiếp người vừa khép lại. Trên bàn thờ đơn sơ, tấm ảnh lão ngồi bên mạn tàu vẫn cười hóm hỉnh, tay nâng chén trà, mắt hướng về phía chân trời mù khơi.
Không tượng đồng, bia đá. Người ta chỉ đặt tên bến cá là Bến Gió Lặng để nhớ về lão. Mỗi lần đi ngang, ai nấy đều dừng chân giây lát, lặng lẽ nhìn ra biển khơi — như thể gửi lời chào đến người xưa, người đã dạy họ rằng: sau mỗi cơn bão cuộc đời, bao giờ cũng có một khoảng lặng bình yên.
San Jose, 12/6/2025

May be an image of boat, body of water, beach, horizon and twilight
 
 

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply