NGHĨ VỀ CÁI CHẾT
Lê Tấn Tài
Cái chết là một chủ đề sâu sắc và phức tạp, đã thu hút sự quan tâm của con người suốt hàng ngàn năm. Nói về cái chết có thể đề cập đến các khía cạnh về tâm linh, triết học, xã hội và cá nhân.
Cuộc sống như những cánh hoa nở rực rỡ, nhưng dần tàn úa, lụi tàn dưới ánh nắng mặt trời, và khi đêm buông xuống, tăm tối tràn ngập, cái chết tiến tới như một ánh sáng cuối cùng, trái tim ngừng đập, hơi thở cạn đi, thân xác trở nên lạnh lẽo, đời tan biến… Mọi người sống trên trần gian này dù giàu hay nghèo, có danh vọng hay không có, tất cả đều phải chết, đó là định mệnh chung cho tất cả mọi người. Đứng trước cái tất định bất khả kháng ấy, làm sao con người lại không cảm thấy rằng đời sống mà mọi người mong ước chỉ là sản nghiệp mong manh và chóng qua. Nó như một cái bóng, một hơi thở, một điều hư vô, đời sống chỉ là phù vân…
Trong một số trường hợp cái chết đến quá sớm, như tai nạn, bệnh tật hay thảm họa, gắn liền với sự bất công và sự thương tâm, cái chết mang ý nghĩa sâu xa hơn, như một sự thể hiện về sự mất mát, cô đơn và khát vọng chưa được trọn vẹn, gây ra nỗi đau và mất mát lớn đối với người thân và bạn bè của người đã mất. Một số trường hợp khác, cái chết được nhắc đến như một sự giải thoát, một cách để thoát khỏi đau khổ và gánh nặng cuộc sống. “Cuộc đời là sa mạc, cuộc đời cô độc, cái chết đưa chúng ta trở về với nhân loại.” (Edward Young – thi sĩ Anh). Điều này tạo ra một sự nhận thức sâu sắc về tính tạm thời của cuộc sống. Nó đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với sự thật về cái chết và quan tâm đến việc làm thế nào chúng ta có thể sống cuộc sống ý nghĩa trong thời gian chúng ta còn sống. “Ai cũng phải tự mình làm lấy hai điều; niềm tin của chính mình và cái chết của chính mình.” (Martin Luther – nhà thần học Đức).
Sự nhận thức về cái chết có thể thúc đẩy con người tìm kiếm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống, đồng thời cân nhắc về những hành động và quyết định của mình. Mark Twain (nhà văn Mỹ) nói: “Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào.”
Khắp thế giới và qua các thời đại, con người đã phát triển các quan điểm và quan niệm khác nhau về cái chết. Các tôn giáo có những quan điểm riêng về sự sống sau cái chết và ý nghĩa của nó.
Phật Giáo coi sự sống và cái chết là một quá trình xoay vần liên tục. Cái chết không phải là một “dạng thể” đối nghịch với sự sống, mà thay vào đó là một quá trình “đảo ngược” so với sự sinh gồm sự hình thành, già cỗi, bệnh tật và chết chóc (sinh, lão, bệnh, tử). Quá trình “tiến lên” của sự sống và “đảo ngược” của cái chết tạo ra một “chu kỳ vòng tròn” vô tận. Chúng ta chỉ có thể quan sát được quá trình tiến lên của sự sống mà không thể hình dung quá trình đảo ngược của nó, tức là cái chết và những gì diễn ra sau cái chết, vì quá trình này bao gồm sự tan rã của những hình thành để tạo ra điều kiện cần thiết đưa đến một sự hình thành khác. Nói cách khác, chúng ta chỉ thấy “bằng mắt” một nửa của chu kỳ vòng tròn này. Sự sống và cái chết, ở một khía cạnh tổng quát, không khác gì các hiện tượng khác, tất cả đều phụ thuộc vào sự chuyển động chung của vũ trụ. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, cái chết vẫn là sự tan rã của những thứ đã được hợp thành. Theo quan điểm Phật Giáo, hạt giống của sự tan rã này đã hiện diện từ khi sự sinh bắt đầu, từ lúc tinh trùng kết hợp với trứng, không chỉ khi tim ngừng đập và phổi ngừng thở. Phật Giáo đưa ra nhiều quan điểm khác biệt nhau về cái chết. Nếu đã có nhiều quan điểm khác nhau thì tất nhiên cũng sẽ phải có nhiều phép tu tập khác nhau. Thế nhưng cái chết cũng chỉ là một hiện tượng duy nhất.
Người kitô hữu luôn sống trong ý thức “mình sẽ chết”. Họ không coi sự chết là một cái gì bình thường. Với họ sự chết vẫn như một rạn vỡ, một bất toàn và trở nên một định mệnh mà con người phải nhận lãnh. Bởi vì Thiên Chúa đã không tạo ra sự chết, cũng không vui mừng khi thấy sinh vật chết đi. Người đã tạo dựng để chúng tồn tại. Theo giáo lý Thiên Chúa Giáo, khi một người chết, linh hồn của họ được tách ra khỏi thân xác. Vận mệnh của linh hồn phụ thuộc vào mối quan hệ của họ với Thiên Chúa và những lựa chọn đạo đức mà họ đã thực hiện trong suốt cuộc sống. Có ba địa điểm dành cho linh hồn sau khi chết: Thiên đàng, Địa ngục hoặc Luyện ngục. Thiên đàng là trạng thái vĩnh cửu hòa hợp với Thiên Chúa, nơi linh hồn trải qua hạnh phúc hoàn mỹ và cuộc sống vĩnh cửu. Địa ngục là trạng thái ly tán vĩnh viễn với Thiên Chúa, dành cho những người đã chết trong tình trạng tội lỗi và không được hối cải. Luyện ngục là trạng thái tạm thời luyện tội cho những người đã chết trong tình trạng ân sủng nhưng vẫn còn dính đến tội lỗi. Linh hồn trong Luyện ngục được cho là phải trải qua quá trình luyện tội để hoàn toàn sẵn sàng cho Thiên đàng.
Giáo hội Công giáo khuyến khích các tín hữu sống cuộc sống đức tin và tìm sự hối cải cho tội lỗi của mình qua các bí tích, đặc biệt là rước lễ và giải tội. Các bí tích được coi là truyền đạt ân sủng của Thiên Chúa, giúp cá nhân trưởng thành trong đức tin và gần gũi hơn với Ngài.
Công giáo cũng tin vào sự phục sinh của người chết. Vào cuối thời gian, khi Chúa Giêsu trở lại, sẽ có sự phục sinh chung của thân xác và linh hồn sẽ được hòa hợp với thân xác đã được tôn trọng. Niềm tin này nhấn mạnh sự quan trọng của đối xử với thân xác với sự tôn trọng và phẩm giá, ngay cả sau cái chết.
Nhìn chung, Giáo hội Công giáo coi cái chết là một quá trình chuyển từ cuộc sống trần tục sang cuộc sống vĩnh cửu của linh hồn. Bản chất chính xác của quá trình này và những trải nghiệm của linh hồn sau khi chết là những điều bí ẩn vượt ra ngoài sự hiểu biết con người và chỉ biết đến duy nhất bởi Thiên Chúa.
Trên đây là quan điểm của Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Ngoài ra, còn có những quan niệm tư duy khác nhau về cái chết trong các học thuyết triết học và đạo đức. Mỗi trường phái triết học nhìn cái chết một cách khác nhau do đó có những lý giải khác nhau, có thể xếp cách lý giải nầy thành hai nhóm: tin có sự sống sau cái chết và phủ nhận sự sống đó.
– Không tin có sự sống sau cái chết.
Epicurus (triết gia Hy Lạp cổ đại), theo chủ nghĩa khoái lạc, nhằm giải phóng con người khỏi mọi nỗi sợ, đặc biệt là nỗi sợ chết, và mang đến cuộc sống bình an, ông đã đề cao quan điểm rằng “chết không có gì”. Ông viết: ” Chúng ta không phải sợ chết, nó chẳng là gì đối với chúng ta cả, vì bao lâu chúng ta sống thì nó chưa có, và khi nó có mặt, chúng ta lại không còn tồn tại nữa.” Ông còn thêm rằng linh hồn chỉ là một vật chất tinh vi, và sẽ tan rã khi ta chết, không còn phải chịu đau khổ của cái chết nữa.
Các triết gia phái khắc kỷ, đặc biệt là Seneca (triết gia La Mã) và Epictetus (triết gia Hy Lạp cổ đại), đưa ra một lập luận khác để vượt qua nỗi sợ chết. Họ coi cái chết là một sự cần thiết của tự nhiên. Con người là một phần của tự nhiên, và tự nhiên hoạt động theo luật của nó. Khi chết, cá nhân tan biến, nhưng tự nhiên vẫn tiếp tục tồn tại. Vì vậy, chúng ta nên chấp nhận cái chết như một “hậu quả cần thiết theo luật lệ của tự nhiên”.
Albert Camus (nhà văn Pháp) cho rằng cuộc sống vô nghĩa và phi lý vì nó không dẫn đến bất cứ đâu. Cuộc sống con người đầy mâu thuẫn, ngay cả trong chính bản thân. Trong một cuộc sống vô nghĩa như vậy, tự tử dường như là lựa chọn hợp lý và chính đáng nhất. Tuy nhiên, trong thực tế, Camus không ủng hộ giải quyết bằng cách đó, mà thay vào đó ông lập luận rằng chúng ta phải sống, phải chiến đấu, phải cố gắng mang một chút ý nghĩa và ánh sáng cho thế giới vô nghĩa này. Thái độ của ông đối mặt với cái chết là anh hùng, nhưng vẫn là tuyệt vọng.
Heidegger (triết gia Đức) và J.P. Sartre (nhà triết học hiện sinh Pháp) lại cho rằng con người phải sống với ý thức về cái chết, vì ý thức này làm cho cuộc sống trở nên chân thực và khẩn trương hơn. Thái độ này thật sự thông thái, nhưng cuối cùng vẫn là vô vọng.
– Niềm tin vào sự sống sau cái chết
Trong khuynh hướng này, chúng ta không thể không nhắc đến Socrates (triết gia Hi Lạp cổ đại). Khi đối mặt với việc bị buộc uống thuốc độc để kết thúc cuộc đời, ông vẫn bình thản, coi cái chết như một cuộc phiêu lưu tuyệt đẹp. Ông tin rằng cái chết không đáng sợ, vì linh hồn con người là bạn đồng hành của những thực tại vĩnh cửu, bất biến và siêu việt. Đối với ông, cái chết là sự trở về của linh hồn con người đến thế giới vĩnh cửu và chân thật, nơi nó đã phát sinh ra.
Platon (triết gia Hi Lạp cổ đại), đồ đệ của Socrates, đi xa hơn thầy mình trong vấn đề này. Với ông, chỉ có một thế giới thực sự là thế giới của các linh tượng. Thân xác chỉ là một ngục tù giam hãm linh hồn. Chết là một sự giải thoát; linh hồn con người trở về thế giới thực của nó, thế giới của các linh tượng.
Cái chết là một chủ đề phổ biến trong thơ văn, được sử dụng để diễn đạt về sự tàn phá, mất mát, và đôi khi cả sự hy vọng. Cái chết có thể được tưởng tượng và miêu tả theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm và ý tưởng của các tác giả. Nhà văn Khái Hưng mượn hình ảnh chiếc lá rơi để diễn tả thái độ của mỗi cá nhân về cái chết của chính mình.
“Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa mũi tên nhọn, từ cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng, khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng, như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả một thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. Có chiếc lá như sợ hãi ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất còn cất mình muốn bay trở lên cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại….
Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu hiện cho một cảnh biệt ly. Vậy thì sự biệt ly không phải chỉ có nghĩa là buồn rầu, khổ sở. Sao ta không ngắm sự biệt ly theo tâm hồn một chiếc lá nhẹ nhàng rơi ?”
Có nhiều cái chết anh hùng nổi tiếng trong lịch sử và trong văn hóa đại chúng.
Thái độ của những anh hùng khi chịu chết có thể đa dạng và phụ thuộc vào từng cá nhân. Họ thể hiện khi đối diện với cái chết bằng sự can đảm và sẵn lòng hy sinh cho nguyên tắc hoặc mục tiêu mà họ tin tưởng, giữ lấy phẩm giá và danh dự của mình, từ chối những yêu sách hoặc điều kiện không chấp nhận được và chọn chết với tư cách là người tự do, kiêu hãnh, bình tĩnh và chấp nhận. Đáng lưu ý rằng không có một thái độ chung chung cho tất cả những anh hùng khi đối mặt với cái chết. Mỗi người sẽ có những tư tưởng, giá trị và ý thức cá nhân khác nhau, dẫn đến những phản ứng khác nhau trong tình huống cuối cùng của cuộc sống.
Xin kể sau đây một đoạn trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa. về cái chết của Trần Cung.
Trần Cung, tự Công Đài, là người Đông Quận , thuộc Duyện châu (nay là phía nam huyện Tân, tỉnh Sơn Đông). Sách Điển lược mô tả ông là người tráng liệt cứng cỏi.
Trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Trần Cung là người đã cứu mạng Tào Tháo. Lúc đó, với tư cách là một huyện lệnh Trung Mâu, Trần Cung đã bắt giam Tào Tháo khi họ Tào trên đường trốn chạy do âm mưu ám sát Đổng Trác bị lộ. Trần Cung có cảm tình với Tào Tháo vì lòng trung với nhà Hán trừ gian thần Đổng Trác, nên quyết treo ấn từ quan, đi theo họ Tào. Trên đường trốn chạy, Tào Tháo và Trần Cung được một người bác nuôi là Lã Bá Sa đối đãi rất hậu. Lã Bá Sa tiếp đón hai người, rồi lên lừa đi qua xóm tây mua rượu. Tào, Trần đang ngồi chơi, nghe sau nhà có tiếng mài dao, lại nghe có người nói: “Trói lại mà giết!” Tào Tháo liền nói với Trần Cung: “Chết rồi! Nếu ta không hạ thủ trước thì họ sẽ giết ta”. Thế là, hai người tuốt kiếm xông vào, gặp ai giết nấy, một hơi giết chết tám người. Giết xong, đi vào nhà bếp, chỉ thấy một con heo treo bốn vó, sắp bị chọc tiết để đãi khách. Hai người vỡ lẽ, vội rời khỏi đó. Sau đó họ lại gặp Lã Bá Sa đi mua rượu trở về. Trong lúc Trần Cung đang hoảng sợ không biết tính sao thì Tào Tháo giả vờ tiến đến chào hỏi rồi rút kiếm, giết luôn Lã Bá Sa. Lời giải thích về hành động dã man này trở thành câu nói nổi tiếng của Tào Tháo: “Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta” khiến Trần Cung thất vọng sâu sắc vì đã từng tin phục Tào Tháo trước đây.
Về sau, Trần Cung theo Lã Bố, cương quyết chống Tào Tháo và trở thành mưu sĩ giúp Lã Bố nhiều lần đánh bại quân Tào. Nhưng sau đó, cả Lã Bố và Trần Cung đều bị Tào Tháo bắt, Tào Tháo trọng ơn Trần Cung cứu mạng ngày xưa nên có ý tha chết và khuyên Trần Cung qui hàng. Nhưng Trần Cung vẫn một mực từ chối, nguyện chọn cái chết trong sự nuối tiếc của Tào Tháo.
Dưới đây là đoạn đối đáp giữa Tào Tháo và Trần Cung. theo bản dịch của Phan Kế Bính.
Tháo hỏi:
– Công Đài vẫn mạnh khoẻ chứ?
Cung nói:
– Bụng dạ ngươi bất chính, cho nên ta bỏ ngươi.
Tháo nói:
– Ông trách tôi là người bất chính, sao ông lại đi theo Lã Bố?
Cung trả lời:
– Lã Bố là người vô mưu mà thôi, chớ không có quỷ trá gian hiểm như ngươi.
Tháo hỏi:
– Ông tự cho là nhiều mưu trí, sao ngày nay đến nỗi này?
Cung nhìn vào Lã Bố nói rằng:
– Chỉ giận rằng người này không nghe lời ta. Nếu nghe lời ta chưa chắc đã bắt được.
Tháo hỏi:
– Bây giờ ông nghĩ sao?
Cung nói to lên rằng:
– Bây giờ chỉ có chết mà thôi!
Tháo hỏi:
– Ông đã vậy, còn mẹ già ông và vợ con ông thì làm sao?
Cung nói:
– Tôi tưởng người nào lấy đạo hiếu trị thiên hạ thì không hại bố mẹ người ta; người nào thi hành nhân chính ở thiên hạ, không làm đứt tuyệt hương hỏa người ta. Vậy mẹ tôi và vợ con tôi, sống chết cũng ở trong tay ông. Tôi đã bị bắt xin chịu chết ngay, trong lòng không còn vướng víu điều gì.
Tháo còn có ý lưu luyến. Cung bước thẳng xuống lầu, tả hữu lôi lại không được. Tháo đứng dậy khóc tiễn Trần Cung. Cung không ngoảnh cổ lại.
Mỗi người có cách nhìn riêng về cái chết dựa trên giáo dục, kinh nghiệm và giá trị cá nhân. Một số người có thể coi cái chết là một phần của vòng đời tự nhiên, một phần không thể tránh khỏi của sự tồn tại. Edward Young đã từng nói: “Sự sinh ra chính là nơi bắt đầu của cái chết, giống như ngọn nến bị mất đi khi chúng ta không thể giữ lửa.” Elisabeth Kübler-Ross (nhà tâm lý học và bác sĩ Thụy Sĩ) cũng đã nói: “Nhìn một người yên bình ra đi khiến chúng ta nghĩ đến ngôi sao băng, một đốm sáng giữa triệu đốm sáng trên bầu trời mênh mông, bừng lên trong khoảng khắc chỉ để mãi mãi biến mất vào bóng tối vô tận.”
Trong khi đó, người khác có thể có sự sợ hãi hoặc lo lắng về cái chết. Ngược lại, John Lennon (nhạc sĩ Anh) đã nói: “Tôi không sợ chết vì tôi không tin vào nó. Đó chỉ là việc chuyển từ chiếc xe này sang chiếc xe khác.” Cách tiếp cận cá nhân với cái chết có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và đối mặt với nó. Albert Einstein cho rằng: “Nỗi sợ hãi trước cái chết là một trong những nỗi sợ hãi vô lý nhất, bởi không có nguy cơ nào đối với những người đã chết.”