Xóm Rạch Bần

XÓM RẠCH BẦN
Truyện Ngắn

Lê Tấn Tài

Xóm Rạch Bần, nơi những con rạch uốn lượn qua những vườn cây trĩu quả, là chốn quê bình yên của những con người gắn bó đời mình với ruộng vườn, sông nước. Ở đó, mỗi sớm tinh mơ, khi mặt trời còn e ấp sau lũy tre làng, tiếng gà gáy vang xa hòa cùng nhịp mái chèo khua nước trên con kênh nhỏ. Bà Ba gánh hàng ra chợ từ sớm, ông Bảy xắn quần lội đồng, còn lũ trẻ ríu rít chạy theo, dấu chân trần in hằn trên con đường đất đỏ.
Nhịp sống nơi đây chậm rãi, thong dong. Người ta sống thanh thản với bữa cơm đạm bạc cá kho tộ, rau luộc chấm mắm, trò chuyện râm ran bên ấm trà chiều. Trẻ con rủ nhau tắm sông, chơi trốn tìm dưới hàng dừa nước xào xạc, tiếng cười giòn tan vang xa đến tận chân trời. Cái nghèo không làm họ khô khan, ngược lại, càng khiến tình nghĩa làng xóm thêm đậm đà. Hễ nhà ai có giỗ chạp hay cưới hỏi, cả xóm tề tựu giúp, người góp công, kẻ đem gạo, không khí rộn rã từ sớm tinh mơ đến khi trăng lên.
Ở đây, thời gian không đo bằng tờ lịch, mà bằng mùa mạ nhú, tiếng ve ran, màu lúa chín và cơn gió bấc ùa về se lạnh. Đời nhà nông là chuỗi dài những mùa nối tiếp — mùa gieo mạ, mùa gặt vàng, mùa chống lũ, rồi lại thảnh thơi ngồi chờ nước rút.
Người dân quê không triết lý bằng lời, họ nói bằng hành động — nhát cuốc bổ lên giữa trưa nắng gắt, bữa cơm mặn mồ hôi, hay đêm trăng ngồi lặng trước sân, nhìn ánh trăng non rón rén mọc sau sau lũy tre già.. Họ lắng nghe tiếng đất bằng những vết chai tay, đoán mưa nắng qua từng vết nứt trên đồng, và hiểu nhau chỉ bằng một cái gật đầu lặng lẽ.
Và mỗi khi mùa nước nổi tràn về, đồng ruộng chìm trong biển nước mênh mông, ghe xuồng trở thành đôi chân của người quê. Người ta giăng lưới, thả câu, bắt cá linh, hái bông điên điển — những sản vật trời cho, như lộc trời rộng lượng ban tặng. Trên nền trời bao la, hoàng hôn buông xuống nhẹ nhàng, lòng người cũng lắng dịu như mặt nước trong veo sau cơn mưa chiều.
Có người bảo: “Sống ở quê là sống cùng cái bấp bênh.” Bấp bênh mưa thuận gió hòa, bấp bênh vụ mùa được giá, bấp bênh ngày mai cá còn nhiều dưới rạch. Ấy thế mà, chính trong sự phiêu dạt ấy, người ta thấm dần sự kiên nhẫn — thứ đức tính lặng lẽ mà bền bỉ, như cây lúa bám sâu vào bùn đất, vẫn ngẩng đầu hướng về ánh mặt trời.
Mỗi sớm mai, khi sương còn đọng long lanh trên lá mạ, người dân lại lặng lẽ ra đồng, như những kẻ hành hương đi tìm vùng đất hứa. Dẫu cả đời họ chưa một lần có ngày nghỉ đúng nghĩa, nhưng khi ngồi bên hiên nhà, nhìn lũ trẻ nô đùa, nghe tiếng chim ríu rít trong vòm cau, lòng họ bỗng ấm áp như nồi cơm mới chín, như chum nước đầy sau cơn mưa — không nhiều lời, mà vẫn trọn vẹn một đời bình yên.
Ông Năm Sang sống một mình trong căn chòi lá dựng cuối xóm, sát mé ruộng bên bờ kinh. Vợ mất sớm, con cái ly tán lên thành phố, ông chọn ở lại. Không phải vì không thể đi, mà vì ông biết mình thuộc về nơi này – cái nền đất pha sét nứt nẻ vào mùa khô, cái hương thoảng lúa non tháng ba, và cả tiếng dế kêu rỉ rả dưới bụi chuối mỗi khi trời trở gió.
Sáng nào ông cũng chậm rãi ra đồng, chống gậy đi một vòng, ngắm từng khoảnh lúa như đếm từng hơi thở của đất. Có người thắc mắc: “Ruộng nhà ông đâu mà cứ đi hoài vậy?” Ông cười móm mém: “Lúa nào chẳng là lúa. Đất nào chẳng là đất quê mình.” Nụ cười ấy không có gì lớn lao, nhưng nó mở ra một thứ yên bình lạ lùng — như thể ai đó vừa rót một chút nắng vào lòng người.
Trưa về, ông ngồi bên hiên nhâm nhi chén trà, mắt dõi theo nhịp đồng. Gió lùa qua rơm rạ, những sợi vàng nhảy múa trong nắng. “Dân quê mình có cái phúc là được nhìn thời gian bằng mắt,” ông bảo. “Thấy cây lớn lên từng đốt, lá già rụng xuống bờ, nước lên rồi nước rút. Ở phố, thời gian là tờ lịch xé từng trang. Ở đây, thời gian là cái bóng cây trước sân mỗi chiều.”
Những chiều mưa bất chợt, ông ngồi trong chòi lắng nghe tiếng mưa gõ nhịp trên mái lá. Ông bảo mưa quê không chỉ tưới đất, mà còn gội rửa những ký ức xưa cũ trong lòng người. Có khi ông nhớ bà, nhớ cái cách bà gói cơm nắm cho ông đi làm đồng, cái dáng lưng còng nhưng tay vẫn cấy từng hàng lúa thẳng tắp như kẻ chỉ. “Bà đi đã lâu, nhưng mỗi mùa gặt tôi vẫn thấy bà đâu đây, trong từng hạt lúa chín.”
Ngày lại ngày qua, căn chòi nhỏ nơi cuối xóm sáng đèn mỗi khi trời tối. Không ồn ào, không đèn điện , chỉ có ánh đèn dầu leo lét và bóng người già ngồi lặng thinh giữa tiếng côn trùng. Nhưng chính cái lặng thinh ấy, mới là tiếng nói sâu xa nhất của đời sống — một kiểu hiện diện không ồn ào mà đầy đủ, như ánh sáng nhè nhẹ sau đám mây chiều.
Ngoài ông Năm, xóm nhỏ còn có bà Ba Gấm – người đàn bà góa bụa sống bằng nghề đan giỏ lát và trồng mấy luống rau sau hè. Mỗi sáng, bà mang ra chợ chục trái khổ qua, vài bó rau răm, một rổ trứng vịt – chẳng nhiều nhặn, nhưng đủ để sống. Mỗi món bà bán ra như một phần nhỏ thời gian của chính mình. Cuộc sống bà như chiếc lá khô rơi giữa dòng đời vội vã – nhỏ nhoi mà bền bỉ.
Người ta thường nói bà cằn cỗi, vì mặt lúc nào cũng nghiêm và lời ít hơn im lặng. Nhưng có lần, con bé Tý nhà hàng xóm bị sốt nửa đêm, mẹ nó không biết làm sao, chạy qua gõ cửa. Bà Ba lẳng lặng nấu nước lá xông, đắp khăn, rồi ngồi canh bên giường tới sáng. Không nói một lời dư thừa.
“Có người như khúc gỗ mục,” ông Năm Sang từng nói về bà, “nhưng khúc gỗ đó vẫn cháy được, vẫn sưởi ấm một góc đời người khác.”
Còn thằng Tư Vện, tuổi thơ bỏ học đi hoang, cha mất sớm, mẹ lấy chồng khác . Người trong xóm bảo nó là “đồ bỏ đi”, nhưng khi tin đồn có bọn trộm định đốt đồng, chính Tư thức trắng ba đêm canh lúa cho cả xóm. Cái tốt của nó không nằm ở mồm mép, mà ở đôi chân lấm bùn sẵn sàng chạy băng đồng lúc nửa đêm, đôi mắt quen thức khuya, bàn tay chai sạn chẳng ngại việc nặng nhọc. Nó cục cằn, nhưng lòng như miếng đất phù sa – thô ráp mà hào phóng, gieo hạt nào cũng đâm chồi.
Dưới bến nước, chị Hồng – người đàn bà đẹp lỡ thì với nghề chở đò ngang – sống như cây sậy trước gió. Chồng bỏ đi khi đứa con đầu lòng còn chưa rời tay ẵm. Từ đó, mỗi ngày chị đưa người qua sông, đưa tiếng cười, đưa nước mắt, rồi lại chèo đò về phía chiều tắt nắng. Có người thương, nhưng chị từ chối. “Tôi chọn sống một mình, nên đừng bắt ai chịu nỗi buồn của mình. Sống vội vàng, tội cho người ta lắm.” Giọng chị nhẹ mà cứng như thớ gỗ lim già.
Và ở đó còn những mảnh đời khác – ông Hai Lộc với giọng ca vọng cổ vẳng trong đêm; dì Năm chèo xuồng bán bánh tét mỗi độ trăng tròn; thằng Cu Đen nói cà lăm nhưng tiếng sáo ngân nga như suối chảy. Mỗi người như một đường cắt trên tấm vải thô cuộc đời – không hoa văn cầu kỳ, nhưng mỗi nét đều mang dáng hình riêng, mỗi vết đều giấu một câu chuyện.
Chẳng ai hoàn hảo. Nhưng họ đều có cách riêng để sống trọn với mảnh đời được trao. Dưới ánh trăng chếch bóng mỗi đêm, xóm nhỏ ấy không rực rỡ đèn hoa, chỉ soi tỏ từng khuôn mặt lam lũ – những gương mặt in hằn dấu nắng mưa, khắc sâu những suy tư không cần giãi bày.
Có một dạo, mùa lũ đến như cơn gió cuốn phăng đi những ký ức cũ, đánh thức cả xóm nhỏ bên rạch với nhịp sống chậm rãi của đất trời. Những cơn mưa bất chợt trút xuống, nước dâng lên cuồn cuộn, xóa nhòa mọi con đường đất, chỉ còn lại tiếng nước tràn qua khe cửa, tiếng thở dài của mưa giữa lòng miền quê.
Ông Năm Sang, người đã quen với sự tĩnh lặng của đồng ruộng, giờ đứng trước căn chòi nhỏ, đôi mắt đăm chiêu nhìn dòng nước cuồn cuộn len qua từng kẽ đất. Trong ánh mắt ấy, nỗi lo lắng của một người hiểu rằng mỗi hạt mưa mang theo ký ức, những mùa vụ đã qua, và cả hy vọng về một vụ mùa mới. Ông chậm rãi bước ra, nhấc chiếc gậy cũ kỹ, như sẵn sàng đối mặt với cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Bà Ba Gấm hối hả xếp lại những giỏ hàng, mấy bó rau còn sót sau hè, dồn vào một góc chòi, cố giữ cho những thứ giản dị ấy khỏi bị cơn mưa xối xả làm hư hại. Đôi tay bà, vốn quen với từng sợi chỉ nhỏ, giờ đây lại cẩn thận gói ghém từng mẩu hạt giống như gói ghém cả tình yêu dành cho mảnh đất quen thuộc. Dù lòng đầy lo âu, bà vẫn mỉm cười dịu dàng, như muốn nhủ thầm: “Mưa lũ rồi, nhưng đất mẹ vẫn ở đây với ta.”
Thằng Tư Vện thoăn thoắt chạy qua những con đường ngập nước, giúp đỡ người già, dẫn đường qua những căn nhà chìm trong làn nước. Ánh mắt nó không còn ngây thơ, mà đã ánh lên sự dũng cảm, như chấp nhận rằng mỗi thử thách của thiên nhiên là một bài học cuộc đời.
Chị Hồng, người chèo đò duy nhất của xóm, biến chiếc thuyền nhỏ thành phương tiện cứu giúp, không chỉ đưa người dân tránh lũ, mà còn là nhịp cầu của tình người. Từng vòng chèo trên mặt nước, chị mang theo hy vọng và sự bình yên, dù đường qua những dòng nước xiết chẳng bao giờ dễ dàng. Chị hiểu rõ, mỗi chuyến đò là một lần đối mặt với hiểm nguy, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định sự kiên cường và trách nhiệm với mảnh đất này.
Mùa lũ về, nước dâng lênh láng, mưa lớn và gió mạnh ngày đêm, ai nấy trong xóm đều quen rồi, không ai than thở gì nhiều, chỉ lặng lẽ mà lo chống chọi. Trong cảnh lũ lụt, mới thấy hết cái tình người – ai cũng ráng đùm bọc nhau, lo cho nhà mình xong là chạy qua coi nhà hàng xóm ra sao.
Nước cuốn trôi nhiều thứ – lu gạo, mái bếp, cả mấy luống rau mới trồng – nhưng cái tình quê, tình xóm thì còn nguyên đó. Thằng nhỏ thì lội bì bõm phụ cha, bà già thì ngồi thở ngắn thở dài nhìn mưa, ai cũng mang trong lòng một nỗi thương – thương đất, thương người, thương cái xóm nghèo này.
Khi mưa dứt, nước bắt đầu rút, xóm làng lại hiện ra, bùn đất ngổn ngang. Bà con xắn quần xắn áo dọn dẹp, dựng lại cái hàng rào, lợp lại mái tôn bị gió thổi bay. Vừa làm vừa nói cười, có lúc cũng ngước lên nhìn trời mà thở ra một cái: “Hết lũ rồi, ráng dựng lại từ đầu.”
Mùa lũ – nghe thì sợ, mà quen rồi thì thấy nó cũng thiệt tình. Nó làm mình cực, nhưng nó cũng làm cho bà con mình thương nhau hơn. Cái gian nan đó, chính là lúc mình thấy rõ ai còn ai mất, ai thương ai thiệt lòng.
Xóm nhỏ như hồi sinh. Không khí rộn ràng, ai nấy đều thấy nhẹ lòng. Cái bữa bão lũ kéo qua tưởng chừng không qua khỏi, vậy mà rồi cũng vượt được. Chính trong mấy ngày gian khó đó, bà con mới thấy rõ tình người, thấy được niềm tin để gượng dậy. Mỗi người góp một tay, mỗi câu chuyện kể nhau nghe, mỗi nụ cười dù mệt nhọc mà thiệt ấm lòng – tất cả như liều thuốc xoa dịu.
Bây giờ, làng xóm lại quây quần bên mâm cơm, đơn sơ thôi, nhưng đầy ắp thương yêu.
Thằng Tư Vện, cái thằng nhỏ lanh lợi, bữa lũ về nó dẫn đường bơi qua mấy căn nhà bị ngập. Cả xóm giờ gọi nó là “người hùng nhỏ”. Có khi, chỉ cần một việc làm nhỏ thôi, cũng đủ để người ta vững lòng, thấy rằng ai cũng có thể mạnh mẽ vượt qua chuyện khó.
Chị Hồng chèo đò vượt qua dòng nước xiết, mang theo mấy món đồ tiếp tế, rồi đem theo luôn hy vọng, nối lại những tấm lòng còn chờ đợi một ngày mai sáng sủa hơn.
Từ từ, xóm Rạch Bần bắt đầu hồi phục. Mọi người lại cùng nhau đắp đường, ra đồng gieo mấy hạt lúa non, như muốn nói: dù bão có lớn cách mấy, thì tấm lòng thương quê vẫn còn đó, chẳng hề phai. Trên trời, nắng nhẹ vừa ló sau mấy cụm mây, cả xóm như cùng nhau ươm lại chút niềm tin, gieo lại những giấc mơ còn dang dở.

Câu chuyện không khép lại bằng nước mắt, mà bằng tiếng cười nhẹ tênh, bằng tiếng gió thì thầm qua hàng dừa, bằng nhịp tim rộn ràng của những người còn biết thương nhau. Và trong lòng mỗi người nơi đây, bài học về lòng kiên cường và niềm tin vào ngày mai vẫn sẽ còn mãi.

 
 
 
 
 

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply