Lạm phát 2023

Từ hai năm nay, thế giới phải đối mặt với tình trạng lạm phát khá quan trọng. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tỷ lệ lạm phát toàn cầu được định ở mức độ 9 % vào năm 2022, 7% năm 2023, 4,5% năm 2024 và 3,5% năm 2025. Nhận xét từ thống kê vừa kể, có thể hy vọng rằng tình hình kinh tế thế giới sẽ bắt đầu ổn định từ năm 2026. Lạm phát trong những năm gần đây là do ảnh hưởng của dịch bệnh Coronavirrus, chiến tranh Ukraine và thiên tai bão lụt.

Đối với một người dân bình thường thì lạm phát có nghĩa là đồng tiền mất giá trị, đời sống đắt đỏ, cần phải thắt lưng, buộc bụng. Nhưng đối với một chuyên gia kinh tế thì đồng tiền mất giá trị chỉ là một trong những nguyên nhân đưa đến lạm phát; đời sống đắt đỏ là một hậu quả và thắt lưng, buộc bụng là một trong những biện pháp để đối phó với lạm phát.

Theo các nhà kinh tế thì lạm phát là một tình trạng kinh tế trong đó mãi lực của đồng tiền trong nước bị sút giảm một cách đáng kể, trong một thời gian lâu dài. Tình trạng này được nhận biết khi hàng hóa và dịch vụ tăng giá một cách đáng kể và lâu dài. Tùy vào cách sử dụng, thời gian có khi dài một tháng, ba tháng, nửa năm hay một năm. Người đi làm, hãng xưởng, cơ quan chính phủ thường định thời gian một năm để định lại đồng lương, ngân sách, thuế má. Các viện thống kê, các cơ quan tài chánh thường định thời gian cho một tháng, một tam cá nguyệt để có thể dự báo tình hình kinh tế được sát với thực tế hơn.

Lạm phát có thể xuất hiện tùy thuộc vào một trong ba yếu tố:

  1. số lượng tiền lưu hành thừa thãi trên thị trường,

  2. lượng cầu hàng hóa và dịch vụ quá lớn so với lượng hàng hóa và dịch vụ bán ra,

  3. Chi phí cho sản xuất tăng cao.

Lạm phát hiện tại là do hai yếu tố số 2 và số 3 trên đây gây ra. Sau dịch bệnh Coronavirus, số lượng hàng hóa mà người dân cũng như các hãng xưởng mua tăng lên gấp bội nhưng các nhà cung cấp không đủ hàng hóa để cung ứng. Thêm vào đó, thiên tai bão lụt và cuộc chiến Ukraine đã làm cho tình trạng thêm trầm trọng.

Tỷ lệ lạm phát được tính bằng cách so sánh giá cả hiện hành với giả cả trong thời kỳ trước của một số lượng hàng hóa đã được ấn định trước cho việc kiểm soát lạm phát. Toàn thể số lượng hàng hóa này mang tên “rổ hàng hóa”. Mỗi địa phương tự ấn định rổ hàng hóa của mình. Chúng thường là nhu yếu phẩm, các hàng hóa thường nhật, năng lượng v.v… có liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Một nhận xét đáng lưu ý là có nhiều hàng hóa tiêu thụ trên thị trường không được dùng đến trong việc thẩm định lạm phát.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân đưa đến lạm phát:

  • Theo luật cung cầu, khi lượng cầu tăng mà nguồn cung không đủ thì giá cả sẽ tăng. Tình trạng này đã xẩy ra ngay sau thời dịch bệnh Coronavirus. Trong thời gian dịch bệnh các xí nghiệp ngưng hoạt động, không sản xuất, không tích trữ hàng hóa, đồng ruộng bị bỏ hoang không cầy cấy v.v… Sau dịch bệnh, dân chúng phấn khởi tiêu dùng, các hãng xưởng hoạt động trở lại, thu mua thêm nhiều vật liệu, năng lượng, nhất là dầu hỏa và khí đốt cho việc sản xuất.

  • Các nhà sản xuất vì tư lợi, quyết đinh giảm mức sản xuất để tăng giá hàng hóa. Trường hợp này đã xẩy ra gần đây trong ngành dầu khí khi các quốc gia OPEC quyết định giảm lượng sản xuất dầu thô. Đầu cơ tích trữ hàng hóa cũng là một nguyên do đáng buồn và đáng trách.

  • Chiến tranh, bệnh tật, thiên tai, bão lụt luôn là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa. Trong thời gian dịch bệnh, ngành nông nghiệp bị ngưng hoạt động nên kể từ đó về sau giá cả thực phẩm tăng cao. Chiến tranh Ukraine là một thí dụ thiết thực nhất vì nơi đây là vựa lúa cho nhiều nước trên thế giới. Cũng vì tranh chấp giữa Nga và Ukraine mà kinh tế Nga bị các nước Âu Mỹ cấm vận. Giá cả năng lượng bên Âu châu vì thế tăng rất cao vì Âu châu trước đây nhập cảng phần lớn dầu khí từ Nga.

  • Đồng tiền trong nước mất giá. Có hai cách để đồng tiền bị mất giá: một là do chính phủ quyết định hạ giá đồng bạc, hai là do nhập cảng hàng hóa quá nhiều đến độ mất quân bình tỷ giá hối đoái giữa đồng bạc trong nước và đồng bạc của nước xuất cảng.

  • Chi phí sản xuất tăng nên các xí nghiệp bắt buộc phải tăng gía hàng hóa bán ra thị trường. Chi phí sản xuất bao gồm các chi phí lao động, nguyên liệu thô, năng lượng và thuế má.

Hậu quả

Lạm phát có thể dẫn đến nhiều hậu quả kinh tế và xã hội, đáng kể nhất là:

  • Giảm lượng mua hàng hóa của người tiêu dùng. Với thu nhập cố định, mỗi gia đình chỉ còn một cách là mua trước tiên các nhu yếu phẩm, sau đó, nếu còn tiền, mới mua thêm các hàng hóa khác. Tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ thứ yếu hoặc nhu yếu nhưng giá quá cao có nguy cơ ế ẩm dẫn đến tình trạng giảm sản xuất, thất nghiệp thậm chí nhiều xí nghiệp có thể phải đóng cửa.

  • Giảm tiết kiệm. Nếu trước khi có lạm phát, mỗi gia đình hàng tháng có thể để dành một khoản tiền nào đó thì giờ đây phải dùng vào việc chi tiêu thường nhật. Vì thế chẳng những nhiều gia đình thiếu khả năng tích trữ phòng cơ mà quỹ tiết kiệm quốc gia cũng suy giảm, đó là chưa nói đến những trường hợp nhiều gia đình phải rút tiền từ quỹ tiết kiệm ra để tiêu dùng. Giảm tiết kiệm đồng nghĩa với giảm đầu tư.

  • Lạm phát làm thay đổi mức sống của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Một gia đình chỉ với đồng lương cố định thì lạm phát đưa đến khó khăn trong đời sống. Ngược lại gia đình nào có tài sản như bất động sản, nhà cửa cho thuê, trái phiếu, cổ phiếu sẽ thấy tài sản của mình tăng cao.

  • Lạm phát thường đưa đến chi phí sản xuất tăng cao vì các hãng xưởng và nhà nước bắt buộc phải tăng lương cho người lao động. Hơn thế nữa, khi chi phí sản xuất tăng thì thuế má cũng tăng vì được tính theo phần trăm trên giá bán. Giá thành của một sản phẩm vì thế càng ngày càng cao.

  • Lạm phát dễ đưa đến suy thoái kinh tế vì giá hàng hóa quá cao rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Xí nghiệp có thể bị bắt buộc phải giảm sản xuất, giảm nhân viên đưa đến thất nghiệp.

  • Lạm phát thường đưa đến tình trạng suy giảm lượng cầu và đầu tư của một số ngành nghề, kết quả của biện pháp tăng lãi suất quá sức của ngân hàng trung ương. Các xí nghiệp hoặc người tiêu dùng không có đủ khả năng vay tiền ngân hàng với lãi suất cao bắt buộc phải ngừng tiến hành việc đầu tư.

Biện pháp đối phó

Để làm giảm lạm phát, trên lý thuyết kinh tế, chính phủ có thể áp dụng ít nhiều các biện pháp sau đây:

  • Chính phủ có thể áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” bằng cách giảm chi tiêu, tăng thuế với mục đích giảm số lượng tiêu dùng. Biện pháp này ngày nay ít có thể thực hiện vì ngân sách của các chính phủ được thành lập thường đã tiết kiệm tối đa và mức thuế càng ngày càng được giảm thiểu do yêu cầu của cử tri.

  • Ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất để làm cho tín dụng có giá hơn với mục đích làm giảm khả năng vay tiền và tiêu tiền của người tiêu dùng (giảm cầu). Biện pháp này nếu không đo lường chính xác có thể gây ra tình trạng suy thoái kinh tế của một số ngành nghề, trong đó đáng kể nhất là thị trường nhà cửa. Biện pháp này dường như không thích ứng với lạm phát 2023 vì hiện nay, người tiêu dùng cũng như các xí nghiệp chỉ mua những nhu yếu phẩm cần thiết và lượng tiền tệ lưu hành trên thị trường xét ra không thái quá. Việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Âu châu trong năm 2023 đang đẩy lùi ngành xây dựng vì có nhiều người mua nhà không còn có thể vay tiền ngân hàng như trước kia nên hiện có nhiều nhà đã xây nhưng không bán được. Kết quả là các xí nghiệp xây cất phải ngưng các công trình dở dang và sa thải nhân viên.

  • Chính phủ có thể định giá tối đa cho hàng hóa và dịch vụ nhưng biện pháp này khó có thể áp dụng vì hàng hóa vào thời đại hiện tại thường là hàng hóa đến từ nhiều nơi trên thế giới nên giá cả được định trên thị trường quốc tế chứ không phải tại nội địa.

  • Chính phủ có thể hạn chế tăng lương và lợi nhuận xí nghiệp để giảm chi phí sản xuất nếu chính phủ không sợ biểu tình, đình công, bãi thị.

  • Chính phủ giúp tiền cho các gia đình có thu nhập thấp.

Lạm phát có cần thiết không ?

Vào những năm 1990, Nhật Bản không có lạm phát thế mà kinh tế Nhật Bản cũng không có tăng trưởng. Các nghiên cứu kinh tế nhận thấy rằng lạm phát ở một mức độ nhỏ lại có lợi cho việc phát triển kinh tế; trong khi đó, nếu không có lạm phát, nền kinh tế sẽ không có lực thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ, vì:

  • Lạm phát làm giảm tiền nợ của các tác nhân kinh tế. Lý do lạm phát thường dẫn đến lương bổng hoặc lợi tức được tăng lên trong khi đó số tiền trả nợ hàng tháng không thay đổi . Điều này giúp cho người tiêu dùng, các xí nghiệp có nợ có thêm khả năng tài chính để tiêu dùng thêm hoặc đầu tư.

  • Lạm phát giúp các xí nghiệp có lợi nhuận cao hơn giúp họ có thêm nguồn vốn riêng hoặc có thể vay tiền một cách dễ dàng hơn để đầu tư, phát triển sản xuất.

  • Lạm phát ở mức độ 2% đã được các quốc gia trong Liên Minh Âu Châu thông qua trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng là tỷ lệ hữu hiệu cho một tăng trưởng kinh tế bền vững.

Hiện tượng lạm dụng lạm phát 2023

Thời gian vừa qua, nhiều xí nghiệp tỏ ra rất quan tâm đến đời sống khó khăn của người tiêu dùng trong thời buổi kiệm ước. Họ tuyên bố cố gắng tiết kiệm trong việc sản xuất, hạ lợi nhuận để duy trì giá cả ở mức độ càng thấp càng tốt. Tuy nhiên sự gian dối của những xí nghiệp này đã được nhiều tổ chức chỉ ra. Những hiện tương sau đây, rất có thể đã xẩy ra trong quá khứ, nhưng chỉ mới được đặt tên trong năm 2023:

  • Shrinkflation: từ ngữ này được cấu tạo từ hai chữ tiếng Anh Shrink (co lại) và Inflation (lạm phát). Một số công ty sử dụng phương pháp này để vừa giảm lượng hàng hoá, vừa tăng giá tiền mà không báo cho người tiêu dùng biết trước. Thí dụ, một gói kẹo trước kia nặng 500 grammes, giá 5 đồng thì bây giờ chỉ còn nặng 490 grammes giá 5,5 đồng. Người mua hàng không để ý vì gói kẹo trông vẫn như xưa nhưng trọng lượng in trên bao bây giờ là 490 grammes.

  • Cheapflation: tên gọi này được cấu tạo bởi chữ Cheap (dùng hàng có phẩm chất thấp khi chế tạo) và chữ Inflation. Phương pháp này thay các thành phần cấu tạo nguyên thủy bằng các loại hàng hóa phẩm chất kém và rẻ tiền hơn. Thí dụ trước đây dùng dầu ô liu đắt tiền thì bây giờ dùng dầu dừa. Sản phẩm vẫn được trình bầy giống như xưa, chỉ có thành phần được sửa đổi in chữ lí nhí không ai đọc nổi, và giá bán đắt hơn.

  • Greedflation: tên gọi này được cấu tạo bởi chữ Greed (tham) và chữ Inflation. Phương pháp này nhân danh lạm phát để tăng lợi nhuận. Thí dụ giá chocolat đã tăng 30% trên thị trường trong khi đó chi phí sản xuất chỉ tăng rất ít.

Ảnh hưởng từ cuộc chiến Gaza

Như đã trình bầy ở trên, chiến tranh Ukraine là một nguyên nhân đưa đến lạm phát toàn cầu. Còn cuộc chiến trên dải Gaza thì sao? Nếu cuộc chiến chỉ xẩy ra giữa quân đội Do Thái và phong trào Hamas thì thế giới sẽ không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên nếu Iran nhẩy vào vòng chiến thì chiển tranh sẽ lan rộng. Hoa Kỳ và Do Thái chắc chắn sẽ tấn công các cơ sở chiến thuật của Iran, trong đó có các mỏ dầu hỏa mà tỷ lệ sản xuất thế giới là 4%. Bốn phần trăm là một tỷ số nhỏ nhưng thị trường dầu hỏa là một thị trường rất căng thẳng nên thiếu lượng dầu này sẽ làm cho giá dầu tăng vọt. Điều đáng quan tâm là thái độ của nước Arabie Saoudite. Khi cuộc chiến Kippour giữa Do Thái và các quốc gia Ả Rập bùng nổ vào năm 1973, Arabie Saoudite đã quyết định giảm sản xuất dầu thô để trừng trị các nước Tây phương thân Do Thái. Kết quả là kinh tế Âu châu bị đình trệ vì thiếu năng lượng cho sản xuất, hàng hóa trở nên hiếm hoi và lạm phát tăng cao, trung bình trên 10%. Cũng như thế, sau chiến tranh Kippour thì đến cuộc cách mạng Hồi Giáo của Ayatollah Khomeini, rồi chiến tranh giữa Iran và Irak. Các mỏ dầu hỏa trong vùng bị ngưng hoạt động. Tình trạng này kéo dài trong vòng mười năm. Vì Âu châu còn là một thị trường tiêu thụ thế giới nên khủng hoảng kinh tế Âu châu sẽ kéo toàn cầu vào tình trạng kinh tế khó khăn.

Paris 28/10/2023

Phạm Văn Vĩnh

You may also like...

1 Response

  1. Tri Nguyen says:

    Cảm ơn Vĩnh đã đóng góp một bài viết hay, liên quan đến nhiều vấn đề thời sự của năm nay.

Leave a Reply