Cuộc chạy đua vào không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Sô

Như mọi người đã biết, ngày 20 tháng 7 năm 1969, hai phi hành gia Mỹ Amstrong và Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng, chấm dứt cuộc chạy đua vào không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Sô trong vòng gần 30 năm. Một cuộc chạy đua vô tiền khoáng hậu, trong một thời kỳ chiến tranh lạnh, mà mục đích hầu như chỉ để phô trương sức mạnh của mình. Cuộc chạy đua này đã diễn tiến như thế nào?

Tác giả bài viết đã có dịp tham dự một buổi diễn thuyết vào ngày 28/05/2018 tại Université Inter-Âges (Pháp) dưới chủ đề “50 năm trước: những bước chân đầu tiên trên mặt trăng… (1)” Diễn giả là nhà vật lý học Jean Pierre Martin, chủ tịch ủy ban Vũ trụ học(2), hội Planète Astronomie.

Nhân dịp năm Thìn lại trở về mà trong số 12 con giáp thì chỉ có con rồng biết bay, như hỏa tiễn đưa người lên không gian vậy. Lại nữa, cuộc tranh đua lên không gian giữa hai siêu cường làm chúng ta nhớ lại sự tích “Lưỡng long tranh châu” mà theo truyện cổ của người Trung hoa thì đó là cuộc chiến trên không giữa Tôn Tẫn và Hải Triều Thánh Nhân vào cuối thời Chiến quốc. Dưới đây là nội dung của buổi diễn thuyết mà tác giả đã thu thập được.

Trước khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai chẩm dứt, Hoa Kỳ và Liên Sô đều nhận thấy sự cần thiết phải có được các nhà khoa học Đức cùng các tài liệu có liên quan đến hỏa tiễn V2. Mục đích của họ là để chế tạo được các hỏa tiễn tầm xa. Một số sĩ quan Mỹ được bí mật gởi sang Đức với mục đích tìm kiếm các tài liệu, kế hoạch và các kỹ sư chế hỏa tiễn này. Nơi chế hỏa tiễn V2 lại nằm tại Peenemünde rất gần chiến tuyến với quân đội Liên Sô. Tại đây, kỹ sư Von Braun và các cộng sự viên đã tìm cách cất dấu 14 tấn tài liệu mặc dù có lệnh từ trung ương phải phá huỷ toàn bộ các tài liệu cùng cơ sở sản xuất V2. Tháng 3 năm 1945, các binh sĩ Hoa Kỳ đã thành công đưa Von Braun và các cộng sự viên cùng14 tấn tài liệu về Mỹ. Vào tháng 3 năm 1956, trong chiến dịch Paperclip, Hoa Kỳ lại tuyển dụng thêm các khoa học gia và kỹ thuật viên người Đức.

(V2)

Các đồng minh khác như Anh, Pháp cũng không bỏ lỡ cơ hội để tuyển chọn mang về nước họ các chuyên gia V2. Pháp đã tuyển được 123 khoa học gia cùng một số cơ sở sản xuất trên phần lãnh thổ do Pháp kiểm soát. Anh quốc đã mang về nước 30 hỏa tiễn V2 đã hư hỏng. Hoa Kỳ còn chuyển thêm cho Anh quốc 5 hỏa tiễn V2 khác cùng một số tài liệu và chuyên gia Đức. Về sau các chuyên gia Đức được đưa đến Pháp kể lại trong một chương trình truyền hình rằng họ được bí mật đưa đến sinh sống tại một nơi hẻo lánh trong vùng Normandie, và công việc của họ là chế tạo hỏa tiễn và bom nguyên tử. Nhóm của Von Braun cũng vậy, họ đến Mỹ một cách bí mật và sau này để hợp thức hóa sự hiên diện của họ trên đất Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa họ sang một tòa lãnh sự Mỹ bên Mexico để họ xin tỵ nạn và được làm giấy tờ trở lại Mỹ.

Liên Sô cũng tìm đủ mọi cách thu hồi chuyên gia, tài liệu và cơ sở mang về nước. Liên Sô đã chỉ định một số khoa học gia Đức, như kỹ sư Helmut Gröttrup, làm “tình nguyện” nghiên cứu cho Liên Sô. Người được chỉ định phát triển ngành công nghiệp không gian là kỹ sư Sergueï Korolev, đang bị cầm tù tại trại giam Goulag vì tội chống lại Stalin. Korolev được cho về, đưa sang Đức, làm việc dưới quyền tướng Lev Gaidukov, để thu thập tài liệu cùng khí tài V2. Trở về nước, Korolev cùng các đồng nghiệp, trong đó có kỹ sư Valentin Glouchko, cố gắng chế tạo hỏa tiễn tương tự V2. Họ đã cho ra đời các hỏa tiễn R1(1950) rồi R2 và sau đó là hỏa tiễn R3 tối tân hơn so với các phiên bản trước đó.

Trên phương diện kỹ thuật, cuộc chạy đua lên không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Sô có thể nói là một cuộc chạy đua giữa Von Braun và Korolev. Bắt đầu từ hỏa tiễn V2, cả hai người đã tìm cách cải tiến để đạt được các bệ phóng ngày càng hiệu quả.

(Von Braun)

(Korolev)

Von Braun cho ra đời hỏa tiễn Redstone, là hỏa tiễn cơ bản đẩu tiên làm cơ sở cho các vụ phóng vệ tinh và hỏa tiễn Saturn V. Với hỏa tiễn Redstone này, Von Braun đã có ý định phóng lên quỹ đạo một vệ tinh vào năm 1956 (trước Liên Sô). Ý định này bị chính phủ Mỹ phủ quyết vì lúc bấy giờ Hải quân Hoa Kỳ cũng có một chương trình không gian song song mang tên Vanguard với hỏa tiễn Viking và vì họ cũng không muốn bị Von Braun qua mặt (America First).

Tại Liên Sô, Korolev đã thành công trong việc cải tiến hỏa tiễn V2 và bây giờ nhóm của ông ta cần xây một cơ sở làm bệ phóng. Liên Sô đã xây dựng trường phóng hỏa tiễn bí mật Baïkonour tại Kazakhtan. Korolev cho ra đời hỏa tiễn R7, sau này được đổi tên thành Soyuz, được coi là hỏa tiễn mẫu của tất cả các hỏa tiễn về sau. Với hỏa tiễn R7, Liên Sô đã phóng vệ tinh Spoutnik lên quỹ đạo vào ngày 4 tháng 10 năm 1957. Sự kiện này đã làm nước Mỹ bàng hoàng. Liên Sô đã qua mặt Hoa Kỳ.

(phi thuyền Spoutnik)

Sau ngày 4 tháng 10 năm 1957, Hải Quân Hoa Kỳ tiếp tục phóng thử nhiểu lần các vệ tinh lên quỹ đạo với hỏa tiễn Viking. Tuy nhiên trong 12 lần phóng, chỉ có hai lần đầu thành công. Điều đáng chú ý là vệ tinh của Mỹ chỉ nặng có 22,5 kg trong khi vệ tinh Spoutnik của Liên Sô đã nặng đến 83 kg. Hoa Kỳ bắt buộc phải trông cậy vào Von Braun và cơ quan dân sự NASA được thành lập.

Từ năm 1957, Liên Sô bắt đầu có chương trình đưa người lên không gian. Phi hành gia Youri Gagarine được tuyển chọn vì ông ta là con của một gia đình nông dân, tầng lớp công dân Liên Sô gương mẫu. Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Gagarine trở thành người đầu tiên trên thế giới vào vũ trụ, bay chung quanh trái đất trong vòng 90 phút. Khi trở về, Gagarine được tiếp đón như một anh hùng dân tộc.

(Gagarine)

Sau đó Gagarine bị cấm bay lên không gian vì Liên Sô không muốn người anh hùng có thể bị tai nạn trên không gian. Về sau ông ta tử nạn khi chiếc Mig 15 do chính ông ta điều khiển bị rơi. Mặc dù Korolev là người có công trong sứ mạng phát triển công nghệ không gian nhưng Korolev không bao giờ được nhắc tới vì là người chống chế độ. Điều được dấu kín là chuyến bay trở về của Youri Gagarine không được suông sẻ như đã được công bố. Bí mật này chỉ được tiết lộ trong thời kỳ Đổi mới Perestroika: khi trở về trái đất, sự phân tách phi thuyền con đã không xẩy ra đúng lúc; Gagarine gẩn hụt hơi vì ống dẫn khí vào mũ an toàn bị tắc nghẽn; cuộc đáp xuống đất không đúng như dự liệu, Gagarine phải bỏ phi thuyền con và nhẩy dù xuống từ 7000 mét trên cao và khi ông ta đáp xuống đất thì dân chúng quanh đó rất lo sợ vì nghĩ là kẻ thù đến xâm lăng.

Song song với sự phát triển của Liên Sô, Hoa Kỳ hành động với một phương pháp có trình tự để đưa người lên không gian.

  1. Ban đầu phi thuyền Mercury sẽ đưa một người vào không gian;

  2. Sau đó hai phi hành gia sẽ bay theo phi thuyền Gemini;

  3. Tiếp theo là ba phi hành gia trong phi thuyền Apollo bay quanh quỹ đạo mặt trăng;

  4. Đồng thời đưa lên không gian các tàu khảo sát (robot) Ranger, Surveyor, Lunar Orbiter để nghiên cứu các bãi đáp.

Vào tháng 5 năm 1961, hơn một tháng sau khi Gagarine bay chung quanh trái đất, Hoa Kỳ đưa phi hành gia Sheppard lên không gian và ra ngoài thực hiện một bước nhẩy vọt trong không trung. Sau chuyến bay thành công 15 phút này, Tổng thống Kennedy tuyên bố một cách liều lĩnh là vào cuối thập niên 1960, Hoa Kỳ sẽ đưa người lên mặt trăng và sau đó bay trở về trái đất. Thế rồi vào ngày 20 tháng 2 năm 1962, phi hành gia John Glenn thực hiện nhiểu vòng bay quanh trái đất. Đến đây thì Hoa Kỳ và Liên Sô thủ huề vì cả hai đã bay quanh trái đất.

Năm 1965, Liên Sô đưa phi hành gia Leonov thực hiện cuộc đi bộ trên không gian. Khi trở lại phi thuyền, áo của Leonov bị căng phồng khiến ông ta không thể nào chui vào cửa phi thuyền. Nhưng với sự bình tĩnh đã được luyện tập, Leonov đã tháo nút xả hơi trên áo giáp của mình để rồi chui trở lại phi thuyền. Khi trở về trái đất, phi thuyền của ông ta cũng không đáp xuống đúng nơi đã định mà rơi xuống vùng sông Taiga nơi có nhiều chó sói và gấu. Sau chuyến bay này, Leonov được chính thức để cử sẽ là phi hành gia đầu tiên lên mặt trăng.

Hoa Kỳ đáp trả với chuyến bay Gemini với hai phi hành gia Amstrong và White. White sẽ thực hiện cuộc đi bộ ra ngoài không gian như Leonov còn Amstrong tiếp tục điều khiển phi thuyền. Khi trở về, phi thuyền Gemini cũng gặp trở ngại kỹ thuật và chính Amstrong phài tự tính toán để bay trở vào trái đất. Sự kiện này đã đưa đến quyết định Amstrong sẽ là người đẩu tiên lên mặt trăng.

Kể từ sau chuyến bay Gemini, Hoa Kỳ đã qua mặt Liên Sô về mặt kỹ thuật và chương trình Apollo bắt đầu. Trước đó không lâu, Hoa Kỳ đã cho các tàu khảo sát Surveyor đáp trên mặt trăng.

Chương trình Apollo được dự tính như sau :

  1. Hỏa tiễn Saturn V nặng 3500 tấn, cao 110 mét, sẽ đưa phi thuyền Apollo vào quỹ đạo mặt trăng với 3 phi hành gia ;

  2. Phi thuyền Apollo bay chung quanh quỹ đạo mặt trăng, phi thuyền con sau đó sẽ tách rời khỏi phi thuyền mẹ Apollo để đáp xuống mặt trăng với 2 phi hành gia ;

  3. Sau khi đáp xuống mặt trăng, hai phi hành gia sẽ lần lượt ra khỏi phi thuyền con, thám hiểm và thu thập đất đá mang trở về trái đất;

  4. Phi thuyền con cất cánh trở về phi thuyền mẹ Apollo;

  5. Phi thuyền Apollo bay trở về trái đất.

(phi thuyền con Apollo)

Về phía Liên Sô, họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng với hỏa tiễn N1, tương đương với hỏa tiễn Saturn V, sẽ phóng vệ tinh Soyuz và phi thuyền con LK có nhiệm vụ đáp xuống mặt trăng vài tiếng đồng hồ thu lượm đá trước khi bay trở lại phi thuyền mẹ Soyuz để trở về trái đất.

(phi thuyền con LK)

Một vài tai nạn đáng tiếc đã xẩy ra : Phi thuyền Apollo 1 bị nổ cháy ngay khi còn trên mặt đất, ba phi hành gia tử nạn. Phi hành gia người Nga Korolev tử nạn khi phi thuyền của ông rơi lúc bay trở về trái đất.

Vào năm 1968, vệ tinh của cơ quan tình báo CIA chụp được hình hỏa tiễn khổng lồ N1, được cho là hỏa tiễn lên mặt trăng, tại trường phóng Baikonour. Hoa Kỳ tức tốc đốt giai đoạn phóng phi thuyền Apollo 8 với các phi hành gia Borman, Lovell và Anders thử bay vòng quanh mặt trăng và sau đó trở về trái đất. Sau cuộc thử nghiệm thành công, Hoa Kỳ quyết định đưa người lên mặt trăng.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, phi thuyền Apollo 11 với 3 phi hành gia Amstrong, Aldrin và Collins, đã dời trái đất trước đó vài hôm, bay vào quỹ đạo mặt trăng. Phi thuyền con đáp xuống “Biển Bình yên (Sea of Tranquility) với hai phi hành gia Amstrong, Aldrin. Phi hành gia Collins tiếp tục bay quanh mặt trăng. Sau thời gian thăm dò, thu lượm đất đá, cắm cờ trên mặt trăng, phi thuyền con đã trở về phi thuyền Apollo 11 để trở về trái đất.

Sau chuyến bay Apollo 11, Liên Sô huỷ bỏ chương trình lên mặt trăng. Hoa Kỳ còn tiếp tục các chuyến bay Apollo khác cho đến phi vụ cuối cùng Apollo 17. Tổng cộng các phi hành gia mang về 400 ký đá và các nhà khoa học khám phá ra rằng mặt trăng và trái đất giống nhau về địa chất.

Paris 07/02/2024

Phạm Văn Vĩnh

(1) Il y a 50 ans: Les premiers pas sur la lune – Comment en est-on arrivé là?

(2) Président de la Commission de Cosmologie, Planet Astronomy

You may also like...

1 Response

  1. Tri Nguyen says:

    Rất hay. Bài khảo cứu công phu và hữu ích.
    Cảm ơn Vĩnh.

Leave a Reply