Khi Nào Thì Nên Chết ?

Quý vị nào hay tin dị đoan thì xin lưu ý, người ta  đồn,  dân Việt mình có nhiều người tin rằng khi nào nói đến  chuyện chết thì thế nào thần chết cũng đến với mình và nếu có cơ hội sẽ lấy mạng mình. Còn quý vị nào vừa tin dị đoan, nhưng lại có ý tò mò muốn biết nên chết vào lúc nào thì nên đọc một cách kín đáo, nhất là không nên phùng má, trợn mắt hay há hốc miệng ra vì những động tác đó sẽ kéo co các bắp thịt trên mặt, huyệt Đan Điền có thể mở ra và thần chết có khả năng chui qua huyệt này mà nhập vào mình. Và nếu mà Ngươn Thần của mình đánh không lại Tử Thần thì mình chết. Ngoài ra, đối với các quý vị không tin dị đoan, dị trang gì hết thì xin cứ thoải mái đọc vì sự chết là một trạng thái rất nhân bản và khoa học trong đời sống hàng ngày.  Sở dĩ người đời nhìn cái chết một cách tang thương và khiếp sợ chỉ vì người đời cho là phải như thế.

Tại sao lại nói về cái chết ? Vì nhiều lý do mà trong đó có hai điều đáng chú ý nhất. Trước hết vì cái chết là chuyện tương lai của mình. Mà đã là chuyện tương lai thì tất nhiên phải tính sao cho hợp thời, hợp lý nhất. Nhất là cái chuyện này nó đặc biệt hơn những chuyện tương lai khác: nó chỉ đến một lần và không bao giờ trở lại.  Lý do thứ hai là vì lúc này người chết nhiều quá mà thường thì con người lại hay sợ chết.  Vậy để làm cho hết sợ chết thì phải làm sao đây ? Cứ theo khoa tâm lý thì cách hữu hiệu nhất là nói về cái gì mình sợ. Tức là dĩ độc trị độc.  Phương pháp dĩ độc trị độc được dùng trong nhiều lãnh vực, thí dụ thuốc chủng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên phương pháp này không phải trị cái gì cũng có thể dùng nó được. Lấy thí dụ, có cô gái kia buồn đời vì mới thất tình, về nhà chẳng nói chẳng rằng, mặt mày xì bị như con mèo ốm đói vào lúc hoàng hôn, vào phòng đóng cửa lại, lấy 30 viên Aspirines bỏ vào miệng, uống với nửa ly nước, trước bữa ăn. Uống xong nghĩ lại thấy mình ngu, nó bỏ mình thì mình kiếm thằng khác. Nhưng lỡ uống 30 viên rồi, biết làm sao bây giờ ? Chợt nghĩ lại trước đây nghe người ta nói đến cách trị bệnh bằng dĩ độc trị độc, liền uống thêm 30 viên nữa. Dĩ độc trong trường hợp này thì không trị độc mà là tăng độc, và nếu không mau mau gọi cấp cứu thì chỉ còn có đường mà đem chôn. Nghe người ta nói mà không chịu kiểm chứng cho ra lẽ thì có ngày phải mang hoạ vào thân.  Xưa có ông thầy thuốc, hấp ta hấp tấp, đọc  một trang thấy viết đau bụng uống nhân sâm, liền kê toa cho người bệnh. Người bệnh uống rồi chết. Ông thầy về nhà mở sách ra đọc lại, vẫn thấy đau bụng uống nhân sâm. Lật trang sau đọc tiếp: thì chết.

Xin đặt một câu hỏi :  sự chết có cần thiết không? Thử tưởng tượng trên đời này không có sinh vật nào chết cả. Loài người, thú vật và cây cỏ đều sống đời đời. Sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay, từ thế hệ này qua thế hệ khác và mãi mãi về sau. Sống được như vậy thì ngày nay mọi người vẫn còn có dịp nhìn thấy các con vật thời tiền sử đi qua đi lại, vẫn nhìn thấy A Dong, Eva, Lạc Long Quân, bà Âu Cơ, ông Bành tổ, ông Bàn Cổ, ông Tô Vũ chăn dê đực, Đức Phật, Chúa Giê Su, hai bà Trưng, bà Triệu, bà Hồ Xuân Hương, v,v. Nhưng mà lấy chỗ đâu mà ở? Lấy gì mà ăn ? Tiền đâu có đủ mà trả lương hưu? Nhà cửa thì chật hẹp mà mọi vật đông đúc chèn ép nhau tìm chỗ đứng tất sẽ dẫn đến việc tranh dành đất đai và chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt vì chiến tranh không gây ra thương vong. Đang ngồi trong nhà xem truyền hình, tự nhiên có cây mít Tố nữ  nó mọc lên ngay giữa nhà. Nhổ thế nào cũng không được vì nó không chết. Ong bướm, sâu bọ bu đầy trên cây. Rồi thì cây nó sinh chồi, nẩy lộc, kết hoa, đơm trái. Trái nào trái nấy to và thơm nhưng không ăn được vì nó không chết.  Một cuộc sống như thế có hạnh phúc không hay chỉ toàn phiền toái và phức tạp. Nếu vạn vật không chết thì làm sao có thể hiểu được cái lẽ vô thường và phải ăn nói làm sao về ngày tận thế ? Xét về mặt sinh nhai, không ai chết thì biết bao người thất nghiệp vì không ai cần đến quan tài, không cần gỗ, đinh, ốc, sơn phết, dụng cụ cho thợ mộc, cho thợ sơn, không cần phải thuê nhà đòn, không cần có nhà hoả thiêu, không may quần áo tang, không cần thuê người khóc mướn, vân vân và vân vân. Ngần ấy  lý lẽ cũng đủ để kết luận chết là một trong những điều cần thiết cho sự sống.

Vậy nên chết làm sao ? Nghe người ta nói cái chết hạnh phúc nhất là khi mãn phần, lửa Tam Muội (Toumo) trong người phát ra một cách êm ái, đốt tiêu tan thân thể mình không để lại một hạt tro, chỉ còn lại bộ quần áo mình đang mặc lúc lâm chung. Tuy nhiên chết bằng lửa Tam Muội rất phức tạp cho người trong nhà vì không thể nào làm giấy khai tử. Mà đã không có giấy khai tử thì không thể chia gia tài. Tại sao vậy? Bởi vì giới hữu trách họ cần phải khám nghiệm tử thi cho có bằng cớ mà bây giờ chỉ còn có mỗi bộ quần áo. Cùng lắm cảnh sát họ có thể liệt mình vào loại người mất tích.  Trong Thuỷ Hử Truyện, vào hồi kết khi các anh hùng Lương Sơn Bạc bị bắt đưa về kinh xử tội thì Lưu Huệ Nương, con Lưu Quảng, biết mình sắp chết liền tắm gội sạch sẽ, lên giường nằm và phát ra lửa Tam muội mà biến mất, chỉ còn lại bộ quần áo. Lúc đó ông Bác là Thống chế Trần Hy Chơn, cũng là một Đạo sỹ,  mới chạy ra giữa sân gọi lớn hỏi Huệ Nương còn để lại bộ quần áo làm gì. Tức thì bộ quần áo cũng tiêu luôn. Đọc tới chỗ này người đọc không thể không khỏi ngờ vực, tự hỏi vì sao bộ quần áo cũng biết phát ra lửa Tam muội.  Vậy làm cách nào trong người mình có thể phát ra lửa Tam Muội ? Tam muội là gì ? Người viết không dám nói bậy, vậy quý vị nào muốn biết xin tự nghiên cứu lấy. Có một điều chắc chắn lửa Tam Muội không phải lửa do ba bà vợ phát ra cùng một lúc bởi vi` nếu quả như thế thì chỉ có ông nào có ba vợ mới có thể phát ra lửa Tam Muội.

Nếu không thể chết bằng lửa Tam Muội thì vẫn còn một cách chết êm ái khác. Đó là chết trong lúc mình đang ngủ.  Tối đến lên giường ngủ, sáng mai người nhà khám phá ra mình đã chết mà chính mình cũng không ngờ. Chết theo cách này có một điều nguy hiểm trong trường hợp bà vợ (hay ông chồng) mình thường có thói quen ban sáng bưng vào cho mình một tách cà phê nóng, và khi khám phá ra mình đã chết thì có thể run rẩy, hét lên một tiếng làm đổ cả tách cà phê nóng lên người mình, làm cho mình bị phỏng.  

Nên chết vào lúc nào ? Điều này thì cũng còn tuỳ vào từng người. Ví như có người thích tắm vào ban sáng, có người thích vào ban trưa, lại có người thích vào ban tối. Thế nên không thể đặt ra một thời điểm chung nào  tốt nhất cho tất cả mọi người. Người viết đề nghị chọn lựa một trong ba thời điểm, đó là chết sớm hơn những người khác, chết giữa chừng và chết sau cùng.

Nếu chết trước những người khác, nhất là trước thân bằng, quyến thuộc, thì tốt lắm vì đám tang của mình rất đông và nhộn nhịp. Người ngoài nhìn vào thấy mình tốt phúc mới được chiếu cố nhiều như thế. Chết lúc này có nhiều cái lợi. Thứ nhất là mình dễ vào Niết Bàn hay Thiên Đàng vì mọi người đều cầu cho mình được tiêu diêu nơi miền Cực Lạc. Thứ hai là người trong nhà mình đỡ buồn vì cái buồn đã được chia năm xẻ bảy cho tất cả bằng hữu. Cái lợi thứ ba là con cháu mình thu nhập tiền phúng điếu cũng khá bộn. Nhiều khi đang nghèo lại có vốn làm ăn. Song song với những lợi ích cũng có thể có đôi điều phiền toái. Cái phiền thứ nhất là người càng đông thì càng ồn ào mà khi mình đang nằm yên trong cái hòm tối tăm, nóng nực nói gì không ai chịu nghe thì có bực mình không, nhất là khi có ai nói xấu mình. Cái phiền thứ hai là con cháu mình bây giờ nhận phúng điếu nhiều quá, mai kia phải trả nợ chết luôn. Trong vấn đề trả nợ, đâu phải chỉ trả tượng trưng. Bây giờ nhận bao nhiêu, mai kia cũng phải so với thời giá mà trả lại cho đầy đủ.  Tính ra như vậy là con cháu mình nó đi vay nợ trả góp, ngoại trừ chúng nó ăn quỵt.

Nếu chết giữa chừng, sau khi một số bạn bè của mình đã ra đi,  thì đám tang đỡ ôn ào mà bạn bè mình giờ cũng đã già thêm, điềm tĩnh hơn lúc còn trẻ. Đám tang như vậy có phần trang nghiêm. Khả nằng vào Niết Bàn hay Thiên Đàng vẫn cao vì vẫn còn một nửa bạn bè còn sống vẫn cầu nguyện cho mình. Số tiền phúng điếu chắc cũng thu được nhiều vì vẫn còn nửa số bạn bè còn sống thêm vào đó con cháu của những người chết trước sẽ  đến đóng góp để trả nợ mình trước kia đã phúng điếu họ.

Cái chết sau cùng có vẻ buồn tẻ vì không còn ai tới viếng mình. Đám ma mình sẽ trống vắng như chùa bà Đanh. Một mình lủi thủi nằm trong quan tài và nếu con cháu mình không có khả năng thuê nhà đòn thì có lẽ mình phải tự đứng dậy vác quan tài mình đi mà tự chôn mình. Tuy nhiên về phần thu nhập thì kỳ này con cháu mình không cần phải trả nợ vì trước đây mình đã phúng điếu hết cho mọi người rồi. Coi như mình đã đầu tư cho con cháu hưởng, nếu con cháu của bạn bè mình còn tha thiết với mình.

Thế bây giờ nên tống táng mình làm sao? Để mặc cho con cháu chúng nó lo hay mình mua một cái bảo hiểm để người ta lo tang lễ cho mình ? Chôn hay là thiêu ? Chôn dưới lòng đất thì lạnh, tối tăm, ngộp thở và dơ bẩn vì giòi bọ giun sán nó lúc nhúc quanh mình.  Lỡ khi mình đang nằm yên ban đêm có kẻ nó đến đào mộ mình ra để chôn dấu hàng buôn lậu thì sao ? Có khi có bọn côn đồ nó đến đập phá mồ mả mình thì lấy gì che mưa che nắng ?  Hay là thiêu ? Nội khi mình còn sống, bỏ con gà, con vịt vào lò quay thôi mà đã nhễ nhãi mồ hôi. Bây giờ nó đưa mình vào lò thiêu nóng tới mấy ngàn độ thì sao mà chịu được ! Biết làm sao đây ?

Có một điều mà cho đến lúc này chúng ta chưa đề cập đến, đó là Thiên ý hoặc Chúa định hay Vô ngã tuỳ vào tôn giáo của mỗi người. Người viết có một người bạn sống với bà mẹ năm nay đã được 102 tuổi. Hai năm trước nhà người bạn tổ chức ăn mừng sinh nhật 100 tuổi cho bà mẹ. Gặp bà mẹ người viết hỏi thăm “lúc này bác ra sao”. Bà cụ trả lời “cậu ơi tôi buồn lắm, tôi không muốn sống nữa, tôi chỉ muốn chết thôi, sáng nào tôi cũng cầu xin Chúa cho tôi chết mà chúa không cho tôi chết”. Bà cụ cứ nói đi nói lại như vậy suốt bữa tiệc. Cuối cùng người viết mới đề nghị bà cụ “thế này bác ạ,  hay là bác quay mặt Chúa vào tường đi. Rồi bác giao hẹn khi nào Chúa cho bác chết thì con bác sẽ cho Chúa quay mặt ra”. Tưởng nói vậy cho xong, ai ngờ mấy hôm sau người bạn gọi lại “Hôm trước ông nói gì với mẹ tôi mà mẹ tôi cứ quay mặt chúa vào tường vậy”. Hoá ra bà cụ muốn chết thật, nhưng cụ không có quyền quyết định. Chúng ta cũng vậy, mọi người có thể tính toán khi nào nên chết, chết làm sao, sắm sẵn quần áo, tiền bạc, giầy dép, v.v. nhưng không ai có khả nằng tự quyết định cho cái chết của mình. Vậy thì cứ vui sống đi !

Paris, 14/08/2020

Phạm văn Vĩnh

You may also like...

Leave a Reply