TRIẾT LÝ CỦA OSHO
Lê Tấn Tài
Osho, hay còn được biết đến với tên gọi Bhagwan Shree Rajneesh, là một tu sĩ Ấn Độ gây tranh cãi và có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với việc sáng lập cộng đồng sư thất Oregon (Rajneeshpuram) ở Hoa Kỳ, nơi xảy ra những vụ kiện gây tranh cãi về mặt pháp lý. Ông đã bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về lại Pune (Poona) Ấn Độ vào năm 1987, sau khi đã nhận nhiều tội và bị phạt 400 ngàn Mỹ kim. Các đánh giá về Osho thường rất đa dạng. Mặc dù bị chỉ trích vì các vấn đề như tình dục tự do, quản lý tình thần và các hoạt động gây tranh cãi khác, nhưng cũng có người hâm mộ đánh giá cao tầm nhìn triết học và tâm linh của ông.
Thông tin về Osho thường được trích dẫn từ các nguồn khác nhau, và những nhận định của các tờ báo như Sunday Times của London và Sunday Mid-day của Ấn Độ chỉ là một phần nhỏ trong các câu chuyện xoay quanh về Osho. Triết lý của Osho có nhiều khía cạnh và có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau bởi các học giả và triết gia.
Osho theo đuổi ý tưởng về tình yêu như một trạng thái tự do tuyệt đối. Con người tìm kiếm sự tự do tâm hồn và không bị ràng buộc bởi các giới hạn xã hội hay tâm lý. Ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta thường cảm thấy đau khổ và chật vật trong tình yêu?” Yêu không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn liên quan đến tình yêu gia đình, cách hàn gắn hay chữa lành tổn thương giữa cha mẹ và con cái.
Ông nói: “Điều bạn cần làm không phải là học cách yêu, mà là loại bỏ những cách đánh mất tình yêu. Bạn đang yêu người đó hay chỉ là đang yêu hình mẫu chính mình? Chúng ta dễ dàng quên rằng vì khác biệt, xa cách, bí ẩn nên chúng ta mới mong muốn khám phá và phải lòng nhau.”
Osho cũng phản đối quan điểm về tình yêu lý tưởng và thực tế cho rằng tình yêu thực sự có khả năng chấp nhận sự khác biệt, tranh cãi, và thay đổi. Ông chia sẻ: “Hãy bớt phán xét và bạn sẽ ngạc nhiên rằng khi bạn trở thành nhân chứng và bạn không phán xét chính mình, bạn cũng ngừng phán xét người khác. Và điều đó khiến bạn trở nên người hơn, nhân ái hơn, thấu hiểu hơn”.
Osho mô tả tình yêu như một làn gió mát, thoáng qua và để lại hương thơm, nhấn mạnh sự tự do và sẵn sàng đối mặt với thay đổi. Bằng cách này, ông khuyến khích chúng ta vượt qua định kiến và loại bỏ những niềm tin sai lầm về tình yêu. “Nếu bạn yêu một bông hoa, đừng ngắt nó lên. Bởi vì nếu bạn ngắt nó lên, nó sẽ chết và nó không còn là thứ bạn yêu thích. Vì vậy, nếu bạn yêu một bông hoa, hãy để yên nó như vậy. Tình yêu không phải là sở hữu. Tình yêu là sự thưởng thức.”
Osho là một nhà triết học và giáo sư tâm lý học, có một tầm nhìn độc đáo về tự do cá nhân và tự do tinh thần. Ông hướng dẫn con người sống một cuộc sống có ý thức, tự do lựa chọn giá trị và tìm kiếm sự thật về bản thân. “Chỉ cần ngồi im lặng và lắng nghe tâm trí mình, bạn sẽ phát hiện có quá nhiều tiếng nói…” và bằng cách này, Osho mở ra một con đường đến sự tự do và sự tỉnh thức.
Ông chủ trương việc phát triển bản thân không bị hạn chế bởi những quy tắc và chuẩn mực xã hội. “Sự thật không thể tìm thấy ở bên ngoài. Không một người thầy nào, không một câu kinh thánh nào có thể đưa nó cho bạn. Nó ở bên trong bạn và nếu bạn muốn đạt được nó, hãy tìm kiếm trong tâm hồn của riêng bạn. Hãy sống với chính mình.” Nhìn nhận và chấp nhận chính bản thân mình mà không bị ràng buộc bởi các khía cạnh tiêu cực. ”Sống trong ký ức, sống trong trí tưởng tượng, là sống trong cái không tồn tại. Và khi bạn đang sống trong cái không tồn tại, bạn đang bỏ lỡ cái đang tồn tại. Tự nhiên sẽ đau khổ, vì nhớ nhung cả đời.” Ông nói thêm “Không suy nghĩ, không phiền muộn, không lựa chọn – chỉ im lặng, nhìn sâu vào chính trái tim mình.” Sự tự do không phải là việc từ chối giá trị xã hội, mà là khả năng tự do lựa chọn những giá trị đó một cách có ý thức.
Tự do cá nhân đòi hỏi sự giải phóng khỏi áp lực, kỳ vọng và niềm tin của xã hội, gia đình và thậm chí của bản thân. Việc thoát khỏi những giới hạn này để tìm kiếm tự do thực sự và tự chủ trong cuộc sống. “Con mắt định kiến là con mắt mù lòa, trái tim chứa đầy kết luận là một trái tim chết. Quá nhiều giả định tiên nghiệm và trí óc của bạn bắt đầu mất đi sự sắc bén, vẻ đẹp cùng sự mãnh liệt của nó. Nó trở nên mờ đục.”
Con người phải sống trong hiện tại, giải phóng bản thân khỏi quá khứ và tương lai, để trải nghiệm sự tự do tinh thần trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. “Xã hội đầy rẫy những cơn bão và bạn vẫn đang lang thang ngoài đường, bạn đang run rẩy oằn mình trong cơn bão đó. Bạn quên mất mình có nhà, bạn quên mất bạn có một nơi để cư ngụ cực kỳ ấm áp và an toàn… Có một căn nhà như thế trong tâm trí của bạn đang bị chất đầy bởi những vật chất, danh vọng, quyền lực, bởi những suy nghĩ, lo lắng, bận tâm, phán xét về quá khứ và tương lai… Bạn không nhận ra đó toàn những thứ không có thật, chúng sẽ tan biến ngay nếu bạn ném chúng vào cơn bão, chúng chẳng có giá trị gì khi bạn lìa đời. Thế nhưng bạn yêu quý chúng đến nỗi bạn chất chúng vào nhà còn bạn thì ra ngoài ở. Và vì căn nhà quá chật nên cũng không còn chỗ trống nào cho những vị khách khác: những tiếng cười, niềm vui, niềm hạnh phúc, lòng biết ơn… không gì có thể chen vô nhà bạn được nữa.”
Osho chủ trương tư duy tự do, sáng tạo và đối mặt với thách thức trong cuộc sống một cách linh hoạt, không bị giới hạn bởi quy tắc hay niềm tin cũ. Tư duy tự do bao gồm khả năng tư duy mà không bị mắc kẹt trong các hệ thống tư duy cụ thể. “Đừng bao giờ bắt chước, hãy luôn là nguyên bản. Đừng trở thành một bản sao. Nhưng đấy lại là điều đang diễn ra trên khắp thế giới – toàn những bản sao.” Tư duy tự do còn liên quan đến sự hiểu biết sâu sắc về bản thân, bao gồm khả năng tự nhìn nhận, chấp nhận và thấu hiểu tất cả các khía cạnh của bản thân. Ông khẳng định rằng sự tự do tư duy đòi hỏi việc chấp nhận sự thật về bản thân và thế giới xung quanh, đồng thời không chấp nhận sự giả tạo và ảo tưởng không thực tế.
Sự thay đổi là một phần thiết yếu của cuộc sống và khuyến khích mọi người học cách tự điều chỉnh để thích ứng với môi trường xã hội và tâm lý. Mọi người cần phải đối mặt với sự thay đổi một cách tích cực và sáng tạo.”Sự thay đổi là phần không thể thiếu của cuộc sống”. Ông không coi sự thay đổi là một điều đáng sợ, mà coi đó là một quá trình tất yếu và tích cực. Mọi người nên tự điều chỉnh và linh hoạt trong cách tiếp cận cuộc sống, không chống lại hoặc sợ hãi sự thay đổi. Sự thay đổi là cơ hội cho sự phát triển và khám phá tính linh hoạt của tâm hồn.
Ý nghĩa sự sáng tạo trong quá trình thay đổi giúp mỗi người tự tạo ra cuộc sống ý nghĩa và đáng sống, không gắn bó quá mức với quá khứ và sẵn sàng chấp nhận sự mới mẻ trong hiện tại và tương lai. “Hàng triệu con người đã sống trên trái đất này và chúng ta thậm chí còn không hề biết tên họ. Hãy chấp nhận sự thật đơn giản đó – bạn chỉ có mặt ở đây một số ngày rồi sẽ ra đi. Đừng lãng phí số ngày ngắn ngủi này vào những hành động giả dối hay nỗi lo sợ không đâu.”
Sự tự do tư tưởng và sẵn lòng thay đổi là chìa khóa để thích ứng với những thách thức của cuộc sống. “Con người không ngừng mơ về một chuyến tàu, và trong mơ, họ luôn bỏ lỡ chuyến tàu đó. Trong giấc mơ, người đó đang vội vã chạy tới nhà ga, và khi anh ta tới nơi, tàu đã rời sân ga. Giấc mơ này lặp đi lặp lại với hàng triệu người, đây là một trong những giấc mơ phổ biến nhất. Tại sao hàng triệu người lại mơ cùng giấc mơ ấy? Họ đang bỏ lỡ cuộc sống. Họ luôn chậm. Luôn có khoảng cách.”
Osho bàn luận rất nhiều về thiền. Theo ông, thiền không chỉ là một phương pháp tập luyện tinh thần mà còn là một trạng thái tự nhiên của cơ thể, một trạng thái đã mất đi nhưng có thể được khám phá lại với niềm vui lớn. Thiền đại diện cho sự không phân biệt, không nỗ lực và không cố gắng, mà thay vào đó là việc nhìn vào bên trong chính bản thân. “Thiền định cũng giống như một bông hoa vậy. Nó xuất phát từ chính bạn và tồn tại trong chính bạn.”
Kỹ thuật “thiền động” của Osho, một trong hơn 100 kỹ thuật mà ông đề xuất, dùng để đánh thức năng lượng tiêu cực, giải phóng cảm xúc, và cuối cùng đạt được trạng thái tĩnh lặng. “Khi mọi người đến gặp tôi và hỏi: “Làm thế nào để học thiền?”. Tôi nói với họ: “Bạn không cần phải hỏi làm thế nào để thiền, chỉ cần hỏi làm thế nào để luôn bận rộn. Thiền diễn ra một cách tự phát. Sau đó, bạn không làm gì và thiền sẽ tự phát triển mạnh mẽ…Khi bạn không làm gì, năng lượng di chuyển về phía trung tâm, nó sẽ hướng về trung tâm. Khi bạn làm điều gì đó, năng lượng sẽ di chuyển. Làm là một lối thoát. Không làm là một cách di chuyển.”
Osho nhấn mạnh rằng trạng thái thiền, mất đi trong cuộc sống hàng ngày, có thể được khôi phục thông qua việc thiền định với niềm vui lớn. “Tâm trí biết thế giới, thiền biết Thượng đế. Tâm trí là một cách để hiểu khách thể, thiền là cách để hiểu chủ thể. Tâm trí quan tâm đến nội dung, thiền quan tâm đến ý thức. Tâm trí bị ám ảnh với những đám mây, thiền tìm kiếm bầu trời. Những đám mây đến rồi đi, còn bầu trời thì luôn ở đó, mãi mãi…” Đối với Osho, thiền không phải là một thực hành phức tạp, mà là điều đơn giản. “Thiền của tôi rất đơn giản. Nó không yêu cầu bất kỳ sự thực hành phức tạp nào. Nó vô cùng đơn giản. Đó là hát. Đó là nhảy múa. Đó là ngồi im lặng tĩnh tâm.” Ông khuyến khích sự đa dạng và linh hoạt trong các phương pháp thiền, để mỗi người có thể tìm ra phương pháp phù hợp nhất với họ. Thiền là con đường trở lại với trạng thái tự nhiên của cơ thể, một trạng thái không có sự phân biệt và có thể đạt được qua nhiều kỹ thuật khác nhau.
Nhân cách của Osho không ngừng tạo ấn tượng mạnh mẽ thể hiện qua những bài giảng xuất sắc về tôn giáo, triết học và những bộ kinh lâu đời mà nhiều học giả trước đây đã cố gắng giải thích. Triết lý của Osho được mô tả là “triết học phi triết học.” Để hiểu rõ hơn về con người độc đáo này, việc đọc tác phẩm của ông đòi hỏi một lời giới thiệu ngắn, với sự thận trọng cần thiết, bởi ông có một tâm hồn sáng tạo và trái tim nghệ sĩ, có thể làm nảy sinh những cảm hứng vô tận cho người đọc. Tuy ông có những phẩm chất tích cực, không thể phủ nhận rằng ông cũng đã gặp nhiều phản đối khi ông đề cập đến sự mâu thuẫn và đối lập giữa giá trị và kỳ vọng xã hội với thực tế cuộc sống. Trong một xã hội tập trung vào vẻ ngoại hình và thành công về vật chất, ông thách thức quan điểm xã hội nầy, khuyến khích tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc hơn đằng sau những giá trị được đặt ra một cách bề ngoài. Nhiều người phàn nàn rằng các “đệ tử” của ông sẽ phản bội giáo lý của ông sau khi ông qua đời. Osho cũng đã hiểu rõ điều này và nhấn mạnh rằng ông không thể kiểm soát được hành động của thế hệ sau.