Đọc Việt Nam Lịch Sử Trường Thi của thầy Võ Phá
« Quán » đây là trang nhà www.trunghocthuduc.com . « Say sưa » là say mê đọc sách chứ không phải say mê yến ẩm theo ý nghĩa của Lý Bạch, của Lưu Linh . Còn « sử xưa » là tập « Việt Nam Lịch Sử Trường Thi » của nhà thơ Võ Phá . Khách thập phương có thể tìm thấy tác phẩm này một cách dễ dàng ở trên cao, bên phải ngay dưới bảng hiệu của quán nhà .
Hồi còn học ở trường Trung Học Thủ Đức, chúng tôi chỉ có dịp được học hai buổi với tác giả . Đó là vào năm lớp mười . Vì lớp chúng tôi theo ban B nên mỗi tuần chỉ có một giờ cho môn Vạn Vật . Không may cho lớp chúng tôi năm đó lớp chúng tôi không có giáo sư Vạn Vật . Cả lớp ngồi đợi mấy tháng trời . Bỗng một hôm thầy Võ Phá vào lớp nói thầy dậy đã đủ lớp nhưng vì chúng tôi không có thầy nên thầy đến giúp . Giờ học đầu tiên thầy nói sơ qua về chương trình và bắt đầu giảng bài thứ nhất . Đến giờ thứ hai, thầy dậy bài học xong chuyển sang đề tài tuổi trẻ phải làm gì cho đất nước . Cuối giờ thầy nói như có vẻ phân bua rằng người ta hay nói thầy thích tranh đấu có lẽ vì thầy gốc Quảng Nam . Sau đó thầy không lên lớp nữa vì có thầy Bùi Bửu Châu đến thay thế nhưng cũng chỉ được vài hôm rồi thầy Bùi Bửu Châu đổi đi trường khác . Cứ như thế cho đến cuối năm .
« Việt Nam Lịch Sử Trường Thi » là một công trình văn hoá lớn lao trong việc truyền bá lịch sử Việt Nam . Càng đọc sử con người càng hiểu rõ hơn công khó nhọc dựng nước của cha ông, càng hiểu rõ ý niệm về xã hội của từng thời đại . Tác phẩm tổng cộng gồm ba ngàn năm trăm năm mươi bốn (3554) câu thơ được đúc kết trong hai mươi tám (28) phần . Ở đầu mỗi phần, tác giả còn viết một đoạn văn xuôi giới thiệu hoặc khẳng định sự lựa chọn một trường phái sử học . Chúng tôi gọi là trường phái sử học vì đôi khi có sự bất đồng ý kiến của các sử gia về một sự kiện lịch sử nào đó . Thí dụ, thời kỳ Triệu Đà phải coi là thời kỳ tự chủ của nước ta hay nước ta bị Triệu Đà đô hộ . Thiên trường thi này bắt đầu từ thời kỳ lập quốc và chấm dứt vào lúc liệt nữ Nguyễn thị Giang, phu nhân của nhà ái quốc Nguyễn Thái Học, quyên sinh . Theo lời tác giả ghi lại, thời gian viết toàn bộ thi tập này dài bẩy mươi lăm (75) ngày, bắt đầu từ ngày ba mươi tháng mười (30/10) . Rất tiếc tác giả không ghi lại năm nào . « Việt Nam Lịch Sử Trường Thi » được tác giả viết theo thể thơ Song Thất Lục Bát . Đó là thể thơ mà học sinh Trung Học Thủ Đức đã biết đến qua những tác phẩm « Chinh Phụ Ngâm » của Đặng Trần Côn , « Ai Tư Vãn » của Bắc Cung Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân . « Việt Nam Lịch Sử Trường Thi » có lời thơ trong sáng, nhẹ nhàng, khi thì hùng tráng, khi thì sâu thẳm nỗi oan khiên, có lúc lại đậm tình giang sơn gấm vóc .
Người đời thường nói « thơ quý bình ngâm » . Mong sao có ngày được nghe một vài đoạn trong « Việt Nam Lịch Sử Trường Thi » qua những giọng ngâm đặc sắc truyền cảm trữ tình hoặc biến thiên trường ca thành một vở nhạc kịch qua những thiên tài âm nhạc của trường ta . Mong lắm thay .
Chúng tôi không dám và cũng không có khả năng bình luận hết tập thơ này, chỉ xin đọc ra đây hai mươi câu thơ trong phần đầu tiên của tác phẩm :
Giống Rồng Tiên sáng ngời nguồn gốc.(0041)
Họ Hồng Bàng chủng tộc Nam phương.
Vua đầu gọi Kinh Dương Vương.
Cùng bà Long Nữ nương nương kết tình.
Con đầu tiên chính danh nối nghiệp,
Lạc Long quân lãnh tiếp cơ đồ.
Lạc Long gá nghĩa Âu Cơ,
Ba năm mang nặng đến giờ khai hoa.
Một trăm con sinh ra cùng lượt
Năm mươi người thì được lên non. (0050)
Theo cha còn lại số con,
Xuống miền bờ biển sống còn lập thân.
Văn lang quốc Lạc Long cai trị,
Truyền cho con chính thị Hùng Vương.
Tên vua không đổi lạ thường,
Hai ngàn năm lẻ mọi phương phục tùng.
Mười tám đời vua Hùng bình trị
Chọn kinh đô định vị Phong Châu.
Văn quan thì gọi lạc hầu,
Võ quan, lạc tướng cầm đầu ba quân. (0060)
Nói về « Họ Hông Bàng » , được dịch ra từ « Hồng Bàng Thị » viết trong các quyển sử bằng chữ Hán, sử gia Phạm Văn Sơn, viết trong « Lịch Sử Tân Biên » xuất bản vào năm 1954, đưa ra một nghi vấn về chữ « họ » hiểu như tên họ của một gia đình . Theo ông chữ « Thị » có thể hiểu là một lãnh thổ của một dân tộc được các sử gia người Hán đặt tên là « Hồng Bàng » . Nói người Hán đặt tên cho tổ tiên mình là Hồng Bàng cũng có thể không sai giống như bên ta có thói quen gọi một số dân địa phương như « dân miệt vườn », « anh em miền núi », « bắc kỳ di cư», v.v. …
Vua đầu tiên « Kinh Dương Vương », đọc trong « Việt Nam Sử Lược « của cụ Trần Trọng Kim, tên huý là Lộc Tục , con trai của vua Đế Minh và con gái của ông Vụ Tiên . Sau Kinh Dương Vương được vua cha cho làm vua nước Xích Quỷ rộng lớn trong đó bao gồm cả nước Văn Lang . Thế thì các sách sử gọi Kinh Dương Vương là vua đầu tiên của người Việt cũng không hẳn là đúng vì trước đó còn có Đế Minh và cả vua Thần Nông nữa vì Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông .
Vua Kinh Dương Vương lấy con gái Long Thần (có sách gọi là Động Đình Quân) sanh ra Sùng Lãm, được nối ngôi cha làm vua nước Xích Quỷ . Ở đây có sự khác biệt trong nhiều tài liệu lịch sử . Có sách nói Lạc Long Quân làm vua nước Văn Lang, có sách nói Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương . Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao không là Lạc Long Vương như Kinh Dương Vương và Hùng Vương ?
Trong « Việt Nam Sử Lược » , cụ Trần Trọng Kim đã hoài nghi về thời gian của triều đại Hùng Vương, tính ra dài đến hai ngàn sáu trăm hai mươi (2622) năm . Thế mà cả triều đại chỉ có hai mươi (20) ông vua tính từ vua Kinh Dương Vương đến ông cuối cùng là Hùng Vương thứ mười tám (18) . Tính trung bình mỗi ông làm vua một trăm ba mươi (130) năm . Mà có phải mỗi ông sinh ra là làm vua ngay đâu . Ông thứ hai phải đợi ông thứ nhất làm vua một trăm ba mươi (130) năm . Tức là khi ông thứ hai nối ngôi ông thứ nhất thì ông ta đã có hơn một trăm ba mươi (130) tuổi . Làm vua thêm một trăm ba mươi (130) năm nữa thì chết, thọ hơn hai trăm sáu mươi (260) tuổi . Cứ tính ra như thế thì ông thứ mười tám (18) phải có trên ngàn tuổi .
« Đại Việt Sử Ký Toàn Thư » , chuyển sang Việt ngữ, của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội – Hà Nội in vào năm một ngàn chín trăm chín mươi ba (1993), chuyển sang sách điện tử do ông Lê Bắc điều hợp năm hai ngàn lẻ một (2001), ghi lại chú thích của Sử Thần Ngô Sỹ Liên về cuộc hôn nhân giữa Lạc Long Quân và bà Âu Cơ . Theo lời chú thích của Sử Thần Ngô Sỹ Liên thì bà Âu Cơ là con gái vua Đế Lai . Vua Đế Lai là con trai Vua Đế Nghi . Vua Đế Nghi là con trai vua Đế Minh . Vì thế vua Đế Nghi và vua Kinh Dương Vương là hai anh em ruột, cùng cha khác mẹ. Lạc Long Quân là con trai vua Kinh Dương Vương . Như thế thì Lạc Long Quân và vua Đế Lai là hai anh em con chú con bác, và bà Âu Cơ là cháu ruột của Lạc Long Quân . Cũng cùng giòng giống với nhau cớ sao lại không thể chung sống với nhau được mà phải chia đôi . Suy từ tên của bà Âu Cơ, có thể kết luận Đế Lai làm vua nước Âu . Ngày xưa người con gái của xứ nào thường được gọi tên của nước đó thêm vào chữ cơ như các bà Hạ Cơ, Trịnh Cơ, Sở Cơ , v.v …
Hùng Vương làm vua nước Văn Lang . Có sử gia hỏi tại sao không gọi là Lạc Vương cho hợp với Lạc Việt, Lạc Tướng, Lạc Hầu, Lạc Điền . Nhưng có sử gia lại nói phải là Hùng Vương, Hùng Tướng, Hùng Hầu . Vậy Lạc Việt, Lạc Điền có phải đổi lại thành Hùng Việt, Hùng Điền chăng ? Có sử gia còn đưa ra giả thuyết là các nhà biên chép lịch sử ngày xưa viết lộn chữ Lạc (雒) thành chữ Hùng (雄) vì hai chữ này chỉ khác nhau ở phần bên trái . Nói như vậy không có lý lắm vì không lẽ các ông chép sử ngày xưa không đọc lại bài đã viết . Ở phần này mọi người có thể đặt câu hỏi vì sao hơn hai ngàn sáu trăm (2600) năm trước Công Nguyên, chữ Hán chưa xuất hiện mà tổ tiên ta đã biết gọi Hùng Vương, Lạc Việt, Lạc Tướng, Lạc Hầu, Lạc Điền . Có thể vì lúc ban đầu sử nước ta được người Hán viết ra . Tổ tiên chúng ta chỉ tham khảo rồi viết lại . Do đó các chức tước thời Hùng Vương chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội nhà Hán trong thời kỳ chép sử .
Tại sao lại gọi là “Lạc Việt” ?
Chữ “Việt” thì dễ hiểu vì ngày xưa người Trung Hoa gọi tất cả các dân tộc sống ở phía nam sông Dương Tử là “Việt”. Chữ “Việt” có nghĩa là vượt qua (sông Dương Tử) .
Sau cùng cũng xin nói thêm là hiện này còn có nhiều giả thuyết khác về nguồn gốc dân tộn Việt . Chẳng những từ Động ĐÌnh Hồ mà còn từ Ấn Độ, từ Nam Thái Bình Dương . Tiếc rằng thời Thượng cổ không có tài liệu gì để lại nên hậu sinh chưa biết được gốc gác của tiền nhân .
Chúng tôi xin kết bài viết ở đây và cảm thấy vinh hạnh được đọc « Việt Nam Lịch Sử Trường Thi », một tài liệu lịch sử của một vị giáo sư tiền bối trường ta để lại .
Xin chân thành cám ơn quý vị đã có công đọc tới đây .