Hải Đường Dương Quý Phi

« Hải đường thụy vị túc đa » là câu mà vua Đường Minh Hoàng, thời nhà Đường, đã nói với nàng Dương Quý Phi. Nàng Dương  này là một trong Tứ Đại Mỹ Nhân của nước Tàu cổ xưa. Ba người kia là Tây Thi lạc nhạn thời Liệt Quốc, Điêu Thuyền bế nguyệt thời Tam Quốc và Chiêu Quân trầm ngư thời nhà Hán. Ba Mỹ Nhân này xét ra đều có công trạng với đất nước. Còn Mỹ Nhân Dương Quý Phi thì sao?

Thi hào Nguyễn Du viết trong truyện Kiều:

Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.

Qua hai câu thơ trên, có lẽ nhà thơ  Nguyễn Du ví nàng Kiều như cánh hoa Hải đường yểu điệu trong ngọn gió đông, yếu mềm dưới giọt sương xuân.

Hoa Hải đường giống hoa trà nhưng hoa trà màu trắng, không thơm. Hoa Hải đường hương thơm, sắc thắm, có thể màu vàng, đỏ, trắng. Nhụy hoa màu vàng. Cành cây mềm, dáng điệu thục nữ nhưng có nhiều cây cao đến tận ba thước. Người Trung Hoa đặt tên hoa là « Háitáng ». Người Nhật gọi là hoa « Kaido ». Tại Việt nam, hoa Hải Đường mọc từ miền Bắc tới Thừa Thiên và thường nở hoa vào mùa xuân.

   
Xưa vua Minh Mạng có làm một bài thơ  cho hoa đặt tên là Vịnh Hải Đường. Năm Minh Mạng thứ  17, vua cho khắc hình hoa vào Nghị Đỉnh, một trong chín đỉnh (Cửu Đỉnh) của nhà Nguyễn được đúc dưới thời vua Minh Mạng và được đặt trước sân Thế Miếu trong Hoàng Thành Huế.
Bên Việt Nam ta thường có sự lầm lẫn giữa hoa Hải đường với hoa Trà mi, Trà hoa nữ, Sơn trà, Camélia. Trong Minh Mệnh Thánh Chế có chú thich hoa Hải Đường có bốn loại gọi tên là Chiêm cánh, Tây phủ, Thủy lục và Mộc qua.

Thời Bắc Tống bên Trung Hoa, thi sỹ  Tô Thức thường hay uống rượu bên cạnh một cây hoa Hải Đường rồi làm một bài thơ Tứ Tuyệt đặt tên là  « Hải Đường ». Trong bài thơ thi sỹ chỉ tả nét đẹp cùng sắc hương của hoa trong ngọn gió đông nhưng không một lần nhắc đến tên hoa. Tuy không nhắc tên nhưng hai chữ «hồng trang » trong câu thơ cuối cùng có lẽ ám chỉ loài hoa Hải Đường màu đỏ.

Hải đường

Ðông phong diểu diểu phiếm sùng quang,
Hương vụ không mông nguyệt chuyển lang.
Chỉ khủng dạ thâm hoa thuỵ khứ,
Cố thiêu cao chúc chiếu hồng trang.

Dịch nghĩa

Gió đông nhẹ nhàng vuốt ve sắc màu lộng lẫy,
Màn sương mênh mông ngát hương, trăng xế hành lang.
Chỉ sợ đêm về khuya hoa ngủ hết,
(Nên) giơ cao ngọn đuốc sáng để chiêm ngưỡng dáng hoa.

Có một truyền thuyết nói về một tu sĩ người Âu châu tên là Kameli, sang Nhật truyền đạo Thiên Chúa, gặp và yêu thần cây Hải đường (kaido). Sau tu sĩ trở về  Âu châu mang theo một gốc Hải đường, đặt tên là Pommier Sauvage hay Flowering Cherry-Apple. Hoa tượng trưng cho tình bạn bè bền lâu, vẻ sang trọng quý phái và sự may mắn.

Trong văn học cổ, hoa Hải Đường dưới trời mưa bụi diễn tả người đẹp u sầu.  Thời Đường Minh Hoàng, nhà vua gọi cung phi Dương Quý Phi là Hải Đường. Truyện kể một buổi sáng, Đường Minh Hoàng ghé thăm Dương Quý Phi, thấy nàng ta còn đang ngủ thì cất tiếng hỏi rằng : “Hải Đường thụy vị túc đa ?”, nghĩa là “Hải Đường ngủ chưa đã sao ?”.
 Dương Quý Phi, tên là Ngọc Hoàn. Gọi là Dương Qúy Phi tu hoa (hoa ghen), đẹp lắm. Có sách bảo không đẹp vì mập nhưng có duyên. Lại có chỗ viết vào thời đó người đẹp phải mập. Ôi! Hết gầy rồi mập, hết mập lại gầy, thiệt tình không biết đâu mà rờ. Dương Qúy Phi có tài đàn địch và múa hát. Vua Đường bảo cứ  mỗi bước chân đi của Dương Quý Phi lại mọc lên một đoá hoa. Tiếc rằng Dương không mở tiệm bán hoa! Năm 17 tuổi kết duyên với con trai vua Đường Minh Hoàng là Thọ Vương Lý Mạo. Như vậy lúc ban đầu Dương Quý Phi là con dâu của vua Đường. Đường Minh Hoàng còn có tên là Đường Huyền Tông. Tên thật là Lý Long Cơ. Rất giỏi về cung, kiếm, kỵ mã, đàn hát và vũ nghệ. Thời gian đầu cai trị nước Trung Hoa thịnh trị. Bấy giờ cũng là thời của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, v.v. Vua có ba ngàn cung nữ. Lúc đầu yêu cung phi là kỳ nữ Triệu Lệ phi. Triệu Lệ phi mất sớm lại yêu cung phi thứ hai là Vũ Huệ phi, mẹ của Lý Mạọ.  Vũ Huệ phi cũng mất sớm. Từ đó Đường Minh Hoàng không màng tới việc triều chính nữa. Có quan thái giám Cao Lực Sĩ thấy vậy mới mách cho nhà vua biết đến nàng Dương Quý Phị. Đường Minh Hoàng sai đưa Dương Quý Phi vào cung. Lúc ban đầu vua phong cho làm chức Thái Chân (nữ tu sỹ), một chức quan nhỏ trong triều để dễ che mắt thế gian. Sau cho lên làm cung phi cho xong chuyện. Lúc ấy nhà vua đã tri thiên mệnh, 56 tuổi mà nàng Ngọc Hoàn mới 22 tuổi, chưa nhi lập. Tuy rằng nhỏ tuổi nhưng ăn tiêu xa xỉ nhiều lắm làm tan nát sự nghiệp vua Đường. Anh họ là Dương Quốc Trung làm tể tướng, ba bà chị của Dương Quý Phi được phong tước Quốc Phu Nhân, hàng năm lãnh cả ngàn quan tiền để mua son phấn. Dương Quý Phi còn nhận tướng An Lộc Sơn làm con nuôi đễ dễ bề tình tự.
Tục truyền Dương Quý Phi có bệnh hôi nách nên nhà nước tốn kém công quỹ nhiều lắm để vua Đường xây hồ tắm cho nàng Dương. Lại còn cho xây cầu Mây (bằng cây mây) để đưa nàng đến vãng du ở Quái Nham, một vùng rừng núi hiểm trở nhưng đẹp ở Thiểm Tâỵ. Nơi đây nhà vua đã cho vẽ vào đá cảnh Dương Quý Phi tắm suối ở Quái Nham. Cảnh này có tên là “Quái Nham Quý Phi toàn dục bích hoạ”. Cả thẩy có 10 bức tranh trên đá vẽ  Dương Quý Phi cởi áo, nghịch nước, lội suối, ngâm mình trong nước v.v.

Vào năm Thiên Bảo (743), Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi ngắm hoa tại đình Trầm Hương. Vua cho đòi Lý Bạch đến sáng tác một điệu nhạc mới để cùng đàn hát thưởng hoa.  Tại đây Lý Bạch đã sáng tác bài Thanh Bình Điệu. Bài nhạc được vua Đường ưa thích và Lý Bạch rất được nhà vua sủng ái nhưng Lý Bạch không được làm quan vì bị Dương Quý Phi cản trở. Chuyện kể rằng vì vua Đường thích bài hát quá nên mới ban cho Lý Bạch một đôi giầy mới và bảo Lý Bạch mang giầy vào chân. Lý Bạch trong lúc say sưa đã đưa chân mình cho quan thái Giám Cao Lực Sỹ bảo thay giầy cho mình. Việc này đã làm Cao Lực Sỹ thù oán nên đã dèm pha với nàng Dương Quý Phi rằng Lý Bạch ví nàng Dương như nàng Triệu Phi Yến, một Phi Tần bị thất sủng của vua Thành Đế nhà Hán .

Có  đêm  Đường Minh Hoàng nằm mơ thấy mình lên cung trăng, gặp các tiên nữ mặc áo cánh chim, múa hát khúc nhạc du dương … gần quên trở về. Khi về lại hạ giới đặt ra bài hát tên là ” Nghê thường vũ y ” để đến tiết trung thu cùng Dương Quý Phi ca hát hưởng trăng. Bài  ” Nghê thường vũ y ” có nghiã là  khúc  vũ xiêm y 5 mầu sắc. “Nghê” là cầu vồng, mây năm sắc, “Thường” là xiêm y, “Vũ y” là xiêm y may bằng lông chim. 
Vì xa xỉ quá nên dân tình oán thán. Lúc bấy giờ,  An Lộc Sơn đang làm Tổng trấn Hà Bắc mới đem quân về cướp ngôi, chiếm được cả kinh đô Lạc Dương, Trường An. Vua và quần thần phải chạy sang Tứ  Xuyên (chỗ này đồ ăn cay lắm, toàn là ớt !). Đến Tứ  Xuyên, triều đình giận quá bắt giết anh họ là Dương Quốc Trung đang làm Tể tướng  và buộc vua Đường phải xử tử nàng Dương Quý Phi. Vua Đường không biết làm gì hơn là sai Cao Lực Sĩ đưa cho nàng Dương giải lụa trắng để nàng tự quyết trên cây lê trước chùa Mã Ngôi, năm nàng 38 tuổi.
Xét ra Đường Minh Hoàng có tướng sát thê, bà nào gần nhà vua đều chết sớm. Đường Minh Hoàng nhường ngôi lại cho con là Đường Túc Tông. Đường Túc Tông dẹp được cuộc phiến loạn An Lộc Sơn, đưa tất cả trở về kinh đô. Đường Minh Hoàng về cung, sai hoạ sĩ vẽ bức hình nàng rồi treo trong cung điện, sớm tối than khóc. Sau mất thọ 78 tuổi.

Nhà  Đường cai  trị nước ta rất tàn ác. Sử gia Trần Trọng Kim viết có khi quan lại nhà Đường vào quê ta đổi một gói muối nhỏ lấy một con bò to.

Dương Quý Phi có tật thích ăn trái vải (lệ chi). Thơ Đỗ Mục đời nhà Đường có câu:

Nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu,
Vô nhân trí thị Lệ chi lai.
(Quý phi cười khi thấy vó ngựa tung bay,
Ai nào biết được đó là kỵ mã mang quả vải về cung)

Vào thời bấy giờ quả vải được trồng nhiều ở vùng Tứ Xuyên hoặc Lĩnh Nam. Sách nói rằng trên đường lộ, cứ khoảng năm cây số có một trạm dịch dùng vào việc chuyên chở lệ chi về kinh đô. Truyền thuyết dân gian ta nói quả vải được Dương Quý Phi ưa thích là giống vải trồng tại Lệ Chi Viên ở nước ta.   Nơi Lệ Chi Viên vua Lê Thái Tôn đã mất trong tay nàng Nguyễn Thị Lộ để Nguyễn Trãi luỵ tru di tam tộc. Nhưng đấy là chuyện sau.
 Truyền thuyết kể rằng vào năm 722, mùa hè trời nóng thiêu đốt, dân ta phải gánh vải từ Lệ Chi Viên sang cống nhà Đường. Trong khi nghỉ mệt, có một ông phu già với tay lấy một trái vải để giải lao. Mấy tên lính nhà Đường thấy vậy thì xấn tới đánh ông phu già không cho ăn. Lúc đó người trưởng phu là ông Mai Thúc Loan, mình đen, võ giỏi, sức mạnh muôn người, đã từng một tay giết cọp, thấy chuyện bất bình nên Mai Thúc Loan can thiệp. Quân nhà Đường xúm lại đánh họ Mai nhưng cuối cùng đều chết cả. Mai Thúc Loan nhân lúc này thừa thắng xông lên, đuổi quân nhà Đường ra khỏi bờ cõi. Người đời gọi ông là Mai Hắc Đế. Nhưng đụng tới Dương Quý Phi vua Đường đâu có chịu nên sai mười vạn binh sang chiếm lại nước ta, mang trái vải về cho nàng Dương. Mai Hắc Đế phải trốn vào rừng sau chết bệnh ở đấy. Quân nhà Đường trả thù giết dân ta thây chất đầy gò cao. Tuy nhiên chuyện này chỉ là chuyện dân gian. Còn theo sử sách thì cuộc khởi nghĩa của ông Mai Thúc Loan là do chính sách cai trị tàn ác của quan lại nhà Đường, sưu cao thuế nặng chứ không có liên quan gì tới quả lệ chi. Cũng may, nếu không thì Dương Quý Phi lại là người có ân oán với dân Việt chúng ta.


(Đền thờ Mai Hắc Đế, Hà Nội)

Phạm Văn Vĩnh

Tham khảo:

  • Trà mi, Hải đường – Võ Quang Yến – Chim Việt Cành Nam http://chimvie3.free.fr/baivo/voquangyen/vyen_CayNhaLaVuon/vyen_CNLV109_TraMiHaiDuong.htm
  • Hoa Hải đường xứ Huế – Báo Thừa Thiên Huế Online http://baothuathienhue.vn/hoa-hai-duong-xu-hue-a395.html
  • Hải Đường – Tô Thức https://www.thivien.net/T%C3%B4-Th%E1%BB%A9c/H%E1%BA%A3i-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng/poem-jKqO1Y0-k5wjvPyvhMVdmw
  • Đặc Điểm và Ý Nghĩa Của Hoa Hải Đường | Hoatuoivannam.com https://hoatuoivannam.com/tin-tuc/hoa-dep/hoa-hai-duong/
  • Yang Guifei — Wikipédia https://fr.m.wikipedia.org/wiki/Yang_Guifei
  • Dương Quý Phi – Wikipedia tiếng Việt https://vi.m.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0%C6%A1ng_Qu%C3%BD_Phi
  • Điển hay tích lạ | Bức họa Dương Quí Phi tắm suối | Thể loại khác | Sách hay | MaxReading.com https://www.maxreading.com/sach-hay/dien-hay-tich-la/buc-hoa-duong-qui-phi-tam-suoi-2172.html
  • Bài thơ: Thanh bình điệu kỳ 1 – 清平調其一 (Lý Bạch – 李白) https://www.thivien.net/L%C3%BD-B%E1%BA%A1ch/Thanh-b%C3%ACnh-%C4%91i%E1%BB%87u-k%E1%BB%B3-1/poem-XjaOXRT7NSnPjyRhhrtiSQ
  • Mai Hắc Đế – Wikipedia tiếng Việt https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Mai_H%E1%BA%AFc_%C4%90%E1%BA%BF
  • Vụ án Lệ Chi viên – Wikipedia tiếng Việt https://vi.m.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_L%E1%BB%87_Chi_vi%C3%AAn

You may also like...

Leave a Reply