Nhân dịch Covid-19, bàn chuyện toàn cầu hoá

Hình như cả thế giới đã không ngờ rằng virus SARS-CoV-2, thuộc họ Coronavirus, có thể lan truyền khắp thế giới. Có lẽ vào thời gian đầu các nhà cầm quyền Âu Mỹ đều nghĩ rằng dịch Covid-19 sẽ ngừng tại Á Châu như hai lần dịch Hồng Kông vào những năm 1968 và 2003. Chắc vì thế mà các quốc gia Âu Mỹ chẳng những đã không sửa soạn cho mấy mà lúc ban đầu còn phát biểu rất lạc quan về khả năng đối phó.  Tuy nhiên khi dịch Covid-19 bắt đầu lan tràn khắp thế giới thì mọi người mới khám phá ra rằng các cường quốc kinh tế  thiếu thốn đủ mọi thiết bị y tế để ngừa dịch : khẩu trang, găng tay, máy thở, thuốc rửa tay, thuốc thử nghiệm, v.v. Lý do rất giản dị: tất cả các nhà máy sản xuất những dụng cụ này cùng dược liệu đều nằm ở Trung Quốc. Thật đáng tiếc khi thấy rằng “thuốc Tây làm ở bên Tầu”.  Trước hoàn cảnh ấy, nhiều phản ứng đã được ghi nhận, nào là cần phải lấy lại chủ quyền quốc gia,  phải đảm bảo khả năng tự túc, thậm chí còn có cả phê bình đổ lỗi cho quá trình toàn cầu hoá. Bài viết này không có ý định bình luận đến các vấn đề bao quanh dịch Covid-19 mà chỉ muốn biết tại sao toàn cầu hoá lại là nguyên do của tình trạng thiếu thốn kể trên. Thiết nghĩ cách tốt nhất là tìm hiểu khái niệm này, một cách khách quan, và đây là mục đích của bài viết.

Toàn cầu hoá hiện nay là một khái niệm trao đổi trong các lãnh vực thương mại, tài chánh, sản xuất, kỹ thuật, văn hoá trên thế giới. Toàn cầu hoá sở dĩ có được phần lớn nhờ vào các phương tiện chuyên chở và thông tin càng ngày càng tân tiến và giá rẻ. Trong môi trường toàn cầu hoá, các công ty hoặc các nhà đầu tư thiết lập các chiến lược sản xuất, thương mại, tiếp thị và đầu tư trên căn bản một thị trường thế giới. Toàn cầu hoá nếu được áp dụng đúng mức sẽ giúp các quốc gia nghèo hay đang trên đà phát triển có một đời sống tốt đẹp hơn trên các phương diện kinh tế, sức khoẻ, giáo dục, văn hoá, kỹ thuật. Toàn cầu hoá cũng giúp các quốc gia tiên tiến có độ tăng trưởng cao hơn.

Từ ngữ “Toàn cầu hoá” (tiếng Anh: Globalization, tiếng Pháp: Mondialisation),  được nói đến bắt đầu từ những năm 1990, sau khi bức tường Bá Linh đã sụp đổ. Trên thực tế, khái niệm này đã có từ lâu, bắt đầu khi con người còn sống riêng rẽ thành từng bộ lạc và đã biết giao thương với nhau qua sự trao đổi hàng hoá. Vào thời đế quốc La mã, toàn cầu hoá đã được thể hiện qua việc giao thương giữa các quốc gia quanh vùng Địa Trung Hải. Bắt đầu từ thời Hán Vũ Đế, khoảng một thế kỷ trước Công nguyên, người Trung hoa và các nước Âu Châu đã trao đổi hàng hoá với nhau qua con đường Tơ Lụa đầu tiên. Con đường này bắt đầu từ kinh đô Trường An, đi qua nhiều quốc gia cho đến tận bờ Hắc Hải.  Ở bên bờ Bắc Hải là nơi các thương gia Trung hoa bán tơ lụa, hương liệu và mua lại dụng cụ từ các nhà buôn Âu Châu. Con đường này tiếp tục được  phát triển và sinh hoạt chỉ chấm dứt khi nhà Minh áp dụng chế độ bế quan toả cảng. Cuộc giao thương Trung-Âu qua con đường Tơ lụa đạt thịnh vượng nhất dưới triều đại nhà Đường. Vào thời gian này các giáo sĩ Tây Phương, Ấn độ cũng theo đoàn nhà buôn đến truyền đạo ở Trung Hoa. Đường Tam Tạng thì đi thỉnh kinh ở Tây Trúc. toàn cầu hoá không phải chỉ có trong lãnh vực kinh tế mà còn cả trong lãnh vực văn hoá nữa.  Toàn cầu hoá về sau được phát triển rất mạnh vào khoảng thế kỷ XV khi các nhà thám hiểm khám phá ra Tân thế giới và gần hơn nữa vào thế kỷ XIX với sự ra đời của các kinh đào Suez, Panama. Việc giao thương giữa các quốc gia bị gián đoạn trong khoảng thời gian giữa hai trận chiến tranh thế giới. Vào thời gian này, phong trào chủ nghĩa Dân tộc được đề cao và đa số các quốc gia áp dụng chính sách bảo hộ nền kinh tế quốc gia. Sau thế chiến lần thứ hai, hoạt động toàn cầu hoá bị bỏ quên một thời gian khá lâu vì chiến tranh ý thức hệ giữa hai khối kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch. Chỉ sau khi bức tường Bá Linh bị sụp đổ, toàn cầu hoá mới trở lại nhưng dưới một hình thức bao quát hơn, sẽ nói ở sau. 

Các nhà kinh tế học đã nhận thấy rằng các quốc gia hay thành phố ở cạnh biển hay gần sông ngòi đều phát triển và thịnh vượng hơn các nơi khác. Họ giải thích rằng nhờ vào phương tiện vận chuyển thiên nhiên, con người có điều kiện buôn bán trao đổi hàng hoá với nhau nên có thể tăng gia sản xuất, tạo một đời sống tốt đẹp hơn. Việc giao thương giữa các dân tộc với nhau giúp con người có nhiều hàng hoá khác nhau để thoả mãn các nhu cầu tiêu dùng. Vì mỗi người không thể tự sản xuất tất cả các sản phẩm cần dùng cho cuộc sống nên việc giao thương đã giúp con người có đầy đủ nhu cầu sống hơn. Vì có giao thương nên có cạnh tranh buôn bán giữa các nhà buôn với nhau nên giá cả hàng hoá sẽ hạ xuống giúp người mua có khả năng cầu nhiều hơn. Vì có giao thương nên số người mua đông hơn giúp người bán có thể sản xuất nhiều hơn, tạo thêm công ăn việc làm. Vì có cạnh tranh nên các nhà sản xuất phải tìm cách tiết kiệm phí tổn sản xuất để giá thành rẻ hơn, lại còn phải cải tiến hàng sản xuất để chất lượng được tốt hơn.   Nói tóm lại giao thương có lợi cho cả người mua lẫn người sản xuất để cuối cùng có lợi cho xã hội. Giao thương còn giúp cơ hội cho mọi người có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm đến từ các phương trời khác biệt (kinh tế học gọi điều này là learning by using). Nhiều kinh tế gia còn đi xa hơn nữa bằng cách đóng góp ý kiến làm sao để giá thành sản xuất ít tốn kém. Ông Adam Smith ở thế kỷ XVIII đã đề ra lý thuyết Lợi thế tuyệt đối (Absolute Advantage) trong đó ông ta nghĩ rằng mỗi quốc giả chỉ nên sản xuất hàng hoá nào xét ra có thể làm giỏi hơn các nước khác và nên nhập cảng hàng hoá của các nước biết làm giỏi hơn  mình. Như thế giá thành của mỗi sản phẩm sẽ ít tốn kém nên có lợi cho tất cả mọi người. Về sau trước đệ nhị thế chiến, ba kinh tế gia Heckscher, Ohlin, Samuelson còn đưa ra thuyết HOS (lấy từ tên của ba ông này)  trong đó họ nói quốc gia nào giàu tài nguyên nào thì nên chú trọng sản xuất dùng tài nguyên đó, rồi xuất cảng sang các quốc gia khác. Thí dụ Úc Đại Lợi có nhiều đồng cỏ, nên phát triển canh nông và chăn nuôi.  Bồ Đào Nha có đất đai tốt cho việc trồng nho, nên sản xuất rượu, v.v.

Tuy nhiên khái niệm Kinh tế toàn cầu hoá đã bị trường phái Bảo hộ kinh tế (protectionnisme) bác bỏ. Trường phái Bảo hộ kinh tế chủ trương bảo vệ guồng máy sản xuất trong nước bằng cách đánh thuế cao  và hạn chế hàng nhập cảng.  Mục đích của chính sách là để duy trì công ăn việc làm, bảo đảm mức sống cho người dân và bảo vệ cán cân thương mại. Tuy nhiên trong một nền kinh tế có tính cách bế quan toả cảng, thị trường tiêu thụ không vượt ra ngoài biên giới vì các quốc gia khác sẽ áp dụng các biện pháp tương tự để đối lại. Để có một ý niệm rõ ràng về một nền kinh tế bảo hộ, ta có thể so sánh nó như một nền kinh tế bị cấm vận. Một quốc gia đi theo chính sách toàn cầu hoá không nhất thiết phải áp dụng chính sách này cho tất cả mọi thứ hàng sản xuất trong nước. Thí dụ, các sản phẩm trong kỹ nghệ quốc phòng không theo chính sách toàn cầu hoá; Nước Nam Phi tuy theo kinh tế toàn cầu hoá nhưng bảo vệ công nghệ thịt đà điểu bằng biện pháp cấm xuất cảng trứng đà điểu ra ngoại quốc với bất cứ hình thức nào; Các quốc gia Âu châu cấm nhập cảng thịt bò biến đổi GEN (GMO).  Lịch sử đã cho thấy kết quả của chính sách bế quan toả cảng ở Việt Nam dưới triều vua Tự Đức và kết quả của chính sách mở rộng ở Nhật Bản từ thời Minh Trị.     

Nếu toàn cầu hoá trong quá khứ chỉ thu gọn trong việc trao đổi hàng hoá thì sau năm 1990 chính sách toàn cầu hoá được các quốc gia phát triển trên ba phương diện giao thương, tài chính và sản xuất.

Sau đệ nhị thế chiến, các quốc gia nghĩ rằng để đảm bảo hoà bình lâu dài, cách tốt nhất là giao thương với nhau nhằm mục đích nâng cao đời sống. Tuy nhiên vào thời điểm đó, thuế hàng hoá nhập cảng đều được các quốc gia quy định rất cao. Thêm vào đó lại còn có những giới hạn về số lượng (hạn ngạch) hàng nhập cảng.  Vào năm 1947, hai mươi ba quốc gia ký hiệp định khung về mậu dịch và thuế quan GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) với mục đích phát triển mậu dịch tự do, giảm giá hàng hoá bằng cách giảm thuế quan và bỏ hạn ngạch. Sau hiệp định GATT, nhiều vòng đàm phán được tiếp tục và phải đợi đến nhiều vòng đàm phán Uruguay từ năm 1986 đến 1994, thế giới mới đạt đến hiệp định Marrakesh (Maroc) vào tháng tư năm 1994 được 123 quốc gia ký kết. Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức mậu dịch quốc tế WTO (World Trade Organization) thay thế hiệp định GATT.  Với WTO, thuế hải quan đã giảm từ 40% năm 1947 xuống còn 5% vào năm 1994; Hạn ngạch được bãi bỏ; Các quốc gia trong tổ chức WTO cam kết không áp dụng chế độ kỳ thị thuế má đối với bất cứ quốc gia nào; Không được áp dụng “bán phá giá xã hội” (Social dumping), v.v.  

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các quốc gia đã họp nhau lại tại Bretton Woods và đã cho ra đời một hệ thống tiền tệ thế giới quy định giá trị hối đoái giữa các đồng tiền với nhau. Tuy nhiên kể từ năm 1971, hệ thống tiền tệ thế giới không còn được áp dụng và tiền tệ trên thế giới được thả nổi theo luật cung cầu trên thị trường.  Sau đó các quốc gia quyết định huỷ bỏ các quy định kiểm soát các dịch vụ ngân hàng, cho phép tư nhân được trực tiếp vay tiền trên thị trường tài chánh mà không cần phải dùng đến tín dụng ngân hàng như trước đây. Sau cùng biên giới giữa các ngành tài chánh được bãi bỏ, cho phép các nhà khai thác được hoạt động trên nhiều lãnh vực tài chánh khác nhau. Những thay đổi vừa kể đã tạo điều kiện để một thị trường tài chánh toàn cầu hoá ra đời với sự xuất hiện của rất nhiều quỹ phòng hộ có tính đầu cơ.  Thị trường tài chánh giờ đây được sự tiếp sức của một hệ thống thông tin qua vệ tinh và Internet, giúp việc chuyển vốn trong nháy mắt từ ngân hàng này đến ngân hàng khác và hoạt động tài chánh, đầu tư được tính toán đặt trên lợi nhuận hơn là sản xuất.  

Toàn cầu hoá sản xuất gắn liền với sự ra đời của những công ty đa quốc gia, là những công ty mẹ có bản doanh tại một quốc gia với nhiều đơn vị sản xuất ở ngoại quốc hoạt động theo chiến lược của công ty mẹ đã đặt ra. Vào năm 2008, thế giới có khoảng tám mươi hai ngàn công ty đa quốc gia, lớn nhất là những công ty Hoa Kỳ. Các công ty này hàng năm sản xuất khoảng 25% GDP trên thế giới.  Quy trình sản xuất toàn cầu hoá tất nhiên rất có lợi cho các xí ngiệp và những quốc gia đang trên đà phát triển có mức lương công nhân thấp. Tuy nhiên sự di chuyển đơn vị sản xuất sang các nước có đồng lương thấp đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp cho các quốc gia Âu Mỹ. Đổi lại các quốc gia Âu Mỹ có khả năng xuất cảng nhiều hơn các dụng cụ, máy móc tối tân, xe hơi, máy bay, tầu thuỷ, v.v mà các nước nghèo đang cần đến cho quy trình sản xuất. Xét cho cùng, nếu chính sách toàn cầu hoá không có lợi cho các nước Âu Mỹ thì chắc chắn toàn cầu hoá sẽ không bao giờ được đặt ra.

Tưởng rằng toàn cầu hoá sẽ giúp nhân loại giảm bớt sự chênh lệch giầu nghèo, phát triển văn hoá, xã hội giữa các dân tộc với nhau. Trên thực tế, vì không có một cơ quan nào có thẩm quyền quy định và kiểm soát các sinh hoạt toàn cầu hoá nên sự phát triển kinh tế, xã hội chỉ được xảy ra ở một phần trái đất, đã được lựa chọn trên cơ sở lợi nhuận của các xí nghiệp hay các nhà đầu tư. Cũng vì không có kiểm soát nên nhiều quốc gia đã lợi dụng toàn cầu hoá để đạt lợi riêng, làm xô lệch cán cân thương mại và giới hạn tiềm năng phát triển của nhiều quốc gia khác. Hiện chỉ có một phần năm nhân loại tiêu thụ và sản xuất bốn phần năm của cải thế giới. Thế giới thực sự đã bỏ quên nhiều quốc gia, đặc biệt ở Phi châu và Nam Mỹ. Sự bỏ quên này là một điểm đen trong chính sách toàn cầu hoá, là một sai lầm trong sự tính toán của các quốc gia tiên tiến và kết quả đã đưa đến tình trạng di dân ồ ạt không thể kiểm soát nổi.

Paris, 18/04/2020

Phạm văn Vĩnh

 

Tham khảo: 

[1] La Mondialisation Economique –  Jean-Yves Huwart, Loïc Verdier – OCDE

[2] Quels sont les fondements de l’internationalisation du commerce et de la production ? – Olivier Moreau – Edition Paul Milan 2017

[3] Qu’est-ce que la mondialisation ? – Sylvie Brunel – Sciences Humaines mars 2007

[4] Globalization: A Framework for IMF Involvement – IMF – March 2002 https://www.imf.org/external/np/exr/ib/2002/031502.htm

[5] Histoire de la pensée économique – François Facchini – Université Paris Sud

You may also like...

Leave a Reply