Truyền thuyết cây đàn Đáy, Ca Trù

Đây chỉ là truyền thuyết. Sự thực về nguồn gốc của cây đàn Đáy ngày nay không ai biết.

Đàn Đáy là đàn của tiên. Cây đàn, trong huyền thoại, cứu nhân độ thế bằng những khúc nhạc du dương, trầm, bổng. Đây là tiếng đàn để đong đưa những vần thơ tình với âm thanh nỉ non, man mát.

Thuở ấy là vào thế kỷ thư XV. ở nước Đại Việt ta có ông Lê Lợi khởi nghĩa ở núi Lam Sơn. Người theo về rất đông. Trong số đó có một chàng thanh niên tên là Đinh Lễ, có sách viết là Đinh Dự.

Một hôm, Đinh Lễ ngồi buồn mới dạo chơi phong cảnh núi rừng. Khi đang dạo cảnh trong nơi cùng cốc thì Đinh Lễ gặp hai ông tiên đang ngồi đánh cờ. Một trong hai ông tiên mới nói với Đinh Lễ rằng : “chúng ta chờ đợi con cũng đã lâu”. Nói rồi một ông tiên trao cho Đinh lễ một mảnh gỗ Ngô Đồng, một ông trao cho quyển sách hướng dẫn cách làm một cây đàn. Hai ông tiên dặn Đinh Lễ chịu khó theo sách vẽ làm ra cây đàn có khuôn từ thượng giới, để cứu nhân độ thế.

Đinh Lễ về nhà theo sách làm ra một cây đàn, gọi là đàn Đáy, còn gọi là Đới cầm. Thùng đàn hình chữ nhật hay hình thang. Thùng đàn chỉ có năm mặt, không có mặt đáy nên còn có tên Vô Để Cầm, nghĩa là đàn không đáy.

Thân đàn rất dài, khoảng một thước tây. Phím đàn chia đều nhau theo hệ thống bảy cung. Vì thân đàn dài nên có thể tạo cao độ rất bổng và thật trầm.

Đàn có ba dây cỡ to, vừa và nhỏ lần lượt mang tên Hàng, Trung và Tiếu. Đàn không theo hệ thống ngũ cung nhưng có các nốt nhạc gọi là Tính, Tỉnh, Tình, Tinh, Tung, Tùng, Tang. Đàn xử dụng hợp âm gọi là Dinh, Dinh. Đàn có tiếng vẩy, tiếng Vê và tiếng Lia. Dây đàn có thể tạo ra các nốt nhún cao và những nốt nhún chùn. Tất cả các cây đàn khác như Kìm, Tranh đều có nốt nhún lên cao. Nhưng nhún chùn, tạo âm thanh từ trên cao đi xuống thấp thì chỉ có cây đàn Đáy và chiếc đàn Bầu là hai cây đàn có xuất xứ Việt Nam. Vì khả năng tạo tiếng cao thấp mà tiếng đàn Đáy có thể tạo ra âm thanh như tiếng người nói vậy.

Khi Đinh Lễ chế tạo xong cây đàn liền mang ra thử ở một góc rừng. Lạ thay, chim chóc từ đâu bay tới hoà nhịp với tiếng đàn. Mang đàn ra giòng nước thì cá lớn, cá bé tìm đến bơi lượn như múa ca. Đinh Lễ mang cây đàn vào làng thì chòm xóm xúm lại nghe. Tiếng đàn làm ai đang có tâm sự buồn thành vui, ai dang động vọng trở nên thanh thản.

Khi ấy tại một gia đình kia, có một cô con gái cưng tên là Bạch Hoa. Nàng Bạch Hoa gặp thời tiết xấu không may bị cảm mà hoá câm không nói được nữa. Người cha của Bạch Hoa mới đến tìm Đinh Lễ xin ra tay cứu giúp. Đinh lễ liền mang đàn đến nhà Bạch Hoa, cùng tiểu đồng gõ phách, đàn một vài bài. Tiếng đàn vừa trổi lên một khúc thì Bạch Hoa cầm đũa gõ nhịp theo mà khen tiếng đàn sao hay quá. Đinh Lễ và nàng Bạch Hoa nên duyên cầm sắt và sau đó hai người tìm môn sinh truyền các ngón đàn và hát Ca Trù.

Một hôm, Đinh lễ trong mình buồn bực mà tiếng đàn không làm sao cho chàng giải khuây. Bạch Hoa mới khuyên chồng nên dạo cảnh núi rừng biết đâu lại có điều hay. Đinh Lễ nghe lời vợ cùng tiểu đồng lên đường. Đi đến bờ rừng xưa thì Đinh Lễ gặp lại hai tiên ông năm xưa. Thấy Đinh Lễ thì hai ông mới bảo rằng: “Việc của con đến đây là chấm dứt nên ta đến đưa con về tiên giới”. Đinh lễ xin về nhà từ giã thì hai ông bảo phải đi ngay, sau này thế nào cũng gặp lại nàng Bạch Hoa. Đinh Lễ cho tiểu đồng về nhà báo lại còn mình thì theo hai ông tiên mà đi. Khi Đinh Lễ nắm tay hai ông tiên thì hoá thành con chim bồ câu trắng cùng hai tiên ông bay lên cõi trên.

Tiểu đồng về nhà báo lại thì Bạch Hoa bảo đã biết trước chuyện đó rồi. Bạch Hoa ở lại dưới trần tiếp tục dạy đàn rồi một hôm nàng tắm rửa sạch sẽ, lên giường nằm và xuất hồn lên cõi tiên.

Lên dây đàn Đáy:

Nghe tiếng đàn Đáy :

https://www.youtube.com/watch?v=t3Cn2ZqJ45o

Ca Trù là một nghệ thuật hát của người Việt Nam có từ thế kỷ mười lăm. Hát Ca Trù được diễn qua nhiều thể loại, ở nhiều nơi và trong nhiều tầng lớp xã hội khác nhau từ vua quan đến thứ dân.  Đây là một nghệ thuật rất thanh cao, tao nhã thường trình diễn các bài thơ, bài phú, hát nói, vv. Phần trình diễn gồm ba người ngồi trên chiếu : một cô ca sỹ thường được gọi là ca nương hay đào nương, một ông nhạc sỹ (nam giới) gẩy đàn Đáy và một ông khách (nam giới) gọi là quan viên. Ca nương vừa hát vừa gõ phách. Phách được làm bàng nửa ống tre với hai đũa tre để đào nương vừa hát vừa giữ nhịp. Quan viên ngồi nghe xử dụng trống chầu để khen thưởng. Khi khen thì đánh vào mặt trống một tiếng « tung », khen nhiều đánh ba tiếng « tung, tung, tung ». Khi chê thì đánh vào cạnh trông một tiếng « cắc ».   Ông chú của mẹ chúng tôi kể ngày xưa khi ông đi nghe hát ở Nam Định còn thấy có thêm người thức tư của nhà hát ngồi ở phía sau cũng cầm trống chầu. Khi nào có những chỗ hay mà quan viên không đánh « tung tung » thì người thứ tư này sẽ đánh « tung tung » vào mặt trông, ý nói quan viên không biết thưởng thức. Ổng còn kể thêm trước khi bắt đầu trình diễn mà nếu nhạc sỹ và đào nương không chào quan khách thì khi đào nương cất tiếng hát thì ổng gõ vào trống một tiếng « cách ». Bấy giờ ông nhạc sỹ phải xin lỗi và chào quan khách rồi mới được bắt đầu. Ca Trù vì thế là một loại ca nhạc vừa thanh cao vừa có lễ nghi hẳn hoi. Chữ « Trù » trong  Ca Trù là những thẻ tre. Mỗi thẻ tre có một giá trị tiền tệ. Khi khen thì quan khách cho thẻ sau đó sẽ được trả lại bằng tiền mặt. Hình thức này cũng giống như bây giờ khi ta đi đánh bạc ở các casinos. Ca Trù đã được UNESCO công nhận, từ năm 2009,  là một di sản phi vật thể.

Nghe Hồng hồng tuyết tuyết – Nhóm Ca trù Thái Hà :

Phạm Văn Vĩnh

Nguồn :

1.    Trần văn Khê –Truyền thuyết các cây đàn

2.    Đàn Đáy – Đàn đáy

3.    The Oxford Handbook of Music Revival

You may also like...

Leave a Reply