Thử bàn về Phát Triển Bền Vững

« Phát Triển Bền Vững » là một thuật ngữ kinh tế học, xuất phát từ tiếng Anh « Sustainable Development », được dịch sang tiếng Pháp là « Développement Durable ». Khái niệm này bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1980 bởi các nhà khoa học trên thế giới và được Liên Hiệp Quốc chính thức hoá cùng thời điểm này. Hiện nay « Phát Triển Bền Vững » đã trở thành vừa là một môn học ở các bậc Trung học và Đại học, vừa được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong chính sách quốc gia. Từ ngữ « Bền Vững » hoặc « Durable » không diễn tả hết ý nghĩa của khái niệm này vì sự phát triển nhắm tới hai mục đích là phát triển bền lâu và trợ giúp người dân có được một đời sống tốt đẹp, một trình độ văn hoá nâng cao.

« Phát Triển Bền Vững » bao gồm ba trụ cột:

  1. một trụ cột sinh thái nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực (ảnh hưởng ngoại lai xấu, negative externality) của tăng trưởng kinh tế vào môi trường;
  2. một trụ cột kinh tế để thúc đẩy tạo ra tài sản, việc làm, và để cải thiện điều kiện sống vật chất;
  3. và một trụ cột xã hội để cải thiện tình trạng sức khỏe và trình độ học vấn của người dân.

Sự phát triển này dựa trên một số nguyên tắc:

  1. nguyên tắc liên kết (solidarity) với các thế hệ tương lai và với các dân tộc trên thế giới;
  2. nguyên tắc phòng ngừa trong tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong trường hợp nguy hiểm, thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể phục hồi môi trường, sự mơ hồ của khoa học tuyệt đối không thể được xử dụng như một cái cớ để trì hoãn việc áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn suy thoái môi trường;
  3. nguyên tắc tham gia của tất cả mọi người hay đoàn thể trong xã hội trong quá trình lấy quyết định. Đó là nguyên tắc dân chủ môi trường mà mỗi người có quyền tham gia trong ba lãnh vực gồm tiếp cận thông tin, tham gia vào việc lấy quyết định và tiếp cận công lý (bồi thường và kháng cáo) trong các vấn đề môi trường.

Đây là một khái niệm hết sức lý tưởng nhưng rất khó thực hiện vì nhiều lý do kỹ thuật, tài chánh, xã hội và chính trị.

Hiện có một câu nói rất hay mà tên tác giả cho đến ngày hôm nay đã được mỗi nơi gán cho một nhân vật mà mình ưa thích. Đó là câu “Chúng ta không thừa tự trái đất này từ tổ tiên của chúng ta mà chúng ta mượn tạm nó của các thế hệ mai sau”.

Thế kỷ mà chúng ta sống đang phải đối đầu với nhiều ưu tư mà trong đó các hiện tượng bất thường về biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước ngầm, hủy hoại môi trường tự nhiên, khí thải nhà kính, chất thải công nghiệp gây hại cho sức khỏe, v.v. đã được giới khoa học, nhiều tổ chức chính trị, các hội đoàn bảo vệ môi trường báo động hoặc ban hành nhiều biện pháp chế tài.

Theo nhiều nhà khoa học thì sự tăng trưởng kinh tế trên thế giới đã giảm thiểu quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên (quặng mỏ, lâm sản, thuỷ sản) và trong tiến trình sản xuất và hưởng thụ, con người đã thải ra quá nhiều khí độc, nước độc, rác độc mà khả năng hạn hữu của quả địa cầu không có đủ thời gian để hấp thụ và tái tạo nguồn sống. Việc tăng trưởng kinh tế vì thế được cho là nguyên nhân của ô nhiễm, sự hâm nóng toàn cầu, thiên tai, bão lụt, rừng cây bị phá huỷ, diện tích đất đai trồng trọt bị thu hẹp, nhiều loài sinh vật bị biến dạng hay đã bị diệt chủng, v.v. Từ những nhận xét trên đã có nhiều đề nghị sản xuất với mức độ tăng trưởng zéro và kêu gọi mỗi người dân biết tiêu dùng tránh lãng phí. Mục đích là để giới hạn việc xử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải nguy hiểm để quả địa cầu có đủ thì giờ hấp thụ và tái tạo. Một câu hỏi đã được đặt ra là làm thế nào để biết được tới mức nào quả địa cầu có đủ sức hấp thụ các chất thải và tái tạo nguồn sống.

Từ cuối thập niên 1968 trở về sau, một số nhà lãnh đạo chính trị và khoa học trên thế giới đã nhận ra rằng tăng trưởng kinh tế đã huỷ hoại quá nhiều nguồn sinh thái của quả địa cầu nên họ đã gặp nhau ở Roma bên Italy để thảo luận về vấn đề môi trường. Tổ chức của các nhân vật này được mệnh danh Club of Roma. Sau đó họ đã đề ra một ý niệm để so sánh khả năng tái tạo của trái đất (biocapacity) cho mỗi đầu người và nhu cầu tiêu dùng và phế thải của mỗi cá nhân (Ecological Footprint, Dấu Chân Sinh Thái). Khả năng tái tạo và nhu cầu tiêu dùng và phế thải được đo bằng “hectare toàn cầu” (global hectare), viết tắt là “gha”. Một hectare toàn cầu là một hectare đất có khả năng sản xuất tài nguyên và hấp thụ chất thải tương ứng với mức trung bình trên thế giới. Thí dụ, nơi nào có nhiều rừng cây rậm rạp thì nơi đó có nhiều khả năng hấp thụ và tái tạo hơn những miền đất cằn cỗi. Như thế một hectare đất ở đây sẽ có giá trị bằng nhiều hectare toàn cầu (gha). Ở những nơi cằn cỗi thì cần nhiều hectares đất gộp lại mới được tính là một hectare toàn cầu. khả năng tái tạo của trái đất (biocapacity) cho mỗi đầu người được tính bằng cách lấy tổng số diện tích có khả năng tái tạo trên địa cầu (tính bằng hga) chia đều cho dân số trên trái đất. Nhu cầu tiêu dùng và phế thải của mỗi cá nhân (Ecological Footprint) được tính bằng lượng tài nguyên thiên nhiên dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng và lượng chất phế thải chia đều cho dân số trên trái đất. Một thí dụ cụ thể, để uống được một tách cà phê đen, cần phải dùng tới 140 lít nước. Con số này bao gồm nước được sử dụng để trồng cây cà phê, thu hoạch, chế biến, chuyên chở, đóng gói, bán cà phê và nấu thành tách cà phê. Ý niệm về khả năng tái tạo của trái đất (biocapacity) và Nhu cầu tiêu dùng và phế thải (Ecological Footprint) đã được Liên Hiệp Quốc chính thức hoá tại Hội Nghị Rio (“Hội Nghị Thượng Đỉnh Địa Cầu”) vào năm 1992.

Ngày nào mà lượng khả năng tái tạo của trái đất (biocapacity) ít hơn lượng nhu cầu tiêu dùng và phế thải (Ecological Footprint), từ ngày ấy nhân loại sống trong tình trạng thiếu hụt sinh thái. Vào năm 2019, ngày đó là ngày 29 tháng 7. Đồ thị sau đây giúp chúng ta quan sát ngày quá mức sinh thái của mỗi năm và chúng ta sẽ nhận thấy rằng ngày quá mức sinh thái càng ngày càng sớm hơn những năm trước. Để có đủ nguồn sống không bị ô nhiễm, trong tình trạng hiện tại, thế giới cần một quả địa cầu to hơn trái đất hiện nay khoảng 1,75 lần.

Bản đồ sau đây giúp chúng ta quan sát tình trạng ô nhiễm của mỗi quốc gia trên thế giới. Nói một cách tổng quát, nơi nào không có nhiều rừng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, nơi đó là nơi xuất phát ra các nguồn ô nhiễm và là nơi tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Nhiều biện pháp chính trị đã được đề ra nhằm thúc đẩy và khuyến khích cách sản xuất hàng hoá đi theo các tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Mục đích của các biện pháp này là để giảm thiểu, càng nhiều càng tốt, mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên khan hiếm cũng như lượng phát thải khí độc CO2 hoặc chất thải nguy hại và nhất là quyết định của gần hai trăm quốc gia tại Hội Nghị Biến Đổi Khí Hậu (COP21) tại Paris vào năm 2015 với chỉ tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và đóng góp mỗi năm hai trăm tỷ Mỹ kim dùng vào việc pháp triển và bảo vệ môi trường. Phải nói rằng những mối quan tâm này đã không chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong quá khứ, các nhà kinh tế như Arthur Cecil Pigou (1877-1959), Ronald Coase (1910-2013), Eléonore Ostrom (1933-2012) cũng đã đưa ra nhiều ý kiến và đề nghị thiết thực. Gần đây, chúng ta có thể trích dẫn Nghị định thư Kyoto (1997), thuế carbon, hành động của Cơ quan môi trường châu Âu (EEA), hỗ trợ cho đổi mới kỹ thuật, Thoả Thuận Chung Paris (COP21) v.v. Trên thực tế thế giới chưa làm được bao nhiêu so với những quyết định và cam kết đã được các quốc gia ký kết.

Trong những đề nghị và biện pháp đã được đưa ra, ý kiến đầu tiên đến từ nhà kinh tế học Arthur Cecil Pigou vào năm 1920. Ông đề nghị bắt các công ty sản xuất gây ô nhiễm phải trả phạt cho những thiệt hại về môi trường mà họ đã gây ra. Ý kiến này đã được đưa ra trong Hội Nghị Kyoto (1997), mà hầu hết các quốc gia đã tham gia và đồng ý . Nó cũng được áp dụng tại nhiều quốc gia đánh thuế carbon trên hàng hoá và trong các phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Các biện pháp này trên lý thuyết có mục đích thúc đẩy các nhà sản xuất giảm khí thải và đổi mới hệ thống sản xuất ít ô nhiễm hơn. Biện pháp này hiện nay dường như không hiệu quả vì nhiều lý do. Đầu tiên là thuế carbon trở thành một chi phí sản xuất và do đó bắt buộc các công ty sản xuất phải giảm thu nhập hoặc tăng giá sản phẩm gây phiền toái cho người tiêu dùng. Lý do thứ hai là mức thuế không quá cao để thuyết phục người gây ô nhiễm thay đổi hành vi của họ. Lý do thứ ba là khó đo lường được kết quả.

Đề nghị thứ hai, được đề ra trong Nghị định thư Kyoto (1997), là giữ nguyên tắc bắt buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền phạt, nhưng trong trường hợp này, mỗi quốc gia đặt ra hạn ngạch phế thải và cho phép các cơ quan kinh tế được thương lượng giá tiền bồi thường. Đề nghị này cho phép một công ty hoặc một quốc gia mua lại giấy phép thải khí độc từ các công ty hoặc các quốc gia khác không vượt quá hạn ngạch đã được quy định. Đề nghị này như thế tạo tính cách linh hoạt bởi vì nó cho phép một sự hoà hơp giữa các hoạt động kinh tế và việc bảo vệ môi trường. Đó là một nguyên tắc có thể có hiệu quả và chính đáng, nhưng rất khó thực hiện và cần nhiều thời gian vì các quyết định phải đi qua nhiều tầng lớp chính trị và hành chính liên quốc gia có liên quan.

Biện pháp thứ ba xuất phát từ nhà kinh tế học Ronald Coase trong bài viết «The Problem of Social Cost» (1960) trong đó ông đề nghị mỗi quốc gia xác định rõ ràng quyền sở hữu của hàng hóa môi trường, giảm thiểu chi phí hợp đồng giao thương để thị trường (các nhà sản xuất và người tiêu dùng) tự đạt đến tình trạng cân bằng cung cầu tối ưu (Pareto-optimal). Các can thiệp khác của chính quyền trong trường hợp này trở thành không chính đáng. Mục đích này nhằm khuyến khích các xí nghiệp nỗ lực nghiên cứu để tìm ra các kỹ thuật sản xuất không gây ô nhiễm. Sau khi đã tìm ra một kỹ thật mới nào, nhà sáng chế được độc quyền xử dụng kỹ thuật của mình trong một thời gian đã được pháp luật quy định.   Ronald Coase thậm chí còn nghĩ rằng trong một vài tình huống nào đó, người tiêu dùng tốt hơn hết là nên trả tiền cho nhà sản xuất để họ giảm mức sản xuất ngõ hầu giảm thiểu ô nhiễm. Ý tưởng này gợi lên ý thức dân chủ tập thể tham gia và cùng chịu trách nhiệm: Mọi người đều tham gia vào quá trình phủ xanh địa cầu, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Ý tưởng này nghe ra có vẻ lập dị. Trên thực tế nó đã được xử dụng tại Hoa Kỳ giữa một vài hội đoàn chống hút thuốc và các nhà sản xuất thuốc hút nhằm giảm bớt lượng thuốc trên thị trường.

Biện pháp thứ tư đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới là hỗ trợ tài chánh và giảm thuế cho các công ty nào đổi mới kỹ thuật sản xuất dùng nhiên liệu và năng lượng phi ô nhiễm môi trường. Đổi mới và tiến bộ kỹ thuật chắc chắn cho phép các nhà sản xuất tổ chức sản xuất trong tinh thần bảo vệ môi trường. Song song với chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành những biện pháp tương tự đối với người tiêu dùng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm. Hơn thế nữa, tại nhiều quốc gia phát triển, nhiều biện pháp đã được ban ra nhằm khuyến khích người tiêu dùng phân loại chất thải thường ngày. Rác dùng trong mỗi gia đình có cái có thể được tái tạo qua một tiến trình công nghệ (giấy, thuỷ tinh, kim loại), có cái có thể tái tạo ngay tức khắc (rau, rễ cây), và có những cái không thể tái tạo cần phải tiêu huỷ. Những loại rác này sau đó đều được thu hồi một các riêng rẽ.

Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia đã đề xướng một mô hình mới cho một nhà máy sản xuất trong tinh thần bảo vệ môi trường. Mô hình đó được gọi là Mô Hình Kinh Tế Tuần Hoàn (Circular Economy). Mô hình này đề ra ý tưởng phải làm sao kéo dài tuổi thọ của vật chất để tránh gây ra các tác động không tốt cho môi trường. Theo tinh thần của mô hình này, tất cả các vật chất mà có thể tái tạo tại chỗ và tái xử dụng đều phải được thực hiện. Chỉ khi nào không thể tái tạo mới được phế thải. Hình sau đây diễn tả mô hình Kinh Tế Tuần Hoàn (Circular Economy).

Hiện nay có hai khái niệm « Phát Triển Bền Vững » đối chọi nhau : « Phát Triển Bền Vững Mạnh Mẽ (Strong Sustainability) » và « Phát Triển Bền Vững Mềm Dẻo (Weak Sustainability) » .

Trường phái « Phát Triển Bền Vững Mạnh Mẽ » cho rằng tài nguyên thiên nhiên không thể được thay thế bằng các tài nguyên vật chất (Physical Capital) và tài nguyên nhân văn (Human Capital). Trường phái này cho rằng có một số chức năng môi trường mà con người không thể nào thay thế nó. Tầng Ozone là một thí dụ mà con người không thể thay thế nó bằng các tài nguyên nhân tạo. Trường phái này đề nghị hạn chế xử dụng các tài nguyên thiên nhiên và thay thế tài nguyên này bằng chính sách đổi mới kỹ thuật (Innovation). Để bảo tồn môi trường cho các thế hệ tương lai, trường phái này đề nghị hạn chế tốc độ tăng trưởng (Degrowth) của nền kinh tế và quy định hạn ngạch khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trường phái « Phát Triển Bền Vững Mềm Dẻo » dưa trên nguyên tắc là các nguồn tài nguyên có thể thay thế nhau. Vì vậy trường phái này chấp nhận sự xử dụng tương đối tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường vừa phải với điều kiện là lượng tài nguyên sẽ được tiếp tục tăng lên nhờ vào tiến bộ kỹ thuật và trình độ kiến thức. Một thí dụ điển hình là công việc đánh cá vẫn có thể duy trì vì lượng cá bắt được sẽ được tái tạo lại bằng công nghệ nuôi cá.

Đời sống hạnh phúc, sức khoẻ lành mạnh, nâng cao trình độ học vấn của nhân loại nằm trong chương trình « Phát Triển Bền Vững ».

Trong Bản Tường Trình “Tương Lai Chung của Chúng Ta (Our Common Future)” vào năm 1987 bởi Uỷ Ban Môi Trường và Phát Triển Thế Giới của Liên Hiệp Quốc do bà Gro Harlem Brundtland chủ toạ, Uỷ Ban nhấn mạnh nhu cầu bảo tồn, phát triển, quản lý các nguồn sinh thái trên cạn cũng như dưới nước. Các động tác bảo vệ môi trường này phải phù hợp và thoả mãn các nhu cầu cơ bản về thực phẩm, lao động, năng lượng, nước và vệ sinh. Trong bối cảnh này, tám “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals)” do Liên Hiệp Quốc đề ra vào năm 2000 là một phần trong chương trình « Phát Triển Bền Vững » . Tám mục tiêu đó là :

  1. xoá đói , giảm nghèo;
  2. đảm bảo giáo dục ở bậc tiểu học cho mọi người;
  3. thúc đẩy bình đẳng nam nữ và quyền tự quyết cho phụ nữ;
  4. giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em;
  5. cải thiện sức khoẻ cho các sản phụ;
  6. diệt trừ bệnh HIV/AIDS, bệnh sốt rét, v.v;
  7. kiến thiết môi trường bền vững cho nhân loại;
  8. xây dựng quan hệ đối tác phát triển toàn cầu.

Tám mục tiêu kể trên đưa ra một nhận xét là thế giới vẫn còn nhiều nơi sống trong tình trạng vật chất thiếu thốn, ít học, bệnh tật và quyền tự quyết của phụ nữ không được tôn trọng. Theo thống kê Liên Hiệp Quốc, hiện nay có khoảng một phần tư dân số thế giới sống trong nghèo đói; hơn một trăm triệu trẻ em không được đi học; mỗi năm có hơn mười triệu trẻ em tử vong dưới năm tuổi, ba triệu người chết vì HIV/AIDS v.v. « Phát Triển Bền Vững » còn nhằm mục đích chia sẻ đời sống vật chất, sức khoẻ và văn hoá giữa các dân tộc trên thế giới hiện tại và với các thế hệ mai sau. Nghèo đói và bệnh tật dễ đưa đến đạo tặc, xung đột, di cư và chiến tranh. Tinh thần tương trợ giữa các quốc gia với nhau là yếu tố duy trì hoà bình và phát triển xã hội.

Nhưng cho đến ngày hôm nay, chương trình « Phát Triển Bền Vững » chưa đạt được chỉ tiêu mong muốn và vẫn chỉ là một đề tài nóng bỏng được đề ra trong các hội nghị quốc tế hoặc trong các chương trình bầu cử. Trên thực tế, sự phát triển gặp nhiều khó khăn vì các lý do chính trị, kinh tế, tài chánh, tư lợi, ý thức hệ, v.v. Nói như thế không có nghĩa là không có ai quan tâm đến vấn đề « Phát Triển Bền Vững ». Nhiều đoàn thể và một số quốc gia rất quan tâm đến sự phát triển này. Trong số những quốc gia này, phải kể đến các nước ở vùng Bắc Âu và nhất là nước Bhutan. Năm 1972, nước Bhutan đã quyết định thay thế GNP (Tổng sản lượng quốc gia) bằng GNH (Tổng hạnh phúc quốc gia, Gross National Happiness) để đo lường mức độ hạnh phúc của người dân. Chỉ số này dựa trên bốn khía cạnh, trụ cột của « Phát Triển Bền Vững »: tăng trưởng và phát triển kinh tế có trách nhiệm, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Bhutan, bảo vệ môi trường, quản trị tốt có trách nhiệm.

Để chấm dứt, xin trích dịch câu nói sau đây của một lãnh tụ của người dân Da Đỏ Mỹ châu: “Khi đã chặt ngã thân cây cuối cùng , thưởng thức xong con cá cuối cùng và ô nhiễm nguyên giòng sông cuối cùng, nhân loại sẽ nhận ra rằng tài sản không phải là thực phẩm”.

 

Paris 31/01/2020

Phạm văn Vĩnh

 

Tham khảo:

 

You may also like...

Leave a Reply