Tên Đặt Cho Một Địa Phương

Nơi nào cũng có một cái tên. Tên của một địa phương thường được đặt tuỳ vào địa lý, hoàn cảnh lịch sử, mê tín dị đoan, ngôn ngữ địa phương, tập tục, thói quen của người dân sống tại chỗ …

Phi trường quốc tế ở Sài Gòn mang tên Tân Sơn Nhất. Tân Sơn Nhất không phải chỉ vỏn vẹn là một phi trường mà ở nơi đó còn có xã Tân Sơn Nhất. Chữ “Tân” ở đây chắc để dùng chỉ một địa danh mới như xã Tân Sa Châu hay xã Tân Bùi Chu. Trong miền nam Việt Nam ta có rất nhiều xã, ấp bắt đầu bằng chữ « Tân ». Đây thường là nơi tụ tập của đồng bào từ miền bắc di cư vào nam, họ đến từ một nơi ở ngoài bắc và lấy tên của làng cũ, thêm chữ « Tân » vào phía trước để đặt tên cho nơi mới đến. Cách đặt tên này cũng đã có từ lâu ở miền nam Việt Nam khi mà đất đai còn hoang vu, người dân đến lập nghiệp và cũng đặt tên làng xã như vậy. Lối đặt tên này không phải chỉ có bên ta mà còn có ở nhiều nơi trên thế giới. Điển hình là ở Mỹ, thành phố New York là do người Anh đặt tên ra để vinh danh công tước xứ York, một tỉnh của nước Anh. Ở Anh Quốc còn có thành phố Hamsphere vì thế bên Mỹ mới có New Hamsphere. Tương tự ta có New Orleans, New Jersey, New Mexico, v.v. Tên của nước New Zealand hiện nay là do người Hoà Lan đặt tên lấy từ thành phố Zeeland ở miền nam đất Hoà Lan. Lúc đầu tên được đặt là New Zeeland sau đổi thành tên New Zealand. Ở nước Đan Mạch cũng có một thành phố mang tên Zealand nhưng không có liên quan gì với quốc gia New Zealand cả.

Nhiều làng xã đặt trùng tên nên để phân biệt phải thêm chữ Tây, Đông, Thượng, Hạ. Thí dụ, xã Linh Đông, xã Linh Tây, Gò Dầu Thượng, Gò Dầu Hạ. Trong truyện Thủy Hử, Thát Tháp Thiên Vương Triệu Cái ở Đông Khê Thôn, vì cao tay ấn nên ma quỷ sợ quá chạy sang Tây Khê Thôn hết. Bên Pháp cũng có rất nhiều địa danh trùng tên nên có nhiều nơi người ta thêm mấy chữ như “ở cạnh sông Seine”, “ở cạnh biển”, v.v. Chẳng hạn như Epinay-Sur-Seine, Ivry-Sur-Seine, Lion-Sur-Mer, Saint Aubin-Sur-Mer, … Bên Nhật Bản ta cũng tìm thấy thành phố Tokyo và Kyoto, viết theo hệ thống Kanji của Nhật Bản, nghĩa là Đông Kinh và Tây Kinh, tức là hai thành phố ở hai phía đông, tây của kinh đô nơi nhà vua ngự trị, tên là Nara.

Thành phố Sài Gòn trước kia còn có tên là Sài Côn. Tên gọi này xuất xứ từ tiếng Cao Miên mang ý nghĩ thành phố có nhiều cây bông gòn. Sau thành phố Sài Gòn đã được đổi tên thành TP HCM. Cũng giống như thành phố Saint-Petersbourg bây giờ ở nước Nga một thời đã được đổi sang thành Leningrad, hay thành phố Volgograd cũng đã từng được đổi tên thành Stalingrad. Ở Mỹ cũng có một trường hợp dùng tên người cho một thành phố hay cho một tiểu bang đó là tên của Tổng Thống Washington.

Ngày xưa vua Lý Thái Tổ ra Hà Nội chơi thấy rồng vàng xuất hiện nên đổi tên thành Thăng Long và dời đô từ Hoa Lư ra đó. Về sau vua Lê Thái Tổ một hôm dạo thuyền trên hồ Tây thấy con rùa vàng hiện lên liền lấy thanh gươm ra chỉ bị con rùa cắn lấy mất gươm. Vua nghĩ rùa thần lên đòi gươm lại nên đổi tên hồ thành Hoàn Kiếm, còn gọi là hồ Gươm. Vua Lê Lợi quê ở Thanh Hóa. Vua gốc người Mường. Ở đây có nhiều xã thôn có tên bắt đầu bằng chữ “Mường” như Mường Lễ, Mường Một, Mường Nanh, Mường Thôi. Ở miền trung nước Việt, ta còn tìm thấy nhiều làng, xã mang tên bắt đầu bằng chữ “Mỹ” như Mỹ Chánh, Mỹ Lai, Mỹ Khê … Tuy nhiên ở miền nam cũng có các nơi được đặt tên như vậy như thành phố Mỹ Tho hay làng Mỹ Khánh ở Cần Thơ. Tỉnh Gia Định trong nam ta còn có những địa danh rất có sự tích địa phương như Thị Nghè, Giòng Ông Tố, Bà Chiểu, Gò Dưa, Gò Dầu, Đồng Nai, Thủ Đức, Thủ Thiêm, … Riêng về quận Thủ Đức thì có giả thuyết cho rằng ngày xưa nơi đây là một thị trấn có ông quan trấn thủ đầu tiên tên Đức. Để nhớ công ơn khai sáng của ông nên khi ông Tạ Minh Dương qui dân lập chợ buôn bán mới lấy tên và chức vụ của ông mà đặt tên thành chợ Thủ Đức. Tuy nhiên Thủ Thiêm thì còn có thêm một giả thuyết thứ hai nữa là không phải lấy tên ông trấn thủ tên Thiêm để đặt tên vì ông Thiêm chỉ giữ chức thủ thuế chuyên đi thu thuế. Nhưng ông Thiêm là người tốt, nhiều khi nhắm mắt cho người nghèo khó nên dân chúng mới đặt tên địa phương này là Thủ Thiêm. Bến đò Thủ Thiêm ngày trước còn được gọi là Bến Ngự vì vua Gia Long thời còn ở trong nam đã cho xây nhà để vua đến nghỉ mát. Ngày xưa có phà đi miễn phí từ bến phà Thủ Thiêm sang Giồng Ông Tố. Nghe nói hồi xa xưa ở vùng đất này có ngôi nhà trên gò cao của ông Trương Vĩnh Tố. Nơi đây nổi tiếng có nhiều con ve vì có câu vè « coi cọp xuống Thị Nghè, ăn ve lên ông Tố ». Duy có tỉnh Củ Chi thì không biết có phải vì ngày xưa ở chỗ này người dân đào đất tìm ra một loại củ mà không biết là củ gì nên mới hỏi “củ này tên là củ chi ?”, riết rồi thành tên cho địa danh chăng? Đó là nói chơi nhưng đối với tính chất phát của dân mình, biết đâu lại là chuyện có thật. Không lẽ tỉnh Hốc Môn lại là vựa khoai môn của nước ta à? Nếu thế thì tại sao ở Hốc Môn lại còn nổi tiếng mười tám thôn vườn trầu và là nơi của Gia Định Tam Hùng?

Sáu tỉnh đầu tiên trong nam Việt Nam có từ thời vua Minh Mạng. Trước kia vua Gia Long đặt các trấn nhưng vua Minh Mạng cho bỏ trấn lập lại thành sáu tỉnh là Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên . Sau khi người Pháp đã chiếm xong sáu tỉnh liền cải tổ lại chia ra làm 20 tỉnh. Những tên của sáu tỉnh lúc ban đầu đều xuất xứ từ câu thơ bên Tầu khen tụng vua Trung Hoa là « Khoái Mã Gia Định Vĩnh An Hà », nghĩa là khen vua « Phóng ngựa bình định non sông an vui lâu dài”. Nhưng vì thiếu mất một chữ cho tỉnh thứ sáu nên vua và các quan Đại Nam ta lúc bấy giờ mới thêm chữ Biên vào câu thơ để trở thành « Gia Biên Định Vĩnh An Hà ». Mỗi chữ trong câu thơ là chữ đầu trong tên của mỗi tỉnh như sau :

– Gia Định : Gia là đẹp, Định là bình định. Tức là bình định một cách tốt đẹp

– Biên Hoà : Hoà bình nơi biên cương

– Định Tường : Điềm lành ổn định

– Vĩnh Long : Bền vững hưng vượng vĩnh viễn

– An Giang : Non sông an vui

– Hà Tiên : Sông có tiên xuất hiện

Thực ra khi đặt tên cho 6 tỉnh trong nam mà lại dùng và biến cải câu thơ ca tụng vua Trung Hoa thành « Gia Biên Định Vĩnh An Hà », có lẽ Triều Đình nước ta lúc bấy giờ có ý so sánh và tán tụng công đức của vua Gia Long to lớn như vua Trung Hoa vậy. Loại ra những suy nghĩ có tính cách chính trị thì vua Gia Long quả có công rất lớn với triều Nguyễn và dòng họ Nguyễn Phúc đã có công mở rộng bờ cõi nước Việt Nam. Đất Gia Định ngày xưa thời các chúa Nguyễn to lớn lắm. Lúc đầu khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá, nước ta chỉ vỏn vẹn ngưng lại ở miền Trung. Nhưng về sau các chúa Nguyễn cho người vào định cư từ từ. Người vào bình định và làm quan Kinh Lược đầu tiên ở miền nam là ông Nguyễn Hữu Cảnh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Dần già các quan Kinh Lược khác nối tiếp mà trong đó phải nhắc tới ông Nguyễn Cư Trinh với chính sách Tằm Thực. Lúc ban đầu, các quan Kinh Luợc không đặt trấn mà gọi là Dinh. Ta có Phiên An Dinh (Gia Định), Trấn Dinh (Biên Hoà) và Long Hồ Dinh (Long An). Sau đổi thành trấn thì lúc đầu chỉ có ba trấn là trấn Phiên An (Gia Định), Trấn Biên (Biên Hoà), trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang). Đến thời Gia Long đặt thêm hai trấn nữa là trấn Hà Tiên và trấn Định Tường. Dưới thời Gia Long, miền nam từ Bình Thuận đến Hà Tiên được gọi là Gia Định thành, miền bắc từ Thận Hoá trở ra gọi là Bắc Thành. Như thế thì quan tổng trấn của một thành này cũng uy quyền như một ông vua. Gia Định lúc nào cũng được coi như thủ đô của miền nam. Khi người Pháp chia 6 tỉnh trong nam thành 20 tỉnh, tỉnh Gia Định cũng đứng hàng đầu mang số 1 và là thủ đô của miền nam. Tỉnh Gia Định từ thời Pháp trở đi là vòng đai của thủ đô Sài Gòn. Trước kia có người ví von tỉnh Gia Định như quả trứng gà mà lòng đỏ là thủ đô Sài Gòn. Các tỉnh của miền nam ngày trước được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 20. Các ghe thuyền, xe ngựa đều phải ghi số tỉnh cư ngu. Khi nhìn các thuyền bè cập bến, người ta chỉ nhìn con số ghi trên mũi thuyền là biết thuyền ấy đến từ đâu. Bây giờ tỉnh Gia Định không còn nữa. Quận Thủ Đức ngày xưa sau 1975 được đổi thành Huyện Thủ Đức rồi về sau được sát nhập vào TP HCM và được chia ra thành ba quận là Quận Hai, Quận Chín và Quận Thủ Đức. Còn quận Gò Vấp thì ngày xưa nơi đây chỉ là một vùng đất cao có nhiều cây Vấp mọc lên nên dân làng gọi nơi đây là Gò Vấp.

Nói về cái tên Hốc Môn. Theo truyền khẩu đã được ghi chép lại thì xưa kia ở khu quận Hốc Môn bây giờ có một cây Da rất to. Không biết cây Da là cây gì, hay là cây Đa chăng? Ở chỗ này cây Da cho bóng mát nên một bà tên Hưng mới ra đây mở một cái quán bán hàng. Vì tiện đường đi lối lại nên khách thập phương ghé lại rất đông. Lâu ngày nhiều hàng quán tụ tập lại họp thành cái chợ. Ở đây có một cái đầm nước khoảng ba bốn mẫu tây mọc toàn khoai môn nên từ từ người ở đây đặt tên cho địa điểm này là Hốc Môn. Sau chỗ này có người Trung Hoa đến sinh hoạt và để dễ gọi tên, người ở đây đã đổi tên thành Phúc Môn. Hốc Môn nổi tiếng với rượu đế nấu với gạo nếp. Ở đây còn nổi tiếng với heo quay, nem bà Điểm, trầu bà Điểm, cau bà Điểm, thuốc lào, thuốc rê. Không biết bà Điểm là một bà tên Điểm chuyên bán nem, trầu, cau hay là một địa danh, nơi cự ngụ của bà Điểm như chợ Bà Chiểu? Người ta bảo trầu bà Điểm lá nhỏ vàng óng, cau bà Điểm nhỏ, dày, đặc, dòn … Về chuyện trầu, cau đã có nhiều sự tích và ca dao mà chúng ta đã từng biết đến, như mấy câu sau đây:

quả cau nho nhỏ

cái vỏ vân vân

nay anh học gần

mai anh học xa

lấy anh từ thuở mười ba

đến năm mười tám thiếp đà năm con

ra đường thiếp hãy còn son

về nhà thiếp đã năm con cùng chàng

Miếng trầu là đầu câu chuyện. Thế thì tại sao Hốc Môn lại có cái tên là Thập Bát Phù Viên hay là Mười Tám Thôn Vườn Trầu và là đất dụng võ của Gia Định Tam Hùng? Ở Hốc Môn có cả thảy mười tám thôn mà thôn nào cũng trồng cau và trầu. Trầu cau vùng Hốc Môn nổi tiếng cả xứ, người trong nước hay dùng loại này trong việc cưới hỏi. Đất Hốc Môn thuộc về Gia Định. Xưa kia quân Tây Sơn đến đây nể sợ đạo quân Đông Sơn của Gia Định Tam Hùng này lắm. Tam Hùng này không ai khác hơn là Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh. Đỗ Thanh Nhân khi lập đạo quân ở đây, có mưu đồ chống lại nhà Tây Sơn cho nên ông ta mới đặt tên cho đạo quân của mình là Đông Sơn. Sau Đỗ Thanh Nhân đưa toàn bộ tướng sĩ về theo chúa Nguyễn Ánh nhưng về sau vì có kẻ dèm pha rằng Đỗ Thanh Nhân ỷ quyền có ý phản nên chúa Nguyễn cho bắt giết đi. Từ đó nghĩa sĩ Đông Sơn cũng bỏ chúa Nguyễn mà đi. Võ Tánh cùng với Ngô Tùng Châu về chiếm vùng Gò Công lập đạo quân Kiến Hoà. Cũng từ đó thế lực chúa Nguyễn yếu đi phải bôn ba ra Côn Sơn, Phú Quốc rồi sang tận Xiêm La (Thái Lan). Có hai giả thuyết về tên gọi Gò Công. Thuyết thứ nhất nói rằng nơi đây trước kia có một cái gò đất cao có nhiều chim công ở nên dân chúng gọi là Gò Công. Thuyết thứ hai nói có bà Thị Công lập quán bán thức ăn cho người tới đây khai thác đồn điền nên mọi người gọi là quán Bà Công, Gò Bà Công, sau đổi thành Gò Công. Thời Minh Mạng nhà vua bắt đổi tên các nơi thành Hán Ngữ nên Gò Công được gọi là Khổng Tước. Khi chúa Nguyễn về lại đất Gia Định, cho người mang lễ vật đến Gò Công thỉnh Võ Tánh về. Võ Tánh dẫn binh sĩ về đầu Nguyễn Vương, lễ vật mang theo gồm một quả gạo và một quả trứng gà, tượng trưng lòng « trung dõng » của người dân Gò Công. Nguyễn Vương sai mang gạo và trứng gà ra nấu cháo để chúa tôi cùng thưởng thức hương vị của vùng đất Gò Công. Về sau Võ Tánh tự vận tại thành Bình Định cùng với Ngô Tùng Châu. Nói đến Gia Định Tam Hùng mà không nhắc đến Gia Định Tam Gia thì không công bằng. Gia Định Tam Hùng là tướng, Gia Định Tam Gia là Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định thơ văn nổi tiếng nhất xứ lúc bấy giờ nên gọi là Gia Định Tam Gia. Cả ba đều là học trò của ông Võ Trường Toản và đều ra làm quan dưới thời nhà Nguyễn.

Trấn Hà Tiên lúc ban đầu các chúa Nguyễn giao cho Mạc Cửu trấn giữ, phong làm Đại Đô Đốc. Trong trấn Hà Tiên có tỉnh Bạc Liêu vào thời ấy chỉ là một địa danh nhỏ. Về tên gọi của Bạc Liêu, hiện nay có hai giả thuyết. Lúc ban đầu người Cao Miên tụ họp ở đây mà lại có một đồn bót do người Ai Lao trấn giữ nên được người Cao Miên đặt tên là Pó Liêu (Pó : đồn bót. Liêu: Ai Lao) , tức là đồn bót của người Lào. Lại có thuyết thứ hai cho rằng sau người Cao Miên, Người Triều Châu đến đây sinh cơ, lập nghiệp kiểm soát cả vùng này và đặt tên nơi đây theo tiếng Triều Châu thành Pô Léo. Sau người Việt mình phiên âm hai chữ Pô Léo sang âm Hán Việt thành Bạc Liêu, có nghĩa là xóm nghèo làm nghề đánh cá (Bạc: hạ bạc, đánh cá. Liêu: cô liêu, xóm nghèo).

Trong năm trấn lúc bấy giờ trấn Định Tường là một trấn rất quan trọng và chiến lược. Thuở ấy mỗi khi Nguyễn Vương đem quân đội từ Xiêm La (Thái Lan) về đều dùng Định Tường làm nơi trú binh và làm bàn đạp của các cuộc tiến binh lên phía bắc. Ngày nay Định Tường chỉ là một phần đất nằm trong tỉnh Tiền Giang nhưng thời đó trấn Định Tường to lớn, trù phú, đồng ruộng bao la, là nơi đất lành có nhiều nhân tài. Trấn Định Tường quản lãnh cả vùng Đồng Tháp Mười, nơi nổi tiếng với muỗi mòng bay kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh, rắn rết, thú rừng, thú dữ rất nhiều, chim cò đầy rẫy. Vùng Đồng Tháp Mười là một vùng sình lầy, nước bùn đọng lại do phù sa sông Cửu Long chở về nên đất đai rất tốt cho việc trồng cấy và chăn nuôi. Ta vẫn nghe tiếng đồn về gà Cao Lãnh, gạo Nàng Hương, v.v. Lúc đầu vũng lầy nhiều chỗ chỉ là bãi cát rộng mênh mông nên người ta gọi đó là Láng Biển. Cũng có nhiều nơi sình lầy voi Đồng Tháp đi qua hàng đàn còn để lại dấu chân nên người dân địa phương đặt tên cho nó là Láng Voi. Nhưng một điều kỳ lạ là tuy ở giữa vùng sình lầy ngập lụt không có núi đá gì mà lại có một cái tháp rất cao xây bằng những tảng đá xanh to lớn theo lối kiến trúc của đền Đế Thiên Đế Thích bên Cao Miên. Khi dân làng tìm ra ngọn tháp thì quan phủ Cao Lãnh mới báo về trung ương. Lúc đó nước ta thuộc quyền cai trị của người Pháp nên trung ương mới cử một nhà khảo cổ là ông Parmentier xuống nghiên cứu. Ông Parmentier sau khi nghiên cứu núi đá và đọc các chữ khắc trên các tảng đá xanh mới đi đến kết luận đây là cái tháp thứ mười trong 10 cái tháp đã tìm thấy. Mười cái tháp này thuộc về văn hoá Thủy Chân Lạp xây để tế tự trời đất. Về sau có một nhà khảo cổ người Pháp khác nói rằng ngày xưa vùng này không thuộc về nước Thủy Chân Lạp mà thuộc về nước Phù Nam, tháp đó là do vua nước Phù Nam xây để cám ơn trời đất đã đưa đất đến lấp vùng đồng lầy. Lại có giả thuyết cho rằng đây là ngọn tháp thứ mười do nghĩa quân Thiên Hộ Dương xây lên để quan sát địa hình.   Từ khi khám phá ra ngọn tháp này, dân địa phương gọi chỗ này là Đồng Tháp Mười.

Nói đến Đồng Tháp Mười thì phải nhắc đến ông Thiên Hộ Dương vì Đồng Tháp Mười trong thời kỳ kháng Pháp là căn cứ địa của nghĩa quân Thiên Hộ Dương. Nơi đây đã nhiều lần quân của Thiên Hộ Dương làm cho quân đội Pháp điêu đứng. Ông Thiên Hộ Dương tên là Nguyễn Duy Dương. Ông là hào phú trong vùng, văn hay võ giỏi, các phụ tá cũng là những người có tài. Khi Vua Tự Đức sai ông Nguyễn Tri Phương vào nam kêu gọi hào kiệt kháng Pháp thì ông Nguyễn Duy Dương đã giúp của cải để trang bị cho 1000 quân. Vì thế ông Nguyễn Tri Phương tâu về triều và vua sắc phong cho ông chức Thiên Hộ. Từ đó người đời gọi ông là Thiên Hộ Dương. Ông có một đường roi chưa ai phá nổi. Khi ông ngồi trên mình trâu hay ngựa mà quất ngọn tre tầm vông thì người ngoài chỉ nhìn thấy như con lốc xoay tròn. Toàn thân người và thân trâu đều được đường roi che chở. Ông có thể vác nổi một lúc 5 trái linh. Miệng cắn một trái, hai nách cặp hai trái, hai tay xách hai trái còn lại. Mỗi trái linh nặng 6 kg. Dân chúng vì thế mới gọi là Ngũ Linh Thiên Hộ. Khi Pháp mới chiếm ba tỉnh miền đông thì ba tỉnh còn lại là hậu cần tiếp vận cho Đồng Tháp Mười. Nghĩa quân của Thiên Hộ Dương đã gây rất nhiều tổn hại cho Pháp vì thế vua Tự Đức đã sắc phong cho ông chức Lãnh Binh.

Nhắc đến chức Lãnh Binh thì chắc không ai quên được một ông Lãnh Binh khác ở vùng Sài Gòn Gia Định. Có thể là ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Lúc ông trấn nơi đây mới cho xây một cái cầu để việc đi lại được thuận tiện. Cây cầu này về sau mang tên Cầu Ông Lãnh và cái chợ ở gần đó cũng được gọi là chợ Cầu Ông Lãnh. Ông Lãnh Binh này trông coi nhiều đồn bót nên rải rác khắp nơi ông có tất cả năm bà vợ là các bà Chiểu, bà Quẹo, bà Hạt, bà Hom và bà Điểm. Vì ông là quan tổng trấn nên ông lập năm cái chợ cho các bà vợ trông coi mà làm kế sinh nhai, tự túc kinh tế. Vì thế mà ngày nay chúng ta mới có các địa danh như Bà Chiểu ở Bình Thạnh, Bà Quẹo ở Tân Bình, Bà Hạt ở Quận 10, Bà Hom ở Bình Tân và Bà Điểm ở Hốc Môn.

Còn nhiều nơi nữa rất hấp dẫn nhưng bài viết đã dài. Người viết đã mỏI tay mà người đọc chắc cũng đà mỏi mắt.

Phạm văn Vĩnh

 

Tham Khảo :

New York City https://en.wikipedia.org/wiki/New_York_City

Dutch Zeeland https://en.wikipedia.org/wiki/Zeeland

Danish Zealand https://en.wikipedia.org/wiki/Zealand

Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược

Huỳnh Minh – Gia Định Xưa

Huỳnh Minh – Bạc Liêu Xưa và Nay

Huỳnh Minh – Gò Công Xưa và Nay

Huỳnh Minh – Định Tường Xưa

Vùng Đồng Tháp Mười https://sites.google.com/site/vungdongthap10/home/nguon-goc-ten-goi-vung-dhong-thap-muoi

Đồng-Tháp-Mười http://chimvie3.free.fr/64/mailycang_DongThapMuoi_064.htm

 

 

 

You may also like...

Leave a Reply