Sơ Lược Sự Hình Thành Và Phát Triển

Sơ Lược Sự Hình Thành Và Phát Triển
TRUNG HỌC THỦ ĐỨC – HOÀNG ĐẠO – NGUYỄN HỮU HUÂN 
(1962 – 1975) 

           Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, nhu cầu học lên trung học của con em Quận Thủ Đức trở nên cấp thiết. Do đó tuy chưa có trường sở nhưng nhờ sự can thiệp của Ông Trương Vĩnh Lễ, Chủ Tịch Quốc hội thời bấy giờ nên trường Trung học Thủ Đức (công lập) được thành lập và hoạt động kể từ ngày 1-9-1962 .

Năm học 1962 – 1963: Trường Trung học Thủ Đức phải “ở đậu” nơi trường Nữ tiểu học nay là trường tiểu học Nguyễn Trung Trực với hai lớp đệ thất: lớp Đệ Thất P1: nữ sinh + 5 nam sinh. Lớp Đệ Thất P2: nam sinh. Tổng số khoảng 100 học sinh. Học trong hai phòng ốc cũ kỹ. Cả hai phía xe cộ lúc nào cũng chạy tấp nập. Về nhân sự trường có ba giáo sư là các thầy Ngô Thúc Cơ, Trần Ngọc Dưỡng và Trương Văn Minh do thầy Lý Ngọc Kiệt làm Quản đốc. 

Năm học 1963 – 1964: Trường tuyển thêm ba lớp Đệ Thất (2 Thất Pháp văn và một Thất Anh văn). Sỉ số cả 5 lớp khoảng 230 học sinh. Trường mượn thêm trường Nữ tiểu học 2 phòng học ở sát cạnh bến xe lam và căn xép nhỏ ngăn đôi: 01 dành làm Văn phòng và 01 dùng làn Phòng giáo sư. Về nhân sự thầy Kiệt về hưu, thầy Cơ lên xử lý thường vụ Hiệu trưởng. Năm này có thêm cô Nguyễn Thị Ngọc Dung dạy Văn, cô Nguyễn Kim Loan dạy Pháp văn cùng một số giáo sư dạy giờ như các thầy Luyện Quang Đăng, Lê Kim Chi, Trà Chơn Hiếu, cụ Nguyễn Văn gần. v.v… 

Năm học 1964 – 1965: Trường phát triển dần với 2 lớp Đệ Ngũ, 3 lớp Đệ Lục và 4 lớp Đệ Thất tổng cộng 458 học sinh. Trong năm này có thêm giáo sư từ các tỉnh chuyển về như thầy Nguyễn Trang Quốc (Pháp văn), thầy Đoàn Trọng Bào (Toán), thầy Trần Minh Đức (Văn). Học sinh phải học hai ca: 4 lớp Thất học buổi sáng, 2 lớp Đệ Ngũ và 3 lớp Đệ Lục học buổi chiều. Điều kiện học tập giai đoạn này thật thảm hại, lớp học gần đường nên tiếng ồn của xe lấn át cả lời giảng bài. Vào những tháng mưa dầm, sân trường lầy lội, tiếng mưa rơi vang trên mái ngói, thỉnh thoảng một cơn dông thổi tạt xuyên vách ngăn ô vuông làm ướt cả vở học sinh.

Năm học 1965 – 1966: Tiếp tục phát triển trường Trung học Thủ Đức mở thêm 2 lớp Đệ Tứ và nhận vào 4 lớp Đệ Thất tổng cộng 13 lớp với 700 học sinh. Phòng ốc không đủ nên các lớp phải chia ra học 3 địa điểm: trường Nữ tiểu học, trường Nam tiểu học nay là trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn và trường Bán công. Để châm biếm cảnh này, trên tờ đặc san xuân năm đó em Đoàn Cát đã vẽ một hý họa: một người hỏi thăm địa điểm trường trung học Thủ Đức được học sinh chỉ ba mũi tên qua ba hướng khác nhau. Do đó, học sinh hai lớp Đệ Tứ cuối năm này được chuyển trường theo đơn xin vào các trường Petrus Ký, Chu Văn An, Lê Văn Duyệt, Võ Trường Toãn và Trưng Vương, Gia Long tùy theo Nam hay Nữ. 

Năm học 1966 – 1967: Dù chưa có cơ ngơi riêng, Trung học Thủ Đức vẫn lớn mạnh với 3 lớp Tứ, 4 Ngũ, 4 Lục, 4 Thất tổng cộng 15 lớp với khoảng 800 học sinh và gần 20 giáo sư. Năm này thầy Cơ xin chuyển về Sài Gòn sau bao năm vất vả với trường. Thầy Hồ Văn Trai được cử làm Hiệu trưởng, giữa năm tăng cường thầy Trần Minh Đức làm Tổng giám thị. Một số thầy cô cũng được chuyển về như cô Lê Uyển Dung (Văn), cô Nguyễn Thu Hồng (pháp văn), thầy Võ Cẩn (toán)… 
Một tin vui đưa đến, Ban Doanh lý kiến thiết làng Đại học Thủ Đức đồng ý cho Bộ giáo dục mướn một lô đất diện tích 15.000m2 giá tượng trưng 1 đồng /1 năm/ 1m2 thời hạn là 99 năm dùng làn cơ sở xây dựng trường Trung học Thủ Đức, bước đầu có 5 phòng học theo chương trình Ấp Tân sinh. Trong năm này, trường vẫn phải học 3 nơi khác nhau 2 lớp học tại trường Nữ, 4 lớp học tại trường Mới (tên gọi mà đồng bào địa phương thường dùng lúc đó) và một số còn lại học tại hai dãy phòng gỗ của trường Nam tiểu học. 

Năm học 1967 – 1968: Từ một trường trung học Đệ Nhất cấp 4 lớp ở mỗi khối mở thêm 2 lớp Đệ Tam nâng tổng số lớp lên 18 với gần 1000 học sinh, Hội phụ huynh học sinh đứng đầu là ông Huỳnh Văn Hượt cùng với một vài vị ân nhâncó nhiệt tâm với nền giáo dục Quận nhà như ông kỹ sư Trần Văn Bé, ông Kiến trức sư Lê Văn Lắm đã vận động tích cực để xây dựng thêm phòng học. 
Cạnh 5 phòng học thuộc ấp Tân sinh xây thêm 8 phòng học thành 2 dãy, mỗi dãy 4 phòng hướng mặt ra đường Hoàng Diệu (nay là Võ Văn Ngân). 
Ngoài ra một hệ thống hàng rào kẽm gai được dựng nhằm bảo vệ trường sở và duy trì kỷ luật học đường. 
Cùng năm này một bảng hiệu mang tên Trung học Thủ Đức được dựng lên ngay cổng trường giáp với đường Đoàn Kết làng Đại học. Chấm dứt thời kỳ ăn gửi ở nhờ” nơi các trường khác, phấn khởi với trường sở mới, một phong trào sinh hoạt học đường vùng lên sôi nổi, thầy trò tham gia san lấp và làm cỏ sân trường vì nơi đây có nhiều gò mối, xây dựng bồn hoa và cột cờ để làm lễ chào cờ mỗi ngày. Cả trường tổ chức cắm trại, thi đua thể thao và làm bích báo. 

Năm học 1968 – 1969: Trường phát triển thêm với 2 Nhị, 3 Tam, 4 Tứ, 4 Lục, 5 Thất tổng cộng 22 lớp với khoảng 1.200 học sinh. 
Trong năm này trường xây thêm hội trường nhưng còn thiếu phòng ốc nên phải ngăn làm ba, một làm phòng giáo sư, một phòng làm giám thị, một dùng làm phòng học. 
Kỳ thi tú tài (học sinh Đệ Nhị thi tú tài 1, đậu mới được học tiếp Đệ Nhất để thi tú tài 2) năm này, học sinh trường Trung học Thủ Đức ra quân lần đầu đem về một kết quả đáng khích lệ đạt tỷ lệ đậu 59% có một số đậu hạng Bình và Bình thứ. Đó là khích lệ lớn lao cho ban giảng huấn sau bao năm tháng khó nhọc tôi luyện học sinh đồng thời tạo được niềm tin trong giới phụ huynh. 
Tuy nhiên vì thời cuộc, có sự biến động về nhân sự, một số giáo sư phải đi thụ huấn quân sự chín tuần hoặc hoặc phải nhập ngũ hay tái ngũ, việc giảng dạy và kỷ luật nhà trường có phần giảm sút. Khoảng cuối năm 1968 chương trình xây dựng và phát triển nông thôn yểm trợ cho trường 2 phòng xây thẳng góc với nhà vệ sinh đặc biệt cuối vụ hè 1969, Bộ Giáo dục cấp cho trường 4 phòng học được xây đối diện với 3 dãy cũ, giữa sân trường hình vuông rộng rãi ngay trung tâm là cột cờ sững sững oai nghi. 

Năm học 1969 – 1970: Tình trạng phòng ốc tương đối khả quan nên trường tiếp tục phát triển với 2 lớp Đệ Nhất, 3 lớp Đệ Nhị, 4 Tam, 4 Tứ, 5 Ngũ, 7 Lục, 7 Thất tổng cộng 32 lớp trên 1500 học sinh. Năm này có sự thay đổi trong Ban Giám đốc: thầy Hồ Văn Trai được chuyển về Nha Tư Thục, thầy Trần Minh Đức xin thôi làm Tổng giám thị, thầy Nguyễn Văn Có thay thế. Vì trường đầy đủ các cấp lớp trở thành trường Đệ Nhị cấp nên thầy Bùi Hữu Châu được chuyển về làm Giám học đồng thời XLTV hiệu trưởng chờ Bộ cử tân Hiệu trưởng. 
Trong thời gian này trường xây thêm 3 phòng học nối tiếp với 4 phòng học của Bộ thành một dãy 7 lớp rất khang trang và đúng tiêu chuẩn. các phòng học này do phụ huynh học khối 7 xây dựng. 

Năm học 1971 – 1972: Theo đà phát triển bình thường, trường có 4 lớp12, 4 lớp 11, 5 lớp 10, 5 lớp 9, 7 lớp 8, 7 lớp 7, 7 lớp 6, tổng cộng 39 lớp gần 2.000 học sinh, thầy Nguyễn văn Tâm được cử về làm Hiệu trưởng từ cuối năm học 1970 -1971. Đầu niên khóa 1971 – 1972 mới thực sự bắt tay vào việc. Lúc này Ban Giám đốc nhà trường có đầy đủ với thầy Tâm làm Hiệu trưởng , thầy Diệp Phong Quang Giám học, và thầy Trần Văn Huỳnh Tổng giám thị. Nhà trường cũng có đầy đủ các ban: ban giảng huấn, hành chánh kế toán, giám thị và bảo vệ tùy dịch…tổng cộng là 90 vị. 
Thầy Tâm xây dựng nhiều phong trào cho nhà trường: cắm trại, thi đua văn nghệ, ra Đặc San xuân Nhâm Tý (1971 -1972) lần đầu tiên được in hẳn hoi vì trước đó chỉ quay roneo, trồng cây tạo bóng mát quanh sân trường, sang ủi đường đi và sân tập thể dục. 
Lập Ban Giáo sư hướng dẫn Khải đạo. Sau khi qua một khóa huấn luyện chuyên môn các thầy Nguyễn Đình Quỹ, Trần Minh Đức và cô Lê Uyễn Dung, Lưu Thị Quý được cử phụ trách ban này. Lập thư viện nhà trường và dự định biến cải trường Trung học Đệ Nhị cấp Thủ Đức thành một trường tổng hợp. 

Năm học 1973 – 1974: Một ban Giám đốc mới được đề cử: Hiệu trưởng Trần Quang Tuấn, Giám học thầy Võ Phá, phụ tá có thầy Võ Văn Sum, tổng giám thị: thầy Nguyễn Văn Phượng. Cùng lúc tên trường Trung học Thủ Đức được đưa ra thảo luận rất sôi nổi tại hội đồng Giáo sư nhà trường; thầy Tuấn rất tâm đắc với tác phẩm: “Mười điều tâm niệm” của Hoàng Đạo nên quyết định chọn danh hiệu này để soạn thảo ra “Mười điều nội quy của trường”. Trường đổi tên trung học Hoàng Đạo. Theo đà phát triển số lớp tăng lên 43 với khoảng 2.200 học sinh. 

Năm học 1974 – 1975: Lại một ban Giám đốc mới được cử đến gồm: Hiệu trưởng: thầy Nguyễn Văn Hanh, Giám học thầy Nguyễn Hà Trị, phụ tá Giám học thầy Võ Thanh Sum, Tổng giám thị Nguyễn Đình Năm. 
Đặc biệt cuối năm 1974 – 1975, được sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh cộng thêm ngân sách nhà nước một dãy phòng học gồm 4 phòng trệt và 4 phòng lầu được khẩn trương xây dựng nối tiếp với 2 phòng học “nông thôn”, khép kín khuôn viên nhà trường thành 4 dãy vuông vức bao quanh, tổng số lớp là 45: 4 lớp 12, 6 lớp 11, từ lớp 10 đến lớp 6 mỗi khối 7 lớp với gần 2.500 học sinh. Tổng số ban giảng huấn, nhân viên hành chánh, giám thị gần 90 người. 
Chất lượng giảng dạy được nâng cao thêm một bước: ngoài một số giáo sư cư trú tại địa phương thể hiện tình cảm gắn bó và tận tụy với nhà trường, phần còn lại là những giáo sư dạy lâu năm nhiều kinh nghiệm chuyển từ các tỉnh về giúp cho việc giảng dạy thêm đa dạng và phong phú, tạo được tiếng vang tốt nên thu hút học sinh các vùng phụ cận như: Gia Định, Dĩ An, Lái Thiêu, Biên Hòa… 

Từ 1975 đến nay: Trường đổi tên là Phổ Thông Trung Học Nguyễn Hữu Huân . Tháng 5 năm 2005 , trường hoàn thành tân trang và xây dựng mới một trường sở khang trang và rộng lớn . 

           Nhìn lại quảng thời gian 13 năm ấy ta có thể hình dung sự trưởng thành vượt bậc của trường: từ một trẻ sơ sinh nhanh chóng trở thành một thiếu niên và một thanh niên tràn đầy sức sống mặc dù điều kiện vật chất buổi đầu cực kỳ thiếu thốn khó khăn. Là đàn em nhưng không tự ti trước các anh chị lớn. Yếu tố nào đã tạo nên sự “thần kỳ” đó? Chính là tinh thần vượt khó, lòng yêu nghề của các thầy cô, tình đoàn kết tương thân tương ái giữa các thành viên của cộng đồng. 

Nhóm chủ biên 
(theo tư liệu của thầy Trần Minh Đức)

You may also like...