Hồi Nào Mẹ Bồng Con Sang Nhà Thầy Đồ ?

Đã mấy chục năm rồi người viết không có dịp nghe lại tiếng ru con của các bà mẹ bên hàng xóm Việt Nam. Ngày xưa vì các gia đình thường đông con nên hay được  nghe hát ru con ngủ vào những buổi trưa hè nóng nực. Nhờ vào những tiếng ru này mà nhiều người tự dưng thuộc được một số bài ca dao, tục ngữ. Trong những bài đã nghe, bài sau đây có lẽ là bài thịnh hành nhất:

Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

(Ca dao Việt Nam)

 

Bài hát ru trên còn tiếp thêm bốn câu nữa nhưng có lẽ ít được biết đến:

Bồng bồng cõng chồng đi chơi

Ra tới chỗ lội đánh rơi mất chồng

Ai có thương thì cho mượn chiếc gàu sòng

Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên

(Album Thu Hiền – Ru Con Bắc Bộ)

Bây giờ muốn nghe lại những bài hát ru con cũng không có gì khó cả. Chỉ cần lên Youtube thì có thể tìm ra một vài nghệ sỹ hát thể loại nhạc này. Nhưng nghệ sỹ họ hát có bài có bản. Nhịp điệu, tiết tấu không thay đổi khác với các bà mẹ xóm làng quê xưa hát tuỳ hứng, theo cảm hứng từng lúc và nhất là tuỳ vào giấc ngủ của đứa con. Người nghe lúc nào cũng có cảm tưởng  được nghe một điệu ru mới.  Lối hát ru của các bà mẹ không cố định, khi thì thánh thót, khi thì ngân nga, đôi khi còn thêm vài tiếng ho hoặc những tiếng ù, ờ dỗ khi con đang khóc. Thời gian của một bài ru hoàn toàn tuỳ vào giấc ngủ của đứa con. Hôm nào bài hát dài lê thê, lập đi lập lại thì đúng là ngày mà đứa bé có vấn đề, khó ngủ. Trái lại bữa nào chỉ nghe hai ba câu rồi im bặt ấy chính là lúc đứa bé đã ngủ khò.

Bài hát ru trên ngày nay được rất nhiều người biết đến vì đã được in trong các sách giáo khoa,  sách ca dao tục ngữ hay sách Quốc Ngữ dùng để dậy học sinh.  Bài hát trên cũng còn được rất nhiều tác giả các bài viết, các bài diễn thuyết dùng đến vào những dịp người Việt tổ chức Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Ngày Tôn Sư Trọng Đạo ở trong và ngoài nước.

Bây giờ đọc lại bốn câu ca dao đầu tiên của bài hát ru ở trên, nghe ra dường như hai câu lục bát đầu không có liên quan gì với hai câu sau. Lý do là vì không thích hợp với đời sống xã hội ta thời xưa. Có thể với dòng thời gian, người dân Việt đã chắp nối mấy câu thơ này lại với nhau theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia. Có hai điều vô lý trong bài hát ru trên. Thứ nhất vào thời phong kiến ở nước ta, nhà nào muốn đưa con tới học tại nhà thầy thì người cha phải mang lễ vật đến nhà thầy để xin thầy khai tâm cho con mình. Nếu người cha vắng mặt vì một lý do nào đó thì người chú phải đi thay. Không bao giờ có chuyện đàn bà tới nhà thầy đồ hay thầy đồ tới nhà phụ nữ khi không có đàn ông trong nhà. Tục lệ này đã du nhập vào Việt Nam từ khi người Tàu sang đô hộ nước ta. Giá trị và địa vị của phụ nữ Việt Nam đã bị hạ thấp.  Truyện Thuỷ Hử kể vào đời nhà Tống bên Tàu, ở vùng núi Lương Sơn có một học sỹ thích ngao du sơn thuỷ. Vào thời núi Lương Sơn còn yên lành học sỹ hay lên đó ngắm thắng cảnh. Nhân dịp vẽ luôn một bức địa đồ núi Lương Sơn. Ít lâu sau học sỹ từ trần, phu nhân ở góa thờ chồng và gìn giữ tấm bản đồ ấy. Về sau quan Huyện Từ Hoè ở vùng đó muốn dẹp phe Tống Giang đang chiếm cứ núi Lương Sơn nhưng không biết đường đi nước bước ra sao. Có người đồng tông là Từ Dung Phu mách bảo cho biết đến tấm địa đồ của học sỹ. Từ Hoè liền cho đánh xe đến nhà học sỹ xin bản đồ nhưng bị học sỹ phu nhân cho người trong nhà ra nói với quan huyện rằng trong nhà không có đàn ông xin quan huyện chớ vào. Từ Hoè xin tạ lỗi rồi ra về, nhờ người chị họ đến nhà học sỹ xin tấm bản đồ. Điều vô lý thứ hai là ngày xưa nhà thầy đồ không phải là nhà giữ trẻ. Trẻ em đến nhà thầy đồ đều đã lớn tuổi vì phải biết làm việc cho nhà thầy một thời gian rồi thầy mới bắt đầu dậy chữ cho. Thế mà trong câu đầu tiên của bài hát ru trên thì người mẹ còn bế con trên tay. Để kiểm chứng hư thực, thiết nghĩ cách hay nhất là tìm một vài quyển sách xưa xem tiền nhân ta viết những câu này ra làm sao. Trên trang WEB nomfoundation.org, có một số tài liệu trong đó có quyển sách mang tựa đề “Nam Quốc Phong Ngôn Tục Ngữ Bị Lục”, phía trên viết bằng chữ Nôm, thật may phần dưới phiên âm sang chữ Quốc Ngữ, dễ đọc lại dễ tìm ra chữ Nôm tương ứng.  Ở trang 35, không có hai câu đầu trong bài ru trên mà chỉ có hai câu sau, đã được người viết đóng khung màu xanh. Xin xem hình trang 35  trong sách “Nam Quốc Phong Ngôn Tục Ngữ Bị Lục” (1) sau đây:

Vậy nếu lấy sách này làm chuẩn thì có thể nghĩ rằng bài hát ru trên đã được người đời sau chắp nối lại một cách đầu Ngô mình Sở. Xét về ý nghĩa của bốn câu thơ trên thì hai câu đầu đã quá rõ nghĩa. Chỉ còn hai câu sau cần phải dài dòng văn tự một chút.

 

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Hiện nay, trong các bài viết trên WEB, có nhiều lời giải thích khác nhau. Có tác giả thì cho « muốn sang » là muốn sang bên kia sông. Lại có tác giả nghĩ rằng « sang » ở đây ý là muốn được sang trọng.  Nhờ vào bảng chữ Nôm trên, ta có thể tìm ý nghĩa của chữ này trong tự điển chữ Nôm và thấy rằng chữ « Sang » viết với bộ « Sước »  có nghĩa là di chuyển (sang bên kia sông). Tuy nhiên, cũng có bản chữ Nôm viết chữ « Sang » với bộ « Cự » có nghĩa là sang trọng. Nhưng Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn của Viện Việt Học giải thích ở trang 1100 rằng đây là trường  hợp mượn âm của « sang trọng » để diễn tả động tác đi sang.

Đến lượt hai chữ « cầu kiều ». Chữ « cầu » thì các tác giả đều đồng ý là chiếc cầu bắc ngang sông. Nhưng về chữ « kiều » thì hiện có ba giải thích . Thứ nhất chữ « kiều » có nghĩa là đep. Vậy « cầu kiều » là cầu đẹp. Thứ hai chữ « kiều » có nghĩa là cái yên ngựa. Vậy « cầu kiều » là cái cầu hình cong như cái yên ngựa. Giải thích thứ ba nói « cầu kiều » chỉ có nghĩa là cây cầu vì đây là cách nói nửa Nôm nửa Hán của người mình như « trắng bạch », «đỏ hồng », « đăm chiêu phải trái », v.v.  Ba giải thích trên xét ra đều có lý vì chữ  Nôm « kiều » đều có thể có ba ý nghĩ như trong những lời giải thích trên. Sự khác biệt được thể hiện qua cách viết chữ « kiều ». Bây giờ ta hãy tra trong tự điển chữ Nôm xem chữ « kiều » viết trong câu thơ được giải thích ra sao. Trong tự điển chữ Nôm, chữ này có nghĩa là cái cầu. Như thế chữ này không thể là chữ Nôm vì không thể nào nói « cầu cầu ». Chữ này tất phải là chữ Hán.  Tra trong các tự điển chữ Hán, chữ này được đọc là « kiều » và có nghĩa là cái cầu. Riêng trong quyển tự điển Thiều Chửu, chữ này có nghĩa là « cái cầu » và tác giả còn viết thêm trong ngoặc đơn « (cầu cao và cong) ». Cầu cao và cong tức là cây cầu có giá trị, khác với các loại cầu nhỏ, cầu tre, cầu độc mộc hay cầu khỉ, v.v. Vì tự điển Thiều Chửu có trước, thiết nghĩ nên lấy ý từ quyển tự điển này cho gần với thời gian xưa. « Muốn sang thì bắc cầu kiều » chắc là một lời khuyên phụ huynh có ý nói muốn nên việc thì phải gắng sức.

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Câu thơ này còn có tác giả viết là  «Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy», «Muốn con hay chữ phải yêu lòng thầy»  hoặc «Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy» nhưng thế nào đi nữa thì những câu này đều cùng một nghĩa.  Câu thơ đã được nhiều người nghĩ rằng muốn con nên người thì phải kính trọng thầy nhưng xét cho kỹ lại có vẻ như một lời châm biếm làm giảm giá trị của nhà giáo. Nếu cha mẹ không có khả năng « yêu lấy thầy » thì tương lai của đứa con sẽ ra sao ?

Đa số các tác giả trên WEB đều có khuynh hướng giải thích hai câu thơ trên theo tinh thần « Tôn sư trọng đạo ».  Tinh thần này đã được sử gia Phạm Cao Dương, trong một bài viết của ông, giải thích ý nghĩa như sau :

<< Trở lại với thành ngữ “Tôn sư trọng đạo”. Thành ngữ này thường được dùng như một phương châm dành cho các học sinh và phần nào luôn cả các phụ huynh tương tự như các câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thày”, hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hoặc thành ngữ “quân sư phụ.” Đối với một số không nhỏ các nhà giáo thành ngữ này cần được hiểu là bao gồm hai phần: phần thứ nhất là “tôn sư” và phần thứ hai là “trọng đạo”. Tôn sư là dành cho học trò và trọng đạo là dành cho người thày theo đúng quan niệm chính danh của Khổng Giáo. Thày phải ra thày trước khi đòi hỏi trò phải kính trọng thày. Đây là một vấn đề khác có tính cách chuyên môn và khá phức tạp. Tôi sẽ xin trở lại trong một bài khác. >> (2).

 

Paris, 22/09/2020

Phạm văn Vĩnh

 

Tham khảo :

(1) Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục – trang 35

(2) https://khoahocnet.com/2019/06/22/gsts-pham-cao-duong-sau-44-nam-nhin-lai-thoi-vang-son-cua-giao-duc-vnch-truoc-nam-1975/

 

You may also like...

Leave a Reply