Lệ Thu – Giọng hát hoài niệm
Phương Thảo – Trường Chinh
Lệ Thu, cái tên tiền định, tiếng hát ròng của tân nhạc Việt Nam, vừa nằm xuống. Buổi tối mùa đông, tin Lệ Thu ra đi, tựa như một giọt nước mắt đang bị đông cứng vì lạnh, bỗng tan chảy ra, rơi nhẹ xuống cuộc đời… Một chia tay, vĩnh viễn, đằm thắm mà sâu, thật sâu, trong lòng người – những người trước đó như vẫn đang chờ đợi một sự mầu nhiệm nào đó có thể xảy ra với Cô trong mùa khổ nạn này. Nhưng không. Lệ Thu ra đi, lần này ra đi thật, vẫy chào như một chiếc lá thu nào đó còn sót lại giữa mùa đông này. Giọt nước mắt kia là Lệ, chiếc lá ấy là Thu. Lệ Thu.
Lệ Thu là ca sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt ở miền Nam trước 1975. Cô là một giọng hát tiêu biểu của thế hệ Cô trong không khí sinh hoạt văn nghệ miền Nam lúc bấy giờ. Tiếng hát ấy đã cất lên giữa một thành phố hoa lệ, giữa “Sài Gòn ban đêm mở cửa”, của giọng kèn trên đại lộ khuya. Lệ Thu thuộc hàng ca sĩ mà các nhạc sĩ tài năng phải tìm đến để đưa Cô những bài hát mới sáng tác, mong được tiếng hát ấy thổi hồn vào những âm vực đầu tiên đưa họ đến người nghe. Lệ Thu chính là người hát đầu tiên những bài hát xuất sắc của Trịnh Công Sơn, những “Hạ Trắng”, “Xin Mặt Trời Ngủ Yên” v.v… Lệ Thu cũng đã đưa những bài hát đầy tâm sự của Trường Sa vào lòng người: “Xin Còn Gọi Tên Nhau”, “Mùa Thu Trong Mưa”, “Rồi Mai Tôi Đưa Em”. Lệ Thu gắn liền tiếng hát mình với những ca khúc bất hủ của Việt Nam như “Ngậm Ngùi” (Huy Cận – Phạm Duy), “Mắt Biếc” (Cung Tiến), “Thu Hát Cho Người” (Vũ Đức Sao Biển), “Tình Khúc Thứ Nhất” (Nguyễn Đình Toàn/ Vũ Thành An), và còn rất nhiều nữa. Điều đó cho thấy một Lệ Thu cực kỳ nhạy cảm với âm nhạc và là người biết xử lý tốt nhất các sáng tác mới. Đó là điều không dễ dàng chút nào, nếu không nói là có thể có phần rủi ro trong sự nghiệp, nếu chọn bài hát không phù hợp. Nhưng hầu như bài hát mới nào, qua giọng hát Lệ Thu, đều thành công ngoài mong đợi.
Trong một bài viết, Cô nói: “Tôi hay nhớ những chuyện nhỏ như thế bởi chính chúng đã làm nên cuộc đời ca sĩ của tôi, như trường hợp bài Hạ trắng. Nhiều người thích nghe tôi hát bài này, có lẽ họ phải cảm ơn danh ca Hà Thanh đã mách tôi biết anh Trịnh Công Sơn đang muốn gửi cho tôi bài mới. Nhờ đó mà tôi sốt sắng tìm anh Sơn và có thêm một bài hát hay trong “gia tài” của mình.” Từ Lệ Thu, “Hạ Trắng” của Trịnh Công Sơn trở thành một bài hát vượt thời gian. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, về cái “duyên” âm nhạc, trong cuộc đời ca hát của cô.
Trong không khí văn học nghệ thuật phong phú của Sài Gòn trước 1975, Lệ Thu là một Juliette Gréco của Việt Nam. Cũng như Juliette Gréco, ngoài tài năng vượt trội trong lãnh vực âm nhạc, Cô còn là người gần gũi với các nhạc sĩ, thi sĩ, văn họa sĩ của miền Nam lúc bấy giờ, thường được họ nhắc đến trong nhạc, thơ, văn chương. Phạm Đình Chương đề tặng riêng Lệ Thu bài hát “Mắt Buồn”, phổ thơ Lưu Trọng Lư. Dù chưa xác nhận, mọi người đều thấy hình ảnh Lệ Thu trong “Nước Mắt Mùa Thu” của Phạm Duy. “Rồi Mai Tôi Đưa Em” cũng là hình ảnh Lệ Thu mà nhạc sĩ Trường Sa đã viết thành v.v… Hơn thế, bao nhiêu mỹ từ các nhà văn danh tiếng đã dành riêng cho Cô: Duyên Anh gọi cô là “Tiếng Hát Vàng Ròng”, nhà thơ Nguyên Sa gọi đó là “Tiếng Hát Vàng Mười”, còn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng viết: “Lệ Thu – tiếng hát không ngừng chinh phục.”
Với Lệ Thu, âm nhạc là một định mệnh. Lệ Thu sinh ra để hát những bài hát buồn, rải xuống đời những lời tự sự bằng một giọng hát tròn đầy, trầm lắng, ngọt ngào. Một chất giọng mezzo-alto (nữ trung trầm) hiếm hoi vì sự tròn trịa và âm vực cao, thấp rõ ràng của nó. Tiếng hát Lệ Thu có lẽ dễ đi đến lòng người, dễ đến với đại chúng hơn Thái Thanh, Mai Hương, Kim Tước… Nếu “Nửa Hồn Thương Đau” (Phạm Đình Chương) của Thái Thanh nức nở, cứa thẳng vào vết thương, thì “Nửa Hồn Thương Đau” của Lệ Thu đưa ta đi vào phía sâu của thương đau, lui về lại thời gian khi vết thương đó vừa mới bị cắt đau. Vì thế, tiếng hát Lệ Thu là tiếng hát có khả năng gợi lại kỷ niệm một cách lạ kỳ, dễ dàng đưa người nghe tìm về một chân trời tím ngắt nào đó xa xưa. Người nghe có thể như chìm đắm trong không gian lan tỏa từ tiếng hát cô.
Lệ Thu còn là một con người duyên dáng, trí thức khi trả lời phỏng vấn. Điều đó có thể rõ trong bài phỏng vấn rất hay của Đinh Quang Anh Thái: (*)
“ĐQAT (hỏi): Tiếng hát LT đã là cảm hứng cho nhiều cây viết. Nhìn ở khía cạnh nào, thì tựu trung, những nhà văn, nhà báo từng viết về chị đều nhìn nhận rằng tiếng hát LT đã nuôi nấng nhiều ước mơ. Trong cuộc nói chuyện hôm nay tôi sẽ không đề cập nhiều đến LT, trên lãnh vực một nghệ sĩ tài danh, mà xin hỏi thăm chị về đời thường của LT – Chị có thể cho nghe một ngày trong đời của LT hiện nay ra sao?”
“LT (trả lời): Câu anh hỏi khiến tôi nhớ đến cuốn truyện nổi tiếng: “Một ngày trong đời Denisovich” của văn hào Alexander Solzhenitsyn, trong đó tả về sinh hoạt 24 giờ của một tù nhân khổ sai ở nước Nga dưới chế độ CS – Tôi thì may mắn hơn (cười thoải mái) Denisovich – Sinh hoạt một ngày của tôi giống như mọi người – Sáng dậy, tập thể dục, rồi đi chợ nấu ăn, sau đó trả lời thư của khán thính giả bốn phương, và học hỏi thêm những điều tôi thiếu sót. Tôi còn phải đi thâu băng những bài hát – Như thế là đủ hết một ngày.”
Đó là cách trả lời ý nhị của Lệ Thu. Một số những bài phỏng vấn khác cũng cho chúng ta thấy quan niệm của Lệ Thu về cuộc đời, và về lãnh vực của mình – một Lệ Thu nghiêm túc, đầy năng lượng, đam mê với âm nhạc:
“Khi hát, tôi không còn thấy ai cả, chung quanh tôi không có ai cả. Tôi chỉ tập trung tư tưởng để hát theo nhịp đập của con tim mình, hát theo niềm hạnh phúc của mình. Tôi hát do những rung động phát ra từ tâm hồn tôi” (Little Saigon Radio, 2003).
“Tôi được nghe ở đâu đó rằng, hạnh phúc trong tầm tay mình và hiện hữu ở hiện tại. Quá khứ là gia sản của mỗi người, những gì có được ở hiện tại, dù là không may mắn nhưng tôi luôn bằng lòng với nó. Có câu danh ngôn vầy, hãy khép lại cánh cửa quá khứ và mở cánh cửa tương lai. Thì mở ra và bước thôi. Tôi không nhọc lòng lo lắng những thứ mình chưa biết, chưa trải ở tương lai” (Thế giới An ninh, 2015).
“Với tôi, âm nhạc là một phần không thể thiếu của đời sống. Tôi luôn tự hỏi nếu một ngày không có âm nhạc thì tôi sẽ như thế nào. Và tôi không trả lời được” (ZingNews, 2016).
Tiếng hát Lệ Thu là sự hoài niệm của biết bao nhiêu thế hệ. Nó giống như những âm thanh phát ra từ những chiếc máy hát xưa cũ trong lòng mỗi người. Cho dù có nghe giọng hát Lệ Thu của những năm sau này, thì nó vẫn là một giọng hát đã phủ một lớp bụi mỏng của thời gian. Tiếng hát Cô chưa bao giờ bi thảm, chưa bao giờ sầu muộn, bi ai. Tiếng hát ấy chỉ đi thẳng vào trái tim người bằng những nhịp âm sâu, lắng. Một Lệ Thu làm chủ hoàn toàn bài hát, làm chủ hoàn toàn sân khấu. Một phong cách trình diễn bất biến bao chục năm qua. Cô bước lên sân khấu và cất giọng hát thiên phú của mình, không điệu bộ, không những cử chỉ thừa thãi tay chân. Với Lệ Thu, chỉ có giọng hát tỏa mạnh, vang động đến tim người. Một Lệ Thu điềm đạm và đầy bản lĩnh trong trình diễn. Một phong cách của một nghệ sĩ lớn, một tiếng hát sinh ra để chinh phục khán giả.
Sự ra đi của Lệ Thu, với riêng tôi, như một sự lay thức nhẹ, nhẹ mà đau: Chúng ra rồi sẽ còn lại ai từ thế hệ quá tài hoa, quá đa âm đa sắc này? từ Thái Thanh, từ Mai Hương, rồi từ Lệ Thu ra đi… Trong tôi vang lên câu hát thật buồn của Trịnh Công Sơn, “ngồi bên dòng sông sẽ còn ai…” Sẽ còn ai? Chiều nay, cũng như rất nhiều người mến mộ cô, tôi đang nghe lại một loạt các ca khúc kinh điển của Lệ Thu, nghe tiếng hát ấy vẫn đâu đây, vẫn đang “bay trên hàng phố bâng khuâng” này… Tiếng hát cô sẽ còn ở lại, lâu dài. Chắc chắn là như thế.
Nếu được chọn 5 ca sĩ Việt Nam thích nhất, chắc chắn tôi sẽ chọn Lệ Thu. Nếu được chọn 3, tôi sẽ chọn Lệ Thu. Nếu chỉ được chọn 1 người thôi, có lẽ tôi cũng sẽ chọn Lệ Thu. Vì tiếng hát ấy là tiếng hát của hoài niệm, của dĩ vãng, là hơi thở của nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ của chúng tôi.