CÁC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI
Lê Tấn Tài
Các loại hình nghệ thuật hiện nay mang lại một làn gió mới, phá vỡ những giới hạn truyền thống và đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.
Nghệ thuật hiện đại phản ánh phản ứng sáng tạo trước chủ nghĩa duy lý và những tiến bộ công nghệ của thời đại công nghiệp, thể hiện sự mới mẻ của cuộc sống hiện đại qua những cách sáng tạo. Nó từ chối các giá trị và phong cách truyền thống, tập trung vào việc miêu tả thế giới qua góc nhìn độc đáo của nghệ sĩ, với thẩm mỹ đặc trưng trong hơn một thế kỷ.
Chủ nghĩa hiện đại đã trở thành một truyền thống mới trong các thể loại mà trước đây nó từng chống đối, với đặc trưng là sự sáng tạo thông qua công nghệ tiên tiến, kỹ thuật lắp đặt, cắt dán, và sự giao thoa giữa các phong cách nghệ thuật. Xu hướng này bao gồm nghệ thuật biểu diễn tạo không gian tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả, cùng các hình thức như tranh cát hay tranh đổ màu, thể hiện sự phóng khoáng và sáng tạo phù hợp với tinh thần thời đại.
Mỗi loại hình nghệ thuật hiện đại đều mang trong mình một câu chuyện, một tinh thần sáng tạo riêng biệt. Chúng không chỉ là cách để con người thể hiện bản thân mà còn là nhịp cầu nối liền cảm xúc, ý tưởng và văn hóa. Sự đa dạng này chính là minh chứng cho khả năng vô tận của con người trong việc tìm kiếm cái đẹp và tạo dựng giá trị mới.
Dưới đây là một số loại hình nghệ thuật mới lạ và độc đáo xuất hiện trong những năm gần đây:
1. Nghệ thuật tái chế (Recycled Art)
Nghệ thuật từ vật liệu phế thải là cách tiếp cận sáng tạo, biến những vật phẩm không còn giá trị sử dụng (hoặc không còn được mong muốn sử dụng) thành các tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ, chức năng hoặc thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường. Không có quy tắc cố định nào về loại vật liệu có thể được sử dụng, miễn sao chúng được coi là “chất thải”. Bạn có thể tận dụng nhựa, kim loại cũ, gỗ tái chế, ly giấy, ống hút nhựa, vải, túi ni lông, giấy cũ, hoặc bất cứ thứ gì có sẵn, bởi nghệ thuật không có giới hạn. Mỗi tác phẩm là một kỳ công, không chỉ đẹp về tạo hình mà còn kể câu chuyện ý nghĩa, truyền tải thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Ví dụ, bạn có thể tạo hình một chú chó từ những đồ chơi nhựa cũ và các mảnh nhựa nhỏ.
2. Nghệ thuật vẽ cơ thể (Body Painting)
Nghệ thuật vẽ trên cơ thể, hay “body painting” trong tiếng Anh, là một hình thức nghệ thuật sử dụng cơ thể người làm bề mặt sáng tạo, nơi các tác phẩm được vẽ trực tiếp lên da. Khác với hình xăm hay các loại hình nghệ thuật cơ thể khác, vẽ trên cơ thể chỉ mang tính tạm thời, thường kéo dài từ vài giờ đến vài tuần (như mehndi hay “hình xăm henna,” có thể tồn tại khoảng hai tuần).
Khi chỉ tập trung vào khuôn mặt, nghệ thuật này được gọi là “vẽ mặt,” trong khi vẽ trên cơ thể toàn phần thường được xem như một tác phẩm quy mô lớn. Những hình vẽ nhỏ hơn, mang tính chi tiết, đôi khi được gọi là “hình xăm tạm thời.” Ngày nay, vẽ trên cơ thể xuất hiện phổ biến tại các lễ hội hoặc sự kiện đặc biệt, trở thành một phần không thể thiếu của các hoạt động văn hóa và giải trí.
3. Nghệ thuật đổ màu (Fluid Art)
Fluid Art, hay Pouring Art, là một hình thức nghệ thuật trừu tượng sử dụng sơn acrylic pha lỏng để tạo hiệu ứng màu sắc chảy loang độc đáo trên canvas hoặc đồ vật. Fluid Art là sự kết hợp ngẫu nhiên, không thể lặp lại, mang đến những tác phẩm đẹp mắt và độc nhất vô nhị, nghệ thuật này không đòi hỏi kỹ thuật vẽ truyền thống mà tập trung vào cảm nhận màu sắc và bố cục. Người mới bắt đầu dễ dàng tham gia, và quá trình thực hiện mang lại cảm giác thư giãn. Các kỹ thuật phổ biến gồm:
Dirty pour: Trộn nhiều màu trong một cốc và đổ lên canvas.
Flip cup: Lật ngược cốc sơn lên canvas rồi nhấc lên để màu chảy ra.
Swipe: Kéo màu bằng dao cạo hoặc giấy để tạo hiệu ứng.
Ring pour: Đổ sơn theo hình tròn tạo vòng xoáy màu sắc.
4. Nghệ thuật tranh cát (Sand Art)
Tranh cát nghệ thuật là hình thức tạo hình nghệ thuật với nhiều cách thể hiện, sử dụng cát màu, bột khoáng chất, tinh thể hoặc các sắc tố khác có nguồn gốc tự nhiên hay chất liệu tổng hợp để phối hợp tạo hình theo ý họa sĩ.
Tranh cát động: Biểu diễn trực tiếp bằng cách vẽ lên một mặt phẳng được phủ cát, thường là trên một hộp kính có đèn chiếu sáng. một câu chuyện được kể ra kèm theo hình ảnh thay đổi liên tục, phù hợp với trình diễn nghệ thuật.
Tranh cát tĩnh: Sắp xếp cát màu trên bề mặt phẳng hoặc khung kính, sau khi hoàn thiện, tranh được bảo quản bằng cách phủ một lớp keo để trưng bày lâu dài.
Tranh cát trong lọ thủy tinh: Đổ và sắp xếp cát màu trong lọ thủy tinh để tạo hình hoặc hoa văn.
Tranh cát Mandala: Hình họa phức tạp, mang tính tâm linh, làm từ cát màu theo khuôn mẫu đối xứng, phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng, tượng trưng cho sự phù du của vật chất qua nghi lễ tạo ra và phá hủy khi hoành thánh.
5. Nghệ thuật khảm 3D (3D Mosaic Art)
Nghệ thuật khảm 3D là sự kết hợp giữa khảm truyền thống và kỹ thuật tạo chiều sâu, ánh sáng, bóng để tạo hiệu ứng ba chiều sống động. Loại hình nghệ thuật này sử dụng các vật liệu như đá, gốm, thủy tinh, kim loại, nhựa, hoặc gỗ để trang trí nội ngoại thất (sàn, tường, trần nhà, công viên) và làm tranh, điêu khắc. Công nghệ hiện đại như in 3D và cắt laser ngày nay hỗ trợ tăng độ chính xác và chi tiết, giúp nghệ thuật này kết nối giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên giá trị vượt thời gian.
6. Nghệ thuật giấy (Paper Art )
Nghệ thuật giấy là một lĩnh vực sáng tạo đa dạng, sử dụng giấy làm chất liệu chính để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự tinh tế, kiên nhẫn và óc thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Các kỹ thuật trong nghệ thuật giấy rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp.
Origami (Gấp giấy). Xuất phát từ Nhật Bản, là nghệ thuật gấp giấy để tạo hình các vật thể như động vật, hoa lá mà không cần cắt hay dán. Tác phẩm thường bắt đầu từ một tờ giấy vuông duy nhất, chú trọng hình khối, đường nét và sự cân đối qua các nếp gấp. Ví dụ nổi tiếng là con hạc giấy – biểu tượng hòa bình.
Kirigami (Cắt giấy). Kết hợp gấp và cắt giấy để tạo ra các thiết kế phức tạp hơn, thường dùng làm thiệp hoặc mô hình kiến trúc 3D, để tạo chi tiết, tạo hiệu ứng đối xứng hoặc không gian ba chiều độc đáo.
Quilling (Cuộn giấy). Sử dụng các dải giấy nhỏ cuộn thành hình xoắn ốc, sau đó ghép lại để tạo các thiết kế như hoa, động vật hoặc tranh trang trí. Phổ biến trong làm đồ trang trí và thiệp chúc mừng.
Papercut (Cắt giấy nghệ thuật). Tạo ra các bức tranh hoặc hoa văn chi tiết bằng cách cắt giấy. Nghệ sĩ thường sử dụng dao cắt để tạo tác phẩm tinh xảo.
Papier-mâché (Giấy bồi). Kết hợp giấy vụn và keo để tạo nên các tác phẩm điêu khắc 3D như mặt nạ, tượng, hoặc mô hình trang trí.
Book Art (Nghệ thuật sách giấy). Tái sử dụng các trang sách cũ để tạo thành điêu khắc giấy 3D hoặc tranh cắt nghệ thuật độc đáo.
Paper Sculpting (Điêu khắc giấy). Biến giấy thành các tác phẩm điêu khắc ba chiều, thường dùng các lớp giấy chồng lên nhau để tạo độ sâu và chi tiết cao.
7. Nghệ thuật dây chỉ (String Art)
Nghệ thuật dây sợi (string art) là hình thức thủ công sử dụng dây, chỉ hoặc len căng trên bề mặt như gỗ, hoặc bảng cứng. tạo nên các mẫu hình học, họa tiết trừu tượng hoặc hình ảnh cụ thể như chữ, trái tim, động vật. Kỹ thuật này tập trung vào đường nét rõ ràng, tính hình học và đối xứng, mang phong cách hiện đại, đồ họa. Ưu điểm: ít nguyên liệu, dễ học, phù hợp mọi lứa tuổi, và cho phép tự do sáng tạo.
8. Nghệ thuật tô điểm tranh tường (Mural Art)
Tranh tường nghệ thuật không chỉ dùng để trang trí mà còn thể hiện sự sáng tạo và cá nhân hóa không gian. Với khả năng biến đổi bức tường đơn điệu thành tác phẩm nghệ thuật sống động, tranh tường mang đến cảm xúc, thông điệp và góc nhìn về lịch sử, văn hóa, truyền thống. Các loại tranh tường phổ biến gồm: tranh tường mural (vẽ trực tiếp trên tường, thường ở không gian công cộng hoặc tư nhân), graffiti (nghệ thuật đường phố bằng sơn spray), và tranh tường 3D (tạo hiệu ứng ba chiều sống động).
10. Nghệ thuật dệt may (Textile Art)
Nghệ thuật dệt may không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn kết hợp kỹ thuật truyền thống với thiết kế hiện đại để tạo ra các sản phẩm ứng dụng cao. Dệt là quá trình kết nối sợi ngang và dọc để tạo vải hoặc vật liệu dệt với nhiều ứng dụng như trang phục, đồ nội thất, và nghệ thuật trang trí.
Textile là thuật ngữ chỉ chung vật liệu từ sợi mang tính nghệ thuật rộng hơn, trong khi Fabric tập trung vào sản phẩm đã qua xử lý. Một nhánh của nghệ thuật Textile là Weaving Art (nghệ thuật đệt) chú trọng vào kỹ thuật dệt sợi kết hợp nhiều màu sắc, hoa văn và kết cấu, để tạo ra các sản phẩm như vải, thảm, hoặc tác phẩm nghệ thuật, mang tính truyền thống và thủ công.
Kỹ thuật Textile gồm dệt thoi (sử dụng khung dệt để tạo nên các họa tiết phức tạp), dệt tay (thủ công hoàn toàn, dùng các khung dệt nhỏ hoặc khung dệt truyền thống), dệt thổ cẩm (kỹ thuật dệt đặc biệt của nhiều dân tộc thiểu số với họa tiết hoa văn đặc trưng), dệt nhuộm Ikat (sợi được nhuộm màu trước khi dệt để tạo ra họa tiết độc đáo trên vải).
Nghệ thuật Textile bao gồm mọi hoạt động sáng tạo với sợi, vải, và các vật liệu liên quan như:
Felting (làm từ lông ép): Sử dụng sợi lông, không cần dệt, để tạo ra các hình dạng 3D như thú nhồi bông, cây cảnh mini hoặc nhân vật hoạt hình.
Macramé: Thắt nút tạo hình bằng dây, thường ứng dụng trong trang trí nội thất.
Beading: Làm đồ trang sức hoặc chi tiết bằng hạt, sử dụng nhiều trong trang sức và phụ kiện thời trang.
Thêu (Embroidery): Trang trí vải bằng cách thêu tay hoặc máy, trang trí quần áo, khăn trải bàn hoặc tranh thêu nghệ thuật.
Crochet (Đan móc): Sử dụng kim móc để tạo sản phẩm áo, mũ, khăn quàng cổ.
Knitting (Đan len): Sử dụng kim đan để tạo cấu trúc sợi cho áo, mũ.
11. Nghệ thuật tạo hình bằng bong bóng (Balloon Art)
Nghệ thuật tạo hình bằng bong bóng (Balloon Art) là một hình thức nghệ thuật sử dụng bong bóng để tạo ra các hình dáng, nhân vật hoặc vật thể độc đáo. Loại hình này thường xuất hiện tại các sự kiện như tiệc sinh nhật, lễ hội, hội chợ hoặc các buổi trình diễn nghệ thuật đường phố. Nghệ sĩ sử dụng bong bóng để xoắn, uốn thành các hình dạng như động vật, hoa, nhân vật hoạt hình hoặc các tác phẩm phức tạp hơn như cổng vòm và tượng lớn. Để thực hiện, nghệ sĩ cần có trí tưởng tượng phong phú và kỹ năng khéo léo. Do bong bóng dễ vỡ, cần đặc biệt cẩn thận trong thao tác và bảo quản. Sử dụng bong bóng làm từ cao su tự nhiên giúp đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.
12. Điêu khắc băng (Ice Sculpture)
Điêu khắc băng là nghệ thuật sử dụng băng làm nguyên liệu chính. Các tác phẩm điêu khắc từ băng có thể mang tính trừu tượng hoặc mô phỏng thực tế, và có thể được thiết kế để làm đồ dùng, như xô băng giữ lạnh rượu, bia, hoặc thuần túy trang trí. Do thời gian tồn tại ngắn ngủi, các tác phẩm băng thường xuất hiện trong các sự kiện đặc biệt hoặc xa hoa. Tuổi thọ của một tác phẩm điêu khắc băng chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, khiến chúng có thể tồn tại chỉ trong vài phút hoặc kéo dài đến vài tháng. Nhiều lễ hội băng được tổ chức trên toàn cầu, với các cuộc thi điêu khắc băng thu hút sự tham gia của các nghệ nhân từ khắp nơi.
13. Điêu khắc gốc rễ cây (Tree Root Sculpture)
Chạm khắc gốc và rễ cây là một loại hình nghệ thuật thủ công, nơi các nghệ nhân tận dụng gốc, rễ hoặc thân cây để tạo ra những tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật. Nghệ thuật này phối họp giữa sự sáng tạo của con người với vẻ đẹp tự nhiên độc đáo của gỗ, tạo nên những tác phẩm đậm chất cá nhân và mang hơi thở của thiên nhiên.
Gốc và rễ cây vốn có những hình dáng tự nhiên đặc sắc và khác biệt, mang lại sự sống động và cảm giác chân thực. Các nghệ nhân thường áp dụng các kỹ thuật chạm khắc truyền thống, đồng thời khai thác tối đa đường vân và dáng tự nhiên của gỗ để tạo nên các tác phẩm độc đáo.
Những tác phẩm điêu khắc này có thể mô phỏng hình dáng động vật, con người, phong cảnh, hoặc các hình tượng trừu tượng, tùy thuộc vào ý tưởng sáng tạo và hình dáng ban đầu của gỗ. Trong nhiều nền văn hóa, các sản phẩm chạm khắc từ gốc và rễ cây còn được coi là biểu tượng của sự may mắn, bình an và nguồn năng lượng tích cực.
Một số tác phẩm tiêu biểu bao gồm: tượng Phật làm từ gốc cây, chân dung hoặc hình động vật như sư tử, rồng, chim, cá, và các cây cảnh bonsai kết hợp với điêu khắc.