VN Lịch sử trường thi – Phần 16

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 16

Có người thắc mắc hỏi rằng tại sao Quý Ly khi thì họ Lê, khi thì họ Hồ. Tôi xin giải thích:
Quý Ly nguyên có họ Hồ, tổ tiên ở tỉnh Triết Giang bên Tàu bỏ xứ sang Giao Chỉ lập nghiệp từ đời Ngũ Quý hay Ngũ Đại, ngang với đời nhà Ngô của nước mình. Khi sang nước ta, tổ tiên của Hồ Quý Ly làm quan ở Nghệ An, sau dời ra Thanh Hóa, vì vậy Quý Ly vẫn xem Tây Đô ở Thanh Hóa là quê hương của mình. Lúc còn nhỏ tuổi, Quý Ly làm con nuôi ông Lê Huấn nên lấy họ Lê. Đến khi lên ngôi thì Quý Ly đổi trở lại họ Hồ.
Tương tự như trường hợp của Quý Ly, ông Nguyễn Trải , nhiều sách gọi là Lê Trải. Ông nguyên là họ Nguyễn, nhưng có công rất lớn trong việc chống quân Minh nên được Lê Thái Tổ cho đổi sang quốc tính là Lê. Về sau, bị nghi dính líu vào vụ án Trần Nguyên Hãn và Phạm văn Xảo do gian thần dựng lên, ông bị tước bỏ quốc tính và trở lại họ Nguyễn.
Tôi xin giải thích thêm 2 chữ quốc tính. Quốc 國 là nước nhà. Tính 姓 là họ. Quốc tính là họ của quốc gia, tức là họ của nhà vua theo quan niệm tôn quân tuyệt đối ngày xưa. Đây là phong tục do Trung Hoa truyền sang. Đọc Tây Du Ký, ta thấy cao tăng Tam Tạng là Trần Huyền Trang được vua Đường Thái Tông ưu ái cho lấy quốc tính, đổi họ tên thành Đường Huyền Trang.

(TIẾP THEO)

Muôn dân bái vọng vua Lê,
Đem nền tự chủ trở về với dân.

Với nhà Minh cũng cần thoa dịu, 
Đưa Trần Cao giả chịu sách phong.
Một khi công việc đã xong,
Trần Cao bắt buộc bằng lòng rút lui.
Dân hân hoan reo vui khắp chỗ,
Khi vua Lê Thái Tổ đăng quang.
Nhà vua xứng đáng ngai vàng,
Công lao giữ nước vẻ vang vô ngần. (1960)
Việc trước hết vua cần xét lại,
Quốc hiệu mình hiện tại không hay.

Lê Lợi- Bình Định Vương lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ, lấy lại tên quốc gia là Đại việt

Đại Ngu nay phải đổi thay,
Trở về Đại Việt của ngày trước kia.
Sau nhiều năm chia lìa xâu xé,
Rồi mười năm chống kẻ xâm lăng,
Vì dân, vua cũng biết rằng,
Trước tiên nỗ lực dẹp phăng đói nghèo.
Nhớ khởi sự người theo trước nhất,
Giới nông dân mới thật hăng say. (1970)
Cho nên vua quyết định ngay,
Phân chia ruộng đất người cày ưu tiên. 

Cũng nhờ phép quân điền áp dụng,
Toàn dân mình ai cũng yên thân.
Nông thôn ổn định dần dần,
Tằm tang phát triển góp phần ấm no.
Xong việc nông đến lo việc học,
Mở khoa thi chọn lọc nhân tài.
Luật thì phổ biến công khai,
Khắp nơi niêm yết nên ai cũng tường. (1980)
Người viết sử khen vương nhiều việc,
Nhưng sai lầm đáng tiếc vô cùng. 

Bao năm gian khổ chịu chung,
Bây giờ xử tử chẳng dung công thần.
Phạm Văn Xảo cùng Trần Nguyên Hãn,
Hai trung thần có phản bao giờ,
Nhưng rồi một lúc bất ngờ,
Bị gièm đành phải sa cơ mất rồi.
Lê Thái Tổ ở ngôi cửu ngũ,
Sau sáu năm thì rũ nợ đời. (1990)
Thái Tông tiếp tục mệnh trời,
Khi mười một tuổi chưa rời tuổi thơ. 

Việc phụ chính phải nhờ Lê Sát,
Cậy quyền to bắt nạt quần thần.
Thái Tông lớn đã nên thân,
Giết ngay Lê Sát giành phần tự chuyên.
Hai mươi tuổi, nhân phiên ngự giá,
Vua đi về ở ngã Chí Linh.
Đó là một chuyến duyệt binh.
Ghé thăm Nguyễn Trải ẩn mình từ lâu. (2000)
Thấy Thị Lộ nàng hầu Nguyễn Trải,
Gái thuyền quyên vua phải động lòng. 

Một đêm hoan lạc trong phòng,
Say mê thái quá đi tong cuộc đời.
Nhà Nguyễn Trải là nơi vua mất,
Nên gian thần lật đật vu oan.
Cáo rằng Nguyễn Trải mưu toan,
Tru di tam tộc gồm toàn người thân.

Đau đớn thay, lão thần tài đức,

Đã nhiều năm giúp sức vua Lê.(2010)

Nhớ xưa quan ải trở về,

Hết lòng giữ trọn lời thề trung quân
Thái Tông băng, Lê Nhân Tông thế.
Hai tuổi đầu phải kế vị ngay.
Bà hoàng thái hậu trị thay,
Buông rèm nhiếp chính, ngày ngày chăm lo. 

Vua trưởng thành họa to xảy tới,
Mất ngai vàng, chết bởi tay anh.
Đoạt ngôi thân phận mỏng manh,
Nghi Dân bị truất, thôi đành mạng vong.(2020)
Triều thần họp, đồng lòng đề cử,
Đưa lên ngai hoàng tử Tư Thành.
Con Lê Thái Tổ nổi danh,
Là người tài đức ai tranh được Ngài.
Lê Thánh Tông vua tài xuất chúng,
Trên ngai vàng thực đúng minh quân. 

Tượng vua Lê Thánh Tông tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông là vị vua tài giỏi hiền đức, thời Lê Thánh Tông, bản đồ đầu tiên của quốc gia Đại Việt được hoàn thành.

Thương dân hơn cả bản thân,
Dạy dân lễ nghĩa ân cần như con.
Thấy xã hội vẫn còn bất hảo,
Hăm bốn điều soạn thảo dạy đời.(2030)
Cho nên ở khắp mọi nơi,
Thấm nhuần đạo đức người người an cư.
Suốt đời Ngài không từ khó nhọc,
Luôn tìm tòi để học điều hay.
Ra công suy nghĩ đổi thay,
Khiến cho xã hội mỗi ngày tốt hơn.

Với những người cô đơn khốn khó,
Ngài luôn luôn bày tỏ lòng thương.
Bệnh nhân lê lết trên đường, 
Gom về nuôi ở dưỡng đường tế sinh.(2040)
Về canh nông tận tình khuyến khích,
Mở đồn điền kích thích khẩn hoang.
Lập trường dạy học đàng hoàng,
Với nền văn học lại càng đáng khen.
Thi văn hào đua chen xuất hiện,
Lập Tao Đàn sáng kiến văn chương. 

Lại lo binh lực hùng cường,
Để mà bảo vệ quê hương an lành.
Nhân vua nước Chiêm Thành quấy phá.
Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh.(2050)
Chiêm Thành sao địch nổi mình,
Quân ta vào chiếm trọn kinh đô Chàm.
Lấy đất Chiêm chia làm ba xứ.
Thành Đồ Bàn được giữ cho ta.
Phương nam mình được nới ra,
Qui Nhơn, Bình Định tỉnh nhà hiện nay.

Mục đích làm sáng tỏ nỗi oan

Trung thần Nguyễn Trãi đại quan

Phục hồi danh dự hoàn toàn từ nay (2060)

Vua trị vì đến ngày tạ thế,
Bao công trình Ngài để lại dân.
Nhân dân cho tới triều thần,
Tiếc thương vua đã mãn phần từ nay.
Lê Hiến Tông lên thay trị nước.
Vua hiền nhưng chẳng được sống lâu.
Túc Tông cũng chẳng thọ đâu.
Đến Lê Uy Mục bắt đầu Lê suy.
Lê Tương Dực chỉ duy xa xỉ,
Bị giết rồi Quang Trị lên thay. (2070)

Làm vua mới được ba ngày,
Bị gian thần bắt đem đày Tây kinh.
Chiêu Tông được triều đình chọn lựa,
Nhưng làm vua mà tựa ngồi chơi.
Bây giờ loạn lạc khắp nơi.
Triều thần chia rẻ, rối bời như tương.
Mạc Đăng Dung phô trương thanh thế,
Giết Chiêu Tông, hoàng đệ lên thay.
Cung Hoàng cũng bị chết ngay,
Đăng Dung quyết định chọn ngày xưng vương. (2080)

 

(Xem tiếp Phần 17)

You may also like...

Leave a Reply