VN Lịch sử trường thi – Phần 17

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 17

Đọc lịch sử thú vị hơn đọc tiểu thuyết ở chỗ những điều mình đọc có thực trong quá khứ và khi đọc xong, tự nhiên ta có nhận xét về tiền nhân và thấm thía 2 thành ngữ: Lưu danh vạn đại và Di xú vạn niên. Tất cả những nhân vật lịch sử đã đi khỏi thế gian nầy rồi nhưng hình ảnh của họ vẫn mãi mãi tồn tại trong những trang sử. 
Ở 2 triều đại rực rỡ Trần và Lê, tôi muốn nêu lên hai sự so sánh: thứ nhất là so sánh 2 vị thuộc hàng đệ nhất anh hùng, Trần Quốc Tuấn và Lê Thái Tổ; thứ hai là so sánh hai kẻ nghịch thần, làm chuyện soán ngôi, Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung. 

I.- SO SÁNH TRẦN QUỐC TUẤN VÀ LÊ THÁI TỔ 
1/ Xét về chiến công. 
Xét về tầm quan trọng của chiến thắng, Hưng Đạo Vương đã đánh bại quân Mông cổ, một đạo quân bách chiến bách thắng, làm cho toàn thể các dân tộc lục địa Âu Á phải run sợ. Vua Lê Lợi chỉ thắng quân Minh, một đạo quân không thể sánh với quân Mông cổ về sức mạnh và thiện chiến. 
Tuy nhiên, xét về hoàn cảnh, Hưng Đạo Vương được hưởng những điều kiện rất thuận lợi của một xã hội ổn định, quân lực dồi dào, vua là minh quân, dân chúng đoàn kết, muôn người như một. Trong lúc đó, ông Lê Lợi khởi nghĩa trong một hoàn cảnh bi đát, xã hội đang nằm dưới ách thống trị của nhà Minh, dân tình thì vẫn còn chia rẻ giữa Trần và Hồ, chi phí về quân dụng, lương thực khởi đầu chỉ do ngân quỹ gia đình mà thôi. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó, vị anh hùng áo vải đất Lam Sơn, phải nhận biết bao nhiêu là gian khổ và chịu đựng để cuối cùng giành lại nền tự chủ cho dân tộc. 
Theo tôi, chiến công của 2 vị anh hùng đó ngang nhau. 
2/ Xét về đức độ. 
a/ Anh hùng Trần Quốc Tuấn. 
Về đạo đức cá nhân của Ngài, có 2 điều cần xét đến: 
Thứ nhất là chuyện tình duyên của Ngài. Ông Lê Ngô Cát, trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca cho rằng, lúc còn trẻ, Ngai đã cướp vợ của người khác. Tôi đã tham khảo nhiều tài liệu và thấy rằng lời lên án đó có phần quá đáng mà tôi đã có nói sơ qua ở phần giới thiệu bài số 4. Lúc còn trẻ, Trần Quốc Tuấn là một thanh niên tuấn tú và Thiên Thành công chúa có nhan sắc mặn mà. Là con của An Sinh Vương Trần Liễu, Ngài được sống trong cung điện từ thuở ấu thơ. Hai người trẻ tuổi đã gặp nhau và đã yêu nhau tha thiết. Và trong một hoàn cảnh nào đó, Thiên Thành công chúa được gia đình đem gả cho người khác, và đã nhận lễ vật đính hôn. Trần Quốc Tuấn nhất định bảo vệ tình yêu của mình và hai người đã tự tìm cách sống chung với nhau, bất chấp thủ tục hôn nhân thông thường. Khi nói đến việc nầy, các sử gia đều gọi đây là sự tự do hôn nhân. Tính cương quyết của Ngài thì hết sức mãnh liệt, điều gì Ngài cho là đúng và cần bảo vệ thì Ngài không lùi bước trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và rõ ràng, việc bảo vệ tình yêu của mình, dù có trái với thủ tục khắc khe về hôn nhân lúc bấy giờ, đâu có phải là một tội lỗi nên cuối cùng hai người cũng được triều đình công nhận là vợ chồng, sống hạnh phúc với nhau đến cuối cuộc đời, sinh được 4 người con trai đều là tướng tài, lập được nhiều chiến công và đều được phong đến tước vương, cùng 2 người con gái, một là vợ của vua Trần Nhân Tông và một là vợ của danh tướng Phạm Ngũ Lão. 
Thứ hai là chuyện Ngài không tuân lời trối trăng của thân phụ. Cha Ngài có mối thù với Trần Thủ Độ,vì vợ mình đang có mang bị bắt làm vợ của chú em Trần Cảnh. Ông căm tức đến độ nổi loạn nhưng không thành. Mối thù vẫn còn đầy ắp trong lòng cho đến lúc chết, nên ông trối lại với con mình là Trần Quốc Tuấn: “Mai sau con không vì ta mà lấy thiên hạ thì ta nằm dưới đất cũng không nhắm mắt được”. Điều đó rõ ràng ông muốn Trần Quốc Tuấn phải đoạt cho được ngai vàng của con cháu Trần Cảnh. Khi được vua Trần Nhân Tông giao tất cả binh lực để chống quân Nguyên, Ngài dư sức làm chuyện soán ngôi, nhưng Ngài không bao giờ nghĩ đến vì trong đầu của Ngài sự trung quân ái quồc cao cả hơn chữ hiếu rất nhiều. 
Tóm lại, ở Hưng Đạo Vương, đạo đức cá nhân không có chút nào đáng trách nên khi nghe tin Ngài mất, từ vua quan đến lê dân, ai cũng rơi lệ. 
b/ Anh hùng Lê Lợi. 
Nhiều sử gia có nhận xét vua Lê Thái tổ chia sẻ đắng cay với người khác khi hoạn nạn, nhưng không chia sẻ vinh quang khi đã thành công. Nhận xét đó căn cứ vào hành động giết chết nhiều công thần sau khi thắng quân Minh. Do sự gièm pha của gian thần, nhà vua nghi ngờ lòng trung thành của các cựu thần đã nằm gai nếm mật với Ngài và nhẫn tâm loại bỏ. Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị chết oan, Nguyễn Trải thì bị bắt cầm tù và truất bỏ quốc tính là họ Lê để trở lại họ Nguyễn. 
Vậy, về đạo đức cá nhân, vua Lê Thái Tổ không bằng Hung Đạo Vương Trần Quốc Tuấn 

II.- SO SÁNH HỒ QUÝ LY VỚI MẠC ĐĂNG DUNG. 
1/ Giống nhau.- Hai người đều bị lịch sử lên án là phản thần vì làm tôi mà soán ngôi vua, Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, Mạc Đăng dung soán ngôi nhà Lê. 
2/ Khác nhau. 
a/ Về thân thế. 
Hồ Quý Ly xuất thân từ gia đình quyền quý, có nhiều đời làm quan. Mạc Đăng Dung xuật thần tư một gia đình chài lưới. 
Dòng họ Quý Ly nổi tiếng thông minh, có tài. Dòng họ Mạc đăng Dung có lẽ tầm thường nên không thấy sử gia nào nói tới. 
Ngày xưa việc học là môt đặc quyền dành riêng cho giới quý tộc ở triều đình. Vì thê, Quý Ly đi vào hoạn lộ bằng chính tài năng trị nước đã được dạy dỗ. Quý Ly vào chính trường nhờ vào sức mạnh của bắp thịt, được hôn quân Lê Uy Mục tin dùng để bảo vệ và cất nhắc lên bậc đại thần. 
b/ Về góp công cho xã hội. 
Quý Ly là người có tài nên đã đóng góp cho xã hội lúc bấy giờ nhiều công trình tiến bộ và có ích. Mạc Đăng Dung thì chẳng có đóng góp gì đáng kể cho xã hội dù triều Mạc kéo dài hơn triều Hồ rất nhiều 
c/ Về sĩ khí của người quân tử. 
Quý Ly, có tư cách của một vị vua yêu nước, cương quyết chống lại sự xâm lăng của quân Minh, vì thê yếu phải bị bắt đi đày cho đến cuối đời. 
Mạc Đăng Dung thì hèn hạ, cởi trần ra quỳ lạy tướng Tàu để xin tha mạng, và chịu làm tôi mọi cho nhà Minh để được sống và hưởng giàu sang. 
Tóm lại, đều mang tiếng nghịch thần, nhưng về tư cách cá nhân, Hồ Quý Ly hơn Mạc Đăng Dung xa lắm.

(TIẾP THEO)

Nhắc lúc Uy Mục đương cai trị, 

Vua Lê này là vị hung quân.
Tính tình tàn ác vô ngần,
Triều thần chán nãn, nhân quần rối ren.
Vua Uy Mục thói quen không bỏ,
Nên mạng vua thực khó yên lành.
Thế là vua phải lo nhanh,
Tìm người võ nghệ thực rành tuyển vô.
Với kỳ thi chọn Đô lực sĩ,
Mạc Đăng Dung tức thị đỗ liền. (2090)

Được vua trao thực nhiều quyền,
Dần dần gây cảnh đảo điên triều thần.
Mạc xuất thân là dân đánh cá,
Không hoc hành, không cả tài ba.
Bây giờ thấy cảnh xa hoa,
Dại gì mà lại bỏ qua cho đành.
Giết Cung Hoàng đoạt ngôi cửu ngũ,
Mạc Đăng Dung chiêu dụ cựu thần.
Bá quan chẳng muốn dự phần 
Với quân phản nghịch, nên dần bỏ đi. (2100)

Bắt chước Trần thời kỳ trước đó,
Truyền ngôi nhưng chưa bỏ quyền hành.
Lên ngôi là Mạc Đăng Doanh,
Làm vua nhưng mọi quyền hành do cha.
Thái thượng hoàng đó là ngôi vị,
Vẫn thường xuyên quyết nghị đưa ra.
Mười năm tức vị vừa qua, 
Đăng Doanh lìa thế quả là đáng thương.
Mạc Phúc Hải ngôi vương nhận lấy,
Thái thượng hoàng vẫn cậy tài mình. (2110)

Nói về triều chính vua Minh,
Nghe tin phản nghịch bên mình xảy ra
Quan nhà Lê chạy qua khóc lóc,
Cầu xin vua mưa móc ban ơn.
Vua Minh nghe kể mừng rơn,
Dịp nầy mở rộng giang sơn của Tàu.
Những Bắc triều giống nhau ở chỗ,
Gặp dịp may là đổ quân sang.
Cho rằng Giao Chỉ lắm vàng.
Ngọc ngà, châu báu nghe càng mê ly. (2120)

Vua nhà Minh tức thì truyền chỉ,
Sai quan nhanh xét kỹ cho ra.
Sứ thần vội vã đi qua,
Rồi về bẩm tấu quả là soán ngôi.
Lý do đó thì thôi quá đủ,
Ra lệnh truyền các phủ gom quân.
Quân Minh kéo xuống rần rần,
Dương oai diệu võ ở gần Nam Quan.
Lại viết hịch truyền lan khắp ngõ,
Vua Minh nay muốn tỏ cùng dân, (2130)

Ai mà giết được nghịch thần,
Thì rồi sẽ được lãnh phần thưởng to.
Mạc Đăng Dung nghe lo sợ quá,
Biết rằng đây đại họa cho mình.
Nếu mà chống lại quân Minh,
Quân mình sẽ bại, triều đình ra tro.
Tình thế nầy đắn đo chi nữa.
Kế nào hơn cái kế đầu hàng.
Đăng Dung nghĩ thế vội vàng,
Cùng triều đình gấp lên đàng đi ngay. (2140)

Đến Nam Quan vội bày lễ vật,
Cởi trần ra lật đật trói mình.
Cúi đầu quì lạy tướng Minh,
Cầu xin tướng đó thương tình thứ tha.
Nộp sổ đinh điền và vàng bạc, 
Năm động cùng thứ khác dâng lên.
Tấc lòng xin lượng bên trên,
Ban cho chức tước rồi đền ơn sau.
Được cống phẩm, vua Tàu hả dạ,
Ban lệnh truyền rút cả binh về. (2150)

Đăng Dung trong bụng hả hê,
Chức đô thống sứ yên bề an cư.
Đầu hàng Minh rồi từ lúc đó, 
Chỉ chuyên lo đối phó với dân.
Nguyễn Kim là một cựu thần,
Nay đà bỏ trốn lánh thân sang Lào.
Xứ Sầm Châu ông vào ẩn trú,
Và tập trung quan cũ triều Lê.
Cùng nhau trích huyết ăn thề.
Vì Lê khôi phục chẳng nề tốn công. (2160)

Gặp con Lê Chiêu Tông khi trước.
Các quan bèn đón rước làm vua.
Bây giờ ra mặt ganh đua,
Quyết cùng với Mạc hơn thua tranh hùng.
Nguyễn Kim được rể chung chí hướng,
Trịnh Kiểm là vị tướng có tài,
Ngày đêm làm việc miệt mài,
Ra công chiêu dụ được vài ngàn binh.
Chiếm Nghệ An, Tây Kinh, Thanh Hóa.
Căn cứ nay đã khá vững vàng. (2170)

Nhưng rồi tướng Mạc trá hàng, 
Cùng ăn, cùng ở rõ ràng quá nguy.
Việc xảy đến, cực kỳ thảm khốc,
Ông Nguyễn Kim trúng độc lìa trần.
Bây giờ lãnh đạo toàn quân,
Tướng tài Trịnh Kiểm nhận phần đảm đương.
Trịnh nhìn thấy ngôi vương muốn chiếm.
Đến Trạng Trình để kiếm lời khuyên.
Trạng sai đầy tớ nói chuyền,
Nhà Lê cần phải giữ nguyên mệnh trời. (2180)

Vì vậy suốt nhiều đời liên tiếp.
Trịnh bằng lòng giữ nghiệp Chúa thôi.
Nói về họ Mạc đoạt ngôi.
Đầu hàng tướng giặc, vua tôi đều tồi.
Triều đình Mạc lần hồi suy thoái.
Phúc Nguyên thay Phúc Hải từ trần.
Đến phiên Mậu Hợp hôn quân.
Đắm say tửu sắc, triều thần ly tan.
Khi Trịnh ra, các quan bỏ trốn,
Mậu Hợp thì không chốn nương thân. (2190)

Thê thôi đành biệt cõi trần,
Đến đây họ Mạc mãn phần đế vương.
Con cháu được Minh thương bảo trợ.
Chiếm một vùng đất ở biên cương.
Cao Bằng một góc quê hương,
Ba đời cứ vẫn xưng vương dài dài. 
Sáu mươi năm chia hai đất nước,
Nam Bắc triều được sử gọi tên.
Nam triều, Lê đã nổi lên,
Bắc triều, họ Mạc không bền được lâu. (2200)

(Xem tiếp Phần 18)

You may also like...

Leave a Reply