VN Lịch sử trường thi – Phần 18

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 18

Các bạn thân mến,
Ở bài nầy, các sự kiện lịch sử ở 2 tác phẩm Đại Nam Quốc sử diễn ca và Việt nam lịch sử trường thi không còn song song nữa. Những sự kiện lịch sử ở giai đoạn nầy vô cùng phức tạp, không thể diễn tả hết được, nhất là bằng những câu thơ; do đó người viết sử bắt buộc phải chọn lựa một số sự kiện mà mình cho là đáng lưu ý độc giả. Ông Lê Ngô Cát thì chọn lựa cách mô tả tỉ mỉ các đời Lê sau đời Mạc. Tôi không chọn cách nầy vì xét thấy những ông vua Lê ở thời nầy chỉ là những ông bù nhìn, quyền hành do các chúa Trịnh nắm hết. Đã là bù nhìn thì không có ảnh hưởng đáng kể đến sự tiến triễn của lịch sử. Tôi chọn cách mô tả hoàn cảnh sinh ra chúa Trịnh, chúa Nguyễn, cùng sự tranh hùng Trịnh Nguyễn, tạo nên cảnh nồi da xáo thịt vô cùng đau đớn, không thể bỏ qua được khi mô tả lịch sử.
Ở bài lịch sử kế tiếp (bài 19), sự kiện lịch sử trong 2 tác phẩm cũng sẽ không song song. Ông Lê Ngô Cát tiếp tục mô tả các vua Lê, còn tôi thì chú trọng đến tình hình giặc giã ở miền Bắc và đặc biệt, công trình mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn ở phương Nam. Đây chắc chắn là sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong thời cận đại.
Dù sao, tôi cũng cố gắng để cho 2 phần của hai tác phẩn cùng hiện diện trong mỗi bài được song song tương đối về thời gian. Xin thông báo các bạn rõ.

(TIẾP THEO)

Sự thống nhất tưởng đâu thực hiện,
Nhưng đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh,
Quê hương tiếp tục tan tành,
Nồi da xáo thịt trời hành dân ta. 

Trở lại thời đã qua trước đó. 
Ông Nguyễn Kim đã có hai trai.
Uông, Hoàng, tướng giỏi cả hai,
Lại thêm Trịnh Kiểm rể tài dụng binh.
Khi Nguyễn Kim thình lình bị chết,
Trịnh Kiểm lên nắm hết quyền hành. (2210)

TRỊNH KIỂM

Sợ em vợ sẽ tranh giành,
Thế nên Trịnh Kiểm phải đành khử đi.
Giết Nguyễn Uông cũng vì cớ đó,
Em Nguyễn Hoàng sợ khó yên thân.
Anh mình đã phải lìa trần,
Phận mình đêm nghĩ cũng cần phải lo.
Vì mục đích muốn dò nơi ẩn, 
Nên lén đi đến tận Hải Dương.
Hỏi thăm đến được thảo đường,
Bỉnh Khiêm họ Nguyễn nay đương ở nhà. (2220)

NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ HỌC TRÒ

Ông Trạng Trình quả là uyên bác,
Tài đoán thì thật khác người thường.
Thấy người lo lắng nên thương,
Lắng tai nghe nói cho tường nguồn cơn.
Rồi cụ phán: “Hoành sơn nhất đái
“Vào phía trong, vạn đại dung thân.
“Nam phương nới đó cũng cần,
“Có người tài đức góp phần mở mang”.
Nghe cụ dạy, Nguyễn Hoàng đắc ý,
Nên trở về trình chị nỗi lo. (2230)

Chị nghe chẳng chút đắn đo,
Xin chồng Trịnh Kiểm thuận cho em mình.
Ông chúa Trịnh nể tình chồng vợ,
Nên nghe rồi chẳng nỡ chối từ,
Cho vào Thuận Hóa lập cư.
Phương Nam trấn thủ cũng như đi đày.
Được chấp thuận, đúng ngay toan tính,
Nên Nguyễn Hoàng quyết định đi nhanh.
Nhiều người hai tỉnh Nghệ, Thanh,
Gia đình thu xếp khởi hành vào Nam. (2240)

NGUYỄN HOÀNG

Xã Ái Tử chọn làm căn cứ,
Rồi lần vô toàn xứ đàng trong.
Nguyễn Hoàng đã trọn ước mong,
Được yên ổn sống thỏa lòng từ nay.
Ông là người thẳng ngay, chân thật,
Tính hiền lành chẳng mất lòng ai.
Giúp ông có lắm người tài,
Miền Nam phát triển tương lai vững bền.
Trong khi đó ở trên đất Bắc,
Vẫn phải lo đánh giặc nhiều nơi. (2250)

Đến khi Trịnh Kiểm lìa đời,
Quyền hành giao lại cho người trưởng nam.
Nhưng Trịnh Cối lại ham tửu sắc, 
Lo ăn chơi phó mặc lời khuyên.
Chức cao khó giữ được nguyên,
Trịnh Tùng quyết chí giành quyền của anh.
Trịnh Cối yếu không tranh cho lại.
Sợ em mình đành phải trốn đi.
Trịnh Tùng xưng chúa tức thì.
Vua Lê ngồi đó làm vì mà thôi. (2260)

Giết Mậu Hợp xóa ngôi nhà Mạc,
Quyền quá to, tính ác phơi bày,
Giết vua rồi lại thay vua,
Tiếm luôn nghi thức chẳng thua vương triều.
Thấy sức khỏe có chiều suy giảm,
Phút lâm chung đã cảm thấy gần,
Trịnh Tùng nhận thấy rất cần,
Trao quyền con trưởng làm lần cho quen.
Con Trịnh Tạc, nghe bèn đến nhận,
Được quyền to phấn chấn vô cùng. (2270)

Trịnh Xuân, em lại nổi khùng,
Cử binh quyết chí tranh hùng một phen.
Để dẹp cảnh rối ren tai hại,
Nên Trịnh Tùng lại phải ra tay.
Trịnh Xuân bị tóm cổ ngay,
Pháp trường xử tử mấy ngày hôm sau.
Thời kỳ nầy bên Tàu loạn lạc,
Diệt Minh triều, nhà khác lên thay.
Nguyên là miền Bắc xưa rày,
Mãn Châu nước yếu thì nay hùng cường. (2280)

Xua quân vượt biên cương Trung quốc,
Thực sự làm một cuộc xâm lăng.
Quân nầy chiến đấu quá hăng,
Tiến như vũ bão dẹp phăng Minh triều.
Nhà Thanh lên với nhiều người giỏi,
Vài nhà vua đáng gọi minh quân.
Từ vua cho đến triều thần,
Cũng đều sửa đổi dần dần giống Minh.
Xin trở lại tình hình nước Việt,
Trịnh Nguyễn nay quyết liệt chống nhau. (2290)

Bảy lần giao chiến trước sau,
Chiến trường đẫm máu, nổi đau ngút trời.
Đám dân lành nhiều nơi rên siết,
Chịu họa tai chẳng biết làm sao.
Sáu lần Trịnh tấn công vào,
Một lần Bắc tiến, Nguyễn nào chịu thua.
Năm mươi năm tranh đua cật lực.
Rồi vẽ nên lằn mức phân chia.
Sông Gianh uất hận còn kia,
Dòng sông hiền hậu cắt lìa Bắc Nam. (2300)

SÔNG GIANH

 

(Xem tiếp Phần 19)

You may also like...

Leave a Reply