VN Lịch sử trường thi – Phần 23

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 23

Các bạn thân mến,
Với bài 23 nầy thì Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca kết thúc cùng với sự chấm dứt triều hậu Lê, và thân phận bi đát của vua Lê Chiêu Thống, phải bỏ thân nơi đất khách quê người.
Ông Lê Ngô Cát ngừng bộ sử ca đến đây là phải vì ông bắt đầu viết vào đời Tự Đức thứ 23 (1870). Lúc đó 3 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức còn là đương thời, chưa thể thành sự kiện lịch sử được, còn cái thứ “ngụy Tây” thì có lẽ tác giả không buồn nhắc tới.
Với chúng ta ngày nay, thời kỳ đó còn cách xa đến 2 thế kỷ nên, dù muốn dù không, Việt Nam Lịch sủ Trường thi phải tiếp tục một cách đơn độc thêm vài bài nữa mới chấm dứt được.
Xin thông báo để các bạn tiện theo dõi

(TIẾP THEO)

Mới lên mười tuổi đang khờ,
Ngôi vua đâu thể nào chờ lớn lên.
Lấy Cảnh Thịnh làm tên niên hiệu,
Có tên vua nhưng thiếu thực quyền.
Thái sư Bùi đắc tên Tuyên,
Quyền hành nắm hết, tự chuyên một mình.
Được chức cao mặc tình hống hách,
Lũ nịnh thần cũng sách nhiễu dân.
Triều đình tam liệt, tứ phân,
Tình hình nội bộ nát gần như tương. (2820)

Trong khi đó, Nguyễn vương Phúc Ánh,
Ở Tiêm La tạm lánh tai ương.
Cử người về tại quê hương,
Chiêu quân, hướng dẫn con đường đi sang.
Lúc bấy giờ Tiêm đang chống cự
Miến Điện rồi đến xứ Mã Lai
Nhờ vương giúp đỡ tướng tài, 
Mà Tiêm thắng được cả hai kẻ thù.
Vì ơn đó, quân nhu khí giới,
Được người Tiêm đem tới giúp cho. (2830)

Nguyễn vương nhờ thế đỡ lo,
Và quân lực mỗi ngày to thêm nhiều.
Thấy thời cơ có chiều thuận lợi,
Vương đem quân về tới Hà Tiên,
Thẳng đường vương chiếm Long Xuyên,
Ở đâu quân đến mọi miền đều thương.
Bấy giờ Đông Định Vương Nguyễn Lữ,
Được phân công trấn giữ Nam phương.
Lữ là một tướng tầm thường,
Vừa nghe địch đến tìm dường hồi hương. (2840)

Đến Quy Nhơn, liệt giường liệt chiếu,
Thuốc men nhiều nhưng thiếu vận may.
Số trời không thể đổi thay,
Đành lìa trần thế vài ngày về sau.
Quân Nguyễn vương tiến mau tiến mạnh.
Lại được thêm Võ Tánh tài ba.
Ông người gốc ở Biên Hòa,
Vương yêu mới gả em là Ngọc Du.
Giúp Nguyễn vương tóm thu Gia Định.
Rồi chiếm luôn các tỉnh chung quanh. (2850)

Chiến công sở dĩ đến nhanh,
Vì nhiều nhân sĩ có danh theo về.
Trịnh Hoài Đức cùng Lê Quang Định
Ngô Tùng Châu, nhiều lính xin theo.
Qua rồi giai đoạn ngặt nghèo,
Bây giờ, vương được hò reo đón chào.
Một năm sau khi vào Gia định,
Vương đem quân thôn tính miền Trung.
Dễ dàng chiếm cứ nhiều vùng,
Xong Bình Thuận đến tận cùng Nha Trang.(2860)

Giữa lúc tình hình đang sôi động,
Nguyễn Nhạc ngờ đâu bỗng từ trần.
Tây Sơn bối rối vô ngần,
Nỗi lo tràn ngập Phú Xuân kinh thành.
Các đại thần tranh giành quyền bính,
Chẳng coi vua Cảnh Thịnh ra gì.
Nãn lòng với cảnh loạn ly,
Nhiều người tài giỏi trốn đi đầu hàng.
Trong lúc Phú Xuân đang rối loạn,

Thì Nguyễn vương sửa soạn kỹ càng. (2870)
Quy Nhơn chiếm được dễ dàng,
Vì quan trấn thủ đầu hàng quá nhanh.
Thành Qui Nhơn đổi thành Bình Định.
Võ Tánh, vương truyền lịnh giữ gìn,
Ngô Tùng Châu cũng đáng tin,
Vương cho ở lại với nghìn quân binh.
Ở Phú Xuân, tình hình lụn bại.
Các triều thần giết hại lẫn nhau.
Dân tình chịu cảnh khổ đau,
Nên mong chúa Nguyễn ra mau cho rồi. (2880)

Tin Tây Sơn suy đồi như thế,
Nguyễn vương nghe, quá thể vui mừng.
Nguyễn quân khí thế bưng bừng,
Bắc phương thẳng tiến chẳng dừng đâu lâu.
Đến Phú Xuân bắt đầu tiến đánh,
Quân Nguyễn vương dũng mảnh tiến vào.
Kinh đô dù có thành cao,
Nguyễn quân cứ vẫn ào ào leo qua.
Sự phòng thủ thế là tan vỡ,
Vua Tây Sơn hoảng sợ trốn ngay. (2890)

Phú Xuân đổi chủ từ nay.
Nguyễn vương chiếm được định ngày tôn vương.
Lập đàn, hướng bốn phương xuống chiếu,
Tên Gia Long niên hiệu chính danh.
Bây giờ đang đúng ngày lành,
Báo cho dân chúng được rành từ nay.
Thành Bình Định từ ngày chiếm giữ,
Quân Nguyễn vương phải tự túc lương.
Ra ngoài thành, cấy ruộng nương,
Đó là công việc ngày thường của quân. (2900)

Quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu,
Đến vây thành theo kiểu trường kỳ.
Trong thành chí khí không suy,
Nhưng lương cạn hết, thua đi cũng đành.
Nhưng trước khi cho thành mở cửa.
Võ Tánh đà đốt lửa tự thiêu.
Ngô Tùng Châu cũng phải liều,
Một ly thuốc độc giúp tiêu cuộc đời.
Vua cảnh Thịnh đã dời ra Bắc.
Và tình hình bế tắc lắm rồi. (2910)

Tây Sơn đã quá suy đồi,
Số trời có lẽ đến hồi diệt vong.
Khi vua Nguyễn Gia Long bắc tiến,
Đi đến đâu cũng khiến dân mừng.
Nguyễn quân chiến thắng tưng bừng,
Thăng Long chiếm được mới ngừng tiến quân.
Vua Tây Sơn tinh thần hoảng hốt,
Bỏ kinh thành chạy cốt lánh thân,
Nhưng rồi bị chính nhân dân,
Bắt đem đóng củi, số phần đáng thương. (2920)

(Xem tiếp Phần 24)

You may also like...

Leave a Reply