VN Lịch sử trường thi – Phần 19

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 19

Các bạn thân mến,
Công việc tôi đang làm thì khá nặng nhọc đối với tuổi tác của mình, vì thế chắc chắn có nhiều sơ suất, nhất là ở phần gõ máy. Thí dụ, trong phần giới thiệu ở bài 17, tôi đã 2 lần gõ máy nhầm Trần Thái Tông ra Lê Thái Tổ, và 1 lần gõ máy nhầm Hồ Quý Ly với Mạc Đăng Dung. Xin các bạn vui lòng thông cảm. Nếu thấy chỗ nào sai sót hoặc cần điều chỉnh thì xin cho tôi biết để sửa đổi bản lưu của mình. Đó là sự góp sức vô cùng quý báu của các bạn. Dù đã thấm mệt, tôi cũng cố gắng hoàn thành công việc càng sớm càng tốt.
Hôm nay, tôi ước lượng đã đi được khoảng 2 phần 3 con đường. Một phần ba còn lại thì tương đối khó khăn vì 2 lý do:
Thứ nhất là càng gần đến thời hiện đại thì tất cả các bộ sử đều ghi thực nhiều chi tiết mà những câu thơ không thể chứa hết được. Vì vậy phải chọn lựa. Thế mà đối với lịch sử, việc lấy sự kiện nầy mà bỏ sự kiện khác thì không phải là chuyện đơn giản.
Thứ hai là trong bài cuối cùng, tôi phải kết thúc công việc mình vào thời điểm nào cho hữu lý? Các bạn cũng thấy ngay rằng việc chọn lựa thời điểm để chấm dứt một bộ sử trong thời buổi nầy nầy thực vô cùng khó khăn! Còn độ mươi bài nữa mới hết, nhưng ngay bây giờ đầu óc tôi cứ bị chi phối vì sự kết thúc bộ sử thi nầy, nên đôi khi thấy hơi vất vả để giữ thi hứng cho sự sáng tác.

(TIẾP THEO)

Đoạn sử nầy từng làm rơi lệ,
Lại xảy ra mươi thế hệ sau.
Ba trăm năm, một nỗi đau,
Giang sơn lại phải nhuộm màu tang thương.

Tổ quốc thành hai phương, hai chúa. 
Mỗi chúa lo việc của mỗi phương.
Bên Tàu, Thanh đắc đế vương,
Dân Minh một số tìm đường di cư,
Tổ quốc họ nay là cố quốc,
Và trở thành lệ thuộc ngoại bang. (2310)

Xứ mình họ đến lập làng,
Minh hương tên gọi rõ ràng từ đây.
Vua Khang Hi có tài trị nước.
Dụ vua Lê xin được cầu phong. 
Bấy giờ chúa Trịnh bằng lòng,
Để cùng phương Bắc sống trong hòa bình.
Và cũng bởi tình hình trong nước,
Giặc giã nên chẳng được yên lành,
Việc trừ họ Mạc chưa thành,
Xưa Minh can thiệp nên đành để yên. (2320)

Đất Cao Bằng dành riêng cho họ,
Suốt ba đời chưa bỏ lòng tham.
Ngai vàng họ vẫn còn ham,
Trịnh dù tức giận biết làm sao hơn. 
Bây giờ đã qua cơn khó xử
Gặp dịp may, việc tự nhiên thành.
Mạc hùa theo phái phản Thanh,
Đại binh Trịnh đánh, Mạc đành chịu thua.
Kể từ khi ngôi vua bị mất,
Mạc ba đời giữ đất Cao Bằng. (2330)

Ba đời vẫn cứ hung hăng,
Dân tình bất ổn, nước tăng rối bời.
Diệt Mạc xong nên đời bớt loạn,
Trịnh Tạc lo tính toán nội tình. 
Việc dân cho tới việc binh,
Đều lo sửa đổi tình hình khả quan.
Học hành được lo toan chu đáo,
Mục đích là đào tạo nhân tài.
Mỏ đồng, bạc, kẽm được khai,
Đúc tiền in sách không ngoài chủ trương. (2340)

Những chúa đầu kỹ cương được giữ,
Nhiều nhân tài thực sự hết lòng,
Và khi dẹp Mạc đã xong,
An cư lạc nghiệp dân mong lâu rồi. 
Nhưng sau đó đến hồi loạn lạc,
Vì Trịnh Giang bạc ác bất nhân.
Giết vua, hại cả đại thần,
Ăn xài xa xỉ nên cần tiền tiêu.
Dân phải đóng thực nhiều thứ thuế,
Phải sống đời củi quế gạo châu. (2350)

Khó mà chịu đựng được lâu,
Nên chi giặc giã bắt đầu nổi lên.
Xứ Hải Dương có tên đạo tặc,
Nguyễn Hữu Cầu, tướng giặc lạ lùng.
Lâu la hàng vạn sống chung,
Thứ gì cướp được cũng cùng chia nhau,
Thường kiếm chỗ nhà giàu phát đạt,
Cướp nhiều tiền đem phát dân nghèo.
Nên chi lắm kẻ đi theo,
Quan quân nhọc sức phải đeo đánh hoài. (2360

Ngoài Hữu Cầu còn vài tên khác,
Cũng nổi lên ở các địa phương,
Gây nên tình trạng nhiễu nhương,
Đó là báo hiệu cuối đường Trịnh, Lê.
Xong chúa Trịnh, nói về chúa Nguyễn,
Ở trong Nam, nhiều chuyện đáng khen.
Dân mình sinh hoạt đã quen,
Ít khi lâm cảnh rối ren nặng nề.
Những cải cách thuộc về xã hội,
Được làm theo đường lối khá hay. 

Mấy đời chúa Nguyễn đổi thay,(2370)
Dân Nam đều được phước may chúa hiền.
Khi dân được sống yên sung túc,
Thì giang sơn đến lúc vẻ vang.
Khởi đầu là chúa Nguyễn Hoàng,
Mở mang bờ cõi rõ ràng trước tiên.
Xua quân chiếm Phú Yên nhanh chóng,
Rồi để quân chiếm đóng lâu dài.
Nông dân cùng với dân chài,
Đưa vào đánh cá cùng khai hoang liền. (2380)

Sau đến lược chúa Hiền lâm chiến.
Vì Chiêm Thành cứ tiến đánh qua.
Vua Chiêm thua phải xin tha.
Khánh Hòa dâng hiến để ra khỏi tù
Rồi đến lược Phúc Chu chúa Nguyễn.
Giận Chiêm Thành nên chuyển đại binh. 
Vua Chiêm bị bắt về kinh,
Phan rang, Bình Thuận thì mình chiếm ngay.
Nước Chiêm Thành từ nay biến mất,
Giang sơn mình thì đất thêm ra. (2390)

 

 

Hòa Thượng Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu và chùa Thiên Mụ
Trong hành trình Nam tiến của lịch sử Việt Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu (triều Nguyễn truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế, là đời chúa thứ 6 của Đàng Trong) được ghi nhận là người có công lớn trong việc mở mang, phát triển và ổn định đất nước ở Đàng Trong vào thế kỷ 17-18. 

Nhớ xưa thời Chế Bồng Nga,
Chiêm Thành hùng mạnh đánh ta tơi bời.
Dân Chiêm có một thời oanh liệt,
Nhưng bây giờ nhập Việt tịch rồi. 
Làm dân thiểu số mà thôi,
Nhìn thân phận họ, bồi hồi xót thương.
Lấy Chiêm xong, thẳng đường Nam tiến.
Vùng quanh năm vẫn hiện bỏ hoang.
Nơi đây, nếu lập xóm làng,
Sông ngòi chằng chịt lại càng lợi ghê. (2400)

Vùng đất nầy thuộc về Chân lạp,
Một xứ nghèo tây giáp Tiêm La. 
Phía đông giáp với nước ta,
Đồng bằng đủ nước quả là trời cho.
Dân cần đất khỏi lo thiếu thốn,
Đất phù sa đỡ tốn công cày.
Đồng Nai, Bà Rịa từ nay,
Dân mình vào khẩn càng ngày càng đông.
Làm ăn được nhưng không vững dạ,
Đất thuộc quyền người lạ nên lo. (2410)

Rủi khi chủ lấy lý do,
Đất nầy của họ, không cho mình cày.
Nhưng may mắn được ngay giải pháp,
Chú cháu bên Chân Lạp lôi thôi.
Bà con ruột thịt tranh ngôi,
Chú Hiền thấy rõ đây rồi dịp may.
Ba ngàn quân gởi ngay qua đó,
Giúp một bên thắng, thọ ơn sâu.
Thế là vui vẻ gật đầu,
Cho dân mình thỏa nhu cầu nhập cư. (2420)

Bên Trung Quốc kể từ thay đổi,
Nhiều người Minh đã vội ly hương.
Ghét Thanh nên đã tìm đường,
Dùng tàu thẳng xuống Nam phương ẩn mình.
Gặp chúa Nguyễn thương tình đón tiếp,
Đưa họ về lập nghiệp Biên Hòa.
Rồi sau Mạc Cửu cũng qua,
Xin làm dân Việt với ta suốt đời.
Đất Hà Tiên là nơi được cấp,
Mấy cha con thành lập xóm làng. (2430)

Xây thành, mở chợ, đắp đàng. 
Làm cho xứ đó ngày càng văn minh.
Mạc Cửu mất con mình nối nghiệp,
Thiên Tứ xin làm tiếp chức cha.
Bây giờ chúa Nguyễn dần dà.
Lấy công đổi đất, sơn hà mở mang.
Kế “tàm thực” chúa đang thực hiện,
Theo lời khuyên của Nguyễn Cư Trinh.
Cuối cùng nhờ khéo dụng binh, 
Nam kỳ lục tỉnh thuộc mình từ nay. (2440)

 

(Xem tiếp Phần 20)

You may also like...

Leave a Reply