VN Lịch sử trường thi – Phần 20

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 20

Các bạn thân mến,
Giang sơn của chúng ta được như ngày nay là nhờ có 2 loạt sự kiện mà tôi cho là quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Một là ông cha chúng ta đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ biên giới phía bắc. Hai là tiền nhân đã tốn biết bao công sức để mở mang bờ cõi về phương nam.
Đến bài thứ 20 nầy, chúng ta có gần đủ dữ kiện để ôn lại 2 loạt sự kiện lịch sử đó:

I/- Việc bảo vệ biên cương phía bắc:
1/ Ông Ngô Quyền, với chiến thắng Bạch Đằng Giang, chận đứng âm mưu của Nam Hán đặt lại nền đô hộ ngàn năm trên đất nước ta.
2/ Ông Lê Hoàn đánh tan quân Tống ở Chi Lăng khi chúng tràn sang xâm lược vì bắt được tin vua Đinh Tiên Hoàng băng hà và thái tử mới lên 6 tuổi.
3/ Vua Lý Nhân Tông thấy Tống lăm le xâm lăng nên đã sai Lý Thường Kiệt đem quân đánh lấy 3 châu của Tàu để dằn mặt rồi rút về. Sau đó, quân Tàu vẫn ngoan cố tràn sang, bị Lý Thường Kiệt chận đánh phải rút về.
4/ Trần Hưng Đạo 3 lần phá tan quân Mông Cổ làm chúng phải bỏ ý định chiếm cứ nước ta và toàn vùng Đông Nam Á.
5/ Ông Lê Lợi, chịu biết bao nhiêu gian khổ trong 10 năm, cuối cùng đuổi được quân Minh về Tàu.
6/ Vua Quang Trung, bằng một chiến thuật thần tốc đã đuổi đoàn quân Thanh hung dữ chạy dài, để lại vô số xác chết làm nghẽn cả dòng sông Hồng.

II/- Việc mở mang bờ cõi về phương nam.
A.- Lấy đất Chiêm Thành. Vào đầu thời Lý, nước Đại Việt chỉ gồm Bắc Việt và 3 tỉnh phía bắc Trung Việt là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mà thôi.
1/ Vua Lý Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh chiếm kinh đô Chiêm Thành, bắt được vua Chế Củ. Vua Chiêm xin tha bằng cách dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, nay thuộc tình Quảng Bình và một phần tỉnh Quảng Trị..
2/ Vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Chế Mân. Để được rước dâu, vua Chiêm xin dâng 2 châu Ô và Lý (đất Thuận Hóa), thuộc một phần tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên bây giờ.
3/ Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly sai tướng đem quân qua đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm xin dâng đất Chiêm Động (Quảng Nam ) và đất Cổ Lụy (Quảng Ngãi).
4/ Vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, lấy thành Đồ Bàn và Bình Định. Lúc đó đạo Quảng Nam được thành lập gồm 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.
5/ Chúa Nguyễn Hoàng sang đánh Chiêm Thành, lấy đất Phú Yên, lập ra 2 huyện Đồng Xuân và Tuyên Hòa.
6/ Vào đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, vua Chiêm Thành là Bà Thấm sang quấy nhiễu. Chúa Hiền sai tướng sang đánh, vua Chiêm đầu hàng và dâng đất Khánh hòa và một phần Ninh Thuận ngày nay, cho đến sông Phan Rang.
7/ Chúa Nguyễn Phúc Chu sai tướng sang đánh Chiêm Thành, lấy đất Ninh thuận và tỉnh Bình Thuận ngày nay. Từ đó nước Chiêm Thành mất hẳn.
B. Lấy Thủy Chân Lạp. Đây là vùng đất của nước Chân Lạp (Phù Nam ) nằm ở vùng hạ lưu của 2 sông Cửu Long và Đồng Nai. Việc chiếm vùng nầy khá phức tạp và không xảy ra tuần tự như chiếm Chiêm Thành. Tựu trung việc chiếm Thủy Chân Lạp để lập ra 6 tỉnh Nam Kỳ là công của các chúa: Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Trú và Nguyễn Phúc Khoát.

Chúng ta đã và đang sống trên giang sơn cẩm tú nầy, đừng bao giờ quên ơn các vị tiền bối kể trên cùng vô số những chiến sĩ vô danh đã vị quốc vong thân.

 

(TIẾP THEO)
Vào phương Nam từ ngày khởi nghiệp, 
Sau Nguyễn Hoàng liên tiếp sáu đời,
Danh xưng là chúa chẳng rời,
Đến đời Phúc Khoát là thời xưng vương.
Nơi Phú Xuân, triều đường thiết lập,
Với trăm quan phân cấp rõ ràng,
Non sông đã được mở mang,
Vũ Vương đáng hưởng ngai vàng từ nay.
Được ít lâu sau ngày vua mất,
Nguyễn Phúc Thuần được cất lên ngai. (2450)

Bấy giờ tuổi mới mười hai,
Làm sao cho có được tài trị dân.
Mọi quyền hành gian thần nắm cả,
Trương Phúc Loan là gã bạo tàn.
Tham lam, mọi chốn than van,
Khiến dân phải chịu lầm than vô ngần.
Nên xã hội dần dần loạn lạc.
Đất Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc nổi lên.
Phù Ly là huyện phía trên,
Cũng là Phù Cát là tên bây giờ. (2460)

Cha họ Hồ giấy tờ ghi rõ,
Anh em ông lại bỏ đổi sang,
Nguyễn là họ mẹ rõ ràng,
Trong Nam đổi Nguyễn thì càng hay ho.
Ông làm biện rủi ro thua bạc,
Chức biện nầy, mặc xác chẳng cần.
Thôi thì rủ mấy người thân,
Đi lên trên núi dần dần chiêu binh.
Ông được có tánh tình rộng rãi,
Lại tỏ ra khí khái quật cường. (2470)

Nhiều người vừa phục vừa thương,
Nên chi nghe tiếng tìm đường đến ông.
Đất Tây Sơn ra công dựng trại,
Chốn núi rừng còn phải ẩn thân.
Một khi binh đã lớn dần,
Tìm nơi đô thị vì cần phô trương.
Ông muốn có nơi tương đối ổn.
Thành Qui Nhơn là chốn vẻ vang.
Nhưng thành phòng thủ vững vàng,
Đánh cho quan trấn đầu hàng dễ đâu. (2480)

Ông thực hiện mưu sâu kỳ lạ.
Tự trói mình, thủ hạ đem giao.
Được quan cho lệnh đưa vào,
Đến đêm mở cửa quân lao vô liền.
Mưu kế đó đầu tiên nguy hiểm,
Nhưng cuối cùng cũng chiếm được thành.
Hai em Lữ, Huệ cùng anh,
Ra công chiến đấu để giành đất đai.
Từ Quảng Ngải nối dài Bình Thuận,
Quân Tây Sơn lập quận huyện mình. (2490)

Nguyễn Nhạc và hai người em trai của ông,Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được biết với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê.

Ngoài kia Trịnh biết tình hình,
Trong Nam đại loạn, triều đình đã suy.
Biết bên Nguyễn lâm nguy như thế.
Chúa Trịnh khi nào dễ bỏ qua.
Gom binh chuẩn bị can qua,
Giao Hoàng Ngũ Phúc để mà tiến quân.
Qua Quảng Bình, đến gần Quảng Trị
Trịnh hô to cốt mị dân Nam.
Hô rằng bắt kẻ gian tham,
Bắt xong thì rút không làm khác hơn. (2500)

Triều đình Nguyễn qua cơn lo lắng,
Vì nghe theo mà chẳng hồ nghi.
Phúc Loan bị bắt liền khi,
Đóng gông nhốt củi tức thì đem giao.
Nhưng quân Trịnh cứ ào tiến tới,
Còn Bắc hà thì gởi thêm quân.
Trịnh vào chiếm lấy Phú Xuân,
Nguyễn vương bỏ trốn quần thần theo sau.
Đến Quảng Nam cùng nhau dừng bước,
Nhưng đóng quân chỉ được mấy ngày. (2510)

Tây Sơn thừa dịp ra ngay,
Quảng Nam thất thủ, thảm thay Nguyễn triều.
Theo đường biển, chúa liều né tránh,
Tháp tùng, Nguyễn Phúc Ánh, cháu thân.
Vào Nam tìm cách gom quân.
Sau nầy mạnh lại thì lần trở ra.
Hoàng Ngũ Phúc trên đà tiến mạnh,
Vượt Hải Vân vào đánh Quảng Nam.
Tây Sơn chịu đựng không kham,
Thôi đành phải rút, biết làm sao hơn. (2520)

Hoàng Ngũ Phúc lâm cơn trọng bệnh,
Bỏ Quảng Nam, xin lệnh hồi hương.
Nhưng về chưa được nửa đường,
Phú Xuân vừa đến, Diêm vương rước rồi.
Sau khi ra thu hồi đất Quảng,
Nguyễn Nhạc vào khai sáng vương triều.
Lên ngôi sắp xếp mọi điều,
Trong ngoài, trên dưới thuận chiều lo toan.
Kinh đô là Đồ Bàn sửa lại,
Chốn quê nhà chẳng phải lạ đâu. (2530)

Ở ngôi từ năm 1778 đến 1793. Trong các năm 1778 – 1788 ông xưng là Thái Đức đế . Từ năm 1789, ông xưng là Tây Sơn vương.

Hiệu vua Thái Đức năm đầu.
Nam Kỳ đã tính tóm thâu về mình.
Sai hai em kéo binh vào đánh,
Quân Tây Sơn dũng mãnh hăng say.
Sài Côn, Gia Định chiếm ngay,
Cử người chiếm đóng, định ngày hồi hương.
Nguyễn Phúc Ánh trên đường chạy trốn,
Lại chiêu binh những chốn đi qua.
Quay về đánh chiếm gần xa,
Long Xuyên, Sa Đéc, sau là Sài Côn. (2540)

Rồi thừa thắng nên dồn quân đánh,
Bình Thuận và Diên Khánh chiếm xong,
Bây giờ thì rút vào trong, 
Xưng vương Nguyễn Ánh thuận lòng quân dân.
Vua Tây Sơn, bất thần quyết định,
Đem chiến thuyền vào vịnh Cần Giờ,
Theo sông đổ bộ lên bờ,
Sài Côn ập đến, bất ngờ tấn công.
Quân Nguyễn vương yếu không cự lại.
Cuối cùng vương đành phải ra khơi. (2550)

Lên hòn Phú Quốc nghỉ ngơi,
Lánh mình và cũng chờ thời thuận hơn.
Đất Sài Côn, Tây Sơn làm chủ,
Và đặt quan trấn thủ vừa xong,
Dặn dò quan phải đề phòng, 
Vua tôi sau đó an lòng hồi hương. 

Lúc bấy giờ Nguyễn vương xuất ngoại,
Và đến xin ngụ tại Tiêm La.
Lại xin quân viện đưa qua,
Quân thì hai vạn với ba trăm thuyền. (2560)

 

(Xem tiếp Phần 21)

You may also like...

Leave a Reply