Thử tìm hiểu về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Bài viết này, như đã viết trong tựa đề, là một bài phân tích về tăng trưởng kinh tế hiện nay tại Việt Nam và một vài vấn đề xã hội có liên quan. Bài viết dựa theo các dữ liệu thống kê được cung cấp bởi hai tổ chức kinh tế thế giới là Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và một vài cơ quan thống kê khác đáng tin cậy. Cho đến ngày hôm nay, đầu năm 2020, hầu hết các tài liệu thống kê tìm thấy chỉ cung cấp dữ liệu đầy đủ cho đến cuối năm 2018, cùng lắm đến giữa năm 2019.

Bài viết së đi theo mô hình tăng trưởng kinh tế Robert Solow được bổ túc thêm bởi ông Paul Romer. Theo hai nhà kinh tế  học vừa kể thì sức tăng trưởng kinh tế tuỳ thuộc vào những yếu tố như sau :

  • Vốn đầu tư (gross capital formation),
  • Năng suất lao động (productivity),
  • Đổi mới kỹ thuật (Innovation, technical change),
  • Vốn nhân lực (human capital : sức khoẻ, giáo dục, khả năng)

Chú thích :

Lượng sản xuất (GDP) trong mô hình tăng trưởng kinh tế Robert Solow viết dưới dạng hàm số Cobb Douglas :

Y = F (K, AL) = Ka(AL) 1-a

Y=GDP ; K= vốn đầu tư ; L= Tổng số người làm việc; A= vốn nhân lực ;

 AL = năng suất làm việc ;  0 < α < 1 là tỷ lệ tương quan giữa vốn đầu tư và năng suất lao động : vốn nhiều thì cần ít năng suất và ngược lại.

GDP trung bình cho mỗi đầu người  y = Y/L.

Lượng đầu tư trung bình cho mỗi đầu người k = K/L.

Như vậy GDP cho mỗi đầu người y = kaA1-a

Suy ra GDP trung bình cho mỗi đầu người chỉ tuỳ thuộc vào vốn đầu tư và khả năng  của mỗi người.

Tăng trưởng kinh tế, được tính bằng phần trăm, là sự so sánh GDP trong năm với  GDP năm trước.  Trước khi so sánh, GDP trong năm phải được thẩm định lại theo thời giá của năm trước, vì lý do lạm phát.

Việt Nam từ nhiều năm qua cho đến cuối năm 2019 được ghi nhận đã có một sức tăng trưởng kinh tế được đánh giá cao với một mức độ lạm phát ở chỉ số 3,5%. Tính đến cuối năm 2018, bình quân sức tăng trưởng kinh tế mỗi năm ở vào khoảng 6,6%.  Thu nhập thường niên (GDP) trung bình cho mỗi đầu người khoảng 2550 USD. Tổng sản lương nội địa (GDP) được ghi nhận 245 tỷ USD.  Việt Nam xuất cảng ít hơn nhập cảng một chút.  Thâm hụt thương mại cho năm 2018 là một tỷ USD. Dân số Việt Nam hiện nay có tất cả trên dưới 95 triệu gồm 57 triệu người trong tuổi lao động.  Mức độ chi tiêu trong ngân sách nhà nước hiện vẫn được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ trên GDP khoảng 55,6%. Thâm hụt ngân sách 4,6%. Các quy luật về vốn ngân hàng cũng được tăng cường. Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) dự tính sức tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp tục cho những năm sắp tới.  Đây là một dấu hiệu tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam ngõ hầu nâng cao đời sống của người dân mỗi ngày thêm tốt đẹp.

Hiện nay mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam được ghi nhận phần nhiều trong hai lãnh vực dịch vụ và kỹ nghệ. Nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác cũng góp phần vào sức tăng trưởng nhưng ở mức độ khiêm tốn hơn. Đồ thị sau đây giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về khả năng của các nguồn tăng trưởng :

Tuy mức tăng trưởng kinh tế được đánh giá cao nhưng thu nhập trung bình thường niên của mỗi đầu người xét ra quá thấp khi so sánh với sức thu nhập của các quốc gia khác trong vùng. Sức thu nhập của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodge (1510 USD), ngang hàng với Lào (2542 USD). Ngoài ra bị các nước láng giềng bỏ thua rất xa .  Cuối năm 2018, GDP của Việt Nam ở vào khoảng 2550 USD so với Thailand 7273 USD, Malaysia 11373 USD, Indonesia 3893 USD, Philipines 3100 USD, Trung Quốc 9770 USD, Singapore 64581 USD và thu nhập trung bình của toàn vùng Đông Á – Thái Bình Dương là 10970 USD. Đó là thu nhập tính theo GDP còn nếu tính theo GNI thì thu nhập thực thụ của Việt Nam chỉ còn 2400  USD một năm, tức 200 USD mỗi tháng, trong đó chưa trừ thuế sản xuất.

Chú thích :

GDP : Gross Domestic Product hay Tổng Sản Lượng Nội Địa tính theo giá tiền bao gồm tất cả lượng sản xuất trong nước không phân biệt quốc tịch.

GNI : Gross National Income hay Thu Nhập Quốc Doanh bao gồm tất cả lượng sản xuất của người Việt trong nước cộng thêm thu nhập của người Việt trong nước bằng cách đầu tư ra nước ngoài. Ngày xưa chỉ số này được gọi là Tổng Sản Lượng Quốc Gia.

Chữ G trong GDPGNI có nghĩa là thu nhập chưa trừ thuế sản xuất.

Đồ thị sau đây giúp chúng ta có một cái nhìn bao quát và rõ rệt hơn: Kinh tế Việt Nam và Philipines tăng trưởng với tốc độ chậm so với các nước khác có độ tăng trưởng nhanh.

Với một mức thu nhập quá khiêm tốn đối với các nước láng giềng trong vùng, Việt Nam khó có thể cạnh tranh trong một thị trường kinh tế toàn cầu hoá. Bình thường một nước đang trên đà phát triển phải tìm cách xuất cảng nhiều hơn nhập cảng.  Nhưng Việt nam không ở trong trường hợp này nên mất nhiều cơ hội hoạt động thương mại trong một thị trường kinh tế toàn cầu rộng lớn.  Xuất cảng là tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhập cảng là rút bớt việc làm trong nước. Hiện nay đồng lương của giới công nhân còn quá thấp so với mức sinh hoạt hàng ngày. Theo dự đoán, mức lương lao động vào năm 2020 sẽ tăng thêm 3% so với mức lương 2019. Tuy nhiên mức tăng lương này chỉ gần đủ để bù lại cho lạm phát  ở vào khoảng 3,5%.  Hơn thế nữa còn có một sự bất quân bình quá mức giữa các tầng lớp lao động.  Đồ thị sau đây cho chúng ta nhận xét về sự phân phối thu nhập (income distribution):

 

Theo đồ thị trên, hiện có 25% người lao động lãnh một mức lương hàng tháng dưới 8.634.567 VND. 50% người lao động lãnh dưới 17 triệu VND mỗi tháng.  Mức lương tối thiểu được ghi ở mức 2.349.617 VND và lương cao nhất là 76.868.605 VND.

Tỷ số thất nghiệp tính vào năm 2019 cho tất cả người lao động ở vào khoảng 1,9% và tỷ lệ thất nghiệp cho thanh niên dưới 24 tuổi là 6,93%. Điều đáng chú ý ở đây là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Tỷ lệ này dẫn đến vài câu hỏi :

  •   Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây không tạo thêm việc làm ?
  •  6,93% thanh niên không có nghề nghiệp thích ứng cho nền kinh tế hiện tại ?
  •   Nơi cung cấp việc làm và người cần việc làm không ở cùng một địa phương ?
  • Các công ty chỉ nhận người có kinh nghiệm ?
  • Có việc nhưng không muốn làm việc ?

Để nâng cao đời sống, kinh tế Việt Nam cần phải có độ tăng trưởng mạnh hơn nữa. Theo mô hình tăng trưởng Solow đã đề cập ở trên, các yếu tố đầu tư, năng suất lao động, đổi mới kỹ thuật và vốn nhân lưc là những điều kiện rất cần thiết.

Vốn đầu tư tại Việt Nam vào năm 2018 được ghi nhận tương đương với 26% của tổng sản lượng nội  địa (GDP) trong đó một phần tư thuộc về vốn đầu tư của các công ty ngoại quốc.  Vốn đầu tư ngoại quốc như vậy xem ra  rất quan trọng cho kinh tế Việt Nam.  Không hiểu vì lý do gì, vốn đầu tư tại Việt Nam kể từ năm 2007 (39% GDP) càng ngày càng giảm. Có thể do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới bắt đầu từ năm 2008 ? Tuy nhiên đây là một dấu hiệu đáng quan tâm vì sự giảm thiểu sẽ có ảnh hưởng sâu đậm đến nền kinh tế sau này.  Lý do rất đơn giản vì nếu không còn đầu tư, các xí nghiệp sẽ không có khả năng bảo trì hay thay thế các máy móc cũ kỹ  đã có sẵn và không thể trang bị thêm máy móc mới tối tân hơn cho việc sản xuất.

 

Xét về vốn nhân lực (human capital), Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận, trong thống kê sau đây, Việt Nam ở vào hàng thứ hai (67%) sau  Singapore (88%), so với các quốc gia trong vùng. Năng suất làm việc của thanh niên Việt Nam được ước tính bằng 67 % tiềm năng của họ.  Điều đáng buồn là gần 12 năm học của các thanh niên trong vùng chỉ được đánh giá 8,6 năm.  Kết quả này cho thấy hệ thống giáo dục hiện tại không hữu hiệu cần có sự thay đổi cho phù hợp với hiện tình sản xuất. Ngân Hàng Thế Giới khuyến cáo cần phải đầu tư nhiều hơn nữa trong các lãnh vực dinh dưỡng, sức khoẻ và giáo dục. Về giáo dục, cần định hướng toàn bộ hệ thống giáo dục để cải tiến việc học hầu đáp ứng nhu cầu kỹ nghệ hiện đại.

Việt Nam hiện đang đối diện với ba vấn đề cần phải giải quyết ngay tức khắc.

1/ Vấn đề thứ nhất là nguồn nhân lực. Tỷ lệ sinh sản đã từ từ giảm xuống từ những năm 1970. Tính trung bình vào thời điểm đó mỗi người phụ nữ sinh sáu, bẩy người con. Kể từ năm 2000 tỷ lệ này đã giảm xuống, trung bình mỗi phụ nữ chỉ còn sinh hai người con. Vì thế dân số lao động cũng từ từ giảm xuống, bắt đầu từ năm 2020. Kể từ năm 2000 trở về sau, số người ở tuổi về hưu càng ngày càng tăng. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng hai mươi năm nữa số người vê hưu sẽ tăng gấp đôi và dân số lao động sẽ không đủ để bảo đảm tiền lương cho người hưu trí.  Cho nên ngay bây giờ  Việt Nam cần phải có những biện pháp khuyến khích sinh sản nhằm gia tăng dân số lao động, đồng thời tăng tuổi về hưu để đình trệ từ từ con số nghỉ hưu.  Nếu không kinh tế Việt Nam sẽ cần đến lao động nước ngoài.

2/ Vấn đề thứ hai là tình trạng tham nhũng. Theo nhận định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì từ năm 2016, chính phủ Việt Nam đã có những cố gắng và ban hành các luật lệ chống tham nhũng nhưng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế khuyến cáo cần phải cố gắng cho hữu hiệu hơn nữa nhất là phải làm sao để liên kết các dữ liệu trong các lãnh vực thuế má, chống rửa tiền, hải quan, giao dịch đất đai nhằm kiểm soát việc xác minh tài sản. Tham nhũng làm chậm bước tiến của nền kinh tế quốc gia. Các xí nghiệp, thay vì dùng tiền để đầu tư và tăng lương cho người lao động, phải dùng số tiền đó cho việc hối lộ. Đồ thị dưới đây (2017) đánh giá khả năng xử lý tham nhũng của các quốc gia trên thế giới. 

 

3/ Vấn đề thứ ba là khả năng thích ứng của nền kinh tế và nhân lực Việt Nam vào kỹ nghệ 4.0.  Việt Nam đang phải đối đầu để giải quyết khả năng số hoá (digitalization). Nhu cầu này cần có nhiều thì giờ và tiền bạc để đầu tư trong lãnh vực kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Đây có thể được coi như một cuộc đổi mới sâu đậm về kỹ thuật, giáo dục và đào tạo mà chỉ có thể được giải quyết mau lẹ bằng một chính sách quy mô ở cấp quốc gia.

Paris, 02/01/2020

Phạm văn Vĩnh

Tham khảo:

·      Robert Solow – A Contribution to the Theory of Economic Growth (1956)

·      Paul Romer – Increasing Returns and Long Run Growth (1986) – Endogenous Technical Change (1990).

·      Five charts explain vietnam’s economic outlook https://www.imf.org/en/News/Articles/2019/07/11/na071619-five-charts-explain-vietnams-economic-outlook

·      Labor force – Vietnam https://data.worldbank.org/indicator/SL.TLF.TOTL.IN?locations=VN

·      Population – Vietnam https://data.worldbank.org/indicator/SP.POP.TOTL?locations=VN

·      GDP per capita (current US$) – East Asia & Pacific, Philippines, Malaysia, Thailand, Vietnam | Data https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD?locations=Z4-PH-MY-TH-VN

·      Vietnam – Inflation https://www.theglobaleconomy.com/Vietnam/inflation/

·      Average salary in Vietnam 2019

·      http://www.salaryexplorer.com/salary-survey.php?loc=236&loctype=1

·      Gross capital formation (% of GDP) Vietnam https://data.worldbank.org/indicator/NE.GDI.TOTL.ZS?locations=VN

·      Foreign direct investment in Vietnam https://data.worldbank.org/indicator/BX.KLT.DINV.WD.GD.ZS?locations=VN

·      Human capital development https://www.worldbank.org/en/news/infographic/2019/09/06/invest-in-asean-human-capital-development

·      World Bank Vietnam unemployment https://data.worldbank.org/indicator/SL.UEM.TOTL.ZS?locations=VN

·      Vietnam: Youth unemployment Vietnam Youth unemployment – data, chart | TheGlobalEconomy.com

You may also like...

1 Response

  1. Theo tài liệu Tăng trưởng kinh tế Việt nam trên thì trong 20 năm nửa tình trạng thiếu lao động sẽ đén mức báo động vì:
    1- Mức độ sinh sản của VN thấp
    2- Số người VN lao động nước ngoài (xuất cảng lao động) vẫn tiếp tục
    3- Sẽ không có thuyết phục cho các quốc gia khác để vào Việt nam lao động vì tham nhủng, tình trạng môi trường,… của VN không được tốt đẹp
    Đây là một trong những khó khăn trong tương lai gần cho VN. Vậy các bạn có suy nghĩ nào để giải đáp vấn đề này?
    Cám ơn tác giả đã có bài nhận định về Tăng trưởng kinh tế Việt nam.

Leave a Reply