Trúc cảnh

 

TRÚC CẢNH

Lê Tấn Tài

Trúc là một trong bốn loại cây tứ quý nổi tiếng của Việt Nam gồm “tùng, cúc, trúc, mai”. Cây trúc còn được gọi là cương trúc (tên khoa học: Phyllostachys) thuộc tông Tre, họ Poaceae (họ Hòa thảo), là một loại cây gỗ nhỏ thẳng đứng và phân nhánh tại các đốt, ruột rỗng, có lớp thịt mỏng bao quanh. Kích thước tùy loại cây và điều kiện môi trường, có thể đạt chiều cao từ 3 đến 10 m và đường kính thân từ 2 đến 5 cm. Lá giống như lá tre, nhưng ngắn và thon hơn. Viền lá có nhiều gai nhỏ nhám khi chạm vào. Hoa trúc không phổ biến và hiếm gặp, thường có màu trắng và vàng mọc từ những cành ngoài cùng của cây. Rễ chùm của trúc rất dẻo dai và bám dính vào đất rất tốt. Trúc có nhiều rễ và mao hút, giúp cây chịu hạn tốt và có khả năng sống ở nhiều môi trường khác nhau. Trúc thường sinh sản bằng cách lan rễ từ các rễ chùm.

Thuật ngữ trúc cảnh dùng để chỉ những loại trúc được trồng và sử dụng làm cây cảnh trong nội thất và ngoại thất. Trúc cảnh được ưa chuộng vì vẻ đẹp tự nhiên và hình dạng độc đáo của thân cây, cũng như khả năng tạo ra một không gian xanh mát, thoáng đãng, giảm nhiệt độ xung quanh, hấp thụ âm thanh, giảm tiếng ồn. Ngoài ra, trúc cảnh còn được sử dụng để tạo các màn che, hàng rào hoặc tạo nền cho các vườn hoa. Hiện nay trúc cảnh là một trong những loại cây cảnh phổ biến nhất, mang đến một cái nhìn tươi mới và gần gũi với thiên nhiên trong không gian sống.

Có nhiều loại trúc được trồng và sử dụng làm trúc cảnh như:

– Trúc đen (Phyllostachys nigra) thân màu đen và lá màu xanh đen đậm, được ưa chuộng vì màu sắc đặc biệt của nó.
– Trúc tăm (Bambusa multiplex Fernleaf) là một loại cây trúc nhỏ, lá nhỏ, tán lá dày đặc, chịu hạn tốt, thích hợp cho khí hậu ấm áp và ẩm ướt.
– Trúc Nhật (Dracaena surculosa punctulata) còn gọi là trúc Nhật xanh, trúc phất dụ, trúc Nhật đốm hay phất dụ trúc lang, có chiều cao trung bình 30cm – 1m, nên được chọn làm cây cảnh nội thất, thân hình khối trụ tròn, trên thân có các đốt dài ngắn và to nhỏ khác nhau, có thể phát triển trong điều kiện thiếu ánh sáng.
– Trúc quân tử (Bambusa multiplex) dạng cây bụi, thân nhỏ nhắn màu xanh pha lẫn vàng, nhánh nhỏ nhưng cực kỳ dẻo dai, chống chịu tốt với sức quật của gió. Cây trúc quân tử không mọc một mình mà theo từng khóm. Với bộ rễ chắc chắn, cây được trồng làm hàng rào vô cùng phù hợp.
– Trúc quan âm (Bambusa ventricosa) còn được gọi là trúc phật bà, có thân rất đặc biệt, đốt ngắn, phình to ở giữa, mọc thành cụm. Cây có nhiều cành nhánh mọc đối xứng ở đốt. Cây thường cao 3m khi trồng trong chậu. Thân cây lúc non màu xanh, khi già chuyển sang màu vàng.
– Trúc mây (Rhapis excels) có nhiều tên gọi khác nhau như trúc xanh, cây cật mật hay cây trúc đục. Thân mảnh mai và có màu xanh đặc trưng, khả năng giữ nước, bên trong trống rỗng.
– Trúc chỉ vàng (Phyllostachys aureosulcata) thân mảnh khảnh và cao. Loài cây này mọc thành bụi lớn và có sức chịu đựng tốt với gió bão. Thân trúc thẳng và cứng, có màu vàng nâu đặc trưng, do đó được gọi là “chỉ vàng”. Lá của cây có màu xanh mọng, dạng dải và nhọn ở đầu.
– Trúc cần câu (Phyllostachys aurea) còn có tên gọi khác là trúc bạch với 2 loại phổ biến là trúc cần câu vàng và trúc cần câu xanh, có một số đặc điểm tương tự như cây trúc chỉ vàng, tuy nhiên, chiều cao trung bình của loài cây này chỉ khoảng 2 đến 3 mét, khác với cây trúc chỉ vàng có chiều cao lớn hơn.
– Trúc đốm (Phyllostachys bambusoides) khác với trúc Nhật đốm, còn được gọi là trúc giọt nước mắt, có vết lốm đốm sẫm màu trên thân cây, thân cao màu xanh đậm, lá dẹp dài màu xanh nhạt,

Trúc là loài cây có sức sống mạnh mẽ, dễ trồng, sinh trưởng nhanh, thích nghi với nhiều loại đất và điều kiện khí hậu. Với những mảng xanh của lá trúc, nó tạo ra không gian tự nhiên, tăng sự thoáng đãng và mát mẻ. Trúc mang đến một cảm giác bình dị và thanh bình trong thiết kế nội thất và ngoại thất.

– Trúc cảnh vườn zen đã trở thành một xu hướng phổ biến trong thiết kế kiến trúc Việt Nam vào những năm gần đây. Vườn zen thể hiện cảnh quan trừu tượng và ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Cây trúc trong vườn zen mang đến nét đẹp đặc biệt với sự cao và thẳng của thân cây, hình dạng uốn lượn, màu sắc xanh tươi, sự tối giản và tương phản nhưng hài hòa với môi trường xung quanh. Mặc dù lấy cảm hứng từ kiến trúc vườn Nhật, vườn zen không nhất thiết phải giống nguyên bản. Nó có thể biến tấu và thích nghi với kiến trúc nhà và sở thích của chủ nhân, quan trọng là tạo ra một không gian tâm linh cân bằng, tĩnh tại…

– Trúc cảnh sân vườn có thể được trang trí theo nhiều phong cách và sử dụng nhiều vật liệu khác nhau để tạo ra không gian đẹp mắt. Sau đây là một số lựa chọn phổ biến. Sử dụng trúc nhỏ trồng dọc theo bờ tường. Dưới đó, có thể bố trí cây tầng thấp hoặc sỏi trắng, nâu để tạo điểm nhấn. Thiết kế này giúp che giấu vật liệu thô cứng của tường, tạo không gian xanh mát và hiện đại. Tạo ra những cụm trúc mô phỏng sự sinh trưởng tự nhiên. Trúc được kết hợp với cây hoa và cây chịu bóng để tạo nên một tổng thể hài hòa. Thiết kế này mang đến cảm giác thân thuộc, yên bình. Bố trí trúc dọc theo lối đi, phù hợp cho các không gian rộng như biệt thự, khu vườn chùa, công viên, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi. Thiết kế nầy kết hợp với cây tầng thấp và đá tảng, thu hút ánh nhìn.

– Trúc cảnh nội thất được sử dụng để tạo không gian xanh trong căn phòng, có thể được trồng trong chậu nhỏ hoặc đặt trong các bình hoa để làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên và mang đến sự tươi mát. Ngoài ra, trúc cũng có thể được sử dụng làm vách ngăn hoặc che mờ không gian tạo sự riêng tư. Trúc cảnh trong nội thất là lựa chọn phổ biến và được ưa chuộng bởi vẻ đẹp và ý nghĩa mà chúng mang lại, có thể đặt trước hiên nhà hoặc trong góc phòng khách để tạo điểm nhấn. Tuy nhiên, việc trồng trúc trong nhà đòi hỏi một số yếu tố như đủ ánh sáng và độ ẩm, cùng với một giá thể chắc chắn. Với thân nhỏ trúc không chiếm nhiều diện tích trồng, phù hợp cho không gian hạn chế. Trúc cảnh được ưa chuộng bởi khả năng trồng trong chậu cảnh, có thể dễ dàng di chuyển và phối cảnh, đồng thời chúng có khả năng sinh trưởng tốt. Điều này mang lại sự linh hoạt và lựa chọn trong trang trí nội thất.

– Trúc cảnh bonsai là loại cây trúc có thể tạo hình thành nhiều kiểu dáng khác nhau, một trong những kiểu phổ biến nhất là kiểu “mô hình cây tre đơn giản” (literati style). Trong kiểu dáng nầy, thân cây trúc bonsai được tạo thành từ những khúc uốn lượn, tạo nên một hình dạng độc đáo và thú vị. Khi chăm sóc và tạo hình một cây trúc bonsai thành công, chủ nhân sẽ có một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Để chăm sóc cây trúc bonsai, chủ nhân cần quan tâm đến việc tưới nước đúng cách, đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng và đất phù hợp cho cây. Đồng thời, cần thường xuyên cắt tỉa và tạo hình cây để duy trì hình dáng và kích thước mong muốn. Ngoài ra, cây trúc bonsai cần không gian rộng hơn so với các loại cây bonsai khác do kích thước và sự phát triển nhanh của chúng. Vì vậy, hãy bảo đảm cây có đủ không gian để phát triển và di chuyển nếu cần thiết.

Sự xuất hiện của trúc, không gian trở nên tươi sáng, tràn đầy sức sống, sang trọng và lịch sự hơn. Khi gió thổi, tiếng xào xạc của cành lá trúc tạo ra âm thanh thanh nhã và thơm mát. Cây trúc đứng tĩnh lặng có đường nét mềm mại như những bài thơ thướt tha. Nhiều nhà thơ đã viết về cây trúc, mỗi người mỗi góc nhìn và trải nghiệm riêng về loài cây này.

Trúc được miêu tả trong bài thơ “Trúc quân Tử” của Đông Hồ, như là một biểu tượng của sự trang nghiêm và sự nhún nhường.
Cơn mưa vừa mới tạnh
Cành trúc ngã bên đường
Quân tử nghiêng mình xuống
Đi qua ta cúi đầu
(Đông Hồ – Trúc quân Tử)

Bạch Cư Dị cho rằng vẽ trúc rất khó và chỉ có quan lang Tiêu mới làm nổi bật vẻ đẹp linh hoạt và sống động của cây.
Người vẽ trúc mập, thật nặng nề
Tiêu vẽ thân mảnh, đốt vươn thẳng.
Người ngọn trúc rủ. như sắp chết
Tiêu vẽ cành bay lá vẫy, gió đùa.

Không vẽ gốc nhưng đầy sức sống
Nhìn qua cây biết từ măng mọc.
Ven nước triền đê, miền quê
Hai khóm trúc bờ đê xõa bóng.

Trúc như người đẹp không son phấn
Buồn bã chịu sương khói, gió lay.
Thoạt nhìn ai tin tranh vẽ
Tai tưởng như dược nghe gió reo
(Bạch Cư Dị – Họa Trúc Ca)

Nhà thơ Haiku của Nhật Bản cũng tạo ra những bài thơ ngắn về cây trúc, tập trung vào vẻ đẹp và tác động tinh thần của nó trong cảnh quan tự nhiên.
Cánh đồng trúc,
Một tiếng chim hót đơn côi,
Sương khói mờ mịt.
(Matsuo Basho – Cánh đồng trúc)

Với dáng trúc mềm mại, mảnh mai và thanh thoát, cây trúc đã trở thành biểu tượng đẹp cho những thôn nữ thanh tú theo tưởng tượng dân gian.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
(Ca Dao)

Cây trúc không sợ sương gió. mang ý nghĩa về kiên cường, không bị khuất phục. Với thân cây rỗng, cây trúc tượng trưng cho tính chất chính trực và trong sáng. Dù trong mùa nào, trúc vẫn luôn xanh tươi, không thay đổi màu sắc, tượng trưng cho sức khỏe và sự hưng thịnh của con người. Cây trúc cảnh với cành nhỏ, không lớn như cây trúc thông thường, mang lại vẻ đẹp độc đáo khi được xếp thành hàng hoặc nhóm. Chơi trúc cảnh là một thú vui tao nhã tồn tại rất lâu đời ở Việt Nam. Trước đây hầu như các gia đình trung lưu đều có vài chậu trúc cảnh. Chúng tạo nên cảnh quan tuyệt vời và cảm giác tươi mát, yên bình, tĩnh lặng. Vẻ thanh nhã và thanh thoát trong nét đẹp tự nhiên của chúng tạo nên một không gian thư thái và gần gũi với thiên nhiên.

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply