VN Lịch sử trường thi – Phần 8
VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – PHẦN 8
Các bạn thân mến,
Nhà Lý kéo dài đến 216 năm và gồm 9 đời vua, với một số sự kiện lịch sử quan trọng như việc dời đô của Lý Thái Tổ, chiến thắng của Lý Thường Kiệt trên Bạch Đằng Giang, vv… Vì vậy, chắc chắn tôi phải dùng rất nhiều câu thơ mới mô tả hết. Do đó, tôi chia làm 2 phần:
1/- Phần 1 (bài Lịch sử VN số 8) mô tả từ đầu nhà Lý đến hết vua Lý Thánh Tông.
2/- Phần 2 (bài Lịch sử VN số 9) mô tả từ vua Lý Nh ân Tông đến khi chấm dứt nhà Lý.
Riêng trong bài số 8 hôm nay, có một câu chuyện khá cảm động; đó là chuyện nàng Mỵ Ê.
Mỵ Ê là hoàng hậu vua Sa Đẩu của Chiêm Thành. Năm 1044, vua Lý Thái Tông ngụ giá thân chinh, chiếm được kinh đô nước Chiêm, giết vua Sa Đẩu. Khi trở về bằng đường thủy, nhà vua cho lệnh đem theo hoàng hậu Mỵ Ê cùng một số phi tần. Ban đêm, thuyền neo đậu trên sông Hoàng, nhà vua truyền lệnh đòi Mỵ Ê đến hầu ở thuyền vua. Mỵ Ê than khóc, quấn khăn chiên quanh mình rồi bước ra mạn thuyền, nhảy xuống sông tự tử.
Cụ Đặng Minh Khiêm ở thời thịnh Lê có làm bài thơ vịnh nàng Mỵ Ê bằng chữ Hán. Nay tôi xin mạn phép họa vận bài thơ nầy.
Nguyên tác của Cụ Đặng Minh Khiêm:
媚 醯 MỴ Ê
國 破 家 亡 恨 未 灰 Quốc phá gia vong hận vị hôi
忍 聞 中 使 詔 頻 催 Nhẫn văn trung sứ chiếu tần thôi.
裹 氊 一 日 黄 江 水 Khỏa chiên nhất nhật Hoàng giang thủy,
多 謝 君 王 送 死 來 Đa tạ quân vương tống tử lai.
DỊCH THƠ
Nước mất nhà tan giận chửa nguôi,
Nỡ nào nghe lọt chiếu vua đòi.
Mảnh chiên liều để sông Hòang cuốn,
Đa tạ quân vương được thoát đời
Bài họa vận của Võ Phá
媚 醯 節 婦 MỴ Ê TIẾT PHỤ
中 宵 蠟 炬 未 成 灰 Trung tiêu lạp cự vị thành hôi,
君 詔 聖 皇 急 召 催 Quân chiếu thánh hoàng cấp triệu thôi.
皇 后 媚 醯 心 取 節 Hoàng hậu Mỵ Ê tâm thủ tiết,
黄 江 深 水 玉 人 來 Hoàng giang thâm thủy ngọc nhân lai.
DỊCH THƠ
Nửa đêm ngọn nến vẫn chưa tàn,
Nghe lệnh vua vời lệ chứa chan,
Hoàng hậu Mỵ Ê đành tuẩn tiết
Sông Hoàng người ngọc biệt trần gian.
Hí trường biến đổi không thôi,
Tiền Lê hạ xuống, tới hồi Lý lên.
Lý thái Tổ là tên tông miếu,
Năm đầu tiên niên hiệu Thuận Thiên.
Đó là một đấng vua hiền,
Cũng vì thuở nhỏ hữu duyên với chùa.
Lên ngai vàng nên vua vẫn nhớ,
Thuở ấu thơ nhờ ở Phật môn.
Bây giờ là đấng chí tôn,
Bồ đề vẫn gắn tâm hồn quân vương.(960)
Lập nhiều chùa thập phương lễ bái,
Tam Tạng kinh rước tại Trung Hoa.
Đem về cất ở một tòa,
Quý kinh hơn cả ngọc ngà thế gian.
Với dân, Ngài chu toàn nhiệm vụ,
Giúp dân luôn có đủ cơm ăn.
Nhà nông giảm bớt khó khăn,
Triển khai biện pháp để ngăn mất mùa.
Ngoài nông nghiệp, nhà vua chăm sóc,
Chấn hưng nền văn học nước nhà.(970)
Xây nên Văn miếu môt tòa.
Khoa thi được mở tìm ra người tài.
Kinh đô cũ thì Ngài thấy nhỏ,
Đất Hoa Lư, đành bỏ, thiên đô.
Bá quan văn võ dời vô,
La thành rộng rãi tha hồ dựng xây.
Xây xong bỗng chốn nầy đồn thấy
Một con rồng vùng vẫy trên trời.
Thế là tên mới ra đời:
Thăng Long thủ phủ, khắp nơi đón chào.(980)
Biết chiến tranh lúc nào cũng bạo,
Sai sứ sang giao hảo Tống triều.
Đời vua công đức đã nhiều,
Khi băng lại xảy ra điều tai ương.
Tranh ngôi vua, các vương làm dữ,
Quyết không cho thái tử lên ngai.
Cả ba hoàng tử ra oai,
Đem quân vây hãm trong ngoài nguy thay.
Lê Phụng Hiểu rút ngay bảo kiếm,
Chỉ vào người định chiếm ngai vàng.(990)
Hét to như sấm nổ vang:
“Các ngươi phản trắc rõ ràng khó dung.
“Phụ vương phút lâm chung di chiếu,
“Sao các ngươi bất hiếu thế nầy?
“Xin dâng một nhát kiếm đây,
“Quyết vì xã tắc diệt bầy bất lương”
Nhắm ngực Võ đức vương đâm thẳng,
Hai vương kia co cẳng chạy dài.
Xong rồi cái chuyện tranh ngai,
Nhờ Lê Phụng Hiểu ra tài dẹp nhanh.(1000)
Lý Phật Mã nhân danh thái tử,
Được đưa lên kế tự nối dòng.
Đó là vua Lý Thái Tông,
Thông minh đỉnh ngộ, được lòng nhân dân.
Ra công chỉnh đốn quân cho mạnh,
Vua thân chinh đi đánh giặc Nùng.
Trong vùng rừng núi điệp trùng,
Tháng ngày truy kích sau cùng giặc tan.
Quân ca khúc khải hoàn rộn rịp,
Rồi nghỉ ngơi chờ dịp xuất chinh.(1010)
Khi dân đang hưởng hòa bình,
Thì Chiêm Thành đã cho binh tiến vào.
Theo đường biển chúng ào lên bộ,
Cướp phá làng mọi chỗ đều kinh.
Thái Tông ngự giá thân chinh,
Hướng nam trực chỉ, quân mình tiến nhanh.
Bước quân hành luôn giành chiến thắng,
Nên cuối cùng vào thẳng kinh kỳ.
Giết vua bắt lấy cung phi.
Rút vể, dẫn hết cùng đi theo thuyển.(1020)
Xét trong đám thuyền quyên bắt được,
Có Mỵ Ê sắc nước hương trời.
Nguyên là hoàng hậu tuyệt với,
Bây giờ lỡ bước cạn lời thở than.
Một đêm nọ cả đoàn thuyền đậu,
Vua truyền cho hoàng hậu sang chầu.
Mắt huyền lã chã giọt châu.
Khăn chiên vội quấn đâm đầu xuống sông.
Gương tiết phụ, Thái Tông xuống chiếu,
Truyền cho dân lập miếu thờ nàng.(1030)
Trên bờ dòng nước Hoàng giang,
Đên nay còn được dân làng dâng hương.
Hăm bảy năm đảm đương vương sự,
Vua băng hà thái tử nối ngai.
Thánh Tông là đấng anh tài,
Niềm thương dân chẳng hề phai trong lòng.
Lễ đăng quang vừa xong, xuống chiếu,
Vua đổi tên quốc hiệu của mình:
Đại Cồ Việt tự triều Đinh,
Đổi thành Đại Việt, quả tình hay hơn.(1040)
Vào thưở đó giang sơn yên ổn,
Nhưng phía nam là chốn bất an.
Quân Chiêm lại cứ mưu toan,
Giết người, cướp của, từng đoàn kéo sang.
Lý Thánh Tông chẳng màng nhàn nhã,
Luôn nhắm vào nghĩa cả mà theo,
Thân chinh dù có hiểm nghèo,
Sợ chi khung cảnh tên reo quanh mình.
Theo đường thủy điều binh nam tiến,
Chẳng bao lâu trận chiến nổ ra.(1050)
Quân Chiêm cùng với quân ta,
Đôi bên chém giết thật là ghê thay.
Chiêm bại trận vội quay trốn biệt,
Quân Lý thì nhất quyết đuổi theo.
Vua Chiêm gặp lúc ngặt nghèo,
Quân mình bắt được, đồng reo khải hoàn.
Vua Chế Củ an toàn tính mạng,
Rồi được quân ta cáng về nhà.
Cúi đầu xin hãy thứ tha,
Ba châu dâng hiến làm quà vua ta.(1060)
Địa Lý, Mai Linh và Bố Chính,
Đất đai nay thuộc tỉnh Quảng Bình.
Thêm vào cả huyện Vĩnh Linh,
Một phần Quảng Trị, xứ mình rộng hơn.
Chế Củ đền ơn xong được thả,
Nhiều năm sau đỡ họa Chiêm Thành.
Thánh Tông đã đạt công danh,
Muốn con mà vợ chẳng sanh đứa nào.
Đi cầu tự, vừa vào thôn dã,
Dân trong làng kéo cả ra xem.(1070)
Một cô quay mặt không thèm,
Nhìn vua quan sát sau rèm long xa.
Vua truyền lệnh hỏi nhà thôn nữ,
Truyền rước về, đề cử vương phi.
Ỷ lan mắn đẻ cực kỳ,
Gần vua mười tháng tức thì khai hoa.
Con, Càn Đức chính là thái tử,
Sẽ lên ngôi để giữ nghiệp nhà.
Thánh Tông lại sớm băng hà,
Nối ngôi, Càn Đức còn là ấu thơ.(1080)