VN Lịch sử trường thi – Phần 9

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – PHẦN 9

Các bạn thân mến,

Trong phần 2 của lịch sử nhà Lý, có sự kiện rất đáng chú ý. Đó là việc vị anh hùng Lý Thường Kiệt xua quân tràn qua lấy châu Khâm, châu Liêm thuộc tỉnh Quảng Đông và châu Ung thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.
Trước đó, trong đời Lý Thái Tông (phần 1, bài 8), một người Việt Nam, dân tộc thiểu số là Nùng Trí Cao cũng sang chiếm 9 châu: châu Ung, châu Hoành, châu Quí, châu Cung, châu Tầm, châu Đằng, châu Ngô, châu Khang, châu Đoan, thuộc 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Cả 2 lần, người mình chiếm xong thì phải rút về vì không đủ lực lượng để giữ.
Đến thời nhà Nguyễn Tây Sơn, nghe nói vua Quang Trung cũng có ý định qua lấy Lưỡng Quảng, nhưng chưa thực hiện được thì mất sớm.
Vậy, ông cha ta, không phải chỉ mở rộng đất nước xuống phía nam mà có khi còn lăm le bành trướng lên phía bắc nữa. Trung quốc dù đông dân và nước lớn nhưng cũng có vẻ e dè về điều nầy. Bằng chứng là khi vua Gia Long muốn đổi tên nước Đại Việt (từ thời Lý) thành Nam Việt thì nhà Thanh phản đối vì Nam Việt là nước ở thời Triệu Đà gồm cả 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Do đó, vua Gia Long phải sửa Nam Việt thành Việt Nam thì người Tàu mới yên bụng.

Đọc lịch sử thấy nhiều điều cũng lý thú.

(TIẾP THEO)

Lý Nhân Tông phải nhờ phụ chính,
Lý Đạo Thành đáng kính vô cùng.
Người tài lại có đức trung,
Quân thần trên dưới cùng chung một lòng.
Dồn nỗ lực vào trong văn học,
Dùng khoa thi chọn lọc văn hào.
Lập Hàn lâm viện tại trào,
Là nơi sĩ tử đỗ cao được mời.

Quốc tử giám là nơi dạy học,
Tạo người tài coi sóc quốc gia.(1090)
Bấy giờ xã hội của ta,
Với thành tích đó quả là văn minh.
Lúc nầy, Tàu tình hình u tối.
Bị Bắc Liêu gây rối đủ điều.
Hằng năm phải cống quá nhiều,
Bạc vàng châu báu, Tống triều tìm đâu?
Vương An Thạch đứng đầu triều chính,
Tâu với vua ý định xâm lăng, 

Quân vào Giao chỉ san bằng,
Bao nhiêu của cải chở phăng về Tàu.(1100)
Triều Lý nghe mày chau mắt trợn,
Quyết đánh Tàu cho tởn lòng tham.
Dằn lòng nén giận không kham,
Phen nầy dằn mặt quyết làm cho xong.
Lý Thường Kiệt được phong nguyên soái,
Tôn Đản thì được phái theo Ngài,
Quyết cho Tống học một bài,
Đừng khinh Giao Chỉ là loài dễ xơi. 

Chuyến nầy sẽ vào nơi trọng địa,
Đưa quân sang tận phía đất Tàu.(1110)
Đánh cho phương Bắc thấm đau,
Đánh cho xâm lược về sau phải chừa.
Theo đường biển, quân vừa tiến gấp,
Lý tướng quân liền lập công đầu.
Khâm châu rồi đến Liêm châu,
Hai châu chiếm gấp ngõ hầu tiến nhanh.
Quân Tôn Đản di hành trên bộ,
Vượt biên thùy vây bổ Ung châu. 

Thành nầy nhất quyết không đầu,
Quân mình cố chiếm khá lâu chưa thành.(1120)
Lý Thường Kiệt quyết giành chiến thắng.
Xua đoàn quân tiến thẳng về tây.
Khi quân tiếp viện tràn đầy,
Ung châu thất thủ, muôn thây lìa đời.
Chiếm đất rồi nên rời phải lúc,
Quân của ta ca khúc khải hoàn.
Của dân lấy chẳng ai can,
Đi về bắt cả một đoàn người theo. 

Tin thất trận bay vèo về bắc,
Tống triều nghe, tức khắc nổi điên.(1130)
Nhà vua ban lệnh ra liền,
Đại binh cử xuống vượt biên phục thù.
Quyết giữ nước nên dù địch mạnh,
Quân Nam không tránh né giao tranh.
Con sông Như Nguyệt nổi danh,
Bên mình chiến thắng, địch đành lui quân.
Đất Quảng Nguyên địch cần phải giữ,
Vì nghe đồn có trữ lượng vàng.

Hai bên cầm cự kỹ càng,
Lâu ngày ý chí rõ ràng giảm suy.(1140)
Để có thể duy trì dũng khí,
Nâng tinh thần tướng sĩ lên cao.
Nhân khi thi hứng tuôn trào,
Tướng quân nhất định nhờ vào vần thơ.
Bài tứ tuyệt ai ngờ hiệu quả,
Làm nức lòng tất cả toàn quân.
Tống binh lại xuống tinh thần,
Địch cho sứ giả phân trần với ta. 

Hai bên chịu giảng hòa cho chóng,
Thỏa lòng dân trông ngóng thanh bình.(1150)
Được voi đem cống triều đình,
Vua Tàu cho lịnh rút binh trở về.
Sau nầy có kẻ chê vua Tống,
Giao Chỉ đem voi cống nên ham.
Quảng Nguyên trả lại nước Nam,
Mất vàng rất tiếc, biết làm sao hơn.
Nước Nam mình sau cơn khói lửa,
Uy thế lên ngang ngửa với Tàu, 

Văn minh xã hội tiến mau,
Nhưng triều Lý lại về sau kém dần.(1160)
Vua chẳng phải minh quân như trước,
Sự hùng cường chẳng được duy trì.
Thần Tông nối tiếp trị vì,
Mười năm mà chẳng có gì đáng khen.
Anh Tông nhỏ chưa quen làm chủ,
Nên tên Đỗ Anh Vũ lộng quyền.
May nhờ có các tôi hiền,
Ra tay kềm chế mới yên triều đình. 

Tô Hiến Thành quên mình vì nước.
Dân ấm no nhờ được công Ông.(1170)
Sau đời vua Lý Anh Tông,
Cao Tông ba tuổi ngôi rồng leo lên.
Tô Hiến Thành không quên nhiệm vụ.
Phụ chính lo mất ngủ quên ăn.
Sức già chẳng ngại khó khăn,
Tài ba nhưng chẳng thể ngăn mệnh trời.
Tô Hiến Thành qua đời dân khóc,
Thương thân ông khó nhọc vì dân. 

Cao Tông chẳng phải minh quân,
Triều đình mục nát, quần thần rối tung.(1180)
Có một lúc khốn cùng đáng ngại,
Loạn xảy ra vua phải trốn đi.
Loạn tan trở lại trị vì,
Một năm sau đó đến kỳ quy tiên.
Thái tử Sam đương nhiên nối nghiệp.
Lý Huệ Tông lên tiếp ngai vàng.
Dành ngôi hoàng hậu cao sang,
Cho bà Trần thị, một nàng rất xinh.

Kể từ đó triều đình chứng kiên,
Ngoại thích Trần hiện diện càng nhiều.(1190)
Thế cờ dần đã xoay chiều,
Họ Trần chiếm biết bao nhiêu quyền hành.
Trần Tự Khánh nhân danh phụ chính,
Cùng Trần Thừa toan tính thay dòng.
Lại thêm Thủ Độ bên trong,
Cả ba đều có một lòng như nhau.
Lý Huệ Tông về sau bệnh hoạn.
Trí óc thường rối loạn hoang mang. 

Cho nên vua chán ngai vàng,
Muốn truyền ngôi để tìm đàng thiền môn.(1200)
Sống trong cung mà hồn vơ vẩn,
Muốn thoát trần thơ thẩn dạo chơi.
Giận mình rồi lại trách trời,
Trai không, gái có hai người đâm lo
Thuận Thiên thì gả cho Trần Liễu,
Chiêu Thánh, thôi đành kiệu lên ngai.
Chiêu Hoàng phận gái bất tài,
Năm sau Thủ Độ bày bài nhường ngôi. 

Triều Lý nay đến hồi kết thúc,
Sử nước mình đến lúc sang trang.(1210)
Hai trăm năm lẻ đăng quang,
Công ơn nhà Lý rõ ràng rất to.
Nền độc lập, tự do xây dựng,
Đến đây thì đã vững lắm rồi.
Các đời sau tiếp đắp bồi,
Để cho nòi giống đâm chồi nở hoa.

LÝ Huệ Tông lánh xa trần thế
Rồi vào chùa kinh kệ quên đời. 

Phật đường Chân Giáo không rời,
Ngoài tai gạt bỏ chuyện nơi triều đình.(1220)

 

(Xem tiếp Phần 10)

You may also like...

Leave a Reply