VN Lịch sử trường thi – Phần 10

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI -PHẦN 10

Các bạn thân mến,

Ở một bài trước, tôi có nói đến công và tội của thái hậu Dương Vân Nga. Kỳ nầy, cần phải xét công và tội của thái sư Trần Thủ Độ.
Cả 2 nhân vật lịch sử trên đều giống nhau ở chỗ diệt một triều đại để đưa một triều đại khác lên thay và đều có phạm vào thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, xét về mức độ thì công tội của Dương Vân Nga kém xa công tội của Trần Thủ Độ.
Về luân thường đạo lý, Dương Vân Nga chỉ không chịu thủ tiết mà lấy chồng lần thứ hai. Còn Trần Thủ Độ bắt Trần Thái Tông phải chính thức và công khai lấy bà chị dâu đã có mang với anh ruột mình. Loạn luân như thế thì trong lịch sử có một không hai. Việc loạn luân lại xảy ra ở nhà vua nên không biết thời đó các nhà đạo đức có còn can đảm giảng dạy luân thường đạo lý nữa hay không.
Mặt khác, Dương Vân Nga, sau khi làm mất ngôi nhà Đinh, không hề có ý tiêu diệt họ Đinh. còn Trần Thủ Độ thì quá tàn ác, bày mưu thâm độc giết toàn bộ tôn thất nhà Lý trong buổi lễ Tiên Hậu, gián tiếp giết Lý Huệ Tông, dù Ngài đã vào chùa tu và xa lánh thế sự. Rồi lại bắt mọi người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn.
Xét về công thì Dương Vân Nga cũng thua xa Trần Thủ Độ. Dựng nên nhà Tiền Lê, Dương Vân Nga chỉ có vai trò thứ yếu là yểm trợ, còn vai trò chính yếu là của đại tướng Phạm Cư Lượng, còn Trần Thủ Độ thì thủ vai đạo diễn duy nhất từ đầu đến cuối trong việc tạo ra triều Trần. Về tầm quan trọng của 2 triều đại mới cũng khác nhau. Nhà Tiền Lê chỉ được một đời vua, thắng được quân Tàu một trận và không mở mang gì được cho xã hội. Nhà Trần kéo dài đến gần 200 năm với hơn 12 đời vua, kể cả hậu Trần, với 3 lần thắng quân Mông Cổ, khiến cả thế giới phải nể phục. Ngoài ra, Trần Thủ Độ cũng góp công lớn vào việc phát triển xã hội làm cho dân được no ấm.
Trong việc chống ngoại xâm, Dương Vân Nga không có vai trò gì cả, nhưng Trần Thủ Độ thì có công rất lớn. Khi Trần Thái Tông tỏ ý nãn lòng trước sức mạnh của Mông Cổ, thì Trần Thủ Độ tâu: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo”. Chỉ riêng với câu nói đó, Trần Thủ Độ cũng xứng đáng đứng vào hàng ngũ anh hùng dân tộc.

Vậy, khi viết về 2 nhân vật lịch sử đặc biệt nói trên, ta phải xét rõ cả công lẫn tội thì mới đạt được sự công bằng.

(TIẾP THEO)

Trần Thủ Độ quả tình ranh mãnh,
Đem cháu mình Trần Cảnh vào cung.
Chiêu Hoàng buộc phải sống chung,
Nhường ngôi, cam chịu phục tùng phu quân.
Lên ngôi vua, triều thần bái yết,
Lê Thái Tông chưa biệt trị vì.
Trẻ thơ mà đã rõ chi,
Thái sư Thủ Độ muốn gì cũng xong.

Vì nhà Trần, dốc lòng tính kỹ,
Diệt triều thần nhà Lý mới yên.(1230)
Mưu sâu cần thực hiện liền,
Đó là dịp lễ Hậu Tiên Lý dòng.
Trước điện thờ đào xong hầm thẳm,
Dưới đáy hầm có cắm chông dài,
Bên trên giấu giếm thật tài,
Làm nhà che phủ chẳng ai nghi ngờ.
Tôn thất Lý đến giờ hành lễ.
Tập trung vào đâu dễ chạy ra. 

Tử thần lưỡi hài chẳng tha,
Mọi người rớt xuống thành ma cả rồi.(1240)
Chôn sống người, chưa thôi toan tính,
Còn Huệ Tông quyết định cho xong.
Cựu vương đang sống thong dong,
Sân chùa nhổ cỏ tấm lòng thảnh thơi.
Thủ Độ đến nói lời quyết liệt,
“Nhổ cỏ thì phải diệt gốc đi”.
Huệ Tông hiểu ý muốn gì,
Vào chùa thắt cổ, tiếc chi thân tàn. 
Với họ Lý thì toàn gây hại,
Với họ Trần thì lại có công.(1250)
Hết lòng giúp đỡ Thái Tông.
Mọi điều triều chính thảy đồng đáng khen.
Về văn học, tập quen rèn luyện,
Mở kỳ thi để tuyển văn gia.
Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa,
Tam khôi khoa bảng đó là tinh anh.
Lại có khoa riêng dành tam giáo,
Thích, Lão, Nho ba đạo phải tinh.

Thái sư Thủ Độ hết mình,
Công lao bù đắp tội tình được không?(1260)
Chuyện Chiêu Thánh cùng chồng chăn chiếu,
Hơn mười năm vẫn thiếu tin mừng.
Thái sư buồn bã quá chừng,
Chuyện Trần kế nghiệp không ngừng phân vân.
Ông nghe nói phu nhân Trần Liễu,
Có rõ ràng dấu hiệu mang thai.
Chẳng cần suy nghĩ dông dài,
Ra tay đánh một quân bài loạn luân. 

Buộc Chiêu Thánh phải tuân đề nghị,
Nhường Thuận Thiên ngôi vị mẫu nghi.(1270)
Giáng làm công chúa tức thì,
Loạn luân như thế không gì ghê hơn.
Khiến Trần Liễu căm hờn khởi loạn.
Nhưng thế cô nuốt oán xin hàng.
Thái Tông lòng dạ xốn xang,
Nén lòng vì quốc nạn đang chất chồng.
Lúc bấy giờ xứ Mông Cổ thịnh.
Chúng khởi binh ý định xâm lăng. 

Phía tây chúng đã san bằng,
Đông nam rồi sẽ cuốn phăng mấy hồi.(1280)
Tấn công Tống thì rồi cùng lúc,
Bảo nước Nam thần phục cho yên.
Thái Tông tức giận bác liền,
Lại còn bắt sứ và truyền cùm chân.
Vua chọn tướng là Trần Quốc Tuấn,
Ông bắt đầu việc huấn luyện binh.
Là nhà quân sự tài tình,
Sau nầy ông được vua mình phong vương. 

Hung Đạo Vương quân thương, tướng mến,
Theo lệnh vua đi đến biên thùy.(1290)
Đắm chìm trong sự nghĩ suy,
Sao cho tránh được mối nguy về mình.
Vua Mông Cổ điều binh xuống đánh,
Đoàn kỵ binh sức mạnh gớm ghê.
Quân mình yếu thế rút về,
Và Thăng Long cũng khó bề giữ yên.
Giặc đến, kinh đô liền thất thủ,
Dân trong thành lãnh đủ họa tai. 

Than ôi, già trẻ gái trai,
Chúng đem giết hết, chẳng ai được chừa! (1300)
Quân Đại Việt cũng vừa chỉnh đốn
Đánh quân Mông nguy khốn dần dần.
Sau cùng giặc phải rút quân,
Bị mình truy đuổi và quần tả tơi.
Giặc tan rồi, nhân dân vui sướng,
Lo làm ăn và hưởng thái bình.
Thái Tông là đấng anh minh,
Ngôi vua nhường lại, con mình lên thay. 

Vua Thánh Tông từ nay minh chủ,
Còn Thái Tông về phủ Thiên Trường, (1310)
Thường xuyên giám sát quốc vương,
Buộc vua chăm sóc bốn phương an hòa.
Thái thượng hoàng cũng là ngôi báu,
Suốt đời Trần con cháu noi theo.
Nên Trần thoát cảnh hiểm nghèo,
Tranh ngôi trước đã họa gieo bao lần.
Vua Thánh Tông lòng nhân và đức,
Với dân, ngài rất mực chăm lo. 

Khiến dân đều được ấm no,
Một phần công sức dành cho triều đình. (1320)
Khi việc nước thực tình quy củ,
Ngài nhường ngôi về phủ Thiên Trường.
Nhân Tông tiếp nối ngôi vương,
Lúc nầy đại họa Bắc phương gần kề.
Toàn nước Tàu đã về chủ mới,
Nhà Tống đi thì tới nhà Nguyên.
Do dòng Mông Cổ cầm quyền,
Với Nguyên Thái Tổ được truyền ngôi vua.

Nhớ năm trước đánh thua Đại Việt,
Nên vua Nguyên nhất quyết phục thù. (1330)
Trưng binh ông mới dự trù,
Quân năm mươi vạn, lương thu thật nhiều.
Trước hết đó là chiêu dụ dỗ,
Sai Sài Thung xuống vỗ về ta.
Bảo rằng Nam nếu muốn hòa,
Thì vua Nam phải đi qua mà chầu.
Vua Nhân Tông, Ngài đâu có dại,
Nên phái Trần Di Ái đi thay. 

Mưu sâu Nguyên chúa cũng hay,
Phong Trần Di Ái từ rày vua Nam. (1340)
Cử Sài Thung đi làm chủ tướng,
Dẫn ngàn quân về hướng Nam phương.
Trần Di Ái được phong vương,
Đưa về làm chủ quê hương của mình.
Nghe tin nầy triều đình nổi giận,
Phái quân lên ngăn chận nghịch thần.
Nam Quan ải mới đến gần,
Sài Thung bị đánh bất thần rút lui.

Bị tên bắn phải đui một mắt,
Di Ái thì bị bắt cầm tù. (1350)

 

(Xem tiếp Phần 11)

You may also like...

Leave a Reply