VN Lịch sử trường thi – Phần 27

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Tập 27

Bài nầy mô tả sơ lược công lao của các nhà cách mạng trong thời kỳ Pháp thuộc:
1/ Phan Đình Phùng,
2/ Cao Thắng,
3/ Hoàng Hoa Thám,
4/ Nguyễn Hữu Huân,
5/ Mai Xuân Thưởng,
6/ Đinh Công Tráng.
7/ Nguyễn Thiện Thuật,
8/ Phan Bội Châu.

(TIẾP THEO)

Lễ nghi chuẩn bị rộn ràng.
Đó là buổi lễ đăng quang cuối cùng. 

Đám triều thần nhìn chung bất lực.
Bị tòa Khâm áp bức triền miên.
Trong khi ở khắp mọi miền,
Nhiều người chống lại cường quyền thực dân.
Cuộc kháng chiến trăm phần khốc liệt,
Gương hi sinh kể xiết được sao. 

Bao người đã hiến máu đào,
Xin nêu vài đấng anh hào nơi đây.(3300)
Phan Đình Phùng, người đầy chí khí,

Suốt đời Ngài chỉ nghĩ đến dân.
Nhớ khi giữa đám quần thần,
Bênh vua Dục Đức, thiệt thân chẳng màng.
Khi Hàm Nghi còn đang lẫn trốn,
Hịch cần vương khắp chốn loan truyền,
Cụ Phan vội đáp ứng liền,
Đứng lên khởi nghĩa trong miền Hương Khê.

Nhiều người giỏi theo về giúp sức,
Cao Thắng là đáng bực hùng anh.(3310)


Từ lâu ông đã nổi danh,
Võ công, bền chí tập tành đáng khen.
Từ thuở nhỏ đã quen lang bạc,
Mười tuổi đầu liên lạc Cờ Vàng.
Lớn lên bẩm tính hiên ngang,
Cần vương nghe hịch tìm đàng đến ngay.
Phan Đình Phùng gặp tay hào kiệt,
Đón mừng như thân thiết từ lâu. 

Họ Cao hai chục tuổi đầu,
Mà gương mặt đã dãi dầu phong sương.(3320)

Nhận thấy quân Cần Vương khó chống,
Với Pháp quân súng ống tối tân.
Nghĩ rằng muốn thắng địch quân,
Bên mình vũ khí phải cần được thay.
Lấy súng địch, nhiều ngày bắt chuớc,
Ít lâu sau thì được thành công.
Ngắm xem một khẩu súng đồng, 
Do mình sản xuất, thực không ai ngờ. 

Sức chiến đấu bây giờ thêm mạnh,
Địch nhiều nơi bị đánh thua to (3310)

Mười năm thế trận dằng co,

Nhưng rồi một phút rủi ro khốn cùng.
Trên chiến địa, anh hùng gục ngã,
Đành mang theo chí cả về trời.
Tin buồn loan đến mọi nơi,
Nghĩa quân rơi lệ tơi bời tâm can.
Nghe tin dữ cụ Phan đau đớn,
Thề giữ gìn chí lớn của Ngài. 

Nghiến răng vũ lộng thần oai,
Đánh cho giặc Pháp chạy dài nhiều phen.(3340)
Cụ tìm đến tên hèn phải bội,
Đó là thằng có tội khó tha.
Tên Trương Quang Ngọc quỷ ma,
Nghĩa quân xử tử quả là công minh.
Giặc tăng quân, cố tình tiêu diệt,
Khiến nghĩa quân suy kiệt rõ ràng.
Rút lui về núi Vụ Quang,
Không đường tiếp tế, ngày càng nguy nan. 

Rồi trong một trận càn ác liệt,
Pháp quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân.(3350)
Cụ Phan trúng đạn từ trần,
Than ôi, đau đớn cho dân tộc mình!
Cụ chết đi, hương linh vẫn sống,
Bay khắp nơi kích động lòng dân.
Một người tụ họp gom nghĩa quân,
Cụ Hoàng Hoa Thám dần dần nổi lên.


Quyết chống Pháp, chí bền, tâm vững.
Ba mươi năm chịu đựng gian lao. 

Cụ Hoàng đáng mặt anh hào, 
Hùm Thiêng Yên Thế xiết bao oai hùng.(3360)
Thực dân Pháp đã dùng đủ chuớc,
Vẫn không khuất phục được Hùm Thiêng.
Quyết theo mục đích thiêng liêng,
Đó là bẻ gãy xích xiềng thực dân.
Pháp đem hơn vạn quân tiến đánh,
Nghĩa quân thua, Cụ lánh vô rừng.
Pháp truy đuổi Cụ không ngừng,
Đến khi Cụ mất mới dừng hành quân.

Trong Nam, Nguyễn Hữu Huân xuất hiện,


Thành lập khu kháng chiến chống Tây.(3370)
Nhưng rồi bị địch bao vây,
Hùm đành thất thế giữa bầy sài lang.
Kẻ anh hùng không hàng quân giặc,
Ái quốc thì phó mặc tù đày.
Mười năm ngậm đắng nuốt cay,
Cam lòng chịu đựng chờ ngày được tha.
Ngay sau khi bước ra khỏi khám,
Lòng lại càng can đảm hơn xưa.

Bây giờ kinh nghiệm có thừa,
Lại thêm vũ khí ngoài đưa giúp mình.(3380)
Vùng Bến Tranh hưng binh khởi nghĩa,
Nhưng giặc đà tứ phía bao vây.
Cụ đành bị bắt nơi đây.
Vài ngày sau đó bị Tây hành hình.
Vùng Bình Định dân mình nhớ tưởng,
Anh hùng Mai Xuân Thưởng kiên cường.

Lăng Mai Xuân Thưởng

Chiêu quân theo hịch Cần vương.
Đánh nhiều trận khiến đối phương hãi hùng.

Binh lính ông vô cùng dũng cảm,
Bị địch quân vây hãm quá đông.(3390)
Chúng dùng nhiều mũi tấn công,
Khiến cho phòng tuyến của ông tan tành.
Bị thương tích, ông đành bỏ trốn,
Rồi sa cơ ở chốn ẩn mình.
Pháp trường ông bị hành hình,
Thân thành cát bụi, hương linh trường tồn.
Đinh Công Tráng, quê thôn Trinh Xá,
Đất Hà Nam, thuộc xã Thanh Tân, 

Những gì còn sót lại của cổ thành Đinh-Công-Tráng.

Cần Vương, ông đã dấn thân.
Ba Đình là chỗ đóng quân của mình.(3400)
Từ căn cứ dẫn binh phục kích,
Những đoàn xe của địch ngang qua. 
Cướp lương nuôi dưỡng quân ta,
Chủ trương như thế thiệt là quá hay.
Đại quân Pháp ra tay đánh dẹp.
Lực lượng to đè bẹp nghĩa binh.
Ông đành phải bỏ Ba Đình,
Rút về rừng núi ẩn mình dưỡng quân. 

Rồi quân Pháp bất thần đột kích,
Quân của ông bị địch bao vây.(3410)
Thương thay, chính ở trận nầy,
Anh hùng trúng đạn của Tây từ trần.
Nguyễn Thiện Thuật xuất thân quan lại.

Nguyễn Thiện Thuật

Pháp xâm lăng, ông phải lên đường.
Tham gia khởi nghĩa Cần vương,
Mọi người phục tính can cường của ông.
Dùng chiến thuật tấn công du kích,
Ông thường làm quân địch hoảng kinh. 

Chiến khu Bải Sậy đóng binh,
Là vùng lau lách bùn sình khắp nơi.(3420)
Sau bốn năm, ông rời Bãi Sậy,
Sang Trung Hoa nhờ cậy viện binh.
Nhưng rồi bị bịnh thình lình,
Trở về đến đất Nam Ninh lìa trần.
Phan Bội Châu yêu dân tha thiết,
Nên thường tìm hào kiệt kết giao.
Lòng ông luôn vẫn ước ao,
Giúp dân thoát cảnh lao đao cùng bần. 


Ông chủ trương canh tân đất nước,
Để quê hương mình được hùng cường.(3430)

 

(Xem tiếp Phần cuối 28)

You may also like...

3 Responses

  1. Vo Chieu says:

    VCH xin cám ơn Ban Lịch Sử và SM Ngọc Hạnh đã trường kỳ kháng chiến để đăng tải bộ Trường Thì này

  2. VoChieu K1 says:

    Và cám ơn Tư Trí đã chuyển bộ trường thi này qua Website TrungHocThuDuc.com
    Thật là công đức vô lường

  3. Tri Nguyen says:

    Công đức vô lường ở đây là của thầy Võ Phá đó ĐSH ơi.

Leave a Reply