VN Lịch sử trường thi – Phần 26

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 26

Thời kỳ Pháp thuộc là giai đoạn cuối cùng của tác phẩm Việt Nam Lịch Sử Trường Thi. Ở thời kỳ nầy, các bộ sử văn xuôi thường rất rườm rà vì các sự kiện quá nhiều lại được trình bày theo thứ tự thời gian làm cho độc giả khó nhớ.
Vì vậy tôi buộc lòng phải giản lược đi rất nhiều, chỉ giữ lại những sự kiện thực cần thiết và phân ra thành hai nhóm:
1/ Các triều vua nhà Nguyễn, chú trọng đến 3 vị vua yêu nước: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Những vua khác, kể cả vua Bảo Đại, chỉ nói sơ qua. Phần nầy được gói gọn trong bài 26 mà tôi đang gởi cho các bạn hôm nay.
2/ Cuộc kháng chiến chống Pháp bên ngoài triều đình Huế, với những cuộc khởi nghĩa của khoảng 15 chí sĩ mà tôi cho là đáng chú ý hơn cả. Tôi rất tiếc không thể mô tả nhiều hơn vì khung khổ hạn hẹp của bài trường thi nầy, xin các bạn vui lòng thông cảm cho. Phần nầy sẽ được trình bày với 2 bài 27 và 28 để kết thúc trường thi.

(TIẾP THEO)

Cũng chỉ định ba ngài phụ chính,
Sẽ giúp vua toan tính chính trường.
Một là ngài Nguyễn Văn Tường,
Có tài khá giỏi trên đường ngoại giao.
Ông cũng rất khát khao quyền lực,
Và bản thân đạo đức đang chê.
Hai, Tôn Thất Thuyết thực ghê,
Giết người như ngóe là nghề của ông.
Nhưng đáng khen là không theo Pháp,
Ách thực dân muốn đạp cho nhanh. (3130)

Ba là Trần Tiễn tên Thành,
Một quan phụ chính nổi danh ôn hòa.
Sau lễ tang, cả ba nhất trí,
Đồng lòng đem chiếu chỉ đổi thay.
Hạ vua Dục Đức xuống ngay,
Lý do thất lễ trong ngày quốc tang.
Cả triều đình bàng hoàng bối rối,
Phan Đình Phùng phản đối bị giam.
Và rồi mất chức đành cam,
Các quan sợ hãi phải làm thinh luôn. (3140)

Giam Dục Đức, về sau bức tử,
Em Dực Tông được cử lên ngai.
Hiệp Hòa là hiệu của ngài.
Định làm giảm bớt quyền hai lộng thần.
Trần Tiễn Thành cũng nhân cơ hội,
Vì từ lâu chống đối Thuyết, Tường.
Lộ mưu dẫn đến tai ương,
Vua tôi đành để Diêm vương gọi rồi.
Đưa Dưỡng Thiện lên ngôi cửu ngũ,
Làm mẹ Ngài ủ rũ khóc than. (3150)

Thuyết, Tường thì quá hung tàn,
Lên ngôi số mệnh bất an không bền.
Lấy Kiến Phúc làm tên niên hiệu,
Sáu tháng sau kết liễu cuộc đời.
Dân gian đâu cũng kêu trời.
Ngôi vua sao lại thành nơi tử thần?
Kiến Phúc băng, lòng dân ngao ngán,
Nhưng Thuyết, Tường không chán bao giờ.
Chọn ngay Ưng Lịch trẻ thơ,
Mới mười hai tuổi còn khờ biết chi. (3160)

Hoàng đế Hàm Nghi ( 3 tháng 8 năm 1871 – 4 tháng 1 năm 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam xem ông, cùng với các vua chống Pháp Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.
Ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie). Ông qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.

Đặt niên hiệu Hàm Nghi đúng lệ,
Khâm sứ sang làm lễ phong vương.
Lớn lên tướng mạo đường đường.
Tướng vua có nét can cường oai phong.
Thấy triều đình sống trong áp bức,
Nghe trong lòng căm tức dâng trào.
Nhìn dân thương biết là bao,
Nỗi buồn nô lệ nói sao cho cùng.
Hai phụ chính cùng chung tâm trạng,
Nên thường xuyên tỏ dáng bất bình. (3170)

Nhiều khi giữa chốn triều đình,
Thư Khâm sứ Pháp đệ trình không xem.
Súng thần công lại đem bố trí,
Đạn dược thì chuẩn bị dồi dào.
Cửa thành lính tráng ra vào,
Làm cho Khâm sứ xiết bao nghi ngờ.
Thấy tình hình có cơ nguy biến,
Pháp tăng quân cho tiện đề phòng.
Bên mình chuẩn bị vừa xong,
Nửa đêm nổ súng suốt trong nhiều giờ. (3180)

Pháp chịu đựng và chờ rạng sáng,
Lúc bình minh lính tráng tràn sang.
Bên mình yếu thế rõ ràng,
Quan quân đành phải tìm đàng rút đi.
Thuyết rước vua Hàm Nghi bỏ chạy.
Nguyễn Văn Tường ở lại đầu hàng.
Ngày nào hách dịch ngang tàng,
Thì nay thân phận bẽ bàng lắm thay.
Ít lâu sau bị đày biệt xứ,
Một vết nhơ trong sử nước mình. (3190)

Bây giờ ở đất thần kinh, 
Vua đà trốn mất, triều đình vắng teo.
Một số quân đi theo hộ giá,
Còn lại thì đã ngã theo Tây.
Tòa Khâm bảo những người nầy,
Tìm người hoàng phái về đây kế vì.
Các quan mình tức thì tìm được,
Ông Chánh Mông kiệu rước về liền.
Đó là Đồng Khánh vua hiền,
Lên ngôi vua tránh làm phiền tòa Khâm. (3200)

Vua Đồng Khánh 19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889, miếu hiệu Nguyễn Cảnh Tông là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Thụy hiệu của ông là Hoằng Liệt Thống Thiết Mẫn Huệ Thuần Hoàng Đế 

Vua Hàm Nghi âm thầm di chuyển,
Với trăm quân tình nguyện hi sinh.
Ẩn trong vùng núi Quảng Bình,
Nhà vua truyền hịch, dân tình sục sôi.
Vì yêu nước, rời ngôi phú quý.
Tình cảnh vua dân nghĩ mà thương.
Thế nên nghe hịch cần vương,
Khắp nổi nổi dậy theo gương vua mình.
Nhưng tên Nguyễn Đình Tình phản bội,
Đã gây nên tội lỗi khó dung. (3210)

Cùng Trương Quang Ngọc mưu chung,
Nửa đêm dẫn bọn tùy tùng bắt vua.

Tôn Thất Thiệp nghe khua binh khí,

Nhảy ra xem thì bị đâm liền. Thương thay một đấng tôi hiền,

Dâng vua trọn tuổi hoa niên của đời.

Tôn Thất Đạm đóng nơi Hà Tĩnh,

Nghehung tin, quyết định bãi binh.

Cho quân về lại quê mình,

Còn ông tự vẫn, trọn tình với vua. (3220)
Đày vua xong, Pháp xua quân diệt,
Phái Cần vương suy kiệt dần dần.
Trong triều Đồng Khánh từ trần.
Con vua Dục Đức, Bửu Lân được mời.
Các quan triều đến nơi ngục thất,
Bửu Lân đang sống mất tự do.
Nghe tin bà mẹ buồn xo.
Con lên ngôi báu, mẹ lo mới kỳ. 

Vua Thành Thái (14 tháng 3 năm 1879 – 24 tháng 3 năm 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Do chống Pháp nên ông, cùng với các vua Hàm Nghi và Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc bị đi đày tại ngoại quốc.

Buổi đăng quang, lễ nghi không thiếu,
Thành Thái là vương hiệu nguyên niên.(3230)
Còn thơ, vua sống bình yên,
Dần dà khôn lớn, lòng phiền phát sinh.
Vua nhận thấy nước mình bị trị.
Nên nổi lên ý chí quật cường.
Đau buồn vì thấy quê hương,
Quân thù giày xéo, xót thương vô ngần.
Lòng uất hận chẳng cần che dấu,
Chung quanh Ngài kẻ xấu lại nhiều, 

Cho nên không khí trong triều,
Nhà vua cảm thấy tiêu điều thê lương.(3240)
Khi vua định tìm đướng cứu nước,
Thì tòa Khâm biết trước cản ngay.
Bây giờ Pháp mới ra tay,
Buộc vua thoái vị để thay ngôi trời.
Bắt giam vua một nơi kín đáo,
Rồi sau đày sang đảo xa xôi.
Nhà vua ái quốc đi rồi,
Sông Hương, Bến Ngự, dân ngồi nhớ thương.

Sau khi truất ngôi vương Thành Thái,
Người kế vì cần phải ngây thơ.(3250)
Vĩnh San mười tuổi còn khờ.
Duy Tân, tên chọn vào giờ đăng quang.

Vua Duy Tân ( 19 tháng 9, 1900 – 26 tháng 12, 1945) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), sau vua Thành Thái. 1916 ông bị đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương. Ngày 24 tháng 4 năm 1987, thi hài ông được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại Lăng Dục Đức, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái.

Khi lớn lên hiên ngang khí phách,
Tinh thần cùng tính cách như cha.
Đau lòng nhìn thấy dân ta.
Sống đời nô lệ thực là thảm thương.
Vua đã gặp trên đường du lịch,
Những người theo mục đích đuổi Tây.

Với bầu nhiệt huyết tràn đầy,
Họ mong đất nước rồi đây huy hoàng.(3260)
Tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội,
Có cử người móc nối với Ngài,
Thái Phiên, lãnh tụ có tài,
Trần Cao Vân cũng đáng vai anh hùng.
Họ gặp nhau vì chung chí hướng,
Và cùng chung tư tưởng bạo hành.
Định ngày phát động đấu tranh,
Là ngày cương quyết phải giành tự do. 

Nhưng bất ngờ họa to tai hại,
Cuộc đấu tranh thất bại hoàn toàn.(3270)
Là vì tất cả mưu toan,
Bị thằng phản bội trong đoàn báo Tây.
Pháp đem lính bao vây bắt hết,
Nhiều người bị giết chết, thảm thay!
Duy Tân trốn được vài ngày,
Cuối cùng Pháp bắt đem đày đảo xa.
Đọc trang sử, xót xa trong dạ,
Vua thương dân tai họa đành mang. 

Tiếc chi một chiếc ngai vàng,
Chỉ mong tìm cảnh vinh quang nước nhà.(3280)
Lên nối ngôi đó là Khải Định.
Một nhà vua có tính ham chơi.
Mặc cho áp bức khắp nơi,
Phần vua chỉ biết chơi bời sướng thân.
Và mặc dầu xa gần chê trách,
Vua vẫn theo cung cách xa hoa.
Tiền dân chẳng biết xót xa,
Cứ lo lễ lạt, tiêu pha đã đời.

Sau mười năm phải rời trần thế,
Bảo Đại lên thay thế ngai vàng.(3290)
Bảo Đại ( 22 tháng 10, 1913 – 31 tháng 7, 1997) là vị Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Đúng ra “Bảo Đại” chỉ là niên hiệu nhà vua nhưng tục lệ vua nhà Nguyễn chỉ giữ một niên hiệu nên nay thường dùng như là tên nhà vua. Ông đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của đế quốc Việt Nam (3/1945) và quốc gia Việt Nam (7/1949)

 

(Xem tiếp Phần 27)

You may also like...

Leave a Reply