VN Lịch sử trường thi – Phần 25

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 25

Triều đại Tự Đức rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam . Tự Đức là vị vua rất thông minh và siêng năng, nhưng tiếc rằng không chịu mở mắt để nhìn ra thế giới, vô tình đẩy nước ta vào vòng đô hộ của người Pháp gần một thế kỷ. Phải chi vua Tự Đức sáng suốt như Minh Trị Thiên Hoàng của nước Nhật thì ngày nay chúng ta đứng vào hàng cường quốc của thế giới. Dân Việt nam thông minh, khéo tay, chịu khó và yêu nước có thua người Nhật đâu. Đáng tiếc thay, đáng tiếc thay!

Để tránh sự rườm rà cho trường thi, tôi không mô tả tỉ mỉ tất cả những trận đánh giữa quân Pháp với quân ta và quân Tàu mà chỉ cố gắng trình bày những sự kiện dẫn đến nền bảo hộ của Pháp trên đất nước ta. Nếu các bạn muốn hiểu rõ những chi tiết, xin tìm đọc các bộ sử bằng văn xuôi.

(TIẾP THEO)

Đó là đụng độ trước tiên,
Mở đầu cuộc chiến triền miên sau nầy.

Vua Hiến Tổ sau ngày tạ thế,
Vua Dực Tông thừa kế ngai vàng.
Lấy tên Tự Đức đăng quang,
Thông minh, chữ nghĩa giỏi giang hơn người.
Ở ngôi tôn, không rời chữ hiếu,
Với mẫu hoàng không thiếu phận con.
Tinh thần cổ hủ vẫn còn,
Với tình hình mới, khó tròn phận vua. (3020)

Hoàng đế Tự Đức (22 tháng 9, 1829 – 19 tháng 7, 1883) (tên sinh thành Nguyễn Dực Tông) là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883.
Thiệu Trị trước lúc qua đời, đã để di chiếu truyền ngôi cho ông. Bấy giờ ông mới 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái. Đến tháng 10 năm 1847, ông chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên-hiệu là Tự Đức, bắt đầu từ năm sau là 1848. Khi Tự Đức lên cầm quyền, triều đình vẫn cai trị tuân theo phong cách Nho giáo.

Cả thế giới tranh đua tiến bộ,
Thì xứ mình cổ lỗ đáng chê.
Có người xuất ngoại trở về,
Muốn đem tiến bộ cho quê hương mình.
Nhưng đụng phải triều đình lạc hậu,
Nhất mực cho người xấu, mình hay.
Văn minh khoa học ngày nay.
Các quan cứ bảo thua ngày xa xưa.
Lòng tự tôn vẫn chưa chịu bỏ,
Xem Tây phương như cỏ rác thôi. (3030)

Nước thì tiếp tục suy đồi,
Trong triều đa số cứ ngồi ngâm thơ.
Việc cấm đạo bây giờ rât gắt,
Giáo sĩ thì bị bắt cũng nhiều.
Nhưng mà họ vẫn cứ liều,
Dù thân phải chịu bao điều nguy nan.
Vì chính sách bạo tàn như thế,
Nên phương Tây đâu dễ bỏ qua.
Thế là chiến sự nổ ra,
Y Pha Nho với Pháp là đồng minh. (3040)

Đem tàu chiến và binh hai nước,
Đánh Quảng Nam chiếm được hai thành.
Pháo vào Đà Nẵng tan tành,
Quân mình hoảng sợ phải đành rút đi.
Pháp thiết lập thành trì chiếm cứ,
Và cử quan trấn giữ vừa xong,
Đoàn tàu lại hướng đàng trong,
Chiếm vùng trù phú, đề phòng cạn lương.
Thủy quân nhắm thẳng đường đã định,
Rồi băng ngang qua vịnh Cần Giờ. (3050)

Xuôi dòng Xoài Rạp, cặp bờ,
Nhắm thành Gia Định bất ngờ tấn công.
Địch quá mạnh, mình không chịu nổi,
Quân giữ thành phải vội rút đi.
Nhưng mà các tướng chỉ huy,
Thảy đều tự tận, kể chi mạng mình.
Pháp nhận thấy tình hình rất tốt.
Để đem quân chiếm nốt Nam Kỳ.
Từ thành Gia Định kéo đi,
Kỳ Hòa tiến đánh, tức thì thắng to. (3060)

Sau Kỳ Hòa, Mỹ Tho bị mất,
Rồi Biên Hòa cũng thất thủ ngay. 
Miền Đông ba tỉnh từ nay,
Được quan Pháp đến để thay quan mình.
Vào lúc đó, triều đình quyết định,
Phải giữ gìn ba tỉnh miền Tây.
Giao Phan Thanh Giảng việc nầy,
Thấy quân Pháp tập trung đây thực nhiều.
Lão thần xét mọi điều bất lợi.
Kẻ thù đầy khí giới tối tân. (3070)

Đánh thì mình chết nhiều quân,
Mà rồi bại trận trăm phần không sai
Trằn trọc suốt đêm dài suy tính,
Cụ Phan bèn nhất định giao thành,
Cuối cùng, bảo trọng thanh danh,
Một liều thuốc độc, cụ đành quyên sinh.
Suốt cuộc đời tận tình vì nước,
Sống thanh liêm và được dân thương
Buồn thay gặp buổi nhiễu nhương.
Vận nhà đến thế, biết đường nào đi. (3080)

Chiếm xong hết Nam Kỳ lục tỉnh,
Nhưng Pháp quân chưa tính dừng chân.
Nên chi lực lượng hải quân,
Tiến ra Hà Nội, hai lần tấn công.
Cả hai lần mình không chịu xiết,
Quan giữ thành đành biệt cõi dương.
Lần đầu là Nguyễn Tri Phương,
Lần sau Hoàng Diệu cùng đường mà đi.
Pháp nhất định Bắc Kỳ chiếm nốt.
Triều đình thì hoảng hốt, rối ren. (3090)

Phải nhờ bọn giặc cờ đen,
Của Lưu Vĩnh Phúc đã quen chiến trường.
Rồi nhờ cả Bắc phương gíup đỡ,
Trong khi Tàu đang sợ phương Tây.
Thanh triều cũng đợi dịp nầy,
Lý do xâm lược thì đây có rồi.
An nam quốc đâu xa xôi quá,
Địa thế thì có lạ gì đâu.
Bây giờ bọn chúng đang cầu, 
Mình không đáp ứng, để lâu mất phần. (3100)

Triều đình Thanh gom quân nhanh chóng,
Và xua sang chiếm đóng nhiều nơi.
Nước nhà thêm cảnh rối bời,
Tây Tàu sát phạt tả tơi dân mình.
Bên xứ Tàu tình hình lụn bại
Nên quân Tàu đành phải xin hòa.
Nhận quyền đô hộ nước ta,
Nay do Pháp quốc chính là chủ nhân.
Chia Việt Nam ba phần phân cách,
Mỗi phần một chính sách riêng mình. (3110)

Trung Kỳ còn có triều đình,
Nhưng khâm sứ Pháp thực tình chỉ huy.
Đất nước đang thời kỳ biến động.
Vua Dực Tộng thốt bỗng băng hà.
Đời vua băm sáu năm qua,
Nay nền tự chủ nước ta đâu còn. (3096)

Vua Dực Tông không con nuôi cháu,
Chọn một người ngôi báu sẽ truyền.
Lớn là Dục Đức không hiền,
Nhưng là luống tuổi được quyền lên ngai. (3120)

 

(Xem tiếp Phần 26)

You may also like...

Leave a Reply