VN Lịch sử trường thi – Phần 4

 

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – PHẦN 4

Các bạn thân mến,
Cách nay khá lâu, có một lần tình cờ đọc được một đoạn lịch sử và nhận thấy tác giả đã cố tình bóp méo sự thật, tôi bực tức quá làm một bài thơ, sau đó hết bực tức, sống thanh thản trở lại. Những người tu theo Đạo Phật, khi muốn buông xả thì niệm Bồ tát, còn tôi, muốn buông xả thì làm một bài thơ.
Bài thơ lúc đó như thế nầy:

(NGUYÊN TÁC)                      (PHIÊN ÂM)
史 學 之 功 用         SỬ HỌC CHI CÔNG DỤNG
愛 國 成 由 學 史 科    Ái quốc thành do học sử khoa,
史 須 分 辨 正 殊 邪    Sử tu phân biện chính thù tà.
史 家 一 切 遵 誠 事    Sử gia nhất thiết tuân thành sự,
若 話 謊 言 僞 史 家     Nhược thoại hoang ngôn, ngụy sử gia.

(DỊCH THƠ)
CÔNG DỤNG MÔN SỬ HỌC
Sử học dạy ta yêu nước nhà,
Sử cần phân biệt chính cùng tà.
Sử gia phải có lòng thành thật,
Cố nói điều sai, ngụy sử gia.

Trong thương trường, người ta có thể nói sai sự thật đi để kiếm sống, đôi khi thông cảm được, nhưng ở lịch sử, nói sai sự thật thì không thể tha thứ trong bất cứ trường hợp nào.
Sự thật lịch sử là duy nhất nhưng khi hành văn để diễn tả thì buộc phải có sự khác nhau giữa hai lập trường của người bị trị và kẻ xâm lược. Cùng nói về một nhân vật đã tạo nên chiến công quan trọng, phía nầy gọi là anh hùng còn phía kia gọi là tên giặc. Cùng một sự kiện chinh phục đất đai, phía nầy gọi là mở mang bờ cõi, phía kia gọi là xâm lăng.
Vì thế, người Việt Nam, khi viết sử nước mình, tác giả buộc phải có lập trường chung của dân tộc Việt.
Tuy nhiên, khi đọc ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA, nhiều khi tôi không hiểu nổi ông Lê Ngô Cát đứng trên lập trường nào. Thì dụ, ở phần mô tả cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, tôi rất ngạc nhiên về câu thơ sau đây:
“Nữ nhi chống với anh hùng được nao?”
Nữ nhi, nghĩa nôm na là “con nhỏ” được dùng để chỉ Bà Trưng của Việt Nam. Anh hùng, có nghĩa là người đàn ông có tài dức, có công với Tổ quốc, xứng đáng để toàn dân biết ơn, thì được dùng để chỉ tướng Mã Viện của Tàu.
Thiệt không hiểu nổi!
Rồi khi Mã Viện dựng cột đồng với 6 chữ xấc xược “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, chỉ cốt làm nhục dân tộc ta thì Lê tiên sinh gọi là để ghi công trạng của viên tướng Tàu! Công trạng xâm lăng của Tàu hay công trạng làm nhục đân tộc Việt Nam?
Thiệt không hiểu nổi!
Rồi đến phần sau, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chỉ được Lê tiên sinh ghi vỏn vẹn với 8 câu thơ, trong khi đó cuộc cai trị của quan Tàu thì được mô tả tỉ mỉ với 60 câu thơ, trong đó tôi đếm sơ sơ được đến 45 tên của các quan thái thú và thứ sử mà vua Tàu cử sang để đè đầu đè cổ dân mình. Không biết Lê tiên sinh đang viết sử Việt Nam hay sử Tàu.
Đến khi mô tả vị anh thư Triệu thị Trinh thì tiên sinh phán 2 câu thơ:
Cửu Chân có ả Triệu kiều,
Vú dài ba thước, tài cao muôn người.

Bà Triệu là một nữ tướng đã làm cho quân sĩ của Tàu khốn đốn trong 6 tháng trường. Tàu căm tức và xấu hổ lắm nên gọi Bà là Triệu Ẩu. Ẩu 嫗 là “con mụ già” nói theo tiếng miền Trung hay là “con mẹ già”, nói theo tiếng miền Nam. Và hơn nữa, sử Tàu còn mô tả Bà như mụ phù thủy, với vú dài đến ba thước, nhiều trận rượt đuổi quân Tàu chạy dài. Sử gia Tàu muốn nói với hậu thế rằng lúc đó không phải quân của họ thua một vị anh thư của địch mà thua một mụ phù thủy với nhiều pháp thuật!
Về phần mình, Lê tiên sinh gọi vị nữ anh hùng cùa chúng ta là ả Triệu kiều. “Ả” là tiếng người Bắc dùng để nói về đứa con gái với ý nghĩa nghiêng về xem thường hay khinh khi. Còn “kiều” 嬌 thì có nghĩa là con gái đẹp, ẻo lã, thướt tha. Thế mà đứa con gái đẹp, ẻo lã, thướt tha đó lại có cái vú dài đến 3 thước, và có tài sức địch được 10 ngàn người!
Thiệt không thể hiểu nổi tại sao tiên sinh lại có thể bất kính với vị nữ anh hùng mà chính vua Nam Đế nhà Tiền Lý cho lập miếu thờ và sắc phong là “Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân” 弻正英烈雄才貞壹夫人.
Đó chỉ mới đoạn đầu của lịch sử đã có lắm điều đáng trách như thế rồi.
Ở các đoạn sau, tôi cũng gặp những chi tiết khó chấp nhận được. Thí dụ, đạo đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã bị bôi nhọ từ một câu chuyện yêu đường từ thời Ngài mới lên 20 tuổi:
Thiên Thành công chúa vu quy,
Sao Trần Quốc Tuấn cướp đi cho đành.

Lúc nhỏ Trần Quốc Tuấn sống trong cung vua, đã cùng công chúa Thiên Thành, con gái vua Trần Thái Tông yêu nhau tha thiết. Hai người nhất định vượt qua hoàn cảnh éo le và cuối cùng được triều đình công nhận là vợ chồng, sống hạnh phúc với nhau đến cuối cuộc đời, sinh được 4 người con trai đều là tướng tài, lập được nhiều chiến công và đều được phong đến tước vương, cùng 2 người con gái, một là vợ của vua Trần Nhân Tông và một là vợ của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Câu chuyện tình ở thời trai trẻ của Hưng Đạo Đậi Vương không hề được các sử gia nhắc đến vì tất cả các trang sử phải được dùng kể lại quá nhiều chiến công vô vùng oanh liệt của Ngài và công ơn to lớn của Ngài đối với dân tộc Việt Nam và các dân tộc toàn vùng Đông Nam Á nữa. Không có Ngài, chắc chắn Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á bị nghiền nát dưới vó ngựa của quân Mông Cổ. Không hiểu tại sao, với bộ sử bằng thơ lục bát quá sơ lược, ông Lê Ngô Cát lại cố tình nêu lên và bóp méo một chuyện tình, có tác dụng làm giảm uy danh của vị đệ nhất anh hùng của dân tộc mình.
Viết đến đoạn cuối của tác phẩm, Lê tiên sinh cũng không tha cho các anh hùng của dân tộc. Quân Tây Sơn thì tiên sinh gọi là “giặc”. Vua Quang Trung thì tiên sinh gọi trổng bằng chữ “Huệ” và bằng:
Ngụy Tây vốn kẻ hung tà.
Trong khi đó thì tiên sinh gọi tên tướng Tàu Tôn Sĩ Nghị là “Tôn công” tức là Ngài họ Tôn:
Tôn công quân lệnh túc thanh,
Tơ hào chẳng phạm, tấm thành cũng phu
Nghĩa là: Ngài họ Tôn lệnh cho quân sĩ (Tàu) phải thanh liêm, không được lấy của dân một đồng xu và đối xử với dân (Việt Nam) bằng tấm lòng thành thật, minh bạch, đáng tin cậy. Rõ ràng, tiên sinh đã mạt sát vua Quang Trung thậm tệ và bốc thơm Tôn Sĩ Nghị lên tận mây xanh.
Thật không thể hiểu nổi!
Ngoài nội dung có nhiều chỗ đáng phiền trách như đã kể một cách sơ lược như trên, thơ luc bát cùa tiên sinh phần lớn cũng quá bí hiểm, rất nhiều đoạn tôi không hiểu tiên sinh muốn nói gì.
***
Nhớ lại, khi quyết định viết VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI, tôi không có ý định phê phán ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA, nhưng khi nhập cuộc rồi, tôi không cưỡng được ý muốn nói toạc ra mọi ý nghĩ của mình về một tác phẩm được xem là sử thi duy nhất cho đến ngày nay. Nói ra những ý nghĩ thầm kín nầy, tôi cũng có phần ái ngại, nhưng dù sao cũng giúp tôi thêm nghị lực để hoàn thành tác phẩm của mình. Tác phẩm nầy có được xã hội chấp nhận hay không thì đó là chuyện về sau, để hạ hồi phân giải.

Thôi bây giờ mời các bạn xem tiếp bài thứ tư của tác phẩm Việt Nam Lịch Sử Trường Thi.

Dẫu cho sông cạn đá mòn.
Mối thù giặc cướp vẫn còn trong tim. 

Nhân dân mình lại chìm biển khổ,
Bị Bắc phương siết cổ đè đầu.
Trở về thân phận ngựa trâu,
Tương lai mờ mịt còn cầu mong chi.
Bọn quan Tàu cực kỳ tàn ác,
Lòng tham lam chẳng khác yêu tinh.
Ra tay bóc lột dân mình,
Gom vàng gom bạc để rinh về Tàu.(420)
Bắt dân lên núi cao rừng thẳm,
Đem tấm thân chịu lắm gian nguy. 

Ngà voi phải có đúng kỳ,
Rồi sừng tê giác cố đi mà tìm.
Ra biển cả lặn chìm xuống đáy,
Mò ngọc trai và lấy san hô.
Suốt ngày thân thể lõa lồ,
Chiều về một chút cơm khô đỡ lòng.
Người thức thời thường mong biến động,
Để may ra cuộc sống đổi thay.(430)
Cho nên theo dõi hàng ngày,
Để xem phương Bắc đang bày trò chi. 

Nước Trung Hoa đang kỳ ly loạn,
Hán triều rơi vào đoạn diệt vong
Đồng bào cùng giống cùng dòng,
Người Tàu lại cứ đành lòng giết nhau.
Thục, Ngô, Ngụy lao vào chiến cuộc,
Nước Việt mình lệ thuộc Đông Ngô
Sống trong tâm trạng mơ hồ,
Người dân hi vọng cơ đồ khá hơn.(440)
Đáng thương thay một cơn ảo vọng,
Tội cho dân trông ngóng Ngô triều. 

Đâu dè nỗi khổ càng nhiều,
Với Ngô thêm cả vạn điều đắng cay.
Khi tức nước có ngày bờ vỡ,
Nơi vỡ bờ là ở Cửu Chân.
Đứng lên huy động nhân dân,
Anh em họ Triệu tuyển quân trong vùng.
Anh Quốc Đạt hợp cùng em gái,
Triệu thị Trinh, nữ lại hơn nam.(450)
Trinh Nương quyết đuổi quân tham.
Liều thân cốt để nước Nam huy hoàng.

Bà Triệu

 

Khi ra trận, giáp vàng rực rỡ,
Ngồi trên voi xem tợ nữ thần.
Nhụy Kiều lấy hiệu tướng quân,
Ai ngờ là phận hồng quần thế kia!
Hai mươi tuổi đã lìa khuê các,
Nguyện cứu dân ghi tạc trong lòng.
Bà rằng: “Đạp sóng biển Đông,
“Chém kình làm rạng giống dòng người Nam.(460)
“Chớ có đâu chịu làm tì thiếp,
“Phải khuất thân chịu kiếp ươn hèn”. 

Lời Bà rõ thật đáng khen,
Nam nhi mấy kẻ dám chen vai cùng.
Ngàn binh sĩ thề chung chiến đấu,
Vẫn bền lòng cho dẫu gian nguy.
Quân Tàu những đứa gan lỳ,
Gặp Bà không chạy lắm khi bay đầu.
Tên Lục Dận, Giao Châu thứ sử,
Chạy về Tàu xin cử viện binh.(470)
Địch quân đông gấp bội mình,
Lại toàn thiện chiến, tình hình đáng lo. 

Quân của Bà phải co cụm lại.
Địch tiến lên mình phải rút lui.
Cuối cùng quân hết đường lùi,
Đến Bồ Điền xã nếm mùi diệt vong.
Bà ngẩng mặt, đôi dòng lệ đổ,
Thương dân mình vận khổ chưa rời.
Rút gươm đâm cổ lìa đời,
Không gian lặng ngắt, đất trời âm u.(480)
Gương liệt nữ ngàn thu vẫn sáng,
Tấm gương nầy làm rạng non sông. 

Vinh thay con cháu Tiên Rồng,
Có người nữ kiệt Lạc Hồng xứng danh,
Lúc nầy Tàu tranh giành ráo riết,
Tư Mã Viêm đã diệt nhà Ngô,
Tấn triều xây dựng cơ đồ,
Dân ta cứ chịu vong nô dài dài.
Nam Bắc triều lại thay nhà Tấn,
Nước Nam mình cam phận thuộc Lương.(490)
Lòng tham tàn bạo khó lường,
Quan Tàu cai trị toàn phường sài lang. 

Tên Tiêu Tư thuộc hàng quan dữ,
Được bổ làm thứ sử Giao Châu.
Là tên đại ác, ma đầu,
Dân mình chịu khổ không đâu cho bằng.
Ông Lý Bôn nghiến răng tức giận.
Quyết đứng lên rửa hận cho dân.
Tài cao lại biết cầm quân,
Bây giờ nhất quyết dấn thân cứu đời.(500)
Cuộc khởi nghĩa nhiều nơi khắp chốn,
Đuổi Tiêu Tư chạy trốn về Tàu. 

Lý Bôn bèn khoác long bào,
Xưng Nam Việt Đế ghi vào sử ta.
Niềm hân hoan vỡ òa khắp nước,
Cuộc đời dân nay được an lành.
Vạn Xuân được chọn quốc danh.
Long Biên thì đã trở thành kinh đô.
Kể từ đây cơ đồ Tiền Lý,
Được ghi vào sử ký ước ta.(510)
Thời kỳ nô lệ đã qua.
Nhân dân chung sống chan hòa tình thương.

Được một năm, quân Lương sang đánh.
Nam Đế thua phải lánh đi xa,
Trọn quyền điều khiển quốc gia,
Trao cho thuộc tướng tài ba của mình.
Triệu Quang Phục tận tình yêu nước,
Lại tài cao nên được quân thương.
Lúc đầu thế yếu khó đương,
Long Biên đảnh bỏ tìm phương phục thù.(520)
Chọn Dạ Trạch làm khu kháng chiến,
Lập trại rồi thì tuyển thêm quân. 

Nuôi quân cơm gạo rất cần,
Đem binh tìm giặc, bất thần tấn công.
Cướp lương thực rồi dông về trại,
Ăn hết rồi thì lại hành quân.
Quân Tàu chán nãn bội phần,
Tinh thần chiến đấu dần dần giảm suy.
Thế rồi chúng lâm nguy thảm bại,
Ta xông lên lấy lại Long Biên.(530)
Bấy giờ Nam Đế quy tiên,
Tướng tài họ Triệu bèn liền xưng vương. 

Sau khi thấy quê hương ổn định
Triệu Việt Vương mới tính lên đường
Đưa quân ra bãi chiến trường
Vài ngày đuổi hết quân Lương về Tàu.
Đất nước mình ở vào thời đó,
Có một người trong họ Lý Bôn.
Ngai vàng cứ ước vọng luôn.
Suốt đời muốn được suy tôn thánh hoàng.(540)
Lý Phật Tử, tên chàng háo chức,
Bất thình lình vây bức Việt Vương. 

Anh hùng mắc phải tai ương.
Thôi đành tự tử để nhường ngôi vua.
Bọn giặc Tàu trước thua nhục nhã,
Nay nghe tin muốn trả thù xưa.
Tràn qua biên giới đánh bừa.
Chúng vừa rửa hận lại vùa xâm lăng.
Thấy quân giặc hung hăng cướp nước.
Phật Tử hàng để được an thân.(550)
Thế là số mệnh toàn dân,
Lâm vòng bị trị đến lần thứ ba. 

Triều đại ở Trung Hoa đổi mãi,
Nhà Tùy xong rồi lại nhà Đường.
Đặt cho vùng đất biên cương,
Một tên phù hợp Bắc phương họa đồ.
Tên gọi An Nam Đô Hộ Phủ,
Nghe đến là hận cũ nổi lên.
Trăm ngàn năm cũng khó quên.
Dân ta cứ giữ triền miên căm hờn.(560)

 

(Xem tiếp Phần 5)

You may also like...

1 Response

  1. Tri Nguyen says:

    Kính thưa Thầy,

    Quả thật là em chưa đọc qua cuốn ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA của ngài Lê Ngô Cát. May mà Thầy phân tích rõ ràng trong mail này rồi. Thật khó hiểu tại sao Lê tiên sinh lại sử dụng những từ ngữ bất kính đó đối với anh hùng dân tộc ta mà lại tôn sùng giặc Tàu như vậy ! Theo ý Thầy thì do nguyên nhân nào đã ảnh hưởng cái nhìn của Lê tiên sinh khi viết bộ ĐNQSDC trong thời điểm đó ?
    Cảm ơn Thầy với Lịch sử VN 4.

    Trò Bích Hợp.

Leave a Reply